Tìm hiểu đôi nét về Ngô gia Văn phái

Thứ bảy - 09/05/2020 18:04

Ngô gia Văn phái mang hai ý nghĩa: một là, chỉ một nhóm các nhà văn thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn; hai là, tên một bộ sách tập hợp các tác phẩm của các thành viên trong Ngô gia Văn phái.
 
n
Hoàng Lê nhất thống chí - tác phẩm tiêu biểu nhất trong bộ sách Ngô gia Văn phái

Khoảng thời gian hơn 200 năm từ giữa thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, trong nền văn học nước nhà hình thành một văn phái lớn của nhóm các nhà văn thuộc dòng họ Ngô Thì* ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Văn phái do Ngô Chi Thất (1635 - 1713) đời thứ 29 và Ngô Trân (1671 - 1761) đời thứ 31 khởi xướng và dựng nên, về sau được mệnh danh là NGÔ GIA VĂN PHÁI. Lúc đầu Văn phái chỉ gồm các tác giả từ Ngô Chi Thất, Ngô Trân, Ngô Thì Ức đến Ngô Thì Điển, về sau được bổ sung thêm, cho đến tác giả cuối cùng là Ngô Giáp Đậu (đời thứ 37), tổng cộng gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ của dòng họ Ngô Thì.
(*Ngô Thì còn được gọi là Ngô Thời, do kiêng húy tên thủa nhỏ của vua Tự Đức là Phúc Thì nên chữ Thì 時 đọc trại thành Thời).

Về sau, các trước tác của 15 trong số 20 thành viên Ngô gia Văn phái được tập hợp lại thành bộ sách gồm 36 quyển, cũng mang tên Ngô gia Văn phái. Bộ sách do Ngô Thì Trí (đời 34, em trai Ngô Thì Nhậm) đề xướng và khởi công biên soạn tập đầu tiên, Ngô Thì Điển (đời 35, con Ngô Thì Nhậm) làm công tác biên tập. Đây là bộ sách đồ sộ, có tính chất sưu tập nhằm nêu cao truyền thống văn hóa, văn học của dòng họ Ngô Thì, chứ không mang tính chất của một hợp tuyển hay một tổng tập của những tác giả cùng một trường phái, một khuynh hướng tư tưởng và sáng tác. Các nhà sưu tập Ngô gia lấy tiêu chí huyết thống làm yếu tố quan trọng, họ không bị ràng buộc nhiều về chính kiến hay địa vị của các thành viên trong các tập đoàn phong kiến. Các trước tác đều bằng chữ Hán, bao gồm đủ các thể loại, nhiều nhất là thơ, rồi tới phú, truyện ký, tự, bạt, khải, biểu, tấu, sớ… Thành tựu nổi bật của dòng văn Ngô gia được thể hiện ở hai bộ môn quan trọng của nền học thuật thời trung đại là Văn học và Sử học. Ngoài ra, bộ sách còn mang nhiều giá trị về văn hóa, xã hội, phác họa một bức tranh toàn cảnh xã hội Đàng ngoài thời Lê – Trịnh, thời Tây Sơn và triều Nguyễn trong thế kỉ 18 đến nửa đầu thế kỉ 19.

Trong bộ sách Ngô gia Văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm tiêu biểu nhất. "Hoàng Lê nhất thống chí" có nghĩa là ghi chép sự nghiệp thống nhất đất nước của nhà Lê - chấm dứt cảnh Đàng ngoài, Đàng trong chia cắt đất nước. Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, được viết dưới hình thức chương hồi, kể lại những biến cố lịch sử sôi động như Trịnh Sâm lên ngôi chúa, Đặng Thị Huệ được sủng ái trở thành Tuyên phi, loạn kiêu binh, Nguyễn Huệ ra Bắc Hà lần thứ nhất, cơ nghiệp họ Trịnh sụp đổ tan tành, Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Tôn Sĩ Nghị đại bại, cho đến Tây Sơn suy vong, bị Nguyễn Ánh diệt và triều đại nhà Nguyễn ra đời. Tác phẩm sau được nhà văn Ngô Tất Tố và một số dịch giả khác dịch ra Quốc ngữ và được tái bản nhiều lần. Cốt truyện cũng đã được biên tập thành các tác phẩm nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, được một số đoàn nghệ thuật và đạo diễn dàn dựng biểu diễn và công chiếu rộng rãi.

Dưới đây là khái quát đôi nét về 20 thành viên Ngô gia Văn phái

1. Ngô Chi Thất (1635 - 1713), đời 29 chi Ất họ Ngô Thì, con trai Kiêm thọ Hầu Ngô Đức Phú. Ông đỗ đầu khoa Sỹ vọng rồi tiếp đỗ đầu khoa Hoành từ, làm quan đến Hộ bộ Tả Thị lang, tước Thê Hiển Hầu. Ông sinh 6 con trai, trong đó Ngô Đình Thạc và Ngô Đình Chất đỗ Tiến sỹ, làm quan đến Thượng thư, tước Quận công. Cả 2 người đều là thành viên Ngô gia Văn Phái.
Ngô Chi Thất và Ngô Trân là 2 người khởi xướng và dựng nên Văn phái họ Ngô. 

2. Ngô Tuấn Dị (1655 - ?), đời 30 chi Ất, tự Minh Tuệ, con Ngô Hữu Mỹ, cháu nội Ngô Đức Tuấn. 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Chính Hoà năm thứ 9 (1688), làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, Thị lang. Họ Ngô Thì - Tả Thanh Oai có 7 vị đỗ Đại khoa liên tiếp, Ngô Tuấn Dị là người mở đầu.

3. Ngô Đình Thạc (1678 - 1740), đời 30 chi Ất, còn có tên là Ngô Đình Oanh, tự Nhân Trai, con thứ Ngô Chi Thất, anh Tiến sỹ Xuyên Quận công Ngô Đình Chất. 23 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân  khoa Canh thìn 1700. Năm 1732 đi sứ sang nhà Thanh báo tang Lê Dụ Tông, trở về làm Thượng thư bộ Binh, Nhập thị Kinh diên, tước Huy Quận công.
Cuối năm 1739 giữ chức Tham tụng, Thượng thư bộ Hộ. Tháng 3 năm 1740 được phái đi Trấn thủ Lạng Sơn, vừa đến Lạng Sơn, gặp lúc Tù trưởng địa phương là Toản Cơ làm phản kéo quân bao vây Đoàn Thành, trong thành không có quân, có người khuyên ông chạy trốn, ông nói: ”Chức phận của ta là ở chỗ giữ đất của triều đình, ta phải sống chết với thành này, toan chạy đi đâu”. Bị sa vào tay giặc, ông giữ tiết tháo không khuất phục, bị hại. Thọ 63  tuổi, tặng phong tước Huy Quận công, truy tặng hàm Thiếu bảo.

4. Ngô Đình Chất (1686 - 1758), đời 30 chi Ất, còn có tên là Ngô Đình Oánh, tự Hồng Lượng, hiệu Thận Tra, con trai Thế Hiển Hầu Ngô Chi Thất, em Thượng thư Tiến sĩ Ngô Đình Thạc.
Năm 36 tuổi đỗ Tiến sỹ khoa Tân Sửu 1721 đời Lê Dụ Tông, giữ các chức Đô ngự sử Bồi tụng, làm Tán lý quân vụ trong đạo quân đi đánh dẹp Nguyễn Hữu Cầu, thua trận bị cách chức, sau được phục hồi thăng dần lên chức Thượng thư bộ Binh, tước Nhuệ Xuyên Hầu, Phương Quận công.
Năm 1751 lúc 65 tuổi ông xin về nghỉ hưu nhưng sau đó không lâu triều đình có việc, lại triệu ông ra làm Bồi tụng. Năm 1758 ông qua đời, thọ 73 tuổi, được truy tặng Thái bảo, tước Nhuệ Quận công.

5. Ngô Trân (1671 - 1761),  đời 31 chi Giáp, tự Đan Nhạc, con Ngô Vân (tức Ngô Thông Đạt), là thân phụ của Ngô Thì Ức, ông nội Ngô Thì Sỹ. Là người nổi tiếng về sức học uyên bác và tài văn chương, được người đương thời liệt là một trong “bảy con hổ của kinh thành Thăng Long” (Trường An thất hổ). Ông đỗ khoa Hoành từ, Cẩn sự tá lang, Tri huyện huyện Anh Sơn, dạy học, đào tạo được nhiều khoa bảng. Ông là người cùng Ngô Chi Thất đề xướng và dựng nên Ngô gia Văn phái.

6. Ngô Thì Ức (1709 - 1736), đời 32 chi Giáp, hiệu Tuyết Trai cư sĩ, là con trai Ngô Trân, thân phụ Ngô Thì Sĩ, Ngô Tưởng Đạo và là ông nội Ngô Thì Nhậm. Thủa nhỏ ông học với thầy Đan Nhạc, lớn lên học với Tiến sĩ Vũ Huy. Ông học giỏi, đàn giỏi và giỏi cả nghề thuốc.
Năm 24 tuổi, đỗ thứ hai kỳ thi Hương nhưng sau đó hỏng liền hai khoa thi Hội, không để chí vào khoa cử nữa mà chỉ chú tâm vào sáng tác văn chương. Tác phẩm chính của ông gồm:
- Nam trình liên vịnh tập (Tập thơ ngâm nối vần cùng bạn trên hành trình về phía Nam). Trong tập có bài đề tựa của con ông là Ngô Thì Sĩ.
- Nghi vịnh thi tập (Tập thơ vịnh thú sông Nghi).
- Tuyết Trai thi tập, còn gọi là Nghi vịnh thi tập gồm 90 bài thơ.
Qua thơ, ta thấy ông là một con người tài hoa, ưa thích cuộc sống tiêu dao nhàn tản, thoát khỏi mọi công danh tục lụy. Bài thơ Tiêu dao ngâm của ông dược Phan Huy Chú nhận xét là đầy hứng thú, phóng khoáng, cao thượng của một danh sỹ thanh khiết kiểu Đào Tiềm.
Năm Bính Thìn 1736 ông mất khi mới 27 tuổi, sau được triều đình truy phong Phong Trạch bá.
Ngô Thì Ức là người mở đầu cho dòng văn học Ngô gia Văn phái.

7. Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), đời 33 chi Giáp, tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, sinh ngày 20 tháng 9 năm Bính Ngọ (tức 15 tháng 10 năm 1726).
Ông là con trưởng Phong Trạch Bá Ngô Thì Ức, thân sinh Tiến sỹ Phương Quận công Ngô Thì Nhậm và là nhạc phụ của danh sĩ Phan Huy Ích. Ông nổi tiếng thông minh nhưng thi nhiều khoa mãi sau mới đỗ.
Năm 1743 đỗ Hương tiến, năm 1745 đỗ đầu khoa Sỹ vọng, được ra làm quan, sau được chọn làm Thị giảng cho Thế tử Trịnh Sâm. Năm 1764 được bổ làm Giám sát Ngự sử Sơn Tây, thăng Đốc đồng Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Năm 42 tuổi, đỗ Hòang giáp khoa Bính Tuất 1766 đời Lê Hiển Tông, thăng Đông các hiệu thư, chuyển đi Hiến sát sứ Thanh Hoá, rồi thăng Tham chính Nghệ An. Năm 1771 bị cách chức do bị Hòang Ngũ Phúc mưu hại.
Năm 1773 được trở lại làm quan chức Hiệu lý trong viện Hàn lâm, ít lâu sau thăng Thiêm đô ngự sử, Bí thư các Chính tự. Năm 1777 làm Đốc trấn Lạng Sơn, cho xây dựng Đoàn Thành, tu sửa động Nhị Thanh. Năm 1780 đi đánh dẹp Hoàng Đồng ở Tuyên Quang (phối hợp với quân Nguyễn Lễ Đốc trấn Sơn Tây). Cùng năm có việc đi Mục Nam Quan, khi về ghé nghỉ ở động Nhị Thanh, tối ngày 29 tháng 8 (tức 22 tháng 10 năm 1780) đột ngột mất tại đó, thọ 55 tuổi.
Ngoài việc là một chính khách, một quan chức, Ngô Thì Sỹ còn là một nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam ở thế kỷ 18, là một tác gia lớn của Ngô gia Văn phái, để lại nhiều công trình, tác phẩm có giá trị.
Các tác phẩm chính có:
Sử học: Việt sử tiêu án (Những nghi án nêu lên trong sử Việt); Đại Việt sử ký tiền biên; Đại Việt sử ký tục biên (soạn chung).
Văn học: Anh ngôn thi tập (Tập thơ chim vẹt học nói); Anh ngôn phú tập (Tập phú chim vẹt học nói); Quan lan thi tập (Tập thơ xem sóng); Nhị thanh động tập (Tập thơ làm ở động Nhị Thanh); Khuê ai lục (Ghi nỗi buồn đau về chuyện phòng khuê); Ngọ phong văn tập (Tập văn Ngọ phong; Hậu hiệu tần thi tập; Bảo chương hoằng mô;  Sách chế khải tập; Khoa sớ tập biên; Hải Đông chí lược.

8. Ngô Tưởng Đạo (1732 - 1802), đời 33 chi Giáp, tự Văn Túc, hiệu Ôn Nghị, do thừa tự họ ngoại là họ Tưởng nên mang tên đệm “Tưởng”.
Ông là con Ngô Thì Ức, là em trai của Ngô Thì Sĩ và là cha của Ngô Thì Du. Thủa nhỏ ông được ông nội là Ngô Trân dạy, lớn lên ra kinh đô Thăng Long học với Tiến sĩ Nhữ Đình Toản.
Năm Quý Dậu 1753, ông đỗ Á nguyên khoa thi Hương. Năm Đinh Sửu 1757 đỗ Giải nguyên khoa Hoành từ, được bổ chức quan, rồi lần lượt trải các chức: Thị giảng Đông cung (1756), Tri huyện Thụy Anh (1758), Đại lý tự thừa (1767), Tri phủ Áng Đô (1767), Hiến đài Sơn Tây (1776), Hiến sát phó sứ kiêm ủy phủ sứ Kinh Bắc (1784)…
Sau đó, ông xin thôi việc quan. Từ năm Bính Ngọ 1786, năm Nguyễn Huệ ra Bắc dẹp họ Trịnh, cho đến năm Kỷ Dậu 1789, năm Nguyễn Huệ đánh tan quân nhà Thanh, Ngô Tưởng Đạo nhiều lần được người của Tây Sơn mời ra làm quan, song ông đều tìm cách thoái thác.
Ngô Tưởng Đạo sáng tác nhiều, nhưng các tác phẩm ấy đã tản mát quá nửa, chỉ còn lại một tập bản thảo làm lúc cuối đời, sau con cháu sưu tập thêm làm thành tập Hoành từ Hiến sát Văn Túc công di thảo (Bản thảo để lại của ông Văn Túc đỗ khoa Hoành từ, giữ chức Hiến sát). Trong Hoành từ Hiến sát Văn Túc công di thảo, ngoài thơ còn có những thư từ gửi cho người thân và các bài điều trần về công việc. Ông tỏ ra hết sức quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của con em trong gia đình, và luôn đề cao đạo Nho, coi đó là một "con đường lớn”.
Ngô Tưởng Đạo trước sau đều giữ lòng trung với nhà Hậu Lê, dứt khoát từ chối lời mời hợp tác với nhà Tây Sơn. Tuy vậy, ông cũng không tham gia với nhóm Nguyễn Danh Án, Trần Huy Túc chủ trương sang nhà Thanh cầu viện giúp vua Lê Chiêu Thống khôi phục ngôi vị. Khi Tôn Sỹ Nghị vào Thăng Long, Lê Chiêu Thống về Kinh thành mời ông ra giúp, Ngô Tưởng Đạo lấy cớ gìà yếu mà từ chối, ở nhà dạy học kiếm sống. Nhà nghèo, kinh tế khó khăn, bạn bè làm quan với Tây Sơn đều biếu quà cáp, nhưng ông không nhận của ai bất kể là vật gì. Năm 1802 ông mất ở quê, thọ 71 tuổi.

9. Ngô Thì Nhậm* (1746 - 1803), đời 34 chi Giáp, tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Ông làm quan nhà Hậu Lê và là một danh sĩ nổi danh. Đỗ Tiến sỹ khoa Ất Mùi 1775, ông từng làm thầy dạy chúa Trịnh Khải, rồi làm quan trải nhiều chức trọng. Năm 1782, quân tam phủ làm chuyện phế lập, Ngô Thì Nhậm phải lánh về quê vợ.
Ngô Thì Nhậm là người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh xâm lược. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ông cùng nhiều kẻ sỹ Bắc Hà theo Tây Sơn. Nguyễn Huệ đã cho Ngô Thì Nhậm cùng Ngô Văn Sở cai quản Bắc Hà. Ngô Thì Nhậm là người đề ra chủ trương rút lui chiến lược về Tam Điệp, tạo điều kiện cho Quang Trung nhanh chóng tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Ông được thăng Binh bộ Thượng thư, tước Phương Quận công.
Ngô Thì Nhậm là một trí thức danh tiếng, sự nghiệp văn chương lớn lao, để lại cho đời hơn 20 tác phẩm có giá trị, tiêu biểu là Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Doãn thi văn tập, Yên đài thu vịnh, Hoàng hoa đồ phả, Cúc đường bách vịnh… Ông còn là Tổng tài Quốc sử quán, đã tổ chức biên soạn và cho in sách Đại Việt sử ký tiền biên mà thân phụ ông khởi soạn.
(*Ngô Thì Nhậm còn được gọi là Ngô Thời Nhiệm, do kiêng húy tên chữ của vua Tự Đức là Hồng Nhậm nên chữ Nhậm 任 đọc trại thành Nhiệm).

10. Ngô Thì Chí (1753 - 1788), đời 34 chi Giáp, tên chữ là Học Tốn, hiệu Uyên Mật, là con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ, và là em ruột Ngô Thì Nhậm. Thi Hương, ông đỗ Á nguyên, làm quan đến chức Thiêm thư bình chương tỉnh quốc.
Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà lần thứ hai (1788), Ngô Thì Chí chạy theo vua Lê Chiêu Thống. Lúc bấy giờ ông có dâng lên nhà vua bản Hưng trung sách (Sách lược trung hưng), bàn kế khôi phục nhà Lê.
Sau đó, nhà vua phái ông lên Lạng Sơn (nơi cha ông làm Đốc trấn trước đây) chiêu mộ quân để chống lại quân Tây Sơn, nhưng ông đi tới huyện Phượng Nhỡn thì ốm nặng và mất ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) năm 1788. Khi ấy ông mới 35 tuổi.
Thơ văn của ông không có câu nào nói đến việc quan trường. Tác phẩm chính của ông có: Học Phi thi tập, Học Phi văn tập và Hào thiên khoa sớ (Tập sớ khóc cùng trời cao). Ngô Thì Chí là người khởi đầu viết bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí 17 hồi, mà 7 hồi đầu thuộc phần chính biên do ông viết ban đầu có tên là Nhất thống chí. Sau này, Ngô Thì Du viết 7 hồi thuộc phần tục biên và đặt tên là Hoàng Lê nhất thống chí. Thơ, văn Ngô Thì Chí rất trong sáng, giản dị, chân thực. Đặc biệt, văn xuôi của ông rất trôi chảy, tự nhiên, mạch lạc và thật tài hoa. Ông còn viết nhiều lời bàn về văn học sâu sắc và lý thú.

11. Ngô Thì Trí (1766 – ?), đời 34 chi Giáp, hiệu Dưỡng Hạo, là con thứ 6 của danh sĩ Ngô Thì Sĩ. Lên 5 tuổi mồ côi mẹ, 14 tuổi mồ côi cha, nên thường sống ở nhà người anh cả là Ngô Thì Nhậm.
Năm 1782, Trịnh Khải lên ngôi chúa. Ngô Thì Nhậm vì có liên quan đến vụ án năm Canh Tý, phải bỏ trốn về quê vợ ở Bách Tính, Nam Định. Gia đình họ Ngô trước đã sa sút, nay thêm ly tán. Ông lớn lên trong gia cảnh ấy và trong một xã hội nhiều biến động.
Khi trưởng thành, Ngô Thì Trí ra làm quan cho nhà Lê, giữ việc biên soạn, tu thư ở sử quán. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai. Lúc này cả vua Lê và chúa Trịnh đều đã đổ. Ngô Thì Trí theo anh là Ngô Thì Nhậm ra làm quan cho nhà Tây Sơn, làm đến chức Hữu thị lang bộ Hộ, tước Bính Phong hầu.
Năm 1802, nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn diệt, ông về sống ẩn ở quê nhà. Ông mất năm nào không rõ, nhưng phải sau năm 1826, vì năm này ông còn làm bài văn khấn thần xin tu sửa lại đình Hoa Xá.
Tác phẩm của Ngô Thì Trí chỉ có tập Sóc Nam hành kính (trên con đường xuyên Bắc Nam) bằng chữ Hán, gồm 26 bài thơ, 2 bài phú, 22 bài văn và một số câu đối.
Ngô Thì Trí không viết nhiều, ít khi đề vịnh. Nhưng những bài viết khi có việc (chủ yếu gửi cho anh em và con cháu) đều rất tình cảm, giản dị, chân thật. Ông là người đề xướng việc sưu tập các tác phẩm của dòng họ Ngô Thì và khởi công biên soạn tập đầu tiên thành bộ sách Ngô gia Văn phái.

12. Ngô Thì Hoàng (1768 - 1814), đời 34 chi Giáp, còn có tên là Tịnh, hiệu Huyền Trai, biệt hiệu Thạch Ổ cư sĩ, sinh năm Mậu Tý 1768, là con Ngô Thì Sĩ, và là em cùng cha khác mẹ với Ngô Thì Nhậm. Năm Đinh Mão 1807, ông thi đỗ tú tài dưới triều Nguyễn. Sáng tác của Ngô Thì Hoàng chỉ có Thạch Ổ di chương, gồm cả thơ, phú, văn xuôi, phần lớn đều nói về đạo lý, tình yêu thiên nhiên và tâm tư của tác giả.
Năm Giáp Tuất 1814 ông mất, cháu ông là Ngô Thì Điển có làm bài Điện tiên thúc Thuyền Trai Công (Ông chú là Huyền Trai) để điếu, trong đó có câu: Chú sống ở đời 47 năm, văn chương như vậy, đức hạnh như vậy, sao trời khắt khe về công danh, lại nỡ hẹp hòi về tuổi thọ.

13. Ngô Thì Du (1772 - 1840), đời 34 chi Giáp, tự Trưng Phủ, hiệu Văn Bác. Là con Ngô Tưởng Đạo, cháu gọi Ngô Thì Sĩ bằng bác ruột. Ngô Thì Du có chí học tập và học giỏi, nhưng không may mắn trong khoa hoạn. Mãi đến năm ông 40 tuổi, triều đình nhà Nguyễn xuống chiếu về việc tiến cử người tài, bạn bè khuyên ông ra làm quan và có người tiến cử, ông được bổ Đốc học Hải Dương. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông xin từ chức, về ở quê nhà. Tác phẩm chính của Ngô Thì Du là Trưng Phủ công thi văn gồm 76 bài, nội dung chủ yếu xoay quanh số phận cùng diễn biến tư tưởng của người trí thức nghèo trong xã hội có nhiều biến động đương thời. Văn chương ông rất trong sáng, chân chất, nhất là văn xuôi, rất cứng cáp và mạch lạc. Tác phẩm của Ngô Thì Du có sức truyền cảm rất sâu, khiến người đọc nhiều khi cảm thương da diết. Ông là người viết 7 hồi trong phần tục biên của tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí.

14. Ngô Thì Hương (1774 - 1821), đời 34 chi Giáp, còn có tên là Ngô Thì Vị, tự Thành Phủ, hiệu Ước Trai, là con út Ngô Thì Sĩ và là em Ngô Thì Nhậm. Năm 1780 khi ông lên 6 tuổi thì cha mất, phải sống nhờ vào các anh. Hai năm sau (1782), Trịnh Khải lên ngôi chúa, Ngô Thì Nhậm vì có liên quan đến vụ án năm Canh Tý nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Bách Tính, Nam Định. Gia đình họ Ngô trước đã sa sút, nay thêm ly tán. Lớn lên trong gia cảnh ấy và trong một xã hội nhiều biến động, nên việc học hành của ông không được chu đáo.
Khi Gia Long lên ngôi (1802), ông cũng được thu dụng ngay. Buổi đầu được cử làm Thiêm sự bộ Lại, năm 1809 được sung làm Phó sứ trong đoàn sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).
Về nước, ông tiếp tục việc quan, lần lượt được giữ chức Hiệp trấn Lạng Sơn (1814 - 1817), Đề điệu trường thi Hương Gia Định (1819).
Cuối năm 1820, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Nhưng khi đi đến huyện Vĩnh Thuận, phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), thì ông lâm bệnh và mất ngày 1 tháng 1 năm 1821. Khi ấy, ông 47 tuổi.
Tác phẩm của ông có: Mai dịch thú dư (Cỗ xe sứ trạm), Thù phụng toàn tập (Toàn tập xướng họa) và một số tác phẩm rải rác trong nhiều năm sau này được con cháu tập hợp trong Thành Phủ công di thảo. Các tác phẩm của ông không nhiều, nhưng những bài viết về bản thân, về gia đình là những tác phẩm văn chương dồi dào cảm xúc và chứa đựng nhiều vấn đề cuộc sống đương thời, rất có giá trị. Tài năng văn chương của Ngô Thì Hương thể hiện ở nội dung các tác phẩm tha thiết tự hào về đất nước, về dân tộc và thể hiện qua cách viết nhẹ nhàng, nhưng dí dỏm, sâu sắc. Đó là phẩm chất hiếm thấy trong thơ văn chữ Hán ở nước ta xưa kia.

15. Ngô Thì Điển (? – ?), đời 35 chi Giáp, tự Kính Phủ, hiệu Tĩnh Trai, là con trai trưởng của danh sĩ Ngô Thì Nhậm. Chưa rõ năm sinh năm mất của ông, nhưng căn cứ vào tuổi của cha, và căn cứ vào sáng tác của ông, có thể đoán biết dưới thời Tây Sơn, ông đã trưởng thành.
Lúc trẻ, ông từng là Giám sinh ở Quốc tử giám, có đi dạy học ở Bắc Giang, và có ở Huế khoảng 10 năm, nhưng không rõ ông có làm quan cho nhà Nguyễn hay không.
Theo đề xướng của chú là Ngô Thì Trí, ông đã bỏ công sức biên tập và làm ra bộ sách Ngô gia Văn phái đồ sộ. Ông còn để lại tập Dưỡng chuyết thi văn (Thơ văn nuôi dưỡng cái chí vụng về).

16. Ngô Thì Hiệu (1791 - 1830), đời 35 chi Giáp, tự Tử Thị, hiệu Dưỡng Hiên, biệt hiệu Hoa Lâm tản nhân, là con trai Ngô Thì Nhậm, thân phụ Ngô Thì Giai. Tuy ông chỉ là Giám sinh nhưng sáng tác khá nhiều thơ văn. Tác phẩm chính của ông có: Nam du thi tập, Lạng hành ký sự, Quan ngư ký, Khôn trinh ký lục, Dạ trạch phú ký…

17. Ngô Thì Thập (? - ?),  đời 35 chi Giáp, tự Toàn Phủ, hiệu Minh Mẫn, là con trai danh sỹ Ngô Thì Nhậm, cháu nội Ngô Thì Sỹ, ông tham gia viết Hoàng Lê nhất thống chí.

18. Ngô Thì Lữ (? - ?), đời 35 chi Giáp, tự Bằng Phủ, là con trai Ngô Thì Chí, cháu nội Ngô Thì Sỹ, làm Hiệp trấn Hải Dương, Vũ Phong hầu. Tác phẩm của ông để lại có Ngô Sào thi tập.

19. Ngô Thì Giai (1818 - 1881), đời 36 chi Giáp, tự Cường Phù, hiệu Thanh Xuyên, biệt hiệu Vân Lâm cư sĩ, là con trai Ngô Thì Hiệu, cháu nội danh sỹ Ngô Thì Nhậm và là thân phụ Ngô Giáp Đậu. Ông là danh sĩ đời vua Tự Đức, có nhiều thơ văn được chép trong bộ sách Ngô gia Văn phái.

20. Ngô Giáp Đậu (1853 - 1929), đời 37 chi Giáp, là con Ngô Thì Giai, cháu nội Ngô Thì Hiệu, tằng tôn danh sỹ Ngô Thì Nhậm. Năm 1891, ông thi đỗ cử nhân khoa Tân Mão tại trường thi Hà Nam (tức trường Hà Nội và Nam Định hợp thi), được bổ làm Hành tẩu, sau chuyển sang ngạch học quan từ chức Giáo thụ lên đến chức Đốc học.
Ngô Giáp Đậu là người suốt đời tận tụy với nghề dạy học và biên soạn sách (đa phần là sách sử). Tác phẩm của ông gồm có:
Hoàng Việt hưng long chí (chữ Hán, soạn từ năm 1899, hoàn thành và đề tựa năm 1904), là một truyện chương hồi, viết về lịch sử xây dựng vương triều Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng (1524 - 1613) đến Gia Long (1762 - 1820).
Trung học Việt sử toát yếu (chữ Hán, 4 quyển, in năm 1911), Tóm lược lịch sử Việt Nam biên niên dành cho bậc trung học.
Đại Nam Quốc túy (soạn năm 1908): tập hợp 1.800 câu thành ngữ, tục ngữ và 600 câu ca dao Việt Nam. Đề tựa và lời dẫn đều bằng văn xuôi Nôm.
Hiện kim Bắc Kỳ địa dư sử (soạn 1908): là cuốn địa lý, lịch sử Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
Trung học Việt sử biên niên toát yếu (chữ Hán, in năm 1911): Sách giáo khoa tóm lược lịch sử Việt Nam dành cho bậc trung học.
Mạnh học Trung cao đẳng giáo khoa thư (chữ Nôm, soạn năm 1913): Sách giáo khoa mở đầu bậc trung cao đẳng.
Ngô Giáp đậu là người soạnThanh Oai Ngô gia thế phả (Gia phả các đời của họ Ngô Thì – Tả Thanh Oai). Đây là tài liệu quí cho việc tìm hiểu nhiều tác gia của Ngô gia Văn phái.
 

Ngô Xuân
(Tổng hợp từ Phả hệ Họ Ngô Việt nam, Wikipedia, Tạp chí Hán Nôm và một số tài liệu liên quan khác).

 

Tổng số điểm của bài viết là: 36 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập170
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm158
  • Hôm nay26,591
  • Tháng hiện tại315,175
  • Tổng lượt truy cập50,850,995
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây