Chí sỹ Ngô Đức Kế với quê hương đất nước

Thứ hai - 17/01/2022 10:07

Chiều 14/01/2022, huyện Can Lộc cùng với dòng họ Ngô Trảo Nha, thị trấn Nghèn tổ chức lễ yên vị và khánh thành tượng chí sỹ yêu nước, nhà thơ, nhà báo Ngô Đức Kế tại Công viên Tuy Phước, thị trấn Nghèn.
 


Ngô Đức  Kế (1878-1929) hiệu Tập Xuyên, là người xã Trảo Nha, nay là tổ dân phố 2, Nam Sơn, thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là con trai Cử nhân Ngô Huệ Liên, cháu Cử nhân Ngô Phùng, thuộc chi 9 họ Ngô Trảo Nha dòng Ngô Nước vào đời thứ 34. Họ Ngô Trảo Nha là dòng họ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng “Dòng họ 18 đời Quận công”.

Những năm cuối thế kỷ 19, phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp diễn ra sôi nổi khắp cả nước, đặc biệt là ở Hà Tĩnh. Ông lớn lên trong bối cảnh đó. Thuở nhỏ thông minh học giỏi, 19 tuổi đỗ Cử nhân, 23 tuổi đỗ Tiến sỹ (khoa Tân Sửu niên hiệu Thành Thái 1901). Tuy đỗ sớm nhưng Ông không ra làm quan mà tích cực làm cách mạng chống thực dân, dành tự do, độc lập cho đất nước.

Với phong trào Duy Tân cứu nước, các sỹ phu Trung Nam Bắc mật giao với nhau, liên kết thống nhất chí hướng, Ngô Đức Kế sớm có mặt với các nhà yêu nước Trung Nam Bắc, mượn tiếng mở trường dạy học tạo điều kiện làm nơi cho các nhà yêu nước gặp gỡ nhau. Ông là người hăng hái vận động cải cách nông thôn, bài trừ mê tín dị đoan, chống chế độ đình trung xôi thịt. Ông tự tay viết kiến nghị lên triều đình đòi cải cách thi cử.

 

Theo sự phân công thống nhất, ông tham gia phái Minh xã, hoạt động công khai lo việc “Duy Tân”, mở mang dân trí, chấn hưng thực nghiệp. Năm 1906, Ngô Đức Kế cùng Đặng Nguyên Cẩn, Lê Huân lập Triều dương thương điếm ở Vinh vừa buôn bán, vừa làm kinh tài cung ứng cho phong trào Đông Du, vừa là nơi hội họp các nhà yêu nước Bắc Trung Nam.

Đầu năm 1908 nổ ra phong trào Xin sưu (biểu tình đấu tranh chống sưu cao thuế nặng ở Trung kỳ), các cuộc biểu tình “Xin sưu” ở Hà Tĩnh bị đàn áp, Ngô Đức Kế bị bắt giam và bị khép tội “Âm tập khai trương tụ nghịch, tiềm thông dị quốc, chống lại hai chính phủ” bị kết án “Giảo giam hậu” (Treo cổ chờ xử quyết), sau đó án được giảm xuống chung thân khổ sai đày đi Côn Lôn (Ông bị bắt tháng 3 thì tháng 6 bị đày đi Côn Lôn).

Chế độ lao tù không khuất phục được tinh thần yêu nước của Ông. Ở đây các ông đã cùng nhau hướng về Tố quốc, Côn Đảo được biến thành Tao đàn của các nhà thơ yêu nước, nhiều tập thơ văn cổ động cách mạng dành độc lập, dân chủ được chuyển về đất liền có tác dụng lớn đóng góp và thúc đẩy phong trào yêu nước.

Sau 13 năm bị giam cầm, năm 1921 ông được trả tự do trở về nhà. Thực dân Pháp khêu gợi nếu có lời tạ tội sẽ cho khôi phục bằng Tiến sĩ và được ra làm việc. Chí cương quyết ông không chịu khuất phục, tiếp tục hoạt động chống thực dân và triều đình bù nhìn.

Ngày 10/12/1929, ông bị bệnh và mất ở Bạch Mai, mộ táng ở làng Tương Mai, Hà Nội. Những người yêu nước đương thời tổ chức tang lễ, dựng bia đề “Việt Nam chí sĩ Ngô Đức Kế chi mộ”. Ngày nay, mộ ông đã được cải táng đưa về quê hương, đặt trên núi Nghèn lịch sử.

(Theo tin từ họ Ngô Trảo Nha - Hà Tĩnh)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay15,066
  • Tháng hiện tại463,596
  • Tổng lượt truy cập40,300,758
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây