Tìm hiểu về bia hậu

Thứ bảy - 05/12/2015 19:02

Bia hậu được dựng ở đình, chùa của làng quê, phường phố. Lịch sử ra đời của bia hậu tới nay chúng ta chưa khẳng định được, nhưng chắc chắn nó có liên quan chặt chẽ với sự xuất hiện của đình làng đầu thế kỷ XVII.
Đình Chu Quyến (ảnh: Phạm Duy Trưởng)
Đình Chu Quyến (ảnh: Phạm Duy Trưởng)

 

Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang giữ trên 2 vạn thác bản văn bia. Đây là khối tư liệu lớn có giá trị, cần được khai thác. Như chúng ta đã biết, thác bản bia có nhiều loại, ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu qua về bia hậu(1), loại bia thường gặp nhất. Bia hậu được dựng ở đình, chùa của làng quê, phường phố. Lịch sử ra đời của bia hậu tới nay chúng ta chưa khẳng định được, nhưng chắc chắn nó có liên quan chặt chẽ với sự xuất hiện của đình làng đầu thế kỷ XVII.

Cũng như các loại bia khác, bia hậu có kích thước đa dạng. Hình dáng của bia thường gồm 3 phần: trán bia, thân bia và đế bia. Trán bia thường được khắc hình lưỡng long chầu nguyệt hoặc hình mặt trời mây. Tiếp sau là tiêu đề được khắc chữ to “Hậu thần bi ký”, “Hậu phật bi ký” v.v... Thân bia có 2 phần diềm bia và bài văn. Diềm bia được trang trí bằng các dải hoa văn hình xoắn thừng hoặc hình chim muông hoa lá. Bài ký khắc trên bia đa số được viết bằng chữ Hán, hoặc Hán lẫn Nôm, một số ít viết hoàn toàn bằng chữ Nôm, một vài tấm bia ở giữa khắc nổi bức tượng người hậu. Đế bia thường là một phiến đá hình chữ nhật không trang trí; cũng có những tấm bia không có đế và được xây gắn vào tường nhà.

Trán bia Hậu Phật (ảnh: Nguyễn Văn Chiến)

 

Trình tự bài văn ghi trên bia thường theo công thức chung: Trước tiên là tên làng xã ở thời điểm dựng bia, sau đến họ tên, quê quán, công trạng của vị hậu, tiếp đến là những quy ước của làng với vị hậu, phần cuối là ngày tháng năm dựng bia; phía góc trái ghi họ tên người soạn, người viết, người khắc.

Nội dung bia hậu rất phong phú. Căn cứ vào nội dung ta có thể chia thành ba đối tượng được tôn bầu là hậu thần hay hậu phật.

1. Những người có công đánh giặc giữ yên xóm làng được dân nhớ ơn, tôn bầu hậu. Ví dụ: Bia dựng năm Quang Trung 5 (1792) ghi việc ông Trần Văn Ngao tự Đạo Tiên người thôn Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay là xã Yên Thường huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội). Năm Kỷ Dậu (1798) ông xung phong tòng quân, đến năm Canh Tuất (1790) ông đã hy sinh tại trận. Tưởng nhớ công lao đó toàn dân trong xã đã tôn bầu ông làm hậu Phật.

2. Những người có công đức với dân làng

Bia dựng năm Cảnh Hưng 40 (1779) ghi việc Thập lý hầu Nguyễn Mục khi nhỏ theo nghiệp học hành, lớn lên là người trung thực, chịu khó không nề hà bất cứ việc gì. Sau ông lại có công đứng ra chiêu mộ dân ly tán vì chiến tranh trở về sản xuất. Ông giúp dân khai khẩn đất hoang cày cấy làm ăn sinh sống. Ông còn giúp người túng thiếu cơm ăn áo mặc, dân nhớ ơn tôn bầu ông làm hậu thần.

Bia dựng năm Cảnh Hưng 47 (1786) ghi việc ông Nguyễn Thế Hồng giúp dân trừng phạt bọn lưu manh cờ bạc, xét xử kiện tụng phân minh. Dân nhớ ơn, tôn bầu ông làm hậu thần.

Bia dựng năm Đức Nguyên 2 (1675) ghi việc Đô thái giám Thạch tướng công là người hiền tài đã bỏ tiền của giúp dân làng tu sửa đình chùa. Dân nhớ ơn, tôn ông làm hậu thần.

Bia dựng năm Cảnh Hưng 32 (1771) ghi việc Thoa trung thần họ Lê thấy ruộng làng bị sụt lở mất mùa, đã bỏ tiền của đóng thuế giúp dân. Dân nhớ ơn, tôn ông làm hậu thần v.v...

3. Những người bỏ tiền, ruộng để mua hậu. Do nhu cầu chi tiêu của thôn xã quá lớn trong các việc tu sửa đình chùa, đền miếu, cầu cống, đường sá, nộp thuế v.v... các quan viên, chức sắc trong làng tổ chức bán hậu. Những người vì không có con hoặc chỉ có con gái lo sau này không có ai hương khói đã bỏ tiền của ra để mua hậu. Cũng có người mua hậu cho người thân của mình. Về điểm này bia hậu tưởng như giống bia gửi giỗ. Song thực chất hai loại này có khác nhau về những điểm cơ bản: Bia gửi giỗ là loại bia đại trà mang tính chất bằng cứ giữa bên nhận và bên gửi. Mục đích là cho bên nhận nhớ mà cúng giỗ. Hơn nữa gửi giỗ có thể gửi ở nhà thờ họ, chùa, đình, còn bia hậu thì không thể có ở nhà thờ họ được. Bia hậu mang tính chất nêu gương tốt về phẩm giá và đạo đức cho đời sau. Tục bầu hậu ở nước ta rất phổ biến, có thể coi như một tín ngưỡng dân gian. Thực chất việc thờ hậu là xuất phát từ tình cảm tốt đẹp của dân. Nhưng trong xã hội cũ đã bị bọn buôn thần bán thánh lợi dụng đưa dân vào con đường mê tín nên nó mang tính tiêu cực nhiều.

Nói đến bia hậu, người ta ít nghĩ tới giá trị văn học của nó. Qua bia hậu ta có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Chẳng hạn “ta có thể lấy ra nhiều chi tiết về các đơn vị tiền tệ, giá cả thời xưa cùng các chức dịch hào mục trong các thôn, phường cũ...”(2). Bia hậu còn là nguồn sử liệu đáng tin cậy. Nó cung cấp cho ta nhiều tên người, tên đất giúp cho công tác xác định văn bản.

Hậu Thần bi ký (nguồn: internet)

 

Trong đợt đi thực tế, chúng tôi có dịp về thôn Đông Ba, huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội, qua khảo cứu 23 tấm bia hậu ở đình làng, chúng tôi đã thấy được:

1. Sự biến đổi về địa danh:

Đông Ba xưa là một thôn thuộc vùng Kẻ. Đến thời Lê, thôn này thuộc xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây. Năm Minh Mệnh 12 (1831) thôn xã này thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, tới nay lại thuộc xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội.

2. Đặc điểm kinh tế của địa phương:

- Xã nằm sát ven đê, nhân dân phải luôn vật lộn với thiên tai để sinh sống. Bia dựng năm Minh Mệnh 5 (1821) ghi: “chăm lo đê điều là công việc hàng năm của dân xã. Việc thu góp tiền của không đủ để mua sắm dụng cụ lao động, chi phí cho việc này thực tốn kém...”.

- Sự biến động về ruộng đất: một số thửa ruộng được cúng vào đình chùa để mua hậu. Nhưng sau vì thôn xã có việc chi tiêu lớn như sửa đình chùa, nộp thuế làm sổ điền bạ đúng vào năm mất mùa, các bậc quan viên chức sắc lại phải tổ chức bán bớt ruộng công để lấy tiền chi dùng.

3. Đặc điểm tín ngưỡng của địa phương:

Đình thôn Đông Ba thờ Quách Lãng, vị tướng của Hai Bà Trưng làm thành hoàng làng. Đã từ lâu nhân dân luôn chăm lo tu sửa bảo vệ di tích lịch sử này.

Cũng như các bia khác, người soạn văn bia thuộc nhiều tầng lớp, trình độ văn hóa hơn kém khác nhau, người khắc văn bia cũng thế, do đó trên bia hay có những chữ không chính quy, chữ dị thể hoặc có khi còn khắc sai. Do đó khi khai thác chúng ta cần lưu ý.

Trên đây là vài nét sơ lược về bia hậu và giá trị của nó. Nếu chúng ta biết khai thác, chắc chắn sẽ còn tìm được nhiều điều bổ ích và lý thú.


 Dương Thị The, Phạm Thị Thoa
(Theo vannghesontay.com)



Chú thích:

(1) Chữ “hậu” ở đây, căn cứ trên mặt chữ, có thể hiểu là “sau”, nghĩa rộng là đứng sau, xứng đáng được thờ sau thần, phật.

(2) Vũ Tuân Sán, Tuyển tập văn bia, tập I Nxb. Hà Nội, tr.25./.

 Từ khóa: bia hậu, đình chùa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay14,968
  • Tháng hiện tại463,498
  • Tổng lượt truy cập40,300,660
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây