Ngô Xương Xí – Vị vua cuối cùng Triều đại nhà Ngô

Thứ tư - 13/03/2019 20:02

Ngô Xương Xí thuộc đời thứ 8 họ Ngô Việt Nam, là Thái tử, con trai Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và là cháu nội của Đức Vương Ngô Quyền, cũng là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Ngô.
 
v
Đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí ở xã Tân Sơn huyện Đô Lương, Nghệ An


Theo chính sử thì năm 944 Ngô Quyền mất, uỷ thác con trưởng Ngô Xương Ngập cho Dương Tam Kha - em của Dương hậu. Dương Tam Kha lợi dụng chiếm ngôi của cháu. Ngô Xương Ngập chạy về nương náu tại nhà Phạm Lệnh Công - một hào trưởng ở làng Trà Hương, Nam Sách Giang (nay thuộc làng Thuỵ Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ở đó Ngô Xương Ngập lấy bà Phạm Thị Uy Duyên, con gái Phạm Lệnh Công (có tài liệu cho bà là con gái danh tướng Phạm Bạch Hổ, con trai Phạm Lệnh công), rồi sinh ra Ngô Xương Xí.
Chính sử không ghi rõ năm sinh và năm mất của Ngô Xương Xí, nhưng căn cứ vào hành trạng trên của Thiên Sách Vương thì người ta có thể suy đoán ông sinh khoảng từ năm 944 đến trước năm 950 (tức trong thời gian cha ông nương nhờ Phạm Lệnh Công ở Trà Hương).
Dương Tam Kha lên ngôi xưng là Dương Bình Vương, nhận Ngô Xương Văn - em trai Ngô Xương Ngập - làm con nuôi. Năm 950 Ngô Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha, đòi lại ngôi báu, lên ngôi xưng là Nam Tấn Vương, rồi cho người đón Ngô Xương Ngập về cùng lo việc nước, xưng là Thiên Sách Vương.
Từ khi Dương tam Kha tiếm vị, nhiều nơi không chịu thuần phục, thổ hào ở các nơi như bọn Trần Lãm, Kiểu công Hãn v.v… đều xướng lên độc lập, sử gọi là các sứ quân. Về sau Nam Tấn vương khôi phục được nghiệp cũ, nhưng các sứ quân vẫn không chịu về thần phục, bởi vậy nhà vua cứ phải đi đánh dẹp mãi mà không yên được.
Năm 954, Ngô Xương Ngập ngã bệnh mất, chỉ còn Nam Tấn vương nắm giữ triều chính. Năm 965, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn đi đánh dẹp hai thôn Đường, Nguyễn, bị phục binh bắn nỏ tử thương. Ngô Xương Xí lên kế vị ngôi báu từ người chú, nhưng lúc đó tình hình trong nước rối ren, các thế lực nổi lên cát cứ khắp nơi, thế lực nhà vua lúc ấy rất suy yếu nên ông đã phải lui về chiếm giữ đất Bình Kiều. Ở đây ông củng cố lực lượng: xây lũy đắp thành, chiêu dân lập cứ, luyện tập binh mã... Trong nước lúc đó hình thành các đạo quân lớn, mỗi đạo chiếm cứ một nợi, sử sách gọi là Loạn 12 sứ quân. Các đạo quân bảo vệ chính thể Triều đình do Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh, Đỗ Cảnh Thạc… nẵm giữ cũng bị những nhà làm sử sau này liệt thành sứ quân. Đạo quân Ngô Xương Xí được gọi là Sứ quân Bình Kiều hay Ngô Sứ quân.
Năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan các sứ quân, lập ra triều đại nhà Đinh, Ngô Sứ quân là đạo quân cuối cùng bị nhà Đinh quy phục. Đinh Bộ Lĩnh có mời Ngô Xương Xí tham gia triều chính nhưng ông từ chối và lánh về ẩn cư ở vùng thượng du Châu Ái (tức Thanh Hóa). Triều đại nhà Ngô đến đây chính thức kết thúc.

Đánh giá về Ngô Xương Xí, trong Đại Việt sử ký tiền biên, sử gia Ngô Thì Sỹ viết: "Ngô Sứ quân là con thứ của dòng họ lớn nối cơ nghiệp đã suy của cha chú, ngôi báu mất, lòng người chia lìa, hào kiệt thừa cơ mà nổi dậy, chia cắt huyện ấp, cắn xé lẫn nhau, thế mà [Xương Xí] đã lấy chút đèn tàn ở xứ Bình Kiều mà dự vào hàng ngũ sứ quân."   

Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, sau Ngô Xương Xí, đến đời con ông là Ngô Xương Sắc và Ngô Ích Vệ (đời thứ 9) thì Phả phân thành 2 ngành: Trưởng và Thứ. Ở ngành Trưởng, cháu nội ông là Ngô Tử An sau theo Lê Hoàn lập nên triều đại nhà Tiền Lê và có nhiều công lao đối với triều đình, đất nước. Ở Ngành Thứ, tằng tôn (chắt nội) ông là Ngô Tuấn – Lý Thường Kiệt, một danh nhân, anh hùng dân tộc, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp gìn giữ giang sơn và mở mang bờ cõi.
Người anh trai của Ngô Xương Xí là Ngô Xương Tỷ (tức Ngô Chân Lưu) theo nghiệp tu hành, sau này được Đinh Tiên Hoàng phong làm Khuông Việt  đại sư, trở thành một vị Quốc sư, có nhiều đóng góp cho sự nghiêp gìn giữ và phát triển đất nước suốt hai triều đại: Đinh và Tiền Lê.

Các cơ sở thờ Ngô Xương Xí:
Sau khi Ngô Xương Xí mất, ông đã được một số nơi lập đền thờ và tôn làm thành hoàng làng.
Nơi thờ tự tiêu biểu nhất là đền Khai Long Sứ quân thuộc xã Tân Sơn huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An. Nơi đây cách căn cứ Bình Kiều (Thanh Hóa) khoảng 140 km về phía Nam. Tương truyền đây là nơi Ngô Xương Xí chiêu dân lập căn cứ thời 12 sứ quân. Đền Khai Long là 1 ngôi đền thiêng được xây dựng cách đây trên 1.000 năm, thờ vị tướng Thập Nhị Sứ quân Ngô Xương Xí, được phong tặng Thượng thượng đẳng - Tối linh Đại Vương.
Tháng 11 năm 2017, trong lần đoàn con cháu họ Ngô Việt Nam về thăm và dâng hương tại đền Khai Long, chính quyền và nhân dân địa phương đã long trọng tổ chức đón tiếp và giới thiệu với đoàn về lịch sử và hiện trạng ngôi đền này. Tại buổi đón tiếp đoàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Sơn cho biết như sau:
Theo một số tài liệu, trong thời gian trấn giữ Bình Kiều, Sứ quân Ngô Xương Xí thường xuyên qua vùng Châu Hoan (Nghệ An) tuyển mộ quân sỹ. Ngài đã có công bảo vệ cuộc sống cho nhân dân, được nhân dân kính phục. Sau khi Ngài mất, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã lập đền thờ Ngài. Đền được xây dựng cách đây đã rất lâu, được xây lại vào năm 1926. Trong kháng chiến chống Pháp đền Khai Long được sử dụng làm nơi hội họp của chi bộ Đảng, bàn việc cơ mật quốc gia, sau là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ và một số công việc khác. Đền được xây theo quy mô 3 tòa: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện; hai bên có tả, hữu vu, tất cả đều được trạm trổ tinh vi. Diện tích đền trước đây là 2.000m2. Năm 1976, theo chủ trương dồn mồ mả, đình chùa, miếu mạo để lấy đất sản xuất nông nghiệp, ngôi đền bị bán đi, trong đó ngôi Thượng điện bán cho họ Hoàng làm nhà thờ họ, ngôi Trung điện bán cho họ Nguyễn Tất, ngôi Hạ điện bán cho họ Đào Công. Bài vị trong đền bị dân lấy đi, nay đã thu hồi lại được để trong đền mới.
Năm 2010, một vị cán bộ người xã Tân Sơn, làm việc tại một cơ quan nhà nước, có lần về quê đã đề xuất việc khôi phục lại đền Khai Long. Ông trực tiếp đề đạt với chính quyền địa phương và đã được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo các cấp chính quyền từ Tỉnh, Huyện đến Xã. Nhân dân địa phương cũng rất đồng tình với chủ trương này. Bởi vậy, các thủ tục về đất đai nhanh chóng được hoàn thiện. Các hộ có đất tại khu vực này đều tự nguyện hiến đất cho địa phương để xây dựng đền. Chỉ trong thời gian một năm, năm 2014, ba ngôi: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện đã được xây xong. Kinh phí xây dựng hàng tỷ đồng hoàn toàn do nguồn xã hội hóa, chủ yếu do người dân địa phương đóng góp. Rất nhiều người ở địa phương có tâm huyết, trách nhiệm, điển hình là cụ Đào Công Thận, sinh năm 1927, là người có công lao rất lớn trong việc xây dựng đền.
Người dân cũng cho biết, vị trí xây ngôi đền hiện nay rất thiêng, dân trồng gì cũng không được, vì vậy khi có chủ trương xây đền mọi người đều ủng hộ hiến đất làm đền. Cái tên Khai Long chính là lấy theo Vị hiệu của Ngô Xương Xí. Đây là một chi tiết mới, rất cần được nghiên cứu tìm hiểu thêm. Khai Long, tiếng Hán: 開隆 có nghĩa là mở ra thời kỳ hưng thịnh.
Đền Khai Long hiện có diện tích quy hoạch trên 10.000m2. Năm 2016 đền đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ở Đô Lương, Nghệ An không chỉ xã Tân Sơn có đền Khai Long mà xã Trung Sơn gần đó cũng có ngôi đền mang tên Khai Long thờ Sứ quân Ngô Xương Xí. Theo người dân địa phương thì chính ngôi đền ở xã Trung Sơn mới là đền chính. Đây vốn là ngôi đền cổ, được xây dựng cách đây đã hơn nghìn năm, tuy nhiên theo biến thiên của lịch sử và dòng thời gian, ngôi đền đã mấy lần hư hỏng và được dựng lại. Hiện nay ngôi đền đã hỏng nặng và được nhân dân phá dỡ, vị trí ngôi đền chỉ còn là bãi phế tích. Sau mấy lần về thăm và cử đoàn vào thị sát, Thường trực Hội đồng họ Ngô Việt Nam có chủ trương sẽ bàn với chính quyền và nhân dân địa phương cho phục dựng lại ngôi đền.Trước mắt lên kế hoạch huy động nguồn vốn từ tiền công đức, đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài họ Ngô cũng như từ các nguồn khác để  bước đầu xây ngôi Thượng điện, lấy địa điềm cho nhân dân hương khối thờ tự.

Sứ quân Ngô Xương Xí còn được thờ làm thành hoàng làng 2 thôn Phú Duy và Phí Trạch thuộc ngoại thành Hà Nội. Vì cùng thờ chung đức Thành Hoàng là Sứ quân Ngô Xương Xí nên từ xa xưa hai làng Phú Duy và Phí Trạch đã cùng nhau kết nghĩa anh em, quan hệ giữa nhân dân hai làng rất thân thiết, gắn bó. Hàng năm hai làng đều lấy ngày 10 tháng 2 Âm lịch – được cho là ngày sinh của Ngô Sứ quân tổ chức lễ hội làng.

Thôn Phú Duy thuộc xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đình làng Phú Duy thờ Sứ quân Ngô Xương Xí làm Thành hoàng làng. Theo truyền thuyết ở Phú Duy, Tướng Ngô Xương Xí - một trong những thủ lĩnh của 12 sứ quân từng đóng quân tại đây. Bãi tập trận của nghĩa quân xưa kia chính là những bãi trên núi quanh đầm Cửa Hương. Tương truyền, đầm Cửa Hương chính là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nghĩa quân. Đình được xây dựng từ rất lâu nhưng trong kháng chiến chống Pháp đã bị bom đạn giặc san phẳng, mãi đến năm 1995 mới được xây lại. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình được sử dụng phục vụ cho công cuộc kháng chiến, dùng làm nơi đóng quân của bộ đội, làm xưởng quân khí, có khi làm trạm cứu thương, cứu chữa các thương bệnh binh ngoài chiến trận. Sau khi được phục dựng, đình là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa, tâm linh của dân làng. Hiện trong đình còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong thời Nguyễn hầu như nguyên vẹn. Năm 2017 Đình Phú Duy được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh – thành phố.

Thôn Phí Trạch thuộc xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đình làng Phí Trạch thờ Ngô Xương Xí, Sứ quân Bình Kiều làm Thần Thành hoàng. Đình Làng có lịch sử hơn 500 năm tồn tại, được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông. Đình làng nằm trong quần thể di tích lịch sử đã được nhà nước xếp hạng, được nhân dân, các thế hệ con cháu trong Làng gìn giữ, tu sửa, bảo tồn như một di sản văn hóa quý báu do các bâc tiền bối để lại.

Về địa danh Bình Kiều:
Hiện có những nhìn nhận khác nhau về địa danh này:
- Xưa nay đa số các tài liệu đều cho rằng vùng đất này thuộc Triệu Sơn, Thanh Hóa. Theo Wikipedia thì thành Bình Kiều là một tòa thành do chính Sứ quân Ngô Xương Xí xây dựng trên vùng đất mới chọn sau khi phải dời khỏi triều đình Cổ Loa. Thành nằm lọt vào giữa vùng đất cách thành phố Thanh Hóa 25 km về phía Đông, cạnh dãy Cửu Noãn Sơn, liền kề phía Bắc núi Nưa thuộc huyện Như Thanh. Vùng đất này ngày nay thuộc về các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Hợp Thành thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bình Kiều có nghĩa là cầu bằng (tức cầu không cong), nguyên là tên một cây cầu bắc qua sông Mau Giếng.
Theo tài liệu của giáo sư Phan Đại Doãn công bố vào năm 1971 và kết quả khảo sát thực địa tiến hành vào năm 1981 thì tòa thành này đắp bằng đất, được xây dựng trên một khu đất vuông vắn, thành hình vuông, mỗi bề gần 1.800 m. Nay đã trở thành bờ vùng, bờ thửa và lũy tre. Chung quanh thành có vết hào bao bọc, thành cao khoảng 2 mét, chân thành rộng từ 3 – 4 mét, mặt thành rộng khoảng 2 mét. Thành có 4 cửa và bốn góc thành có 4 cồn đất cao. Tòa thành nằm cạnh con sông Mau Giếng, một nhánh của sông Nhơm – thượng nguồn của sông Cầu Quan, đổ vào sông Yên để ra biển qua cửa Ghép. Tên gọi Bình Kiều xuất phát từ một chiếc cầu: cầu Bừng bắc qua sông Mau Giếng ở gần phía Bắc tòa thành.

- Một nhận định khác thì cho rằng Bình Kiều thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay, chính là nơi thôn Phú Duy thờ Ngô Xương Xí làm Thành hoàng làng.
Năm 2016, trong lần về thôn Phú Duy dự lễ hội làng kỷ niệm ngày giỗ Sứ quân Ngô Xương Xí, đức Thành hoàng làng, các thành viên đoàn Hội đồng họ Ngô Việt Nam được nghe các cụ cao tuổi và nhân dân địa phương kể nhiều câu chuyện về vùng đất này, trong đó có địa danh Bình Kiều. Theo các cụ, Bình Kiều nơi Sứ quân Ngô Xương Xí lui về chiếm giữ chính là vùng đất này chứ không phải ở Thanh Hóa như một số tài liệu chép. Ở đây có xóm Bình Kiều, có bãi Bình Kiều ven bờ sông Thanh Hà, tương truyền trước đây là nơi luyện tập binh mã của Sứ quân. Cách đình làng Phú Duy chừng 1 Km có ngọn đồi mang tên Núi Mả, được cho là nơi Sứ quân Ngô Xương Xí đã mất. Gần đó có  Đền Trống. Những năm 60 của thế kỷ trước, nhân dân Phú Duy khi làm thủy lợi từng đào được chiêc trống đồng và một số vũ khí được cho là dấu tích của nghĩa quân.

Thiết nghĩ, những thông tin trên cần được Hội đồng Ngô Tộc Việt Nam và các nhà sử học của đất nước bỏ công khảo sát, nghiên cứu một cách nghiêm túc, tỉ mỉ để có thể đưa ra kết luận chính xác.


Ngô Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 3.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay26,702
  • Tháng hiện tại544,750
  • Tổng lượt truy cập49,907,968
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây