Tấm bia Hậu ở làng Dục Tú có ghi tên bà Đào Thị Sa
Trong câu chuyện về bà phi họ Đỗ hiện vẫn được lưu truyền trong dân gian, cho biết: “Dân Kẻ Dộc vẫn tự hào về làng Dọc có người con gái đẹp người đẹp nết, cần mẫn siêng năng, được Ngô Vương cưới về làm thứ phi. Tuy không có con với Vương, nhưng bà phi họ Đỗ đã có công dạy dỗ Vương tử của Ngô Vương nên người. Truyền thuyết kể rằng: Trong một lần dạo chơi, Ngô Vương đã gặp và mến mộ tài ăn nói, đối đáp của cô gái cắt cỏ bên sông, hỏi han mới biết người con gái đó họ Đào, làm con nuôi nhà họ Đỗ là Đỗ Thị Sa người làng Dộc. Ngô Vương cho rước người con gái ấy về làm vợ và phong làm thứ phi. Bà không có con với Vương được Vương cho về quê nhà và phong thưởng thực ấp.
Thư tịch cổ không có dòng nào chép việc Ngô Quyền trong thời gian 6 năm ở ngôi tại Cổ Loa có lấy bà thứ phi người địa phương này. Và bà thứ phi có tên là Đào Thị Sa cũng không được xuất hiện trong các ghi chép của sách lịch sử, chỉ có trong các truyền thuyết dân gian tại Cổ Loa mà thôi.
Để chuẩn bị tham luận báo cáo tại cuộc Hội thảo khoa học Ngô Quyền với Cổ Loa sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 2014, ngày 24-5-2014 TS. Nguyễn Hữu Tâm và Đại tá Ngô Minh đã về Dục Tú để tìm hiểu về bà Đào/Đỗ Thị Sa. Sau khi thăm chùa Tiên Cảnh, nơi lưu giữ tấm bia đá Hậu Phật bi ký, hai ông cho biết:
Mặt trước bia có khắc nổi 4 đại tự HẬU PHẬT BI KÝ viết về công đức của bà phi Đào Thị Sa tên tự là Pháp Thanh, làm trong nội cung của phủ chúa Trịnh, người thôn Tiền, xã Dục Tú, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc đã cung tiến ruộng, tiền. Quan viên, hương lão của thôn Tiền đã cùng nhau lập bản khoán ước bầu bà Đào Thị Sa làm hậu thần... Mặt sau tấm bia là bài minh ca ngợi công đức của bà phi Đào Thị Sa, cầu mong cho dân làng được hưởng phú quý. Dòng cuối ghi rõ bia được lập vào ngày tốt tháng Một (11) niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1633) triều vua Lê Chân Tông ở ngôi 20 năm (từ 1630 đến 1649) và giao cho Đào Công Ký, người trong họ Đào có trách nhiệm thờ phụng.
Hai tác giả bài viết còn cho biết thêm: “Việc bầu hậu Phật, hậu Thần của Việt Nam đã xuất hiện từ thế kỷ XV với những tấm via ghi chép về việc bầu hậu sớm nhất vào năm 1473 tại chùa Dâu, Phúc Khê (Thượng Phúc, Tả Thanh Oai, Hà Nội, muộn nhất cho đến nay là bia hậu ở thôn nội, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bằng chất liệu đồng trắng, lập vào năm 1946.
Như thế là đã rõ:
Bà Đào Thị Sa là cung phi vương phủ chúa Trịnh; mà chúa Trịnh chỉ bắt đầu từ Trịnh Tùng, ở ngôi 1570-1623.
Bà Đào Thị Sa được bầu làm hậu thần thôn Tiền, xã Dục Tú; mà tục bầu hậu ở Việt Nam ta mới chỉ có từ thế kỷ XV
Qua đó, tóm lại bà Đào Saị Sa không phải là thứ phi của Đức Vua Ngô Quyền.
Ngô Vui.