Ngô Xương Xí - Đức Thành hoàng hai làng: Phú Duy, Phí Trạch

Thứ ba - 31/03/2015 11:11

Nhận lời mời của Ban Tổ chức Lễ hội thôn Phí Trạch, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, ngày 29/3/2015 (mồng 10 tháng 2 Ất Mùi) Hội đồng Ngô tộc Việt Nam đã cử đoàn 3 thành viên về dâng hương tại đình làng và dự Lễ hội truyền thống đầu xuân của địa phương.
Rước kiệu thần vào đình

 

Thôn Phí trạch cách trung tân Hà Nội chừng 40 Km, đường đi khá thuận tiện. Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội, đi theo đường tắt, qua các khu đô thị: Linh Đàm, Sa La chạy tiếp trên đoạn đường mới mở khá thông thoáng, rồi men theo con đường liên xã đến thị trấn Vân Đình, rẽ trái đi tiếp 3 Km thì tới nơi.

Biết chúng tôi là đoàn đại biểu con cháu họ Ngô về dâng hương Tiên tổ và dự Lễ hội, nhân dân địa phương rất vui mừng. Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Chi bộ và ông Nguyễn Tiến Bạch - Trưởng thôn Phí Trạch. Các vị lãnh đạo Thôn giới thiệu cho chúng tôi tóm tắt lịch sử Đình Làng, về vị Thần Thành hoàng được thờ tại Đình và việc tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm của nhân dân địa phương. Trước giờ khai mạc lễ hội, Ban Tổ chức mời chúng tôi cùng ban lãnh đạo xã An Tiến, thôn Phí Trạch và các đoàn khách mời vào làm lễ dâng hương trong đình.

Thôn Phí Trạch là một trong 5 thôn của xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa. Đình Làng có lịch sử hơn 500 năm tồn tại, được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông. Đình làng nằm trong quần thể di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng, được nhân dân, các thé hệ con cháu trong Làng gìn giữ, tu sửa, bảo tồn như một di sản văn hóa quý báu do các bâc tiền bối để lại. Theo chiều dài lịch sử, ngôi đình là trung tâm gìn giữ những phong tục truyền thống tốt đẹp của địa phương, là sợi dây kết nối tình cảm của những người con khi xa quê hương lên đường làm nhiệm vụ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống  Mỹ cứu nước, ngôi đình được sử dung với nhiều chức năng khác nhau: khi thì trở thành trụ sở của các đoàn thể cứu quốc, là nơi tổ chức các cuộc mít tinh , hội họp, kỷ niệm ngày cách mạng tháng 8 và quốc khành 2/9, rồi là nơi tiễn đưa những người con của quê hương lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ chiến đấu, khi là địa điểm bệnh viện Hà Nội sơ tán về để chữa trị cho thương binh, bệnh binh, là kho quân nhu của Quân đội… Đình làng đã đóng góp một phần tích cực vào thắng lợi chung của đất nước.

Ban thơ Thành hoàng làng*

 

Đình làng Phí Trạch thờ Ngô Xương Xí - Hậu Ngô Vương, Sứ quân Bình Kiều làm Thần Thành hoàng. Theo Phả hệ Họ Ngô Việt Nam, Ngô Xương Xí thuộc đời thứ 8, là Thái tử, con trai Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và là cháu đích tôn của Ngô Vương Quyền.Ngài kế vị ngôi vua năm 965 sau khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tử trận. Tuy nhiên, khi đó trong triều xảy ra biến loạn, các thế lực phong kiến các địa phương nổi dậy cát cứ khắp nơi, tranh giành nhau quyết liệt. Đó là loạn 12 sứ quân. Ngô Xương Xí lui về chiếm giữ Bình Kiều. Năm 967, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan các sứ quân, mời Ngài tham gia triều chính nhưng Ngài chối từ, về ẩn cư ở vùng thượng du Châu Ái (Thanh Hóa).

Văn cáo do Trưởng thôn đọc trong Lễ hội đã ôn lại truyền thống lịch sử, ca tụng công đức cao cả của các thế hệ tiền bối cũng như hậu duệ của Ngô Sứ quân. Từ Ngô Vương Quyền làm lên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, đánh tan mấy chục vạn quân Nam Hán, đem lại nền độc lập tự chủ cho non sông đất nước, rồi các thế hệ tiếp theo, đến Ngô Tuấn - Thái úy Lý Thường Kiệt với các chiến công lẫy lừng đánh tan quân Tống xâm lược bảo vệ vững chắc gấm vóc núi sông.

Lãnh đạo địa phương và các đoàn đại biểu dâng hương tại đình

 

Về dự lễ hội còn có đoàn đại biểu của thôn Phú Duy, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, do ông Nguyễn Văn Trung - Trưởng thôn dẫn đầu. Thôn Phú Duy cũng thờ Ngô Xương Xí làm Thành hoàng làng. Vì hai làng cùng thờ chung đức Thành Hoàng là Sứ quân Ngô Xương Xí nên từ xa xưa đã cùng nhau kết nghĩa anh em, quan hệ giữa nhân dân hai làng rất thân thiết, gắn bó. Hàng năm hai làng đều lấy ngày 10 tháng 2 Âm lịch – ngày sinh của Ngô Sứ quân(?) làm ngày tổ chức lễ hội làng. Các thành viên thôn Phú Duy còn cho biết một thông tin: Bình Kiều nơi Ngô Sứ quân trấn giữ trước đây là địa danh thuộc xã An Tiến, huyện Mỹ Đức ngày nay chứ không phải ở Triệu Sơn, Thanh Hóa hay Khoái Châu, Hưng Yên như các tài liệu ghi chép. Sứ quân trấn giữ, luyện tập binh mã ở đây nên làng Phú Duy và Phí Trạch mới có cơ sở thờ làm Thần Thành hoàng. Hiện ở An Tiến có bãi Bình Kiều, cách đây vài chục năm nhân dân Phú Duy làm thuỷ lợi đã đào được một trống đồng và một số binh khí, điều đó chứng minh khu đất này là bản doanh nơi đóng quân của Ngài.

Thiết nghĩ, những thông tin này, Hội đồng Ngô tộc Việt Nam và giới sử học nước nhà cần có sự khảo sát và nghiên cứu để đưa ra kết luận xác đáng.

Lễ hội truyền thống đầu xuân Ất Mùi thôn Phí Trạch kết thúc bằng phần “hội” vào buổi chiều với những trò chơi truyền thống đậm nét văn hóa dân tộc. Lễ hội đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp. Tuy chỉ là lễ hội của một thôn nhưng công tác tổ chức rất chu đáo, khá bài bản. Xin chúc nhân dân  thôn Phí Trạch mãi mãi gìn giữ được phong tục truyền thống tốt đẹp, giầu bản sắc dân tộc, làm cơ sở góp phần cùng nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng tươi đẹp.

 

Ngô Văn Xuân

* Bốn chữ trên hoành phi: Tướng hựu lê dân (Tướng cứu giúp dân lành)

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập140
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm137
  • Hôm nay26,447
  • Tháng hiện tại763,471
  • Tổng lượt truy cập50,126,689
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây