Lê Ngô Cát – Người viết sử bằng thơ

Thứ hai - 24/11/2014 04:57

Lê Ngô Cát – Người viết sử bằng thơ

Cách đây 139 năm, một viên quan cũ của nhà Nguyễn đã từ trần ở vùng biên cương (Cao Bằng) như một người làm vườn bình dị. Đó là Lê Ngô Cát, tác giả đầu tiên của cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca, một cuốn lịch sử bằng thơ.

                                                         

Lê Ngô Cát là tác giả đầu tiên của cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca, cuốn lịch sử bằng thơ. Tuy chỉ là một bài vè minh họa cho các sự kiện lịch sử nhưng sự phóng khoáng của trí tưởng tượng, tài năng và mỹ cảm của người viết đã làm cho Đại Nam quốc sử diễn ca có sức hấp dẫn đặc biệt.

 

Bài ca nồng nhiệt về lịch sử dân tộc

Trong các cuộc tìm kiếm sách cũ ở Bắc Kỳ thời Vua Tự Đức (1847-1883), một người học trò ở Bắc Ninh không rõ họ tên đã dâng nộp một cuốn sách cổ mà nội dung là diễn ca lịch sử dân tộc bằng chữ Nôm. Vua mới chọn một viên quan ở Quốc Sử Quán tên là Lê Ngô Cát biên soạn lại cuốn sách này và cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

So với Đại Việt Sử ký Toàn thư là pho sử lớn nhất của nước ta thì Đại Nam quốc sử diễn ca chỉ là một bài vè minh họa cho các sự kiện lịch sử đã được nhắc đến trong pho sử này. Nhưng sự phóng khoáng của trí tưởng tượng và sự lộng lẫy của hình ảnh trong lời văn làm Đại Nam quốc sử diễn ca vẫn có một sự hấp dẫn đặc biệt. Ở đây lịch sử được kể lại một lần nữa qua tài năng và mỹ cảm của người viết, lúc rủ rỉ thiết tha như lời truyền dạy bên đống lửa, lúc ngân nga như câu hát đồng dao... Qua đó Lê Ngô Cát tiếp tục phủ thêm một mầu sắc huyền thoại vào lịch sử chính thống, nhưng đồng thời làm cho các nhân vật và các sự kiện từ thời Đinh - Lê trở về trước trở nên sáng tỏ và sống động:

Ngàn Tây nổi áng phong trần,

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.

Đó là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Và nữa:

Vú dài ba thước vắt lưng,

Cưỡi voi lộng lẫy bên rừng trổ ra.

Đó là hình ảnh Bà Triệu. Văn chương phóng khoáng khó ai bì kịp. Đến cảnh chị em Trưng Trắc thất trận hay Triệu Thị Trinh tuẫn tiết lời lẽ cảm động đau xót mà vẫn tỏ rõ khí  phách:

Trưng Vương vắng mặt còn ai,

Đi về thay đổi mặc người Hán Quan.

 

Đằng sau khúc ca ấy...

Đọc Đại Nam quốc Sử diễn ca thì được biết Lê Ngô Cát là người có nhiều tâm sự trước thời vận, lại biết ông có cốt cách phóng khoáng của một thi nhân hơn là chính kiến của một sử quan. Thế nhưng giai thoại lại kể về ông như một sử quan bị thất sủng có đầu óc khôi hài và hơi ngỗ nghịch. Ông người làng Hương Lang (huyện Chương Đức thuộc tỉnh Hà Nội cũ), chỉ đỗ đến cử nhân. Sách của họ Lê làm ra chưa hề được in ấn. Vả lại Vua Tự Đức lúc đó đang bận làm mấy quyển Việt sử nên không để mắt đến công trình này. Chuyện kể rằng Vua có xem sách của họ Lê dâng lên, đọc đến đoạn Triệu Thị cưỡi voi đánh giặc thì lấy làm mếch lòng mới phê rằng: "Như thế thì hèn cho đàn ông nước Nam lắm!". Họ Lê không dám nói gì. Đến câu: “Vú dài ba thước vắt lưng” thì Vua nổi giận thật sự, họ Lê sợ tội mới khéo chữa thành câu thơ vô vị này: Phất phơ dải yếm vắt lưng. Chuyện còn kể thêm rằng sau bấy nhiêu lỗi, họ Lê chỉ được Vua thưởng cho một tấm lụa và hai đồng bạc, ra đến cửa thành ông mới bỡn lại Vua bằng hai câu ca thế này:

Vua khen thằng Cát có tài,

Ban cho cái khố với hai đồng tiền.

Có lẽ ông buồn vì tinh thần của Đại Nam quốc sử diễn ca không được biết đến và trọng dụng để chấn hưng cho sự nghiệp nước nhà lúc ấy đang suy. Và cũng sau tiếng cười ra nước mắt ấy, họ Lê biến mất khỏi bầu trời văn học Việt Nam và hình như không còn để thêm một dấu ấn gì khác nữa. Và cũng từ đó cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca chuyển vào tay Phạm Đình Toái - một viên quan mê thơ lục bát và càng về già càng tán dương thể loại này một cách nhiệt liệt. Và cũng nhờ đầu óc thực tế của ông quan này mà cuốn sách đã được in ra. Nhưng Đại Nam quốc sử diễn ca đã chịu sự sửa chữa của ông, chỉ còn lại 1.027 câu thay vì 1.887 câu lúc đầu. Tuy nhiên những cố gắng in ấn của họ Phạm đã gặp nhiều khó khăn. Năm 1886, trong một bức thư để lại, ông thở dài mà viết: "Nay bản khắc ấy (bản khắc cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca) đã lọt vào tay một nhà buôn ở Nghệ An". Nhưng ông không biết rằng 16 năm trước đó (1875) nhờ học giả Trương Vĩnh Ký, Đại Nam quốc sử diễn ca đã được phổ biến rộng bằng bản in chữ quốc ngữ và đã được đón chào nồng nhiệt.

Suy nghĩ về một cách tiếp cận lịch sử

Đại Nam quốc sử diễn ca đã vượt qua giá trị của một bài vè dễ thuộc dễ nhớ để trở thành một cách tiếp cận và phổ biến lịch sử mà ngày nay chúng ta phải trân trọng giữ gìn và tiếp nối (tất nhiên cũng như các quyển sử cũ khác, những hạn chế về tư tưởng của nó là rất khó tránh khỏi). Bởi lịch sử dân tộc xét cho cùng là lịch sử con người của dân tộc đó, họ vừa là chủ nhân của sự kiện, vừa tồn tại như những con người cụ thể với một tâm hồn, một tính cách. Và những mẩu chuyện nhỏ hay những bài ca giản dị và hùng tráng về những con người ấy lập tức được mọi người đọc hiểu, thuộc lòng và hát lên trong cuộc sống cộng đồng.

Vì vậy Đại Nam quốc sử diễn ca sống mãi và trở thành ký ức của mọi người ngay từ thời ấu học. Đó chính là tình cảm của người Việt Nam với các thế hệ tổ tiên mình, với lịch sử dân tộc mình, và với cả tác giả của cuốn giảng sử độc đáo ấy: Lê Ngô Cát.

(Tác giả: Đỗ Doãn Phương)

Mấy nét về tiểu sử danh nhân Lê Ngô Cát

Lê Ngô Cát (Đinh Hợi 1827 - Ất Hợi 1875), danh sĩ, sử gia đời Tự Đức, tự Bá Hanh, hiệu Trung Mại, quê xã Hương Lang, huyện Chương Đức (nay là xã Thụy Hương, huyện Chương Mĩ, Hà Nội), con cụ cử Lê Ngọc Duệ. Cụ Cử Duệ vốn họ Ngô, vì cha mẹ mất từ khi còn nhỏ, phải ở với cô ruột, được vợ chồng cô nuôi dạy như con đẻ, cho ăn học thành tài nên mang họ chồng cô – họ Lê.

Năm Mậu thân 1848, Lê Ngô Cát đỗ cử nhân, sơ bổ giáo thọ phủ Kinh Môn (Hải Dương) ít lâu bổ tri huyện Thất Khê (Lạng Sơn) rồi thăng Hàn lâm viện biên tu.

Năm Mậu ngọ 1858, làm việc ở Quốc sử quán, sau làm án sát Cao Bằng.

Trong năm Kỷ vị 1859, ông được Phan Thanh Giản đề cử, cùng với Trương Phúc Hào dự vào việc hiệu đính Việt sử ca hay Sử kí quốc ngữ ca tức Đại Nam quốc sử diễn ca.

(Nguyên quyển Đại Nam quốc sử diễn ca vốn của một tác giả vô danh ở cuối đời Lê, người tỉnh Bắc Ninh, khởi thảo và nộp vào viện tập hiên năm Đinh vị 1857. Lê Ngô Cát sửa lại và chép tiếp thêm đến hồi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc. Bộ sử này có Phạm Xuân Quế nhuận sắc. Đến Quý dậu 1873, Phạm Đình Toái có sửa chữa nữa, bốn phần rút lấy một, rồi Phan Đình Thực và các danh sĩ lại nhuận sắc thêm. Xong Phạm Đình Toái cho khắc ván in ở Nghệ An, có quan Bình chuẩn Đặng Huy Trứ tiếp sức).

Lê Ngô Cát rất sính thơ lục bát, ông không tha thiết với công danh, nên chẳng bao lâu cáo quan về vui thú ruộng vườn.

Năm ất hợi 1875, ngày 20 tháng 5 ông mất tại Cao Bằng, hưởng dương 48 tuổi.

 

NVX Sưu tầm, tổng hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập398
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm393
  • Hôm nay75,548
  • Tháng hiện tại1,389,312
  • Tổng lượt truy cập52,883,703
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây