Lật lại một số "nghi án" lịch sử

Chủ nhật - 27/12/2015 19:55

Ỷ Lan lập mưu vu cho Lê Văn Thịnh đội lốt hổ giết vua trên hồ Dâm Đàm và cái chết của Lê Văn Thịnh là kết quả của cuộc chiến giữa Nho giáo (người đại diện là Thái sư Lê Văn Thịnh) và Phật giáo (đại diện là Nguyên phi Ỷ Lan đang nắm giữ vương quyền).
Lật lại một số "nghi án" lịch sử

 

 

Tôi không phải là nhà sử học, nhưng rất thích đọc sách lịch sử. Thuở nhỏ, bố tôi dạy: Văn là người. Sử là gốc. Lớn lên, tôi thấy ngành Giáo dục Cuba coi môn Lịch sử quan trọng như môn Toán, môn Văn; còn ở ta thì buồn thay, có không ít thí sinh khi đã trở thành hoa hậu, người mẫu, ca sĩ lừng danh, vận động viên đoạt huy chương vàng quốc gia,... vậy mà trong nhiều cuộc thi kiến thức về lịch sử nước nhà, được truyền hình trên TV khi trả lời đã khiến khán giả đỏ mặt vì ngượng! Thế nên tôi mong muốn, nếu người nhà mình có đi thi, thì không trả lời ngô nghê như họ.

Nhiều điều tưởng như vô lý, nhưng lại rất thú vị, đều được các nhà sử học nước ta hiện nay kiến giải. Chỉ có điều, nó nằm trong các tập sách, các công trình nghiên cứu, mà chẳng mấy ai chịu đọc. Vì lẽ ấy, tôi trích đăng một vài tư liệu sưu tầm được của các nhà nghiên cứu lịch sử, ngõ hầu giúp bạn trẻ định hướng đúng tìm về cội nguồn. Đây chỉ là một cách tiếp cận, một cách học lịch sử thật sâu sắc và hứng thú. Nếu có gì chưa đúng, xin được quý bạn đọc chỉ giáo.

Đỗ Thích có giết Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn?

"Đại Việt sử ký toàn thư" của sử gia Lê Văn Hưu ghi: "Đỗ Thích đêm nằm trên cầu bỗng thấy sao rơi vào miệng, cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua".

Một màn kịch được dàn dựng rằng, sau khi giết hai cha con Đinh Tiên Hoàng, Đỗ Thích sợ trốn lên máng nước chịu đói, chịu khát. Bất chợt trời mưa, Đỗ Thích giơ tay hứng nước bị lộ, bị quân lính bắt trói, băm nát thành muôn mảnh".

Thật vô lý. Vì Đỗ Thích là cận vệ gần gũi nhà vua. Khi bị Nam Tấn Vương (Ngô Xương Văn) đuổi, Đỗ Thích cõng Đinh Bộ Lĩnh chạy trốn. Nghĩa là tình vua tôi đã được xác lập từ lúc nguy nan.

Lại nữa, tại sao Đỗ Thích chỉ giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn mà không giết nốt cả Đinh Toàn? Vì Đinh Toàn sống, tất sẽ nối ngôi vua cha và có quyền tru di tam tộc Đỗ Thích?

Vậy sự thật ra sao? Đó chính là âm mưu của Dương Thị Nga (mà giới nghệ sỹ hiện đại gọi là Thái hậu Dương Vân Nga) và Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn.

Dương Thị Nga là con gái Dương Tam Kha (anh vợ Ngô Quyền) cháu Dương Đình Nghệ (bố vợ Ngô Quyền) quê Thanh Hóa.

Bà qua 3 đời chồng:

- Đời chồng thứ nhất, lấy Ngô Xương Văn (con thứ hai của Ngô Quyền), không có con.

- Đời chồng thứ hai, thời kỳ Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đã lọt vào mắt bà. Đúng ra là Dương Tam Kha chủ động gả con gái Dương Thị Nga (lần thứ hai) cho Đinh Bộ Lĩnh vì nhìn thấy trước thế lực và triển vọng của Đinh Bộ Lĩnh. Vả lại, trước kia, bố Đinh Bộ Lĩnh (là Đinh Công Trứ) cũng là tướng của Dương Đình Nghệ (bố Dương Tam Kha). Hai nhà kết thông gia vừa môn đăng hộ đối, vừa có thế lực. Mặt khác, Đinh Bộ Lĩnh cũng muốn hòa hiếu, chứ không muốn đánh Ngô Nhật Khánh.

Sau này lên ngôi, Dương Thị Nga trở thành Hoàng hậu và đẻ ra Đinh Toàn. (Đời vợ trước của Đinh Bộ Lĩnh đẻ ra Đinh Liễn).

- Đời chồng thứ ba, lấy Lê Hoàn, vốn là tướng giỏi của Đinh Tiên Hoàng và được nhà vua thăng tới chức Thập đạo Tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ, nắm thực quyền quân lực trấn giữ kinh thành, trong khi, "bộ tứ" gắn bó với vua là Nguyễn Bặc, Đinh Điền chỉ giúp việc ngoại chính.

Dương Thị Nga phải tính nước cờ: Theo truyền thống, nếu Đinh Tiên Hoàng mất, ngôi báu ắt về tay Đinh Liễn. Trên thực tế, bà không mặn mà với Đinh Tiên Hoàng, vì Lê Hoàn mới là người vẹn toàn. Và mối tình sâu nặng ấy đã cho ra đời cậu bé Đinh Toàn (dù mang họ Đinh, nhưng là giọt máu của Lê Hoàn).

Màn kịch ấy lại được đạo diễn bởi Hồng Hiến (vốn là người phương Bắc làm gián điệp cho quân Tống, lại là quân sư tâm phúc cho Lê Hoàn. Và thế là âm mưu sát hại bố con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn của Lê Hoàn cùng Dương Thị Nga đã được thực hiện. Đinh Toàn (con của Dương Thị Nga với Lê Hoàn) mới 6 tuổi được lập làm vua, và tất nhiên Thái hậu Dương Thị Nga cùng Lê Hoàn nhiếp chính.

Như vậy, việc Lê Hoàn lấy quan hệ "tiền hôn nhân" để bước tiếp theo đạt mục đích chiếm đoạt ngai vàng đã rõ khi giặc Tống xâm lược nước ta vào tháng 3 năm 981 (khi thấy bố con Đinh Tiên Hoàng bị giết, triều đình lục đục, chia rẽ, "bộ tứ" tan rã, Nguyễn Bặc, Đinh Điền bị quy tội làm gián điệp cho giặc Tống, bị diệt...).

Đương nhiên, về quân sự, Lê Đại Hành (Lê Hoàn) quả là một tài năng phi thường, dùng binh như thần, đánh đâu thắng đó bảo vệ vững chắc nền độc lập quốc gia và do vậy, đã cứu được danh dự cho ông nhiều phần.

Tuy vậy, nói cho công bằng, thì cha con vua Đinh cũng tự gây họa cho mình mà không biết. Ấy là việc Đinh Tiên Hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng (con thứ Đinh Liễn giết Hoàng Thái tử Hạng Lang), tức là cha con vua Đinh đã tạo nên sơ hở để từ đó người bên ngoài lợi dụng.

Thái sư Lê Văn Thịnh có mưu giết vua Lý Nhân Tông?

"Đại Việt sử ký toàn thư" viết rằng Lê Văn Thịnh làm phép hóa hổ, định hại vua Lý Nhân Tông ở hồ Dâm Đàm (tức Hồ Tây), dẫn tới việc Lê Văn Thịnh bị truất chức Thái sư và bị lưu đày tại Thao Giang (Phú Thọ ngày nay).

Trước hết, chúng ta cùng xem xét lại sự nghiệp của Nguyên phi Ỷ Lan, người trực tiếp gây ra án oan cho Thái sư Lê Văn Thịnh.

Trước khi được tuyển vào cung, tên bà là Lê Thị Mệnh, người làng Thổ Lỗi, tục gọi là làng Sủi, nay là thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Mùa xuân năm 1061, Lý Thánh Tông sang chùa Dâu để cầu tự, vì vua đã 39 tuổi mà chưa sinh con. Dân chúng đổ ra đón vua nhưng cô Mệnh khi ấy đang cắt cỏ, lại đứng tựa vào cây lan (vì thế sau này vua gọi là Ỷ Lan - dựa vào cây hoa lan), mà không ra xem vua.

Chính cái sự độc đáo không giống ai này khiến vua để ý. Vua cho vời cô gái cắt cỏ tới cật vấn, qua đó phát hiện ra một cô thôn nữ vừa xinh đẹp, vừa thông minh. Và thế là cô Mệnh lọt vào mắt xanh của nhà vua cùng với 11 cô gái quê khác.

Sự khác người ấy của cô Mệnh được thể hiện: ngoài sống với vua, thời gian còn lại rất nhiều, cô dành cho việc học làm hoàng hậu, học làm vua.

Thế là, năm 1069, khi đích thân Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh Chiêm Thành, thì vua đã giao công việc triều chính cho Ỷ Lan "Lưu thủ kinh sư", trong vòng 5 tháng, chứ không giao việc cho quan Tể tướng Lý Đạo Thành hoặc các thân vương.

Việc đó hẳn nhà vua có con mắt tinh đời, song thực chất, từng bước Ỷ Lan muốn thể hiện tài năng, bản lĩnh trị quốc, bình thiên hạ khi mới 20 tuổi. Ỷ Lan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tức là có công đầu trong việc huy động nhân tài vật lực đánh thắng quân Chiêm Thành.

Năm 1075, bà là người lãnh đạo cuộc Bắc phạt, khi phát hiện quân Tống đang tập trung lương thảo và chiến cụ ở châu Ung, châu Liêm và châu Khiêm chuẩn bị đánh Đại Việt.

Lúc này, vua Lý Nhân Tông (con bà) mới 9 tuổi, quan Thái sư Lý Đạo Thành đã ngoài 80 tuổi, lại theo phái chủ hòa, và đang bị Ỷ Lan đày đi trấn giữ Nghệ An; Lý Thường Kiệt và Tôn Đản thì cầm quân, nhưng Lý Thường Kiệt tuổi đã cao, mặc cảm về một ông quan "thái giám" còn nặng nề, thế nên, mọi quyền bính đều nằm trong tay Ỷ Lan.

Muốn bảo đảm cho cuộc Bắc phạt, và tiếp sau đó là chống quân Tống thành công, Ỷ Lan đã làm được 3 điều (ngoài quyết tâm chiến lược đúng đắn và táo bạo là đánh quân Tống ngay trên đất Tống):

Thứ nhất, nền cai trị vững chắc, bảo đảm an ninh hậu phương.

Thứ hai, tiếp tế lương thực, thực phẩm đầy đủ và kịp thời cho 10 vạn tinh binh và 40 vạn người phục vụ trong một cuộc hành quân bí mật, là cực kỳ tốn kém về sức người và sức của.

Thứ ba, huy động và lãnh đạo được một lực lượng quân và dân binh tham chiến cực lớn, biết dùng người và bổ sung nhân tài vật lực bảo đảm cho cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Tháng Giêng năm 1072, Lý Thánh Tông băng hà, Hoàng Thái tử Càn Đức (Ỷ Lan sinh được 2 con trai) 7 tuổi lên ngôi, tôn mẹ đẻ làm Hoàng Thái phi, tôn mẹ Thượng Dương làm Hoàng Thái hậu (bà vợ cả này không có con), cùng buông rèm nhiếp chính, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc.

Nói là "cùng" nghe và giải quyết chính sự, nhưng thực chất quyền hành đều thâu tóm vào tay Ỷ Lan. Vì lợi thế là mẹ đẻ ra vua, Ỷ Lan đã vô hiệu hóa Hoàng Thái hậu, bằng cách bắt tạm giam "vợ cả vua cùng 76 thị nữ vào cung cấm, rồi bức chết chôn theo lăng Lý Thánh Tông”. Đó là tội "giết người hàng loạt" của Ỷ Lan.

Cùng trong đợt thanh trừng này, Thái sư Lý Đạo Thành bị hạ bệ từ quan Tể tướng (chức quan cao nhất trong triều đình) xuống làm Tổng trấn đi cai quản châu Nghệ An.

Chỉ sau đó 1 năm, nhận thấy Lý Đạo Thành rất mực trung thành với Hoàng gia, qua việc thờ cúng Lý Thánh Tông, nên Ỷ Lan theo ý con, mới thăng lại chức Thái phó cho ông, và mời ông về Kinh đô giúp nội trị, khi quân ta Bắc phạt.

Về Lý Thường Kiệt cũng vậy. Ỷ Lan biết rõ tài năng, đức độ và uy tín của Lý Thường Kiệt, nhưng không chia sẻ quyền lực, mà chỉ triệt để sử dụng ông là một vị tướng, trận mạc nối tiếp trận mạc cho tới lúc già vẫn phải cầm quân đi bình Chiêm, đánh Tống chiến công lừng lẫy, cũng chỉ phong Thái úy (đứng đầu hàng võ) chứ không phong Thái sư hay Tể tướng.

Về Lê Văn Thịnh, đỗ đầu khoa thi Minh tinh bác học (lúc đó chưa có trạng nguyên), do Ỷ Lan mở theo đề nghị của Lý Thường Kiệt (bà mở được 2 khóa thi: Minh tinh bác học và Nho học tam trường). Sau đó, Lê Văn Thịnh được cử vào dạy Lý Nhân Tông học hành từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.

Năm 1084, ông là Thị lang Bộ Binh đi đàm phán với người Tống về biên giới thắng lợi: Nhà Tống phải trả lại châu Quảng Uyên (phần lớn phía Bắc, Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh bây giờ) bị chiếm trong chiến tranh từ năm 1076.

Năm 1085, khi Ỷ Lan thôi nhiếp chính vì tuổi tác và mải mê đi lo việc tiếp tục xây cất chùa và lễ chùa, Lê Văn Thịnh mới được thăng chức Thái sư trông coi công việc triều chính.

Ông là nhà nho tiết tháo, nên không thể không can ngăn Ỷ Lan xâm phạm nhiều quốc khố trong việc dựng trên 100 ngôi chùa để sám hối tội giết Hoàng Thái hậu và 76 cung nữ. Vì thế, bà thù ghét và thanh trừng không thương tiếc bất cứ ai cản trở công việc phát tâm công đức của bà, mà kẻ thù chính là quan đầu triều Lê Văn Thịnh.

Ỷ Lan lập mưu vu cho Lê Văn Thịnh đội lốt hổ giết vua trên hồ Dâm Đàm và cái chết của Lê Văn Thịnh là kết quả của cuộc chiến giữa Nho giáo (người đại diện là Thái sư Lê Văn Thịnh) và Phật giáo (đại diện là Nguyên phi Ỷ Lan đang nắm giữ vương quyền).

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn "Nhìn lại lịch sử" của các nhà sử học Phan Duy Kha, Lã Duy Lan và Đinh Công Vĩ, NXB VH-TT, 2003) 

 

Lê Trung Đản

(Theo lichsuvietnam.vn)

 

 

 Từ khóa: lịch sử, nghi án

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập83
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay57,711
  • Tháng hiện tại523,272
  • Tổng lượt truy cập47,248,380
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây