Chúng tôi có thể khẳng định rằng năm sinh, năm mất của Lưu Khánh Đàm xác định như trên đều sai cả.
Điều khẳng định đó được chứng minh hết sức đơn giản như sau: Tất cả các bài tham luận như nói trên đều đồng loạt viện dẫn sự kiện vua Lý Nhân Tông trước khi mất đã tin tưởng ủy thác cho Thái úy Lưu Khánh Đàm di chiếu phù lập Lý Thần Tông được Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn Thư) chép: "Đinh Mùi, Thiên Phù Khánh Thọ năm thứ nhất (1127), vua gọi Lưu Khánh Đàm vào nhận di chiếu lập Thần Tông".
Từ sự kiện được chinh sử ghi nhận đó ta có thể suy ra hai điều sai về năm sinh và năm mất của Lưu Khánh Đàm.
1) Nếu Lưu Khánh Đàm sinh năm 989 thì đến khi nhận di chiếu của Lý Nhân Tông vào năm 1127 thì khi ấy Lưu Khánh Đàm ở tuổi 138! là điều phi lý.
2) Nếu Lưu Khánh Đàm mất năm 1058 thì không thể nhận di chiếu vào năm 1127 vì Ngài đã chết 69 năm trước rồi.
Như vậy là cả năm sinh lẫn năm mất của Lưu Khánh Đàm xác định như trên là do áp đặt vô căn cứ nên đều sai cả.
Để giúp xác định niên biểu của nhân vật lịch sử Lưu Khánh Đàm, chúng tôi xin nêu một cách tiếp cận khác:
a- Về năm mất của Lưu Khánh Đàm
Toàn thư chép Lưu Khánh Đàm chết hai lần: Lần thứ nhất vào năm 1136 (BK Q3 tờ 39b), lần thứ hai vào năm 1161 (BK Q4, tờ 13b). Vậy mà cả hai lần Lưu Khánh Đàm chết ấy không thấy có vị nào nhắc đến trong bài viết của mình, mà nhất loạt "bịa" ra năm mất 1058. Như vậy, rõ ràng năm mất của Lưu Khánh Đàm là sự áp đặt chủ quan vô căn cứ, nên dẫn đến sai như đã phân tích ở trên.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao lại có sự sai lầm đó?
Sở dĩ như vậy là bởi các vị đã xác định Lưu Khánh Đàm là con Lưu Ngữ. Kỳ thực không phải vậy, mà Lưu Khánh Đàm là cháu nội Lưu Ngữ, con Huy Triết, Điều đó đã được học giả Hoàng Xuân Hãn đề cập đến trong tác phẩm Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo thời Lý được ông viết cách nay hơn 70 năm. Ông viết: "Ông nội Lưu Khánh Đàm có 5 con trai trong đó có Huy Triết dời nhà đến ngụ cư ở khách quán, có lẽ là làng Lai Xá huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình bây giờ".
Qua đó, cha Lưu Khánh Đàm là Huy Triết chứ không phải Lưu Ngữ; còn Lưu Ngữ là ông nội Lưu Khánh Đàm chứ không phải là cha. Cái sai nói trên là xuất phát ra từ đó.
b- Về năm sinh của Lưu Khánh Đàm
Trong công trình nghiên cứu Góp bàn chuyện trong sử cũ , trên cơ sở nguồn tư liệu chính thống như Toàn thư, Thiền uyển tập anh, các văn bia thời Lý hiện tồn như Văn bia chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni, v,v.., chúng tôi đã có bài nghiên cứu công phu, toàn diện mối quan hệ giữa Lưu Khánh Đàm với các nhân vật lịch sử đương thời như Lê Hoàn, ni sư Diệu Nhân, các thiền sư Đạo Dung, Khánh Hỷ , v v..từ đó đề xuất ra năm sinh của Lưu Khánh Đàm là khoảng năm 1045. Với niên điểm giả định đó, chúng tôi tiến hành kiểm tra lại mọi mối quan hệ giữa Lưu Khánh Đàm với các nhân vật lịch sử đương thời nói trên thì đều phù hợp thỏa đáng cả, như khi nhận di chiếu của Lý Nhân Tông năm 1127 là khi ông 82 tuổi, Lưu Khánh Đàm kém Ni sư Diệu Nhân 3 tuổi v.v
Như vậy, năm sinh của Lưu Khánh Đàm giả định như trên là phù hợp, có thể chấp nhận được.
Còn năm mất của Lưu Khánh Đàm, chúng tôi theo Toàn thư. Do đó niên biểu của Lưu Khánh Đàm là (1045-1136), thọ 92 tuổi.
Còn năm chết (lần 2) của Lưu Khánh Đàm 1161, theo chúng tôi là năm mất của Thái phó Lưu Ba-em út Lưu Khánh Đàm.
Theo chúng tôi, huyện Hưng Hà nếu tổ chức Lễ tưởng niệm Thái uý Lưu Khánh Đàm thì nên tổ chức vào năm mất 1136 theo kiểu như con cháu làm giỗ Ngài sẽ được chính xác hơn.
Ngô Vui
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn