Diệu kỳ rặng duối cổ Đường Lâm

Thứ hai - 23/02/2015 18:09

Rặng duối không biết có từ bao giờ, chỉ biết hơn nghìn năm nay đã đứng đó với dáng vẻ cổ kính trang nghiêm. Người dân Cam Lâm luôn một lòng tôn kính, coi rặng cây này là bậc thánh linh với bao huyền tích.
Rặng duối đứng dọc bên đường
Rặng duối đứng dọc bên đường

 

Hàng năm, mỗi khi về Đường Lâm dự lễ dâng hương Tiền Ngô Vương tại khu di tích đền thờ và lăng mộ Ngài, chúng  ta lại có dịp chiêm ngưỡng, ngắm nhìn rặng duối cổ trên “đất hai vua”.  Rặng cây đứng thẳng hàng, chếch phía phải lăng mộ Ngô Vương, cách Lăng chừng 150 mét.

Theo lời kể của một số cụ cao niên trong thôn Cam Lâm thì rặng duối vốn từ trên sườn đồi thoai thoải xuống tận bến sông. Con sông theo dòng biến cố bể dâu đã bị lấp vùi, nay chỉ còn là cánh đồng thấp trũng. Mười tám gốc duối thì vẫn đứng đó thành hàng, trang nghiêm cổ kính như bức tường thành che giông chẵn bão, bảo vệ cho lăng mộ Ngô Vương và cho cả vùng đất làng Cam Lâm. Nhìn rặng duối  có người còn liên tưởng đến 18 vị La Hán đang suy tư, trầm mặc đứng ở Chùa Tây Phương cùng ngự trên mảnh đất Xứ Đoài.

Không biết hàng duối có tự bao giờ. Hiện tại có những cây mấy thân chụm lại, chu vi đến cả hai, ba người sải tay ôm. Tương truyền đây là nơi Ngô Quyền từng buộc, giữ ngựa chiến để rồi tiến về cửa Nam Triệu, sông Bạch Đằng đánh tan quân đội hùng mạnh của phương Bắc, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc.Theo Giáo sư, TSKH Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) thì rặng duối này có từ cách đây hơn 1.000 năm. Bằng sự trường tồn, cổ kính gắn liền với những dữ liệu lịch sử và khoa học, rặng duối ở Đường Lâm đã đáp ứng được các tiêu chí về cổ thụ, cây di sản. Tháng 4/2011 VACNE đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức gắn biển công nhận rặng duối là “Cây di sản Việt Nam”.

Hỏi chuyện cụ Dương Hữu Số, người  trông giữ đền thờ Ngô Quyền, cụ kể rặng: duối không chỉ là nơi buộc  ngựa chiến của Chủ tướng Ngô Quyền và quân sĩ, mà còn là nơi phân định gianh giới đất của Đức Vua khi chưa lên ngôi với đất của các dòng họ khác trong vùng. Gianh giới này tồn tại từ xa xưa tới ngày nay, theo đó, trong phạm vi từ rặng duối trở lại khu vực Đền và Lăng hiện nay là đất của Vua. Đây như là một quy ước được người dân địa phương tự giác tuân thủ, không ai dám xâm phạm, không ai xây cất nhà cửa hay đặt mộ phần vào khu vực này. Điều đó thể hiện sự tôn kính của nhân dân đối với vị Tổ Trung hưng.

Không những thế, rặng duối còn được dân làng coi như bậc Thần linh, luôn bao bọc, chở che và giúp đỡ người dân trong vùng. Nghe các cụ trong làng kể rằng, mỗi khi gặp sự tai ương hay điều trắc trở, dân làng thường đến trước rặng duối, thành tâm cầu khấn, xin Ngài phù hộ cho được nạn khỏi, tai qua. Sau khi làm việc đó tâm trí sẽ được nhẹ nhàng thanh thản, giải tỏa bớt nỗi lo âu, phiền muộn. Trước đây, khi cuộc sống còn kham khổ, điều kiện còn nhiều khó khăn, phụ nữ sinh con nếu bị mất sữa thường đến bên gốc duối già, cầu xin Ngài cho nắm lá non đem về sắc uống, chẳng bao lâu bầu sữa sẽ đầy. Hoăc ai đó gặp khi trái nắng trở trời, cảm mạo trúng phong, người nhà lại đến xin Ngài cho nắm lá về nấu nước xông, bệnh tình sẽ mau chóng thuyên giảm.

 

Có những cây chu vi thân mấy người ôm

 

Người dân cho rằng rặng duối rất thiêng, mọi người đối với những gốc duối này  bao giờ cũng phải có thái độ tôn kính,  không ai dám tự động chặt phá; trẻ con chăn trâu cũng không dám bứt lá bẻ cành, sợ bị quở phạt. Chính vì vậy trải qua bao nhiêu tháng năm thăng trầm thay đổi, rặng duối cổ vẫn trường tồn, quanh năm lá cành xanh tốt.

Rặng duối cũng  luôn là người bạn thân thiết, gần gũi của dân làng. Những buổi trưa hè nắng nóng, người dân làm lụng vất vả ngoài đồng thường vào nghỉ ngơi dưới gốc duối với những tán lá sum suê, được bóng mát chở che chẳng mấy chốc đã hồi lại sức. Rồi những đêm trăng thanh gió mát, bao nhiêu đôi nam thanh nữ tú rủ nhau hò hẹn nơi đây, trao gửi tâm tình, nên duyên chồng vợ…

 

Cùng với đền thờ và lăng Tiền Ngô Vương, rặng Duối cổ ở Đường Lâm nằm trong quần thể di tích lích sử quốc gia, hàm chứa giá trị to lớn về  văn hóa, tâm linh của đất nước và con người Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn, bồi đắp để tồn tại mãi mãi với thời gian theo chiều dài lịch sử đất nước. Đó cũng là góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống đối với các thế hệ con cháu mai sau.

 

Ngô Văn Xuân

 Từ khóa: Đường Lâm, duối cổ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay18,932
  • Tháng hiện tại458,976
  • Tổng lượt truy cập40,296,138
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây