Thờ cúng tổ tiên là nghi thức tâm linh thể hiện quan niệm của con người về thế giới, theo đó, có một thế giới khác sau khi con người chấm dứt tồn tại thể xác. Thế giới đó có mối quan hệ gắn kết với thế giới hiện thực trong quan hệ hai chiều: con người ở thế giới hiện thực thể hiện tình cảm với người đã khuất và những người đã khuất có ảnh hưởng nhất định đến thế giới hiện tại. Một trong những ảnh hưởng có thể kiểm chứng ngay của những người đã khuất đến thế giới hiện tại là góp phần điều chỉnh, giáo dục con người thông qua hành vi thờ tự. Thờ cúng tổ tiên là nghi thức mang hiệu quả đặc biệt trong việc giáo dục chữ Hiếu, chữ Nhân, chữ Lễ, chữ Tâm - những phẩm chất cần thiết nhất để con người có thể được xem là hoàn thiện trong nhân cách.
Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt. Cho đến nay, việc lý giải một cách chính xác về thời điểm hình thành của gia đình vẫn chưa được xem là thực sự thỏa đáng. Những bí ẩn trong sức hấp dẫn của quan hệ tính giao được xem là cơ sở ban đầu của sự hình thành thiết chế đặc biệt này. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, tuy ở những mức độ khác nhau nhưng gia đình vẫn đang thực hiện những chức năng cơ bản nhất để có thể hỗ trợ con người phát triển toàn diện. Trong đó, một chức năng quan trọng của gia đình được tất cả các mô hình xã hội chú ý, đó là chức năng giáo dục.
Ngay từ khi mới ra đời, mỗi con người đều chịu ảnh hưởng từ giáo dục gia đình với những mức độ khác nhau. Trong một thiết chế mà cha mẹ luôn ý thức về nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng con cái, chăm lo việc học tập và sự phát triển lành mạnh của con cái cả về thể chất lẫn tinh thần để con cái trở thành những công dân có ích cho xã hội, con người sẽ được tạo những điều kiện tốt nhất để trở nên hoàn thiện. Do vậy, với trẻ em, gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là nơi trẻ em bắt đầu được trang bị những kiến thức đầu tiên về xã hội, con người xã hội của trẻ em được hình thành và hoàn thiện trong gia đình. Do vậy, có thể thấy, gia đình là cầu nối quan trọng nhất để trẻ em có thể được xã hội hoá, được tạo những bước chuẩn bị tốt nhất trước khi hoà nhập thực sự với cộng đồng. Trên một nền cảnh xã hội mà gia đình đang có xu hướng thu hẹp và tách dần khỏi sự cùng cư trú với cộng đồng họ hàng thì chức năng xã hội hóa trẻ em của gia đình càng trở nên rõ rệt. Không còn bước đệm gần gũi là quan hệ họ mạc, từ gia đình, trẻ em bước thẳng ra ngoài xã hội. Nếu không được chuẩn bị chu đáo, việc thích ứng với xã hội là khó khăn ở không ít trẻ em.
Giáo dục gia đình là loại hình giáo dục tương đối toàn diện. Trước hết là sự toàn diện trong nội dung giáo dục, bao gồm: giáo dục nghề nghiệp, giáo dục lao động, giáo dục thế ứng xử, giáo dục giới tính, giáo dục quan hệ huyết thống, giáo dục đạo đức nhân cách... Bên cạnh đó, giáo dục gia đình còn khá đa dạng trong hình thức: giáo dục bằng làm mẫu và nêu gương, giáo dục bằng răn đe nghiêm khắc, giáo dục bằng truyền thống gia đình, giáo dục bằng ca dao tục ngữ, bằng sự cảm hóa yêu thương...
Một trong những hình thức giáo dục mà gia đình người Việt truyền thống đã áp dụng chính là thông qua việc thờ cúng tổ tiên. Có thể nói, việc thờ cúng tổ tiên có vai trò rất quan trọng và mang một tác dụng đặc biệt trong giáo dục nhân cách và thế ứng xử cho các thành viên của gia đình.
Theo các tài liệu dân tộc học, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt được cho là xuất hiện cách ngày nay trên 3000 năm, khi các công cụ bằng đồng xuất hiện, tạo ra bước phát triển nhảy vọt cho sản xuất; đặc biệt là tạo ra nền nông nghiệp dùng cày đồng với sức kéo của con trâu, làm thay đổi vị thế xã hội của người đàn ông, chế độ phụ hệ thay thế cho mẫu hệ. Tín ngưỡng thờ tổ tiên và gia đình phụ hệ xuất hiện trong bối cảnh đó, là sự thờ cúng các bậc ông (bà), cha (mẹ), những người đồng tộc đã khuất thuộc dòng cha, với ý nghĩa biết ơn tổ tiên, cầu mong cho linh hồn tổ tiên được siêu thoát và với niềm tin sẽ được tổ tiên phù hộ trong cuộc sống[1].
Gia đình truyền thống của người Việt được hình thành trên cơ sở phương thức sản xuất nông nghiệp. Trên nền cảnh của sự hạn chế về khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất này phụ thuộc rất nhiều vào yếu yếu tố thời tiết, khí hậu, môi trường.... những yếu tố mà con người không thể chủ động điều chỉnh theo ý muốn. Sự ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên đến sản xuất nông nghiệp lớn đến mức người ta tin tưởng rằng, dường như, việc đạt được năng suất cao trong một vụ sản xuất là một điều may mắn, nằm ngoài sự cố gắng của con người. Những may mắn ấy đến được nhờ hành loạt những yếu tố hỗ trợ, trong đó có việc con người đã úng xử với thần linh, tổ tiên như thế nào để có thể được nhận sự giúp đỡ. Với lối tư duy hết sức thực dụng của mình, người nông dân thờ cúng tổ tiên có cơ sở sâu xa từ những đòi hỏi của nền tảng kinh tế, với hy vọng thần linh, tổ tiên sẽ giúp con người gặp nhiều may mắn hơn.
Gia đình người Việt được vận hành chế độ phụ quyền, việc thờ cúng tổ tiên còn mang đậm yếu tố gắn kết cộng đồng huyết thống, đề cao vai trò và ảnh hưởng của người cha. Đây là cơ sở tâm linh và xã hội quan trọng của việc phụng thờ Vua Tổ của người Việt. Theo chiều cạnh ngược lại, việc phụng thờ Vua Tổ vừa mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng dân tộc, vừa củng cố vững chắc hơn tính kỷ cương trong gia đình phụ quyền. Mục đích chung của thờ cúng tổ tiên trong gia đình và Vua Tổ của một Đại gia đình đều là để thể hiện sự biết ơn công lao tổ tiên, cầu mong cho linh hồn tổ tiên được siêu thoát và mong được tổ tiên phù hộ cho con cháu gặp nhiều điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống.
Khi tạo được đường dây liên hệ linh thiêng này, việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành một hình thức giáo dục mà thông qua đó, con người tự giác thực hiện theo những nội dung giáo dục mà gia đình muốn đạt tới.
Thờ cúng tổ tiên giáo dục chữ Nhân
Việc thờ cúng tổ tiên của người Việt có liên quan đến quan niệm con người khi chết sẽ biến thành ma, phải có người thờ cúng, mới trở thành ma lành, phù hộ cho con cháu; nếu không thì sẽ biến thành dữ, đi lang thang đây đó ... Vì thế, phải có con trai để thờ cúng mình sau này.
Về nguyên tắc, việc thờ cúng tổ tiên thuộc quyền của ngành trưởng. Trong trường hợp bố mẹ chết, con trai trưởng thay bố mẹ thờ cúng tổ tiên. Bát hương thờ bố mẹ đặt tại nhà con trưởng. Các con trai khác nếu sống gần con trưởng không được lập bàn thờ riêng để thờ bố mẹ và không được tổ chức cúng giỗ riêng; ngược lại, họ cùng những chị em gái đã đi lấy chồng có trách nhiệm góp giỗ (vào ngày giỗ của bố mẹ) và gửi lễ (vào các dịp Tết) để người con trưởng thắp hương. Quy định này của việc thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa giáo dục thế ứng xử rất cao ở việc nhắc nhở các con điều chỉnh quan hệ để có thể vẫn gắn kết thuận hòa như khi cha mẹ còn sống. Việc tổ chức cúng giỗ chung tại nhà người con trưởng là dịp để củng cố tình anh em, giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ. Trường hợp người con nào hỗn hào, bị các anh chị em truất quyền thờ cúng bố mẹ bằng việc không nhận lễ cũng đồng nghĩa với việc bị xã hội phủ nhận. Chữ Nhân vì thế được coi trọng đặc để làm căn cứ duy trì sự kết nối này.
Không chỉ điều chỉnh quan hệ ứng xử giữa các anh chị em ruột để gắn kết gia đình trong ngày giỗ cha mẹ, các thành viên khác cũng phải đề cao chữ Nhân mới có thể duy trì được nhiều thế hệ gắn bó với nhau, đặc biệt là ứng xử giữa chị em dâu, giữa anh em rể, giữa anh em con chú con bác… Cư xử nhân ái, hòa thuận, hiếu đễ để mỗi khi gặp nhau trong ngay giỗ cha mẹ, các thành viên trong nội tộc mới có thể không hổ thẹn với cha mẹ.
Tính tôn ty trong quan hệ gia đình được củng cố và nhấn sâu thêm cũng chính bởi quy định về quyền thờ cúng này của người con trai trưởng. Người con trai trưởng tuy được thừa hưởng những quyền lợi từ phần hương hỏa của cha mẹ để lại như một nền tảng kinh tế để duy trì lâu dài và ổn định việc thờ cúng nhưng nhìn chung là vẫn phải gánh vác phần đóng góp vật chất nặng nề hơn. Các em trai và em gái có đóng góp nhưng không mang tính bình quân. Đây là một yếu tố rất dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình.Tuy nhiên, trong tâm thức mỗi người, việc cúng giỗ cha mẹ thuộc về những phạm trù thiêng, do đó, mỗi người đều nhân ái với nhau hơn khi nghĩ về việc đóng góp. Thờ cúng tổ tiên là nghi thức tâm linh điều chỉnh và giáo dục chũ Nhân trong mỗi người. Đây cũng chính là cơ sở hình thành nên những mô thức khác của cơ sở kinh tế duy trì việc thờ cúng tổ tiên và đề cao tính tôn ty theo chiều dọc của quan hệ huyết thống như ruộng họ, nhà thờ họ…
Thờ cúng tổ tiên giáo dục chữ Hiếu
Dân gian vẫn lưu truyền : “ đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” với hàm ý về việc tất cả mọi thành viên trong gia đình đều chú ý đặc biệt đến việc tổ chức cúng giỗ sao cho chu tất nhất. Điều này thể hiện được sự hiếu thảo của con cháu khi nghĩ đến ông bà tổ tiên. Thông thường, trong ngày giỗ cha mẹ, các anh chị em đều cố gắng tổ chức cho đàng hoàng, trọng thể, vừa để thể hiện tấm lòng biết ơn công lao của bố mẹ, vừa là dịp anh chị em gặp gỡ nhau để hàn huyên, tâm sự, ôn lại những kỷ niệm giữa bố mẹ với anh chị em từ tấm bé; có khi là giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong các gia đình. Ngày Tết, các em trai và chị em gái đi lấy chồng tùy tâm, tùy điều kiện gửi về nhà trưởng một lễ ( thường là chai rượu, gói mứt, gói chè, vài quả cau…) để người con trưởng thắp hương lên bố mẹ.
Việc thờ cúng cha mẹ với ý nghĩa giáo dục chữ Hiếu được thể hiện ngay từ sau khi cha mẹ qua đời, trong việc tang và cúng tế sau này. Từ quy định về tang phục với chất vải thô, xấu xí, kiểu cách sơ sài đơn giản đến việc quy định con trai chống gậy, con gái lăn đường lót huyệt đều để thể hiện nỗi tiếc thương đau đớn của con cái khi cha mẹ qua đời. Sau khi chu toàn tang ma, con cái cúng cơm hàng ngày cho cha mẹ vẫn nằm trong mạch ý nghĩa về sự hiếu thảo để con cái được tiếp tục chăm sóc cha mẹ hàng ngày. Những ứng xử ấy đều có ảnh hưởng trực tiếp đến những thế hệ tiếp theo trong gia đình họ, để con cái của chính họ sẽ được ý thức đầy đủ hơn về sự hiếu thuận trong ứng xử hàng ngày với người còn sống.
Những trường hợp anh em ở gần nhau nhưng vì bất hòa nghiêm trọng mà phải từ nhau, lập bàn thờ bố mẹ riêng, tuy việc cúng tế vẫn được chu đáo nhưng trong quan niệm xã hội, đó vẫn là một biểu hiện của sự bất hiếu khi ly tán để bố mẹ đau lòng. Sự không chấp nhận đó của xã hội lại thêm một lần nhấn mạnh ý nghĩa giáo dục chữ Hiếu trong việc thờ cúng tổ tiên.
Thờ cúng tổ tiên giáo dục chữ Lễ
Giáo dục gia đình truyền thống đặc biệt coi trọng thái độ ứng xử đúng trong các mối quan hệ huyết thống của mỗi con người, coi đó là một trong những chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất. Một quan niệm được thừa nhận rộng rãi và được kiểm định bằng kinh nghiệm dân gian là: một người nếu không ứng xử đúng và tốt với các mối quan hệ huyết thống thì cũng sẽ khó có thể ứng xử đúng với các mối quan hệ xã hội khác. Do vậy, việc hiểu biết và ứng xử đúng với những mối quan hệ huyết thống được xem là thước đo sự lễ nghĩa của mỗi người. Điều này được đánh giá và giáo dục qua việc thờ cúng tổ tiên.
Việc thờ tổ tiên của người Việt diễn ra vào nhiều dịp trong năm, không chỉ vào ngày mất của cha mẹ, ông bà, mà còn vào các ngày sóc, vọng vốn là ngày cúng Thổ công ; các ngày Tết Nguyên đán và các lễ tiết khác trong năm; những khi trong nhà có việc vui, việc buồn, hoặc để cầu mong tổ tiên phù hộ cho một việc làm đang dự định thực hiện, một ước nguyện đang ấp ủ. Mỗi dịp thờ cúng lại có những quy định riêng mà việc tuân thủ những quy định này tạo nên một hệ thống nghi thức trong ứng xử. Khi thực hiện được đúng những quy định của nghi thức, con người được xem là ứng xử có lễ nghĩa, có lễ nghĩa với thần linh và lễ nghĩa với nhau giữa những người còn sống.
Để ứng xử đúng, có lễ, trước hết phải hiểu biết về tôn ty thứ bậc các mối quan hệ huyết thống. Ngay từ khi còn bé, trẻ em đã được dạy cách nhận biết những người thân quen trong gia đình, thông qua các từ chỉ vai vế, quan hệ: bố mẹ, ông bà, anh, chị, em…. Sau đó, bắt đầu được nhận biết những người thuộc phạm vi ngoài gia đình mình, thuộc họ nội, tức họ bên bố ( gồm chú bác ruột, cô ruột, anh chị em con chú, con bác và các bậc trên hơn, xa hơn…); họ ngoại, tức họ bên mẹ ( ông bà ngoại, cậu mợ ruột, dì ruột, anh chị em con cô con cậu, con dì con già và các bậc trên hơn, xa hơn…). Gắn với sự nhận biết từng người thuộc từng vai vế là cung cách xưng hô, lời ăn tiếng nói, dáng điệu và nhiều khi là cả các nghĩa vụ … đối với mỗi bậc. Sau này, khi trưởng thành, lấy vợ lấy chồng, từng người còn phải nhận biết được đầy đủ các mối quan hệ của gia đình nhà vợ ( hay nhà chồng ) - cả bên nội và bên ngoại để có một thái độ ứng xử đúng. Với mỗi vai vế và quan hệ, việc ứng xử lại được điều chỉnh cho phù hợp. Mỗi lần cúng giỗ, con cháu lại một lần nữa được cung cấp những kiến thức đó về họ mạc để ứng xử cho tốt.
Thờ cúng tổ tiên giáo dục chữ Tâm
Nhân, Hiếu, Lễ đều là những phẩm chất căn bản quan trọng mà mỗi người phải được giáo dục để hoàn thiện nhân cách, nó bị chi phối mạnh mẽ bởi suy nghĩ, tình cảm của từng người trong từng điều kiện cụ thể. Suy nghĩ và tình cảm ấy là sự thành tâm. Khi có tâm, con người ứng xử nhân hòa với nhau, khi có tâm con người hiếu đễ với cha mẹ, anh em, khi có tâm, con người ứng xử có lễ nghĩa, khi có tâm, con người dễ cảm hóa người khác, dễ hòa nhập với cộng đồng.
Về cơ bản, chữ Tâm được xem là biểu hiện căn bản của đạo đức khi nó đề cao sự chân thành, nhân hậu, thành ý. Không phải trong mọi trường hợp, sự thiện tâm thành ý đều mang lại kết quả ngay lập tức nhưng rõ ràng là điều đó giúp mỗi người được đón nhận tốt hơn. Sự thành tâm thiện ý luôn thể hiện bằng sự trân trọng, sự chu đáo, không nề hà khó khăn, không so đo tính toán hơn thiệt. Những điều tốt đẹp ấy được tìm thấy rất rõ trong thái độ mỗi người khi thờ cúng tổ tiên.
Có lẽ không có quá nhiều việc thu hút được sự thành tâm thiện ý và tập trung như việc con cái cũng giỗ thờ cúng cha mẹ. Sự thành tâm thể hiện ở việc con cái luôn chuẩn bị kế hoạch cho ngày cúng giỗ trước đó nhiều ngày. Sự chuẩn bị chu đáo thể hiện từ việc lên kế hoạch, phân công người thực hiện, mua sắm chuẩn bị lễ vật, mời khách khứa ... Việc cúng giỗ nhất thiết phải được xác định là tự nguyện. Chỉ có khi tâm sáng, không toan tính, cha mẹ mới linh chứng cho hành vi nghi lễ của con cháu. Với mọi gian dối, thiếu thiện ý trong thờ cúng tổ tiên, quan niệm xã hội đều cho rằng đó là biểu hiện xấu nhất của nhân cách.
Điều này thể hiện rõ nhất ở việc với người Việt, cho dù khó khăn, con cháu vẫn tự nguyện tiết kiệm chi tiêu để dành tập trung cho việc tổ chức cúng giỗ. Sự tiết kiệm này không hề gây nên sự khó chịu vì ai nấy đều xác định đó là việc làm cần thiết, là thể hiện mong muốn thực sự được tổ chức nghi lễ thờ cúng cho cha mẹ được chu tất nhất. Các vật phẩm đươc mua sắm với tâm ý là sẽ dâng lên ông bà tổ tiên cha mẹ những gì tốt nhất.
Điều này không phải chỉ có ý nghĩa với ngày cúng giỗ. Nó giúp hình thành trong nhân cách mỗi người ý thức về việc tiết kiệm, biết dự tính lo toan cho cuộc sống bản thân và gia đình; ý thức vì người khác ( chia sẻ với anh chị em khi cùng lo cúng giỗ, chia sẻ với họ mạc khi thờ cúng tổ tiên...); ý thức tích luỹ việc thiện ( vì tổ tiên đều chứng được mọi hành vi của họ nên không được làm điều gì xấu, vì mình mà làm hại người khác...)
Như vậy, việc thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi, giáo dục gia đình có chiều hướng bị điều chỉnh trong chức năng để gia đình dần dần chỉ con chú ý đến việc học tập mà nhẹ dần đi các nội dung giáo dục khác, việc thờ cúng tổ tiên bị đơn giản hóa thì ý nghĩa tốt đẹp của sinh hoạt truyền thống này cần phải được khai thác trên nhiều góc độ hơn. Rộng hơn, việc thờ cúng Vua Tổ của người Việt vốn có nền tảng từ thờ cúng tổ tiên trong gia đình càng cần được nhấn mạnh trong vai trò giáo dục nhân cách cá nhân. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, giáo dục gia đình thay đổi màu sắc, việc thờ cúng tổ tiên cũng không phải không có nhiều biến đổi. Tuy nhiên, nếu nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa giáo dục nhân cách cá nhân của việc thờ cúng tổ tiên thì nghi thức này sẽ mãi mãi phát huy được đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó./.
[1] Trần Đức Ngôn ( 2010) Văn hóa gia đình Việt Nam trong thời đại hiện nay. Đề tài NCKH cấp Bộ
PGS.TS Nguyễn Văn Cương
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn