Đồng nhất địa chính trị với địa văn hóa
Xét về góc độ văn hành chính và văn ngôn luận, hơn 60% số từ trong từ vựng tiếng Việt là từ gốc Hán (từ Hán Việt). Người Việt sử dụng văn tự Hán Nôm để ghi lại ngôn ngữ tiếng Việt dưới hình thức các kí tự chữ vuông (trong đó chữ Nôm được tạo nên trên cơ sở chữ Hán để ghi những âm thuần Việt). Có thể thấy, vấn đề bảo tồn văn tự Hán Nôm đang gặp không ít khó khăn, ngoài lí do ngày nay chúng ta đã có hệ thống chữ Quốc ngữ hoàn chỉnh thay thế chữ Hán Nôm, còn có một vấn đề khác, đó là cách nhìn nhận sai lầm của nhiều nhà nghiên cứu và người dân đối với văn tự này.
Sai lầm trước tiên, theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, đó là việc đồng nhất yếu tố địa chính trị với địa văn hóa, gắn yếu tố chính trị - lịch sử của người Trung Hoa lên văn tự chữ vuông được dùng ở Việt Nam. Cần lưu ý rằng, trước thế kỷ XX, giới trí thức Việt Nam không gọi chữ Hán là chữ Hán theo nghĩa chữ của người Hán, mà chỉ gọi là văn tự, là chữ.
Nằm trong hệ thống những quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng chữ Hán như Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên (trước đây), Việt Nam có lịch sử sử dụng hệ thống chữ vuông này từ lâu đời. Với phát hiện gần đây nhất về sáu chiếc trống đồng Đông Sơn loại 1 có các dòng chữ Hán, có thể khẳng định, từ thiên niên kỷ thứ nhất TCN, chữ Hán đã được sử dụng bởi cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng; trong thời kỳ Bắc thuộc, hệ thống chữ Hán, âm đọc Hán Việt đã hình thành và được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Chính vì yếu tố lịch sử này, ngày nay có nhiều người quan niệm rằng, chữ Hán là chữ ngoại lai, học chữ Hán là học thứ chữ của phương Bắc. Thậm chí chữ Hán “được đặt” trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện tại, trở thành đối tượng bị bài xích, tẩy chay.
Cách nhìn lệch lạc đánh đồng địa chính trị và địa văn hóa này kéo theo hệ quả là tâm lý tẩy chay tất cả những “yếu tố Tàu” trong văn hóa Việt truyền thống, trong khi xét về mặt ngôn ngữ, chữ Hán sử dụng trong tiếng Việt, được dùng để biểu âm, đọc với vỏ âm của người Việt, không thể nào là “sản phẩm phương Bắc”, và cũng không nên coi Hán tự dùng trong nước là văn tự của nước ngoài. Ở khía cạnh văn hóa, nó như là một chỉnh thể, có ảnh hưởng, có tiếp biến và hỗn dung văn hóa, tương tự trường hợp chữ Kanji của Nhật Bản. Do đó theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, “thay vì bài xích, chúng ta nên nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan với tư cách chủ thể độc lập”.
Nhìn nhận sai lầm về văn tự Hán Nôm dẫn đến một thực tế “tai hại” là tư liệu Hán Nôm không được bảo vệ, giữ gìn trong nước mà bị bán dưới dạng nguyên liệu thô cho một số nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản. Những nước này biến nguyên liệu đó thành nhiều cuốn sách in đẹp đẽ (như Đại Việt sử ký toàn thư - Đại học Tokyo Nhật Bản xuất bản, Đại Nam thực lục - Đại học Keio Nhật Bản xuất bản, Toàn tập tiểu thuyết Hán Văn Việt Nam, Toàn tập văn hiến Yên hành Việt Nam - Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải xuất bản…) rồi bán với giá cao ra các nước khác, trong đó có cả Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết.
Sai lầm thứ hai về mặt nhận thức, đó là đánh giá không đúng vai trò của văn tự Hán Nôm trong cuộc sống hiện tại. Ở một chiều, việc nhìn nhận văn tự Hán Nôm như chữ thánh hiền vô hình trung đẩy văn tự này lên thành một thứ đạo đức, tín ngưỡng và khiến nó trở nên già cỗi, giáo điều. Ở chiều ngược lại, việc một mực đề cao chữ Quốc ngữ, phủ nhận hoặc không coi trọng văn tự Hán Nôm, lại dẫn đến tình trạng không hiểu rõ ngọn ngành, rốt ráo nhiều từ ngữ sử dụng hằng ngày. Bảo tồn văn tự Hán Nôm không phải là bỏ chữ Latin quay lại với văn tự Hán Nôm, mà là, bên cạnh chữ Quốc ngữ (rất dễ đọc, dễ học, dễ hiểu) thì chúng ta cũng cần biết thêm chữ Hán Nôm để không bị “đứt gẫy” về văn hóa với quá khứ, với chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Không thể là việc của những cá nhân
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng cơ sở quan trọng nhất để bảo tồn văn tự Hán Nôm là cần khắc phục những nhận thức sai lầm nói trên.
Trước mắt, ngoài việc nghiên cứu, viết sách, các nhà nghiên cứu Hán Nôm có thể tổ chức những buổi nói chuyện để lan tỏa tri thức Hán Nôm trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Còn về lâu dài, đó phải là “vấn đề của Nhà nước, về chính sách, về giáo dục nói chung”. Theo anh Đức, hiện tại việc đưa chữ Hán Nôm vào dạy ở trường phổ thông dưới dạng môn học bắt buộc là chưa khả thi, tuy nhiên trong tương lai gần, có thể đưa vào dưới dạng môn học tự chọn. Với sinh viên các ngành KHXH, nhất là các ngành Lịch sử, Khảo cổ, Văn học, cần tiếp cận được (đọc hiểu được) nguồn sử liệu gốc thay vì tiếp cận thông qua các tài liệu dịch. Trong lịch sử phát triển ngôn ngữ tiếng Việt nói riêng (từ thời Lý đến thời Nguyễn), lịch sử Việt Nam nói chung, đa số sách vở, sử liệu, văn chương Việt Nam trước thế kỷ XX đều được viết bằng chữ Hán. Anh Đức khẳng định “để nghiên cứu văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam, văn học Việt Nam, người nghiên cứu không thể không thành thạo Hán văn”.
Ở những quốc gia phát triển chịu sự ảnh hưởng của chữ Hán tương đối lâu dài như Hàn Quốc và Nhật Bản, họ có một chiến lược giáo dục cụ thể: Chẳng hạn, các nước này quy định học sinh học hết cấp ba phải biết được 1.800 chữ Hán. Hoàn thành chương trình đại học, đặc biệt là các lĩnh vực thuộc khối KHXH, sinh viên phải đọc thông thạo Hán văn cổ để có thể nghiên cứu văn hóa truyền thống thông qua thư tịch cổ. Đơn cử trường hợp Hàn Quốc, sau những phong trào khôi phục việc giảng dạy chữ Hán từ những năm 1995-1996, đến năm 2011, dưới quyết định của Tổng thống Lee Myung Bak, chương trình chữ Hán chính thức được đưa vào trường tiểu học.
Việc kết hợp tư tưởng phương Đông và phương Tây (thông qua sử dụng thành thạo các ngôn ngữ) nhuần nhuyễn, cởi mở, theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, là cần thiết và là cách tốt nhất để đất nước phát triển trong thời kì hội nhập. Bản chất của sự dung hòa này, giống như giai đoạn 1930-1945 trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn Tây học và Cổ học đan xen, đội ngũ trí thức tiếp nhận cả hai nền văn hóa đã tạo ra một thời kì để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên khắp các lĩnh vực từ văn học, âm nhạc đến hội họa, báo chí…
Đến nay, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã tổ chức được hai khóa học Hán Nôm (mỗi khóa sáu tháng) với hơn 200 học viên. Kết thúc khóa học, học viên có thể biết 600 chữ cơ bản nhất và được hướng dẫn đọc 12 bài thơ, văn cổ của Việt Nam. Sau hai-ba khóa học, bài giảng sẽ được anh điều chỉnh cho hợp lý, dễ hiểu hơn để tiến tới việc xuất bản một giáo trình tự học Hán Nôm dành cho người Việt, tạm gọi là Giáo trình Hán Nôm vỡ lòng. Anh cho rằng, để Hán Nôm trở nên đương đại, gần gũi dễ hiểu thì phương pháp dạy học không thể chỉ dừng lại ở phấn trắng bảng đen. Thay vào đó là trình chiếu PowerPoint với hình ảnh trực quan sinh động. Bài học gắn liền với những tư liệu lịch sử, văn hóa thú vị nhằm khơi gợi và nuôi dưỡng tình cảm, thẩm mĩ người học.
Thông qua hình ảnh, con chữ, gắn kết chúng với những câu thơ của người Việt xưa như Trần Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu…, người học không những hiểu về tư tưởng, văn học, văn hóa thời xưa (ít nhất là giai đoạn trung cận đại) mà còn hiểu và ghi nhớ sâu sắc chính ngôn ngữ mình đang sử dụng. Một thí dụ: Bài giảng của Trần Quang Đức về chữ Túc 宿 trong từ “ký túc xá”, “tá túc” v.v. cho biết, chữ Túc là chữ hội ý, gồm bộ Miên 宀 tượng hình mái nhà, dưới mái nhà có chữ Nhân 人 tượng hình người, bên cạnh là chữ bách 百 vốn tượng hình cái chiếu hoặc giường; hợp lại trỏ nghĩa là ‘’ngủ, nghỉ’’. Như vậy, ký túc xá (ký: gửi; xá: quán, nơi) nghĩa là nơi cho (học sinh, sinh viên) ngủ nhờ và tá túc (tá: mượn) nghĩa là ngủ nhờ.
Qua slide này, người học cũng được giới thiệu những câu thơ đẹp liên quan đến chữ Túc như: “Triêu du phù vân kiệu, mộ túc minh nguyệt loan” (Sớm chơi núi mây nổi, tối ngủ bến trăng thanh) của Trần Thánh Tông; “Trúc lâm đa túc điểu, quá bán bạn nhàn tăng” (Rừng trúc nhiều chim đậu, quá nửa bạn sư nhàn) của Thiền sư Huyền Quang; “Ngư chu xuân tống khách, hồi trạo túc hoa biên” (Thuyền chài xuân đưa khách, quay chèo ngủ cạnh hoa) của Nguyễn Văn Siêu; “Cô yên tại thiên mạt, kim dạ túc thùy gia” (Khói lẻ cuối chân trời, đêm nay nghỉ nhà ai) của Nguyễn Du; “Bạch âu mộ hạ túc hàn yên” (Chim âu trắng, chiều tà, hạ xuống nghỉ trong vùng khói lạnh) của Nguyễn Khuyến.
(*) Theo chuyên gia phục chế cổ vật Trịnh Bách trong lời tựa sách “Ngàn năm áo mũ”.
Vũ Hải An (ghi)
Theo tiasang.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn