Ngô Tất Tố - Nhà văn lớn nửa đầu thế kỷ 20.

Thứ sáu - 15/04/2022 18:04

Ngô Tất Tố là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học, dịch giả và nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.
HNVN xin trân trọng giới thiệu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Nhà văn Ngô Tất Tố nhân dịp 68 năm ngày giỗ của ông.
Nhà văn Ngô Tất Tố (1893 - 1954)

Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1893, người làng Lộc Hà tổng Hội Phụ phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Lộc Hà xã Mai Lâm huyện Đông Anh thành phố Hà Nội. Thân phụ là cụ Ngô Thanh Tiến, ông nội là cụ Ngô Văn Thông, thường được gọi là cụ Tú Thông, một nhà Nho trong làng, bởi vậy từ khi còn nhỏ Ngô Tất Tố đã sớm được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học đương thời. (Cụ Tú Thông cũng là người dạy dỗ, kèm cặp người cháu gọi mình bằng chú là Ngô Ngọc Liên học hành đỗ đạt sau làm đến chức tri huyện).

Khi mới 5 tuổi Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Nho ở quê rồi theo học tiếp ở các làng quê trong vùng. Năm 1912 ông chuyển sang học chữ Pháp một thời gian, sau lại tham dự các kỳ thi Nho học. Đây là giai đoạn cuối của chế độ khoa cử truyền thống được triều đình Nhà Nguyễn tổ chức. Ở kỳ thi hương lần đầu, ông đỗ kỳ sát hạch nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, được gọi là "đầu xứ Tố". Tại kỳ thi hương khoa Ất Mão cùng năm, cũng là khoa thi cuối cùng được tổ chức ở Bắc Kỳ, ông qua được kỳ đệ nhất nhưng lại bị hỏng ở kỳ đệ nhị.

Năm 1917 Phủ Toàn quyền Đông Dương quy định lại bộ máy giáo dục ở miền Bắc, chế độ thi cử bằng chữ Hán được thay bằng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến bộ mặt đời sống xã hội đương thời, thế hệ các nhà nho cuối mùa trong tầng lớp kẻ sĩ khi đó phải đương đầu với nhiều thử thách. Từng là lớp người được thụ giáo những quan niệm của Khổng - Mạnh, giờ đây trước cảnh tượng nền Nho học hơn nghìn năm rực rỡ bị sụp đổ, mỗi người mang một tâm thái khác nhau và phải tìm cho mình một ngả rẽ riêng.

Không như nhiều bạn Làng Nho khác, thay vì lui về ở ẩn rồi dạy học tại các làng quê hay làm ông đồ bày mực tàu giấy đỏ viết thư pháp kiếm tiền, Ngô Tất Tố lựa chọn đến với nghiệp báo, dịch sách để mưu sinh. Năm 1922, Nhà văn Tản Đà thành lập nhà xuất bản riêng gọi là Tản Đà thư cục. Chính nơi này sản phẩm dịch đầu tay của Ngô Tất Tố, tác phẩm Cẩm hương đình,  đã được ra mắt bạn đọc. Thời gian sau đó những bài viết của ông được đăng tải trên các tờ báo khác như Phổ thông, Trung Bắc chủ nhật, Thời vụ và Hà Nội tân văn... Đa phần các tác phẩm của ông đều có nội dung phản ánh và lên án các thói hư tật xấu trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Năm 1926, Tản Đà mời ông viết bài và làm thư ký tòa soạn cho tờ An Nam tạp chí, nhưng được một thời gian vì thiếu tiền nên tờ báo phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng Tản Đà vào Sài Gòn thử sức mới. Thời kỳ này ông viết với các bút danh Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Tân Thôn Dân... Trong cuộc thử sức ở Nam Kỳ, mặc dù không thật sự thành công nhưng tại đây ông đã có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa thế giới ở vùng đất khi đó là thuộc địa chính thức của Pháp, đồng thời theo đuổi nghề viết văn để sau này trở thành một nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp. 

Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho nhiều tờ báo với nhiều bút danh khác nhau, ông sáng tác nhiều với các thể loại tạp văn, phóng sự hay tiểu phẩm báo chí. Chính điều này đã giúp ông có nền tảng vững chắc trong quan điểm sáng tác và cách lập luận của bản thân. Các tác phẩm của ông thường có nội dung chỉ trích quan lại phong kiến tham nhũng nên từng bị chánh sở mật thám Hà Nội gọi lên, lúc đầu là mua chuộc nhưng không mua chuộc được bèn cấm viết báo. rồi ông từng có những  lần bị trục xuất khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Năm 1939 chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm tác phẩm Tắt đèn, nhà ông ở quê bị chính quyền khám xét, ông bị bắt giam ở Hà Nội mấy tháng trời.

Năm 1945 khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố tham gia vào Ủy ban Giải phóng ở xã Lộc Hà quê ông. Năm 1946, Ông gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này Ngô Tất Tố đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở thông tin Khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốc Khu XII, Thông tin Khu XII, Tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc trung ương và trực tiếp cầm bút viết văn. Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948), Ngô Tất Tố được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. 
Biển Di tích Cách mạng Kháng chiến tại quê hương Nhà văn Ngô Tất Tố

Trong sự nghiệp cầm bút, Ngô Tất Tố chói sáng với tên tuổi của một nhà văn. Ông được đánh giá là một trong những cây bút xuất sắc nhất trong dòng văn học hiện thực phê phán, là nhà văn hàng đầu của trào lưu văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945. Trong mỗi tác phẩm, Ngô Tất Tố đều thể hiện tình yêu nước thương dân, đặc biệt là sự đồng cảm sâu sắc đối với số phận của những người nông dân khốn khổ. Thông qua các tác phẩm của mình, ông mạnh mẽ phê phán, đả kích những thói hư tật xấu, những quan điểm lạc hậu, tục lệ lỗi thời của xã hội đương thời. Mỗi trang viết của ông là một bản tố cáo đanh thép sự tàn bạo của chế độ thực dân phong kiến. Tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong các trường phổ thông.

Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực văn học và báo chí, Ngô Tất Tố còn ghi đậm dấu ấn ở một số lĩnh vực khác. Là một nhà văn, ông để lại cho đời những tác phẩm văn học nổi tiếng: Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng… Là một nhà báo, trong 28 năm ông đã viết hơn 1.500 bài cho 27 tờ báo, tạp chí với 29 bút danh. Ông được đánh giá là một nhà báo có dũng khí, trung thực, thẳng thắn và nhạy bén. Là một dịch giả, ông chuyển ngữ các tác phẩm: Đường thi, Suối thép, Trước lửa chiến đấu, Trời hửng… và đặc biệt thành công với tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, bộ tiểu thuyết lịch sử của Ngô Gia Văn Phái, ghi lại những biến cố lịch sử sôi động của xã hội Việt Nam giai đoạn từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Là một nhà nghiên cứu, ông đã biên soạn một số công trình như Thi văn bình chú, Văn học đời Lý, Văn học đời Trần, Lão Tử... Ngoài ra, Ngô Tất Tố còn là người nghiên cứu sâu về dịch lý. Ông đã dịch và chú giải Kinh Dịch, bộ sách kinh điển về hệ thống triết học Á Đông cổ đại, giúp giới nghiên cứu và độc giả có thể hiểu được nguyên lý cơ bản của hệ tư tưởng triết học cổ điển Phương Đông cũng như phương pháp ứng dụng trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội. Giới nghiên cứu học thuật từng đánh giá và khẳng định Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng thuộc thế hệ lớp đầu của nền văn hóa Quốc ngữ. Ông là người đã có đóng góp to lớn, người đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của Ngô Tất Tố đa dạng, phong phú và đạt đến tầm xuất sắc trên 5 lĩnh vực lớn: văn học, báo chí, khảo cứu, dịch thuật và dịch lý. 

Với những đóng góp to lớn cho nền văn học và sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, nhà văn Ngô Tất Tố đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.

Ngô Tất Tố qua đời ngày 20 tháng 4 năm 1954 (tức 18 tháng 3 năm Giáp Ngọ) ở tuổi 62 do bệnh huyết áp cao tại ấp Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, trước ngày giải phóng Điện Biên Phủ chỉ hơn nửa tháng. Năm 1963 di cốt Nhà văn được con cháu, gia đình phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và chính quyền địa phương đưa về đặt tại nghĩa trang xã Mai Lâm quê nhà. Năm 1996 theo đề nghị của Hội Nhà văn, Thành phố Hà Nội cấp 100 mét vuông đất, đưa Nhà văn về an nghỉ gần ngôi nhà nơi ông sinh ra và lớn lên ở thôn Lộc Hà, mộ được xây cất khang trang đẹp đẽ. Năm 2012 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức gắn biển Di tích Cách mạng Kháng chiến tại nơi ông sinh trưởng. Ngày nay, một số tuyến phố, trường học ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Nam Định… được mang tên Ngô Tất Tố.

 
Mộ Nhà văn Ngô Tất Tố

Theo Gia phả, nhà văn Ngô Tất Tố thuộc thế hệ thứ 8 họ Ngô thôn Lộc Hà. Họ Lộc Hà tổ tiên từ Hội Phụ chuyển sang, vốn có gốc từ Thanh Hóa ra. Ông có hai bà: bà cả Phan Thị Nhớn, bà hai Phan Thị Na (hai chị em ruột, cùng người trong làng). Gia đình có bảy người con, bốn trai ba gái, hai người là liệt sỹ: ông Ngô Thúc Liêu liệt sỹ chống Pháp, hy sinh năm 1947; ông Ngô Hải Cao liệt sỹ chống Mỹ, hy sinh trong cuộc tiến công nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Các thế hệ con cháu trong gia đình đều là những người hiếu thảo, nghĩa tình, có những đóng góp xứng đáng cho gia đình, quê hương đất nước. 

*Bài viết đã được bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái Nhà văn và ông Ngô Tất Hiểu, cháu đích tôn Nhà văn Ngô Tất Tố xem cho ý kiến bổ sung, chỉnh sửa một số chi tiết.

Ngô Văn Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay19,608
  • Tháng hiện tại756,632
  • Tổng lượt truy cập50,119,850
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây