Chương Khánh công Ngô Từ - đệ nhất khai quốc công thần triều Lê
Thứ ba - 17/04/2018 22:14
Trong những ngày tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn, Ngô Kinh, Ngô Từ vừa sản xuất lương thực vừa tuyển quân gửi ra mặt trận, vừa tổ chức phục binh đánh lui nhiều cuộc vây ráp của địch hòng tiêu diệt căn cứ. Phàm những việc Lê Lợi dặn dò uỷ thác đều được làm tròn.
Ngô Từ là con trưởng Hưng Quốc công Ngô Kinh, sinh ngày 2 tháng 5 năm Canh Tuất 1370 tại Khả Lam, được Lê Khoáng tin yêu giao cho việc chăm nom săn sóc Lê Lợi (Ngô Từ hơn Lê Lợi 15 tuổi), sau cùng cha tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Phả cũ dẫn truyền thuyết chép: Thủa hàn vi, Ngô Kinh đi cày ở sách Khả Lam, trời mờ sáng, thấy con vật lạ giống con rắn dài vài trượng từ trong núi ra, trên không có đám mây màu vàng bay là là, con vật dương vây lượn vài vòng rồi bay vút lên không. Cùng đêm ở nhà bà vợ thấy con rồng đỏ trong buồng đi ra, theo sau là con rồng vàng, vảy đỏ như son, ánh sáng toả ra khắp nhà, cả hai con cùng bay lên trời. Lúc này bà đang mang thai nên rất mừng vì thấy điềm lành.
Đến ngày bà trở dạ, Ngô Kinh đang cày ruộng cảm thấy mỏi mệt, nằm xuống bờ ruộng ngủ thiếp đi, mơ thấy một người mũ cao áo rộng tự xưng là Tào tinh quân, nói Ngọc Hoàng Thượng đế sai xuống đầu thai vào nhà ông. Tỉnh dậy vội về nhà, bà đã sinh con trai, đặt tên là Từ. Đó là ngày 2 tháng 5 năm canh tuất, niên hiệu Thiệu Khánh triều Trần 1370.
Ngô Từ có tướng mạo dị thường, mình cao 7 thước rưỡi, mặt nổi nhiều ngấn, mũi to tai rộng, tính tình trung hậu, ít nói. Ông có hai vợ:
Bà Chính thất Đinh Thị Ngọc Kế, Kiêm bảo Từ cung Đại Hòang Kiền, hiệu Diệu Thiện Phu nhân, tặng Chính Quốc phi Quốc Phu nhân, người xã Đô Kha huyện An Lão, sinh năm Giáp Thìn 1364, là con gái Thái Sư, Hiển Khánh vương Đinh Lễ; khi mất Thánh Tông sai thầy chọn đất táng ở sau miếu làng An Lão huyện Thư Trì, dựng đền thờ, cấp tự điền.
Nguyên ngày trước ông Đinh Thế Bính lấy bà Trần Thị Ngọc Huy, con gái Tướng công họ Trần dòng dõi Trần Nhật Duật, ở An Lão huyện Thư Trì, sinh Đinh Lễ. Đinh Lễ lấy bà Bùi Thị Liễu sinh ra Đinh Vĩnh Thái và Đinh Thị Ngọc Kế.
Bà Kế thất Đinh Thị Ngọc Son (có bản chép là Luân), con gái Đinh Vĩnh Thái (bà Ngọc Son là cháu gọi bà Chính thất Ngọc Kế là cô) được phong Dung Huệ Chiêu cẩm Hoàng kiền, hiệu Từ Nhân Quận phu nhân. Mất ngày 8 tháng 3, Lê Thánh Tông sai thầy chọn đất táng ở xứ Bạch Long xã Kỳ La huyện Kỳ Hoa trấn Nghệ An (nay là đất huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh), dựng đền thờ, cấp tự điến 150 mẫu, người nhà Nguyễn Văn Bảng, Nguyễn Văn Phong cùng dân địa phương cày cấy phụng tự. Tục gọi Hoàng Kiền Bà.
Hai bà sinh 11 con trai, 8 con gái.
Trước ngày khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi hỏi ý kiến Ngô Từ về việc dấy binh. Ngô Từ bàn: ”Thế quân Minh đang mạnh, chúng vừa dẹp xong các cuộc nổi dậy ở các nơi, lực lượng ta còn mỏng (lúc này mới có 350 người) dấy binh sớm e rằng sẽ gặp khó khăn, chi bằng ta hãy nán lại ít lâu, liên lạc với các nơi, tổ chức thêm lực lượng, khi có thời cơ tốt mới dấy binh, mới là thượng sách”.
Lê Lợi nói: ”Quân Minh tàn bạo, dân tình cực khổ lắm rồi, để lâu ngày chúng sẽ vững chân đứng hơn, sẽ khó thêm cho ta. Lực lượng mỏng thì vừa đánh vừa tổ chức”.
Đầu năm 1418 Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam sơn, Ngô Từ xin theo ra mặt trận, Lê Lơi khuyên: ”Binh lương là hai việc rất cấp thiết lúc này, ta chưa biết giao cho ai. Nhà ngươi cần phải ở lại Lam sơn, cùng ông cụ (chỉ Ngô Kinh - thân phụ Ngô Từ) thu nạp nhân tài các nơi về, sản xuất nhiều lương thực gửi ra mặt trận, để ta chuyên ý cùng các tướng lo việc ra quân, bên trong là việc điều binh, cấp lương, bên ngoài là việc phòng kẻ địch dòm ngó, hai việc đó nhà ngươi phải hoàn toàn đảm nhiệm. Người xưa nói công giữ gìn căn cứ địa và công đánh giặc ngang nhau, nhà ngươi thấu hiểu ý ta nói chứ?”
Ngô Từ tiến cử Nguyễn Trãi rất được lòng Lê Lợi, lại tiến cử Đinh Liệt, Bùi Bị đều là danh tướng, được ví như Sầm Bành, Mã Võ của Lê Lợi.
Ngày Lê Lợi mới dựng cờ khởi nghĩa truyền hịch kể tội quân Minh, Nội quan Mã Kỳ vừa được vua Minh cử sang làm Thái liệu sứ (thu thuế cống) đóng quân ở Tây Đô, nghe tin nghĩa quân nổi dậy, kéo quân đàn áp. Được một Việt gian dẫn đường, Mã Kỳ thình lình đánh úp quân khởi nghĩa. Lê Lợi lúc đó lực lượng còn yếu chống đỡ không nổi, thua chạy lên miền thượng du, đóng quân ở Trịnh Cao châu Quan Hoá. Mã Kỳ bắt được nhiều tướng lĩnh của Lê Lợi, bắt vợ con Lê Lợi, quật mồ mả tổ tiên họ Lê.
Riêng Lê Lợi hai lần suýt bị bắt, một lần lẩn trốn được vào nhà một nông dân, một lần nhờ có con chồn chạy ra làm cho quân Minh nhầm hướng, theo đuổi con chồn nên thóat nạn. Sau ngày lên làm vua, ông thờ người nông dân, mỗi lúc cúng kỵ có món thịt khỉ, món cá diếc, là hai món ăn ông bà nông dân cho ông ăn khi gặp nạn; lại tạc tượng một người phụ nữ mình người đầu chồn để trong cung để nhớ ơn người đàn bà linh thiêng đã giúp ông thoát đại nạn.
Từ Quan Hoá, Lê Lợi cùng một số tướng trung kiên như Đỗ Bí, Nguyễn Xý rút lên núi Chí Linh (thuộc đất Thường Xuân - Lang Chánh). Ở đây bị quân Minh vây khốn, không có gì ăn, Ngô Từ phải dùng đến lực lượng trẻ chăn trâu cắt cỏ, dấu cơm nắm lương khô vào cỏ rác, đặt vào các bụi rậm quanh nơi dấu quân, đêm đêm quân lính ra xục tìm mang về chia nhau chống đói.
Ngô Kinh, Ngô Từ vừa sản xuất lương thực vừa tuyển quân gửi ra mặt trận, vừa tổ chức phục binh đánh lui nhiều cuộc vây ráp của địch hòng tiêu diệt căn cứ. Phàm những việc Lê Lợi dặn dò uỷ thác đều làm tròn. Năm 1423 tạm thời hoà hoãn với quân Minh, Lê Lợi đem quân về Lam Sơn củng cố, ban thưởng công lao, phong Ngô Kinh Kiên tường Hầu, Ngô Từ Bàng khê Hầu. Con cháu trưởng thành đều ra mặt trận.
Năm mậu thìn 1428, thiên hạ được thái bình. Nhân dịp phong tước cho các công thần Phạm Văn Xảo và Lê Vấn, Lê Lợi nói với các tướng: ”Các khanh theo Trẫm ra trận được cung cấp đầy đủ lương thực, đó là công của cha con Ngô Kinh, Ngô Từ. Trong khi chưa khởi binh Ngô Kinh là gia nô của Tiên khảo, Ngô Từ là nô thần của Trẫm. Ban đầu khởi nghĩa, Ngô Từ là người quyết mưu trước nhất, Trẫm và các khanh mưu việc thiên hạ, ẩn náu nơi núi rừng trông nhờ vào cha con Ngô Kinh, Ngô Từ giữ gìn căn cứ địa, cung cấp lương thực, bổ sung lực lượng binh sỹ. Xưa vua Hán Cao Tổ được thiên hạ, quy công cho Tiêu Hà giữ đất Quan Trung, không ngừng cung đốn lương thực là công bậc nhất. Nay cha con Ngô Từ có công giữ gìn căn cứ, lại có công đánh giặc, xứng đáng được phong Đệ nhất công thần”.
Nhà vua ban quốc tính và phong chức tước cao. Ngô Kinh Hưng quốc Công, Ngô Từ Chương khánh Công. Về sau Ngô Kinh được phong Bảo chính Công thần Nhập nội Kiểm điểm Thượng tướng quân, tặng thụy Dụ khê Thượng sỹ, bảo phong Quang liệt Đại vương. Bà Lê thị Quỳnh Hoàn được phong Á Quận phu nhân Dụ Tâm quý nương.
Ngô Từ được Lê Thái Tổ cho lấy họ nhà vua, đổi là Lê Từ. Sau này Lê Thánh Tông phong tặng Dụ Vương bảo phong Diên ý Dụ Vương, Chương khánh Công, cho lấy lại họ Ngô.
Về sau vua Gia Long triều Nguyễn lên ngôi, chọn các Khai quốc công thần lục phong, triều Lê chọn được 15 người, Ngô Từ được chọn xếp vào hàng hai, cho một người con cháu trong dòng trưởng được miễn mọi thứ sưu dịch, lo việc hương khói từ đường.
Dụ Vương sinh 11 con trai, 8 con gái, truyền đến ngày nay, hàng triệu cháu con cư trú khắp miền đất nước. Con trai đều là Đại tướng, có bốn người được phong Quốc công, con gái đều lấy chồng Công thần, có Thái hậu sinh ra Minh chúa(1).
Trong lịch sử triều Lê Sơ, tất cả công thần đều tận tâm theo giúp Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, giành lại độc lập dân tộc. Nhưng một điều thật đớn đau, ứng câu ”Điểu tận cung tàng”(2), không mấy người thoát khỏi vòng ganh tỵ hiềm nghi và oan trái. Rất nhiều bậc khai quốc công thần sau khi thiên hạ được hưởng thái bình lại chịu cảnh oan khiên, gánh họa nặng nề. Riêng Chương khánh Công Ngô Từ trước sau luôn được các đời vua nối nghiệp và triều đình trọng vọng, công lao trọn vẹn cho đến về già.
Ngày 8 tháng 3 năm Quí Dậu đời vua Nhân Tông thứ 11 (1453), Ngô Từ mất, được ban thụy Bàng khê Thượng sĩ. Mộ táng tại xứ Lỗ Đó, đông giáp Lô Ma, tây giáp mộ tổ, nam giáp chợ Hối, bắc giáp ruộng dân. Mộ được con cháu xây dựng và tôn tạo 2 lần vào các năm 1993 và 2004. Về sau, Ngô Từ được cháu ngoại là Lê Thánh Tông truy tặng Diên Ý Dụ Vương, được thờ ở Phúc Quang Từ đường. Hàng năm cứ đến ngày 8 tháng 3 Âm lịch, con cháu họ Ngô và nhân dân Đồng Phang (nay là xã Định Hòa huyện Yên Định, Thanh Hóa) lại long trọng tổ chức lễ giỗ Dụ Vương.
Ngô Văn Xuân (Theo Lịch sử Họ Ngô)
Ghi chú:
(1): Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, con gái thứ 3 Dụ Vương, là mẹ đẻ Vua Lê Thánh tông, một trong những vị vua sáng trong lịch sứ các triều đại phong kiến Việt Nam.
(2): Điểu tận cung tàng: Chim hết cất cung. Lấy ý từ thành ngữ: Cao điểu tận lương cung tàng, giảo thỏ tử tẩu cẩu phanh: Chim cao đã hết cung tốt cất kho, thỏ khôn chết rồi chó săn giết thịt.