Câu chuyện vui "Tiều phu và trí giả" giúp ta ngộ ra nhiều điều. Câu chuyện kể rằng:
Một học giả luôn tự nhận mình học sâu biết rộng, minh tường mọi thứ trên đời. Một lần cùng một người tiều phu đi chung trên một chuyến đò, ông ta đề nghị hai người chơi trò thi đố cho vui, ai không giải được phải mất tiền cho người kia, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu năm đồng, ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất một đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.
Người tiều phu thấy vậy, chỉ mỉm cười đồng ý. Ông vốn không muốn phân tài cao thấp hay kiếm tiền từ việc cá cược nhưng ông muốn cho vị học giả hiểu ra giá trị sâu sắc hơn của trí tuệ nên đã đồng ý.
Đầu tiên, vị học giả ra câu đố: ”Khổng Tử sinh năm nào?”
Người tiều phu chẳng nói chẳng rằng, lấy 1 đồng từ trong túi đưa cho học giả.
Vị học giả lại bảo: “Tôi hỏi ông một câu khác nhé”, rồi tiếp: “Thuyết Tương đối của Einstein có từ bao giờ?”
Người tiều phu lại lặng lẽ rút từ trong túi 1 đồng đưa cho học giả.
Đến lượt người tiều phu ra câu đố, ông chậm rãi hỏi:
“Con gì khi lên núi đi bằng 4 chân, khi xuống núi đi bằng 3 chân?”
Học giả vắt óc suy nghĩ mà mãi không tìm ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu 5 đồng. Sau đó hỏi lại người tiều phu: “Đấy là con gì vậy ông?”.
Người tiều phu đưa lại cho học giả 1 đồng, bảo: “Tôi cũng không biết!”
Vị học giả vô cùng sửng sốt, không nói được lời nào, còn vị tiều phu chỉ mỉm cười.
Trí tuệ không có nghĩa là khoe ra cho người ta biết mới thể hiện được sự khôn ngoan, sống khiêm tốn mới thực sự là thể hiện tri thức hơn người.
Những điều tốt vẫn luôn có những điều tốt hơn thay thế, cuộc sống biến đổi không ngừng đòi hỏi chúng ta luôn phải học hỏi. Nhưng cũng có những người, cho rằng mình đã “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” mà không chịu tiếp nhận, họ cứ muốn ôm giữ mãi những thứ cũ rích mà họ có được rồi tự ảo tưởng rằng mình trí tuệ hơn người.
Mình biết hơn người ta vấn đề này nhưng vấn đề khác thì không có kiến thức gì. Vậy nên con người cần có một tâm thái rộng mở để đón nhận những cái mới và khiêm tốn học hỏi. Cổ nhân có câu: “Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn”. Mỗi người thông thường chỉ mất 2 năm để học nói nhưng phải mất hàng chục năm, thậm chí cả đời để học cách im lặng. Cho nên, nói là một loại năng lực, nói đúng chỗ đúng lúc lại là một loại trí tuệ.
Người vốn có tính khiêm tốn thường hay tự cho rằng kiến thức của mình vẫn còn nhỏ bé, còn phải tiến thêm nữa và cần phải trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa. Người có sẵn tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường không đáng kể, luôn luôn tìm đủ mọi phương diện để học hỏi thêm lên.
Kinh nghiêm của người xưa khi qua sông thường lấy một hòn đá ném nó xuống nước để phỏng đoán độ sâu của con sông. Bọt nước bắn lên càng cao thì chứng tỏ nước sông càng cạn, càng nông. Trái lại, nơi nào không có bọt nước bắn lên, không nghe thấy âm thanh lớn thì chứng tỏ chỗ ấy nước càng sâu, thậm chí sâu không thể đo được. Nước càng sâu, chảy càng không có tiếng động. Làm người cũng nên như vậy!
ST