Thượng Tướng quân Ngô Lý Tín - Vị Thần hoàng làng Cẩm Khê

Thứ ba - 17/11/2015 05:01

Ngô Lý Tín (1126 - 1190), một vị tướng triều Lý, được Toàn thư và Việt sử lược ghi nhận nhiều công lao trong việc chống giặc ngoại xâm và bọn trộm cướp, khi mất được dân làng tôn thờ là Thần Thành hoàng. Kỷ niệm 825 năm ngày mất của ông, HNVN xin đăng bài viết giới thiệu về ông của Tiến sĩ Ngô Đăng Duyên, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc TP Hải Phòng.
Đền Gắm thờ Thượng Tướng quân Ngô Lý Tín tại Tiên Lãng - Hải Phòng
Đền Gắm thờ Thượng Tướng quân Ngô Lý Tín tại Tiên Lãng - Hải Phòng

 

Theo yêu cầu của Viện Viễn Đông Bác Cổ năm 1938, chức dịch làng Cẩm Khê, huyện Tiên Minh, nay là thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng khai rằng làng mình thờ vị Thần là Ngô Lý Tín.

Ngô Lý Tín sinh ngày 20 tháng 1 năm Bính Ngọ (1126), cha là Ngô Huy Hiếu, mẹ là Đào Thị Phúc quê trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Thủa nhỏ theo học chữ Nho một thầy có tiếng ở Kính Chủ. Năm 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời. Sau khi mãn tang, Thần tìm về trang Cẩm Khê, huyện Tiên Minh lập ấp, mở trường dạy học.Ông mất ngày 9 tháng 10 năm Canh Tuất (1190)

Sau chiến công hiển hách chống lại sự xâm lược của nhà Tống, đến giai đoạn cuối, vương triều Lý đã có những dấu hiệu suy vong  Bấy giờ thời buổi nhiễu nhương, giặc cướp nổi lên khắp nơi, cộng với hạn hán mất mùa, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, nhân cơ hội này, giặc ngoại xâm quấy phá bờ cõi Đại Việt.

Trước nguy cơ đó, Ngô Lý Tín đã tập hợp học trò và trai tráng trong vùng luyện tập binh mã, xin triều đình được đánh giặc cứu nước. Vua phong Ngô Lý Tín làm Thượng tướng quân, sai đi tiểu trừ giặc cướp và đi dẹp giặc quấy nhiễu vùng biên cương, ông đã lập được nhiều chiến công. Ghi chép về sự kiện này, sách Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: “Năm Nhâm Dần (1182) triều đình cử Ngô Lý Tín đem quân thủy bộ đi tuần bắt trộm cướp”. Rồi đến mùa xuân năm Quý Mão (1183), triều đình lại “cử Ngô Lý Tín làm đô đốc tướng đi đánh Ai Lao” (Sđd, T1, tr.328).

Về sau, vào thời Trần, tác giả Việt sử lược đã viết về Ngô Lý Tín như sau: “Năm Mậu Thân niên hiệu Gia Thụy thứ 3, Thái sư Đỗ An Di mất lấy Thái phó Ngô Lý Tín làm phụ chính”. (Sđd, tr.160)

Về Ngô Lý Tín, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép: “Ngô Lý Tín làm quan ở triều Lý Cao Tông (1176 – 1210) được phong chức Thượng tướng quân đi đánh Ai Lao. Khi thuyền đã đến xã Cẩm Khê thì chết, người trong xã lập đền thờ. Thuyền bè đi qua cầu đảo thường rất linh ứng”. (Sđd, T.3, tr.46).

Theo tương truyền, khi đem quân đi đánh giặc ở khúc sông Quán Trang cửa sông Văn Úc, sau khi chiến thắng trở về, Ngô Lý Tín cùng đoàn tùy từng đang xuôi thuyền trên dòng, không may gặp cơn bão lốc, thuyền của ông bị lật, cà đoàn tử nạn, thi thể ông trôi dạt vào thôn Cẩm Khê. Đây là chính là nơi ông đã từng dạy học và chiêu mộ học trò, trai tráng trong vùng thành đội dân binh phò vua giúp nước. Sự ra đi của ông cũng như trở về như là thiên tính, đã được sắp đặt từ trước! Đó chẳng phải là điều kỳ diệu hay sao? Ngô Lý Tín lập trang trại tại đây, rồi từ đây mang binh đi chinh phạt giặc ngoại xâm ở khúc sông này, rồi trở vê nằm lại tại đây.

Từ ngày đó khúc sông này trở nên yên bình, dân làng nơi đây tưởng như uy linh của ngài vẫn hiển hiện trừ hải tặc cho dân, cho nước. Nhiều thuyền bè qua lại lên cầu đảo xin được bình yên đều được linh ứng. Nơi đây tấm lòng Thượng tướng quân, Thái phó Ngô Lý Tín như vẫn đang sống với dòng sông này, như vẫn đang sống với nhân dân vùng này trong suốt hơn 800 năm qua.

Trở lại chuyện xưa, được tin ông mất, nhân dân Cẩm Khê vô cùng thương tiếc, đã an táng thi thể ông gần nơi đó, rồi dâng sớ về Triều. Nhà vua hay tin rất xúc động, bèn sai đem 500 lạng vàng, 1000 lạng bạc và truyền chiếu chỉ cho lập đền thờ tại địa phương để nhân dân quanh năm thờ phụng; ban tặng sắc phong cho Thái phó Ngô Lý Tín với mỹ tự: “Thượng đẳng phúc thần, vạn cổ huyết thực”. Mỹ tự ấy được khắc trong cuốn thư, hiện còn lưu giữ tại đền

Tương truyền, đền thờ Ngài rất linh thiêng với sự uy nghiêm của một vị tướng và đúng khuôn phép cẩn trọng của một nhà giáo, đòi hỏi mọi người qua đền Ngài đều phải từ tốn theo đúng lễ nghi. Người xưa kể rằng, thuyền trên sông Văn Úc qua đền Ngài không hạ buồm thuyền sẽ bị lật. Quan quân đi ngựa qua, nếu không xuống ngựa sẽ bị ngã ngựa…

Đương thời, hội lễ của đền Gắm được xếp vào hàng quốc tế. Hàng năm, cứ đến ngày sinh, ngày hóa của Ngài, Cao Tông hoàng đế lại cử quan Khâm sai về làm chủ tế tại đền thờ Thái phó Ngô Lý Tín tại Cẩm Khê. Tục truyền trước đây năm nào cũng vậy, cứ vào giờ chính sóc của lễ tế Ngài, trong dịp hội làng bao giờ cũng xuất hiện đàn cá heo bơi về chầu tại khúc sông trước cửa đền, sau đó là màn nhào lộn mua vui cho khách thập phương. Trong ngày hội đầu năm vào dịp ngày sinh của Ngài, mọi người không dùng màu đỏ. Theo tín ngưỡng dân gian của địa phương, màu đỏ là màu máu, gợi nhớ đến sự hi sinh vì tổ quốc cảu vị Thánh được thờ trong đền. Cho mãi đến tận ngày nay, nhân dân vùng Tiên Lãng vẫn còn truyền tụng câu nói: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”, và xếp đền Gắm vào hàng “Ngũ linh từ” của huyện Tiên Lãng. Đây là sự khẳng định về giá trị của ngôi đền và vị Thần được thờ tại đó trong đời sống tâm linh của người dân địa phương. Và rất có thể đó là sự khắc họa về sự linh ứng khi cầu đảo, cũng như quy mô to lớn của kiến trúc của đền Gắm lúc đầu xây dựng. Ngoài vị trí nằm bên sông Văn Úc, thuận tiện cho thuyền bè ghé lại cầu đảo, xin phù giúp khi đi trên sông biển; ngoài ra đền Gắm còn có ý nghĩa gợi nhớ về những giá trị lịch sử của dân tộc ta, về vị Thượng tướng quân họ Ngô: Ngô Lý Tín.

Điều kỳ diệu là hơn 800 năm qua, biết bao cơn bão đã đổ bộ vào bán đảo này, biết bao cơn lũ tải nước từ thượng nguồn trước khi đổ ra biển đã tràn quan bán đảo, tưởng dòng nước sẽ cuốn phăng cả ngôi đền cùng bãi sông tan trong dòng nước. Vậy mà bãi sông vẫn vững, ngôi đền vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tám trăm năm, đã qua bao nhiêu triều đại thay nhau trị vì đất nước, nhưng ngôi đền vẫn được các triều đại cho trùng tu. Cuộc trùng tu thực hiện gần đây nhất là vào năm 1888 dưới triều nhà Nguyễn. Ngôi đền ở một vùng quê hẻo lánh, cách xa kinh đô Huế 700 cây số, vậy mà vẫn được nhà Nguyễn biết đến và cho trùng tu. Điều đó nói lên nhiều điều về vị thánh được thờ trong đền: Thượng tướng quân Ngô Lý Tín.

Qua ghi chép từ các nguồn tư liệu, đến Gắm – nơi thờ Thượng tướng quân Ngô Lý Tín có lịch sử hình thành và tồn tại từ rất sớm (Thế kỷ XII). Trải qua bao thăng trầm, những dấu tích cổ xưa, từ ngày đầu khởi dựng hầu như không còn. Tương truyền chỉ còn phần mộ của Ngô Lý Tín nằm trong hậu cung của đền. Kiến trúc của đền chủ yếu mang phong cách triều Nguyễn (Thế kỷ XIX – XX) do người dân phục dựng. Đền Gắm có quy mô nhỏ, kiến trúc kiểu “tiền Quốc hậu Đình”, gồm 3 gian tiền đường, 3 gian trung đường và 1 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài. Các vì kèo được làm bằng gỗ có kết cấu giống hệt nhau kiểu “thuận chồng đốc thước”, để trơn không trang trí gì. Tượng Ngô Lý Tín đặt trong khám tại hậu cung. Trong đền hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự quý như các đại tự làm theo kiểu cuốn thư, câu đối, cửa võng, long đình, nhang án. Năm 1992, đền Gắm được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Ngôi đền thờ Thượng tướng quân Ngô Lý Tín tồn tại thừ thế kỷ XII, bền vững với thời gian, bền vững trong lòng người, quả là điều kỳ diệu. Nhiều đồng chí lãng đạo Đảng và Nhà nước ta đã về thăm ngôi đền ở nơi hẻo lánh này. Đến nay, tuy những di vật còn lại của đền Gắm không nhiều, quy mô nhỏ bé và kiến trúc nghệ thuật đơn sơ, nhưng ngược lại, đền Gắm còn mang nhiều giá trị đối với việc nghiên cứu về nhân vật lịch sử Ngô Lý Tín, một vị quan dưới triều nhà Lý, một triều đại có nhiều chiến công trong việc giữ gìn độc lập, tự chủ, khôi phục truyền thống văn hóa dân tộc nói chung và nói riêng với dòng tộc họ Ngô đang trong quá trình truy tìm kết nối dòng tộc đã được bắt đầu từ hơn 20 năm trước – từ khi thành lập ban liên lạc họ Ngô Việt Nam, năm 1988.

Với bà con họ Ngô và Hội đồng Ngô tộc Hải Phòng, đền thờ và tượng đài Ngô Quyền vừa được trùng tu, xây dựng hoành tráng tại Hải Phòng là niềm tự hào lớn lao. Niềm vui được nhân đôi khi đề Gắm được Nhà nước cấp kinh phí 20 tỷ đồng cho xây dựng trên khu đất cũ nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với quy mô to đẹp hơn.

Với giá trị văn hóa lịch sử đền Gắm – nơi thờ Thượng tướng quân Ngô Lý Tín xứng đáng vào hạng “Ngũ linh từ”, đồng thời đây cũng là nơi thể hiện sự tôn kính của Nhà nước, của Nhân dân ta cũng như tất cả bà con Ngô tộc với vị thánh Ngô Lý Tín – một nhân vât lịch sử có công với triều đại nhà Lý và dân tộc Việt Nam ta.

 

TS Ngô Đăng Duyên

Ghi chú: - Bài đã đăng trên Nội san Họ Ngô Việt Nam Xưa và nay;

              - HNVN biên tập lại một số chi tiết cho phù hợp.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập334
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm333
  • Hôm nay75,548
  • Tháng hiện tại1,385,762
  • Tổng lượt truy cập52,880,153
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây