Ngô Linh Ngọc – người chấn hưng nghệ thuật Ca trù

Thứ sáu - 27/05/2022 18:04

Ngô Linh Ngọc là một nhà thơ, nhà báo, dịch giả và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông có nhiều đóng góp cho việc khôi phục môn nghệ thuật Ca trù, ông cũng là tác giả Chúc văn tế Tổ họ Ngô.
 

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 18 năm ngày mất của Nhà thơ Ngô Linh Ngọc, HNVN xin trân trọng giới thiệu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Ngô Linh Ngọc, trong Phả còn có tên là Ngô Văn Ích, sinh ngày 28/5/1922, quê làng Khả Do phường Nam Viêm thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc. Sinh ra trong một gia đình Nho học, được học và giỏi Hán ngữ từ nhỏ, trước cách mạng học hết ban Tú tài, làm thư ký cho sở Hỏa xa, lại tự trang bị cho mình vốn Pháp văn dày dặn, khiến ông trở thành một người hiểu biết, am tường cả Kim - Cổ - Đông - Tây.
 
Ngô Linh Ngọc đến với nghiệp văn chương từ rất sớm, khi còn học tiểu học đã có truyện ngắn đăng trên báo Cậu ấm, một tờ báo của thiếu nhi thờ đó. Những buổi đầu gia nhập làng báo, làng văn, ông đã có nhiều bài đăng trên các báo và sớm kết giao với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời ấy như Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bình, Hồ Dzếnh…. Trước Cách mạng tháng Tám ông viết nhiều bài bút ký, phóng sự, điều tra có thiên hướng nghiêng về các đề tài xã hội, lột tả cuộc sống khốn cùng của tầng lớp dân nghèo. Ông là sáng lập viên báo Du kích của Tỉnh đội Vĩnh Phúc, biên tập viên báo Quân du kích, Quân Bạch Đằng, Quân Việt Bắc và tham gia viết bài cho nhiều báo khác. Điểm đặc biệt trong nghề báo của ông là luôn kết hợp báo chí với văn học, mỗi bài báo là một áng văn chương, dễ đi vào lòng người đọc, qua đó nâng cao được hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, phục vụ đắc lực tầng lớp dân nghèo, tầng lớp tiên phong trong phong trào chống Pháp lúc đó.

Sau năm 1954 hòa bình lập lại, Ngô Linh Ngọc tiếp tục viết bài và là Phó Tổng Biên tập báo Tổ quốc (tờ báo của Đảng Xã hội Việt Nam). Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông chọn cho mình một hướng đi mới, đó là viết các bài báo với hình thức thơ châm biếm, thơ đả kích, thể loại rất có tác dụng với công chúng lúc bấy giờ. Ông tham gia nhóm thơ trào phúng với bút danh Búa Đanh, là cộng tác viên và viết nhiều bài thơ, bài văn châm biếm đăng trên báo Văn Nghệ, phát trên Đài tiếng nói Việt Nam và một số tờ báo, tạp chí khác, trở thành một trong những nhà thơ trào phúng được đánh giá cao thời bấy giờ.

Sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, ông tập trung vào nghiên cứu văn học cổ và được biết đến nhiều với tên tuổi của một dịch giả thơ chữ Hán. Xuất thân từ một gia đình Nho học, năm bảy tuổi học chữ Hán từ người chú, sau học các thày đồ, lại say mê tự học, tìm tòi nghiên cứu, Ngô Linh Ngọc rất giỏi Hán ngữ và am hiểu cổ văn. Ông rất thích thơ Đường lại có một tâm hồn tinh tế, nên đã dành nhiều tâm huyết dịch hàng trăm bài thơ Đường cổ ra Việt ngữ. Năm 13 tuổi đã biết dịch thơ. Những áng thơ hay của các tác giả Đường thi kinh điển Trung Quốc như: Tương tiến tửu của Lý Bạch, Trường hận ca của Bạch Cư Dị, Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, Phong kiều dạ bạc của Trương Kế… trước đó đã có nhiều người dịch nhưng Ngô Linh Ngọc dịch lại với phong cách, sắc thái riêng. Ngoài ra, ông còn dịch hàng nghìn bài thơ tiếng Hán, những tác phẩm thi ca Việt cổ điển đa phần viết theo thể thơ Đường luật của các tác giả Việt Nam. Ông cho rằng “Thơ chữ Hán của tiền nhân chói lọi tình yêu nước, yêu dân, tự hào dân tộc, chói sáng nhân văn, nhân đạo” nên đã để nhiều năm biên dịch những bộ sách quan trọng như: Thơ văn Lê Thánh Tông, Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Văn học Tây Sơn và các áng thơ hay của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương… Các bản dịch của ông được thể hiện bằng ngôn ngữ uyển chuyển, lịch lãm và thuần Việt nhưng luôn giữ được hồn cốt của nguyên tác. Năm 1988 ông có bài viết bàn về cái Thần và cái Nhã trong dịch thơ chữ Hán đăng trên trên tạp chí Hán Nôm. Theo ông, dịch thơ Đường điều quan trọng là phải lột tả được cái “thần” của bài thơ, sau đó kết hợp với nghệ thuật tu từ mới có thể cho ra bài dịch hay.
Ngô Linh Ngọc là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Năm 1946 ông đoạt Giải thơ báo Cứu quốc; Năm 1979 được tặng Giải thưởng dịch văn chữ Hán của Hội Nhà báo Việt Nam và Giải thưởng dịch thơ Lê Thánh Tông  của Viện Hán Nôm; Năm 1980 đoạt Giải thưởng khảo luận Nguyễn Khuyến của Hội Nhà báo Việt Nam.

Một trong những đam mê lớn nhất của Nhà thơ Ngô Linh Ngọc là nghệ thuật Ca trù. Ông là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc chấn hưng môn nghệ thuật cổ truyền này. Ông bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu về Ca trù từ những năm 40 của thế kỷ trước, chứng kiến thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của môn nghệ thuật này khi mà Khâm Thiên, Vạn Thái, Thái Hà… còn là những trung tâm của đời sống văn nghệ Hà Nội. Do hoàn cảnh lịch sử, một thời gian dài Ca trù bị bẵng đi trên đất Bắc. Sau năm 1975 ông đã cùng nhóm bạn bè tâm huyết tập hợp lại những nghệ nhân Ca trù còn lại của đất Thăng Long, dồn công sức gây dựng, phục hồi lại bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Ông khái quát lại những vấn đề cơ bản của Ca trù, hệ thống lại những vấn đề mang tính lý thuyết để những người yêu thích môn nghệ thuật này có thể hiểu sâu rộng và chính xác về nó. Trong đó trình bày chi tiết về âm luật, những điệu hát thông dụng, các nhạc khí, đặc biệt lưu ý đến vai trò của phách và đàn đáy trong Ca trù. Ông cho xuất bản cuốn “Tuyển tập thơ Ca trù”, viết rất nhiều bài báo, đi nói chuyện ở nhiều nơi về Ca trù, đồng thời tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ gạo cội của môn nghệ thuật này. Có thể nói, Ca trù đã gắn bó suốt cuộc đời và chiếm một phần quan trọng trong sự nghiệp thi ca của ông. Trong làng nghệ thuật Ca trù, Ngô Linh Ngọc là một tay sành điệu, một "quan viên" lịch duyệt và phóng khoáng, bạn tri âm của những danh ca: Quách Thị Hồ, Mộng Hoàn, Phó Thị Kim Đức... Những tuyệt phẩm: Thiên Thai, Tỳ Bà, Cung Bắc... qua giọng ca của các đào nương, được điểm xuyết bằng tiếng trống chầu của Ngô Linh Ngọc càng tôn thêm vẻ đẹp của một lối chơi tao nhã, hào hoa. 

Trong lĩnh vực thể thao, Ngô Linh Ngọc rất say mê môn Cờ tướng. Ông từng là một kỳ thủ cao tay, thi đấu đoạt nhiều giải, có nhiều nước cờ hay, phá được nhiều thế hiểm. Ngô Linh Ngọc tham gia nhóm Cờ tướng Thuyền Quang từ năm 14 tuổi. Về sau Hội Cờ tướng Thuyền Quang với hội viên đều là công nhân viên chức, học sinh, gánh vác cả trọng trách gây dựng phong trào phát triển Cờ tướng ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung. Là người giỏi Hán Nôm, Ngô Linh Ngọc đảm trách việc dịch tài liệu Cờ tướng sang chữ quốc ngữ cho nhóm. Sau này ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cờ tướng Việt Nam, tham gia tổ chức các phong trào và biên soạn giáo trình “Cờ tướng, những vấn đề cơ bản” dùng cho những người mới học cờ.

Nhà thơ Ngô Linh Ngọc tham gia Ban Liên lạc Họ Ngô Việt Nam (nay là Hội đồng Họ Ngô Việt Nam) từ năm 1990 đến 1995, giai đoạn đầu của hoạt động kết nối dòng tộc, vấn tổ tầm tông. Ông là tác giả Chúc văn tế Tổ họ Ngô, một áng văn hùng hồn, khắc ghi công đức to lớn của Đức Tổ Ngô Quyền – Tổ trung hưng đất nước, tôn vinh đại thắng trận chiến Bạch Đằng lịch sử năm 938. Bài Chúc văn đến nay vẫn được con cháu họ Ngô tuyên đọc trong các dịp lễ dâng hương giỗ Tổ hàng năm. Ông là anh trai nhà văn Ngô Văn Phú, người có công sưu tầm, tập hợp tư liệu biên soạn gia phả họ Ngô - Khả Do.

Ngô Linh Ngọc là bậc mặc khách tao nhân. Với phong thái hào hoa lịch thiệp cùng đức tính giản dị khiêm nhường, ông được rất nhiều người mến mộ. Ông qua đời ngày 1/3/2004 tại Hà Nội ở tuổi 83, để lại sự tiếc thương vô hạn cho người thân, gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Rất đông thân nhân, bạn bè những người yêu quý ông, đặc biệt là giới văn nghệ sỹ đã đến viếng, tiễn biệt ông. Nhà thơ Nguyễn Bình có câu đối viếng thật hay và ý nghĩa:
Nùng Nhị Nho lâm khuynh đại thụ
Tràng An cầm khách thất tri âm.
(Làng Nho của núi Nùng sông Nhị nghiêng đổ mất cây đại thụ / Khách cầm ca của đất Tràng An mất đi người bạn tri âm).

Ngô Văn Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm101
  • Hôm nay59,308
  • Tháng hiện tại524,869
  • Tổng lượt truy cập47,249,977
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây