Làm việc với họ Ngô Bắc Ninh sau kỳ Đại hội

Thứ ba - 03/10/2023 09:28

Ngày 2/10/2023, đoàn Hội đồng họ Ngô Việt Nam đã về làm việc với một số chi họ Ngô khu vực huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
 
Đình Phong Xá thờ đức Thành hoàng Ngô Thanh Minh (Ngô Long)

Đầu tháng 9/2023 nhân dịp Đại hội họ Ngô tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi có dịp được gặp một số vị đại diện các chi họ Ngô trong Tỉnh về dự Đại hội. Sau về liền xây dựng kế hoạch tổ chức đi thăm hỏi bà con và làm việc tìm hiểu thêm các thông tin về các chi họ. Lần này đoàn đi gồm có các ông: Ngô Nhật Dân, Ủy viên Thường trực; Ngô Vi Tiết, Ủy viên Thường trực, Chủ tịch Hội đồng họ Ngô TP Hà Nội; Ngô Văn Xuân, Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Hội đồng.

Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là khu di tích đình, đền, chùa Phong Xá. Quần thể di tích nằm ở thôn Phong Xá, gần trung tâm xã Đông Phong, huyện Yên Phong. Đình, Đền thờ Đức thánh Ngô Thanh Minh (Ngô Long) – một vị tướng triều Ngô, có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược thể kỷ thứ X, được phong Tá minh Thiên triều, Thanh minh Đô thống Linh ứng Đại Vương. Cùng thờ trong Đình, Đền là thân mẫu Ngài, cụ bà Đặng Thị Thúy Trinh. Sau khi làm lễ dâng hương, đoàn được bác Thủ đền Nguyễn văn Thu tiếp và giới thiệu khái quát về cụm di tích. Được biết vào khoảng thế kỷ XVII, nơi đây là một cụm danh thắng đẹp, trung tâm tín ngưỡng lớn. Tuy nhiên, các công trình này đã bị phá hủy hoàn toàn do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến. Hòa bình lập lại, nhân dân địa phương đã xây dựng lại các di tích, trên cơ sở giữ nguyên lối kiến trúc văn hóa. Đình, Đền Phong Xá được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1992.

Thể theo nguyện vọng của đoàn muốn tìm hiểu về họ Ngô thôn Phong Xá, bác Thủ từ liền điện thoại ngay cho ông Ngô Văn Tình, đại diện họ Ngô Phong Xá ra cùng tiếp khách. Theo ông Tình giới thiệu, họ Ngô thôn Phong Xá là một chi của họ Ngô thôn Đại Lâm xã Tam Đa huyện Yên Phong. Đây là một chi họ tương đối nhỏ, với 27 hộ gia đình, khoảng 100 nhân khẩu, bà con chủ yếu sống bằng nghề nông, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Địa điểm tiếp theo đoàn đến là làng Đông Yên cùng xã. Đông Yên là một làng cổ xưa, trước có tên là Đông Khang, có ngôi đình từng nổi tiếng trong dân gian xứ Kinh Bắc với câu ca: “Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm.” Ở làng Đông Yên có 4 họ Ngô khác nhau: Ngô Bá, Ngô Xuân, Ngô Trọng và Ngô Trí. Chúng tôi đến tìm gặp ông Ngô Bá Xuân, người đã có liên hệ từ trước. Ông Xuân là một Đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Sau khi hưu trí, ngoài việc nghỉ ngơi, tập luyện giữ gìn sức khỏe, ông đã dành nhiều tâm huyết, công lao cho việc họ. Ông giới thiệu cho chúng tôi một số nét khái quát về tình hình chung các chi họ Ngô ở Đông Yên, đồng thời giới thiệu chi tiết thêm về họ Ngô Bá, tộc họ nhà ông. Theo giới thiệu, họ Ngô Bá là họ đông nhất trong các họ Ngô ở làng Đông Yên, hiện có khoảng 100 hộ gia đình với hơn 300 nhân khẩu. Họ chưa có từ đường chung, việc sinh hoạt dòng họ được tổ chức tại nhà Trưởng tộc, hiện gia phả mới xây dựng được 7, 8 đời gần đây. Cung cấp một số thông tin cơ bản xong, ông chuẩn bị gia phả đem đi phô tô coppy giao cho đoàn. Sau đó đích thân ông dẫn chúng tôi đi gặp đại diện các họ Ngô khác trong làng. Với dáng hình thon gọn, sải chân vững chắc, giọng nói sang sảng, ông dẫn chúng tôi đi khắp làng, trên đường đi gặp ai dù người già hay lớp trẻ ông đều tươi cười, vồn vã hỏi han. Dẫn chúng tôi đến từng nhà, ông cùng ngồi tiếp khách, giới thiệu vắn tắt với các vị trưởng tộc hoặc đại diện dòng họ về sự hiện diên của đoàn. Qua lời giới thiệu của ông, đại diện các chi họ và bà con tiếp đón chúng tôi rất cởi mở, chân tình. Qua đây cũng thấy được ảnh hưởng và uy tín của ông Ngô Bá Xuân đối với bà con trong làng.

Đại diện cho họ Ngô Xuân đón tiếp và làm việc với đoàn là Trưởng tộc Ngô Bá Xây. Chi họ này vốn các thế hệ trước đây đều lấy tên đệm là “Xuân” nhưng ba bốn đời gần đây con cháu đổi sang lấy tên đệm là “Bá” nên chi họ này hiện nay cũng được gọi là họ Ngô Bá, chúng tôi tạm gọi là họ Ngô Xuân cho dễ phân biệt. Đây là họ có nguồn gốc lâu đời, gốc tích các cụ từ Thanh Hóa chuyển ra nhưng chưa xác định được cụ thể từ thời gian và hoàn cảnh nào. Trước đây nhiều người từng làm quan, có công được triều đình ban tặng các đạo sắc phong (trước có 6 đạo sắc phong nhưng bị cháy mất 4 đạo, hiện còn giữ được 2 đạo đời Cảnh Hưng nhà Lê).

Đại diện họ Ngô Trọng tiếp đón đoàn là ông Ngô Trọng Hùng. Ông làm việc cùng đoàn với dáng vẻ rất say sưa, nhiệt tình và cởi mở. Trong khi giới thiệu với đoàn về chi họ, ông không quên “giao nhiệm vụ” cho bà nhà cầm cuốn gia phả ra hiệu phô tô sao lại để giao cho đoàn. Họ Ngô Trọng là một họ có quy mô trung bình. các cụ về đây sinh sống đã từ lâu nhưng phả gốc không còn nên không nhớ cụ Thủy tổ là ai, cụ thể đến đây từ khi nào. Hiện nay chi họ viết lại gia phả cũng mới xây dựng được 6, 7 đời gần đây. Theo ghi chép được thì từ đời cụ Tổ đến nay, đời nào cũng có người làm việc cho làng cho xã, được tiếng là dòng họ có nhiều người có học hành, có tư cách, được dân làng quý trọng.

Kết thúc buổi sáng cũng là lúc chúng tôi hoàn thành việc tìm hiểu các họ Ngô ở làng Đông Yên với khối lượng công việc đáng nể. Đầu giờ chiều chúng tôi nhanh chóng đến làm việc với họ Ngô Khúc Toại phường Khúc Xuyên. Khúc Toại xưa có tên nôm là Làng Chọi, một địa danh bên bờ sông Ngũ Huyện Khê thuộc xã Khúc Xuyên huyện Yên Phong, nay là phường Khúc Xuyên thành phố Bắc Ninh. Họ Khúc Xuyên có Anh hùng Lao động, doanh nhân Ngô Văn Sơn, hiện là Chủ tịch Hội đồng họ Ngô tỉnh Bắc Ninh. Biết tin đoàn về làm việc, đích thân ông Ngô Văn Sơn từ cơ quan ở Bắc Giang về cùng các ông Ngô Văn Quang, Ngô Văn Tuấn và một số vị đại diện trong họ tiếp và làm việc với đoàn. Họ Ngô Khúc Xuyên là một họ lớn, có 6 chi, trong đó 1 chi mang họ Nguyễn, khoảng hơn 1.000 nhân khẩu với hơn 300 suất đinh. Thủy tổ là cụ Ngô Đình Khang tự Phúc Minh, từ Thanh Hóa ra, chưa rõ thời gian và hoàn cảnh. Nhà thờ chi họ được xây dựng từ lâu, thời kỳ Cải cách ruộng đất chính quyền địa phương trưng thu, sau giao lại cho Họ quản lý, đến nay đã qua mấy lần tu sửa. Trong nhà thờ có tấm bia cổ ghi chép 3 mặt, 3 tấm bia hậu và hệ thống hoành phi câu đối còn lưu giữ được khá hoàn chỉnh. Gia phả chi họ không có hoặc bị thất lạc nên hiện không xác định được chi nào trên, chi nào dưới và không biết đã có bao nhiêu thế hệ cháu con. Làm việc với các vị đại diện chi họ, chúng tôi trao đổi thêm một số kinh nghiệm, trước mắt nên tổ chức cho dịch các tấm bia trong từ đường để tìm kiếm các thông tin về nguồn gốc và các dữ liệu liên quan khác; cùng với đó khởi động việc biên tập gia phả của các chi, sau căn cứ các thông tin có được sẽ dần dần tháo gỡ những chỗ vướng mắc.

Cuối ngày chúng tôi khẩn trương về thăm và làm việc với bà con họ Ngô phường Phù Khê thành phố Từ Sơn. Tiếp đón đoàn là Tộc trưởng Ngô Đình Nhân. Với dáng vẻ nhanh nhẹn, nhiệt tình, hiếu khách, sau khi giới thiệu một số tình hình và đặc điểm dòng họ, ông đã chuẩn bị và cung cấp cho đoàn bản sao gia phả gốc phục vụ công tác dịch thuật, nghiên cứu và tổng hợp đưa vào hệ thống phả hệ chung của họ Ngô Việt Nam, rồi dẫn chúng tôi ra thăm từ đường, viếng thăm và thắp hương mộ Tổ. Họ Ngô Phù Khê là một dòng họ lâu đời, có 3 chi với hơn 200 suất đinh. Trong lịch sử khoa bảng Họ có Tiến sỹ Ngô Lôi, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất 1466 đời Lê Thánh Tông. Ông được cử đi sứ sau chuyển sang ngạch võ, thăng đến Tổng binh thiêm sự, được lưu danh ở bia Tiến sỹ Văn miếu – Quốc tử giám. Phù Khê là quê hương cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo Đảng CSVN thời kỳ 1938/1940. Phù Khê trước đây có tên là làng Phù Đàm, do 7 dòng họ lập nghiệp dựng lên, trong đó có họ Ngô và một họ Nguyễn dòng dõi Nguyễn Trãi. Nguyên là, trong thảm án Lệ Chi Viên năm 1442, bốn người con của Nguyễn Trãi đã trốn thoát được họa chu di, một trong bốn người đó là Nguyễn Phù trốn về nương náu ở làng Phù Đàm, sau con cháu phát triển thành chi họ Nguyễn ở đây. Người dân Phù Khê nhiều đời nay giữ được nghề mộc truyền thống; Những năm gần đây sản phẩm chủ yếu là đồ gỗ mỹ nghệ trang trí nội thất và đồ dùng gia đình có giá trị kinh tế cao, thu hút một lực lượng lớn lao động. Đời sống nhân dân không ngừng nâng cao, bộ mặt quê hương đổi mới rất nhiều.

Kết thúc ngày làm việc đoàn cũng hoàn thành kế hoạch chuyến đi. Trong quá trình làm việc, ông Ngô Nhật Dân đã nhanh chóng tổng hợp, đưa các di tích, công trình thờ tự của các chi họ vào hệ thống thờ tự chung của của Họ Ngô Việt Nam, kịp thời giới thiệu trên Google Map.

Ngô Văn Xuân
Dưới đây là một số hình ảnh:

 
Dâng hương tại đình Phong Xá
 
chụp chung với Thủ từ và đại diện họ Ngô thôn Phong Xá
 
Dâng hương tại từ đường họ Ngô Khúc Xuyên TP Bắc Ninh
 
Chụp ảnh chung trước cửa từ đường họ Khúc Xuyên
 
Mộ Tổ họ Ngô Phù Khê TP Từ Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm81
  • Hôm nay57,869
  • Tháng hiện tại821,534
  • Tổng lượt truy cập41,450,641
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây