Danh tướng Phạm Ngô Cầu

Thứ hai - 05/12/2016 19:02

Phạm Ngô Cầu, Tạo Quận công, là một danh tướng nhà Lê trung hưng, thời chúa Trịnh Sâm trong lịch sử Việt Nam.
Cửa chính vào Đô thành Phú Xuân thời Nguyễn - Trịnh và thời Tây Sơn bên bờ bắc sông Hương - Ảnh: internet
Cửa chính vào Đô thành Phú Xuân thời Nguyễn - Trịnh và thời Tây Sơn bên bờ bắc sông Hương - Ảnh: internet

                                                                                        

Qua sử sách ta được biết, năm 1775 chúa Trịnh Sâm cử  Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu vào trấn thủ Thuận Hóa thay cho Việp Quận công  Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776). Quận Tạo làm trấn thủ Thuận Hóa hơn 10 năm, đến năm 1786 Nguyễn Huệ đem quân từ Bình Định ra hạ thành Phú Xuân, Phạm Ngô Cầu bị bắt giải về Qui Nhơn luận tội phải chém.  

Các học giả có sự nhìn nhận khác nhau về con người này. Trong khi có vị đánh giá “Phạm Ngô Cầu là người nhu nhược vô mưu” (1), thì người khác lại viết “Ông có tài dụng binh, được Hiển Tông và Trịnh Sâm tín   nhiệm  thường  giao  cho  những  công  vụ  quan trọng” (2).  

Để giúp bạn đọc hiểu được đầy đủ và chính xác hơn về con người này, chúng tôi đã tìm đến trao đổi cùng ông trưởng tộc họ Phạm Ngô là Phạm Ngô Minh. Được ông cho phép, chúng tôi xin cung cấp đến bạn đọc một số tư liệu về Phạm Ngô Cầu, rút từ phả ký của họ Phạm Ngô đã được chúng tôi kiểm chứng một phần lớn.  

Phả ký của dòng họ viết hết sức chi tiết gần như biên niên từ đời ông nội Phạm Ngô Cầu là Ngô Đăng Sỹ.  

Dưới đây chỉ là một số nét chính liên quan  đến  cuộc đời binh nghiệp hơn 40 năm của con người mà chúng ta đang quan tâm. Qua đây cũng có thể giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử tham khảo để xác định ngày Nguyễn Huệ hãm thành Phú Xuân, cũng giúp cho Tiến sĩ  Đỗ Bang có một bộ sưu tập đầy đủ hơn về các bà  vợ của vua Quang Trung.  

Ông Phạm Ngô Minh cho biết, ba con trai của Phạm Ngô Cầu bị chết cùng một ngày, đó là ngày 20 tháng 5 năm Bính Ngọ (1786). Cho mãi đến ngày nay, họ tộc vẫn cúng giỗ những vị đó vào ngày trên, nhưng không hiểu sao không phải bày 3 mà là 5 quả trứng?  

Theo phả ký, thì Phạm Ngô Cầu sinh ngày 29 tháng 7 năm Canh Tý (1720). Năm Nhâm Tuất (1742) thi đỗ tam trường, năm Giáp Tý (1744) thi võ đỗ tạo sĩ (Tiến sĩ võ), năm Mậu Thìn (1748) làm đề lĩnh tứ thành, năm Nhâm Thân (1752) làm thủ hiệu quản đội Nhưng Nhất, Nhưng Hữu, năm Mậu Dần (1758) làm trấn thủ Kinh Bắc, năm Canh Thìn (1760) làm trấn thủ Hải Dương - Yên Quảng. Trong khi làm trấn thủ tại đây, ông “có công đánh giặc bể là bọn Quận Đàm, Quận Gió, Quận Vẹt, Quận Huân bắt được 2 tên Đàm và Huân; còn Quận Gío, Quận Vẹt quy phụ. Chúa Trịnh Doanh sai dẫn tên Huân cùng hơn 10 đồ đảng giải nộp sang Tàu, vì tên Huân thường hay cướp bóc những khách buôn  bên Tàu, người  Tàu  vẽ hình ảnh, tên tuổi, quê  quán  nó tâu với vua Tàu, vua Tàu nhờ vua ta sai ngài tầm nã. Ngài được vua Tàu ban 100 tấm gấm, vua ta thưởng 2 tư”.

“Ở xứ Yên Quảng có 2 xã là Vạn Ninh và Ba Làng giáp địa phận Tàu, xưa nay quan tỉnh Long Môn chiếm lấy 2 xã ấy đến hơn 10 năm, dân không có thuế lễ. Đến năm Quí Mùi (1763), quan tỉnh Long Môn đi tuần cửa bể, bị gió to dạt vào địa phận Hải Dương, ngài mới sai người ra cứu hộ mời về lỵ sở đãi đằng rất hậu tình và tặng những quí vật, lại sai người hộ tống về Tàu. Ông quan ấy cảm cái ơn hậu đãi mới trả lại 2 xã dân ấy về ta, vì thế ngài được thưởng 3 tư.”

Đến năm Mậu Tý (1768) được trao chức thống lĩnh xứ Sơn Tây, Hưng Hóa hợp đồng  cùng các xứ  Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang đánh đồn Mường Thanh (đánh Hoàng Công Chất)(3), năm Kỷ Sửu (1769) phụ trách việc vận lương đánh dẹp Lê Duy Mật, năm Quí Tỵ (1773) thăng trấn thủ Sơn Tây, năm Giáp Ngọ (1774) phụ trách quân lương để quận Việp  đánh chúa Nguyễn. Sau đó ông được chúa cho về nghỉ dưỡng nhàn. Chẳng bao lâu, lại khởi phục phong làm Chinh Nam đại tướng quân, tước Tạo Quận công và trao cho chức trấn thủ Thuận Hóa...  

Thế thì, Phạm Ngô Cầu  “nhu nhược vô mưu” hay “có tài dụng binh”, tự sự việc đã nói lên tất cả. 

Phạm Ngô Cầu có 16 bà vợ, 20 người con (có 8 con trai), trong đó 4 người được tập ấm Hoằng tín đại phu, 4 người được phong tước hầu; có 3 người cùng chết trận trong cái ngày Nguyễn Huệ hạ thành Phú Xuân, hôm 20 tháng 5 năm Bính Ngọ (1786) là Tố Vũ hầu Phạm Ngô Tố, Hoằng tín đại phu Phạm Ngô Tuyển và Hoằng tín đại phu Phạm Ngô Doãn.  

Trong 4 người được phong hầu, có 1 người do nhà Tây Sơn phong tặng. Đó là Đĩnh Ngọc hầu Phạm Ngô Siêu.  

Nguyên cớ như sau: Phạm Ngô Cầu có người con gái Phạm Thị Đương là con bà vợ thứ 11  Nguyễn Thị Chung. Lúc Nguyễn Huệ công phá thành Phú Xuân, thị Đương cũng có mặt ở đó. Khi thành bị chiếm, thân phụ đầu hàng; vì thấy nàng có nhan sắc, Nguyễn Huệ bắt lấy muốn đưa về hầu hạ trong cung, nhưng nàng không chịu. Đến mồng 7 tháng 8 năm ấy, thân phụ bị xử trảm, thị Đương đưa yêu sách là được đưa xác cha về quê nhà mai táng, xong xuôi mới tuân mệnh. Yêu sách được chấp thuận, bà đưa xác thân phụ từ Qui Nhơn về Thanh Hóa, nhờ bà con hàng xóm cùng quân lính Tây Sơn chôn cất cha trên núi Vi Bồng  thuộc bản xã Gia Cầu, mộ nay vẫn còn, thuộc xã Hà Vinh huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Rồi đó bà quay vào Phú Xuân thụ mệnh. Nhờ việc này mà người anh trai khác mẹ Phạm Ngô Siêu được nhà Tây Sơn phong tước hầu như đã nói trên. Gia phả không cho biết bà có sinh được người con nào với vua Quang Trung không. 

Bố Phạm Ngô Cầu là Ngô Đăng Lý (1683-1739), khi lên 3 tuổi thì mẹ chết, lên 10 tuổi thì bố chết. Chị gái ông là Ngô Thị Mỹ khi nhỏ vào hầu trong nội phủ, quản các thị nữ. Chúa gả cho ông Tuấn Vũ hầu họ Phạm (Phạm Độ?), nhận em vợ làm con nuôi, làm nhà ở làng Hoàng Sơn xã Đương Võ huyện Yên Khang, nay là Yên Khánh, từ đó đổi sang họ Phạm Ngô. Ngô Đăng Lý cũng tức Phạm Ngô Lý có nhiều công lao trong đời chúa Trịnh Cương và Trịnh Giang, được phong Thái bảo tước Bộc Quận công, khi mất được phong phúc thần Đoan hậu Hùng nghị Đại vương. Ngô Đăng Lý có 6 bà vợ 14 người con (có 10 con trai, Phạm Ngô Cầu là con trai thứ 7). Trong 10 con trai của Ngô Đăng Lý có 2 người được phong tước bá, 5 người được phong tước hầu, 2 người tước Quận công là Phạm Ngô Cầu và người em cùng mẹ Phạm Ngô Trác; 2 người chết trận khi đánh Ngân Già, 1 người chết khi đánh Quận He, tức là một gia đình có nhiều công lao với nhà Lê-Trịnh.  

Về dòng dõi, thì Phạm Ngô Cầu là cháu 10 đời  Ngô Lan (con Ngô Từ, em bà Ngô Thị Ngọc Dao - mẹ Lê Thánh Tông). Ngô Lan đã tham gia cùng Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành năm 1471 có công, được phong Thái bảo, Hán Quốc công. Chỉ kể từ cháu 5 đời Ngô Lan cho đến  bố Phạm Ngô Cầu thì trong 5 đời đã có 1  Quốc công, 5 quận công, 1 hầu tước và đều là võ tướng. 

Qua đó cho thấy, Phạm Ngô Cầu thuộc dòng võ tướng có tiếng, có nhiều đóng góp, hy sinh cho nhà Lê - Trịnh trong hơn 200 năm phân tranh Trịnh - Nguyễn từ đầu thời Trung hưng cho đến Lê mạt. Đáng tiếc là không được lịch sử ghi nhận, không được vinh danh như “Họ Đinh đánh giặc, họ Đặng làm quan” đã khiến cho các nhà nghiên cứu lúng túng khi nhìn nhận về ông như đã thấy ở trên. 

Qua bài viết ngắn này, chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu có cách nhìn nhận đúng mực hơn về Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu.

 

Ghi chú:

(1)  Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb VHTT, 1999

Trần Phương Hồ: Tây Sơn tam kiệt, Nxb Văn Học, 1997

(2) Nguyễn Q Thắng, Nguyễn Bá Thế: Từ điển Nhân vật lịch sử Việt  Nam,  Nxb KHXH, 1992.

(3)  Theo Trương Hữu Thêm trong bài Ai về Bản Phủ-Mường Thanh trên Xưa & Nay số 49 -1998, thì Hoàng Công Chất chết năm  Mậu Tý (1768), là khớp với sự kiện được chép trong gia phả họ Phạm Ngô. Còn theo Đinh Xuân Vịnh trong Sổ tay địa danh Việt Nam thì “...năm 1778 nhà Lê bình được Hoàng Công Chất”,  có lẽ là sai do lỗi in ấn.

 

Ngô Vui

(Trích trong tâp Góp bàn chuyện trong cổ sử)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập175
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm171
  • Hôm nay40,356
  • Tháng hiện tại796,469
  • Tổng lượt truy cập40,633,631
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây