Danh tướng Ngô Văn Sở người làng Bình Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), ông vốn gốc Trảo Nha, huyện Thạch Hà (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) con cháu Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, trong phả có tên là Ngô Văn Tàng, khi ký giấy tờ bang giao lấy tên là Ngô Hồng Chấn. Cha ông là Ngô Văn Diễn, gữ chức Khinh xạ Vệ úy triều Lê – Trịnh, trấn giữ đất Quảng Nam (Có tài liệu nói mẹ ông tên là Nguyễn Thị Mỹ nhưng không rõ người quê gốc ở đâu). Ông nội là Ngô Mãnh, từng làm quan đến chức Đô Thống thời Chúa Nguyễn, trấn đóng nơi địa đầu Linh Giang và Trường Dục. Do tính cương trực, không chịu luồn cúi nên bị Trương Phúc Loan tìm cách hãm hại, vu cho tội thông đồng với Chúa Trịnh, bị tước thu binh quyền, tịch thu gia sản và phải tội lưu đày. Sau trốn được cảnh ngục tù, không dám trở về quê hương, cùng cháu nội thay tên đổi họ, lưu lạc đến đất Tây Sơn(*).
Khi anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Ngô Văn Sở đến xin góp sức góp tài, nhờ võ dũng và mưu lược, ông được Tây Sơn vương trọng dụng. Ông theo giúp Tây Sơn lập rất nhiều chiến công, đặc biệt là chiến thắng lẫy lừng trong trận đánh đuổi quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789.
Năm 1773, Ngô Văn Sở được cử làm Chinh Nam Đại tướng quân cùng Lê Văn Lộc, Lê Văn Hưng vào đánh chiếm 3 phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Khi Nguyễn Nhạc xưng đế, phong Ngô Văn Sở chức Đại tư mã. Lúc Nguyễn Huệ ra đánh Thuận Hóa đem theo Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm Tham tán quân vụ.
Năm 1787 Ngô Văn Sở cùng Tiết chế Vũ Văn Nhậm ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, đánh chiếm Thăng Long. Khi Vũ Văn Nhậm sinh lòng phản trắc bị Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giết, Ngô Văn Sở được cử làm Đại tư mã, giao trọng trách trông coi 11 trấn Bắc Hà. Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Hộ bộ Trần Thuận Ngôn, Học sĩ Ngô Thì Nhậm đều theo Ngô Văn Sở giữ Thăng Long. Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, trước khi về lại Phú Xuân, trong buổi trao quyền cho Ngô Văn Sở, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã nói: "Sở và Lân là nanh vuốt của ta. Dụng và Ngôn là lòng dạ của ta. Nhậm là bề tôi mới của ta. Nay ta lấy cái việc quân vụ và quốc chính của 11 trấn Bắc Hà ủy thác cho. Ta thuận cho theo tiện nghi mà làm việc, phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì cũ mới mà xa nhau".
Tháng 11 năm Mậu Thân 1788, trước sức tấn công của 20 vạn quân Thanh do Tôn Sỹ Nghị thống lãnh tràn sang xâm lược nước ta dưới chiêu bài giúp Lê Chiêu Thống, ông nghe theo kế sách của Ngô Thì Nhậm rút quân về trấn giữ ở núi Tam Điệp, cấp cáo về Phú Xuân. Bắc Bình Vương làm lễ đăng quang lấy niên hiệu Quang Trung năm thứ 1, giao cho ông và Phan Văn Lân đi tiên phong đạo quân chủ lực dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quang Trung tiến đánh quân Thanh, thắng trận Hạ Hồi, Ngọc Hồi, tiến vào Thăng Long. Sau đó Ngô Văn Sở tiếp tục được giao trấn thủ Bắc Hà.
Năm Canh Tuất 1790 Ngô Văn Sở phụng mệnh cầm đầu phái đoàn 100 người đưa Vua Quang Trung (do Phan Công Trị đóng giả) sang Yên Kinh dự lễ Bát tuần đại thọ vua Thanh Càn Long. Việc Ngô Văn Sở cùng đi với “Quốc vương” trong đoàn sứ bộ, làm cho Càn Long đặc biệt chú ý, vì Càn Long biết rõ Ngô Văn Sở là đại thần trụ cột của Tây Sơn, lại trực tiếp coi giữ toàn quyền ở Bắc Hà. Về chuyện ta đưa vua Quang Trung giả sang Yên Kinh, triều đình Mãn Thanh cũng biết rõ song cứ vờ xem như là thật. Đương nhiên họ cũng hiểu rằng nhân vật chủ chốt nhất, có quyền lực nhất nằm trong đoàn sứ bộ là Ngô Văn Sở, do đó ông được vua Thanh trọng vọng, ưu đãi khác thường. Khi về nước ông được phong Thuỷ sư Đô đốc.
Năm 1792 vua Cảnh Thịnh lên ngôi tấn phong chức Đại Đổng lý, tước Chấn Quận công, coi sóc cả việc quân và dân ở Bắc Thành. Dưới quyền cai quản của ông, tình hình các trấn ở miền Bắc nhanh chóng ổn định, đi vào nền nếp. Ông thi hành nhiều chính sách tích cực, coi trọng văn học, mở khoa thi để thu dụng kẻ sĩ, đặt chức Huấn khoa để xét hỏi kẻ gian trong châu huyện... nên có uy tín lớn đối với nhân dân. Trong sách Tây Sơn Lương tướng ngoại truyện có đoạn chép về ông như sau: "Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi, tiếng tăm, lúc nào cũng muốn tránh quyền thế. Thường ngày, ông yêu kính quân tử mà vẫn giữ lòng thương xót tiểu nhân. Ông cùng với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân đều là danh tướng, được người đương thời gọi là Tứ kiệt".
Vua Quang Trung mất, vua Quang Toản còn nhỏ, quyền hành nhanh chóng bị rơi vào tay người cậu của vua là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Theo tài liệu của các giáo sĩ phương Tây có mặt tại Phú Xuân lúc bấy giờ thì Bùi Đắc Tuyên muốn lật đổ vua Cảnh Thịnh, thanh trừng các công thần Tây Sơn để đưa con mình là Bùi Đắc Trụ lên làm vua. Năm 1795, dù đã cố can gián nhưng Ngô Văn Sở vẫn không ngăn được vua Quang Toản và Thái sư Bùi Đắc Tuyên hành hình tướng Lê Văn Hưng, một trong những danh tướng hàng đầu nhà Tây Sơn.
Trong một cuộc đấu tranh nội bộ nơi vương triều, Đại đô đốc Võ Văn Dũng nghe theo lời Trần Văn Kỷ, phối hợp với Đô đốc Hoà đã sai quân bắt cha con Bùi Đắc Tuyên hạ ngục. Cho rằng Ngô Văn Sở là người cùng phe cánh với Bùi Đắc Tuyên nên Võ Văn Dũng đã làm giả chiếu vua để triệu ông về Phú Xuân. Ông bị khép vào tội mưu phản và bị hãm hại. Vua Quang Toản biết Ngô Văn Sở bị oan nhưng cũng bất lực. Đây là một cái chết oan khiên, thê thảm đối với một trong những công thần hàng đầu của Vương triều Tây Sơn. Cũng từ đây triều đình Tây Sơn ngày càng lục đục, dưới trên nghi kỵ, kết phái chia bè sát hại lẫn nhau, một số người bỏ trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh. Triều đình Tây Sơn suy vi, cuối cùng năm 1802 bị lực lượng Nguyễn Ánh đánh dẹp, lập ra triều đại nhà Nguyễn.
Ngô Xuân
(Tổng hợp từ: baobinhdinh; Từ điển BKTT mở; Lịch sử Họ Ngô VN)
(*) Trong bài “Có một hay hai Ngô Văn Sở” của tác giả Ngô Vui đăng trên Nội san Họ Ngô Việt Nam – NXN Văn học – năm 2009 thì, Ngô Văn Sở (Tây Sơn) gốc người Trảo Nha huyện Thạch Hà (nay là thị trấn Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh, thuộc dòng dõi Ngô Cảnh Hựu (1520 – 1596), một viên tướng nổi tiếng thời Lê Trung hưng. Ngô Cảnh Hựu là huyền tôn vị Thủy Tổ họ Ngô – Trảo Nha. Đích tôn Ngô Cảnh Hựu là Ngô Phúc Vạn (1577 – 1652), có 10 con trai được chia thành 10 chi, thì Ngô Văn Sở thuộc Chi thứ 5, cùng chi với nhà thơ Xuân Diệu. Ông Ngô Văn Diễn – thân sinh Ngô Văn Sở có 4 con trai: Ngô Văn Sở, Ngô Văn Trị, Ngô Văn Ngữ và Ngô Văn Dân. Năm 1771, khi Nguyễn Nhạc dấy nghiệp thì Ngô Văn Sở theo Tây Sơn, về sau được phong Đại Tư mã, Chấn quận công. Ngô Văn Ngữ sau theo Gia Long, được phong Trấn thủ Kinh Bắc, Ngữ Luận hầu. Hai người còn lại chẳng theo bên nào, trốn khỏi quê, đến nay không rõ.
Ngô Văn Sở có 6 bà vợ, là các bà: Nguyễn Thị Quý, Đặng Thị Vậy, Trương Thị Trà, Trần Thị Ngoạn, Lê Thị Yến và Huỳnh Thị Lan. Ngô Văn Sở không có con gái, chỉ có 2 con trai là: Ngô Văn Đắc, Ngô Văn Nhật (Không rõ là con bà nào). Con cả Ngô Văn Đắc có hai con là Ngô Văn Chương và Ngô Văn Kỳ. Năm 1802, khi nhà Tây Sơn sụp đổ thì cả hai con trai và hai cháu nội Ngô Văn Sở đều chốn chạy khỏi quê, đến nay chưa rõ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn