Từ đường, lăng tẩm, mộ phần nhìn từ góc độ phong thủy

Thứ bảy - 03/09/2016 18:04

ngotoc.vn xin giới thiệu bài viết của tác giả Ngô Sỹ Phan, khái quát đôi nét về các công trình tâm linh, thờ tự dưới góc nhìn từ Phong thủy để bà con và bạn đọc tham khảo. Bài viết đã được đăng tải trên nội san Họ Ngô Việt Nam Xưa & Nay.
Lăng Hán Quốc công Ngô Lan tại khu di tích Đồng Phang (Thanh Hóa)
Lăng Hán Quốc công Ngô Lan tại khu di tích Đồng Phang (Thanh Hóa)

 

Những năm gần đây, cùng với việc tích cực sưu tầm dịch thuật, biên tập và tục biên gia phả, phả hệ của riêng từng chi họ, dòng họ ở các địa phương cũng như việc biên tập, bổ sung chỉnh sửa, tái bản cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam, một công trình lớn, mang ý nghĩa quan trọng, việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới đền thờ, nhà thờ, lăng mộ và các công trình tâm linh khác của Họ Ngô ta trên khắp cả nước cũng được hết sức chú trọng và đã thu được những thành quả tốt đẹp. Từ góc độ nghiên cứu phong thủy, chúng tôi xin khái quát một số nội dung liên quan, với mong muốn giúp bà con trong Họ tham khảo thêm, phần nào phục vụ bà con khi cần thiết. Bài viết xin được đề cập tới từng nội dung công việc cụ thế dưới đây:

 

1. Việc chọn hướng cho công trình:

Khi làm nhà hoặc những công trình sinh hoạt phục vụ người sống ta căn cứ tuổi can chi của chủ sự để xác định hướng cửa, bàn thờ, bếp, giường nằm, phòng khách (việc này sẽ bàn kỹ trong một dịp khác).

Khi xây công trình thờ cúng, lăng tẩm thì yếu tố Thiên hướng được xếp sau Địa, vì khi các cụ đã về với địa  (đất) thì yếu tố Địa phải được đặc biệt chú ý. “Địa” ở đây là xét đền địa hình, địa thế, địa khí.

a- Địa hình: Cuộc đất (từ của phong thủy học) mà ta nghiên cứu để chọn tụ hay tán, nằm điểm hợp lưu hay chỗ phân lưu, có góc “góc ao, góc đình” không, có mũi tên bắn vào không, có bị tháp cao, tháp linh, tha ma, đình miếu “vỗ mặt” không ?

b- Địa thế: Nói chung thế sau lưng cao, trước mặt thấp là thuận. Sau lưng thấp, trước mặt cao là “phản bối”. Cụ Tổ ngồi trong nhà thờ nhìn ra, phía tay trái là Thanh long, phía tay phải là Bạch hổ. Thanh long cao, Bạch hổ thấp là thuận, lăng mộ cũng thế. Tuy nhiên cao thấp thế nào lại là việc không đơn giản. Tầm cỡ Tiền Ngô Vương, Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh thì lấy hệ núi, hệ sông mà định cao thấp; song thấp cao ở đây không so sánh với mực nước biển “Sơn linh tại thần, bất linh tại cao”, “Nhất xích vi sơn”… “Phan- xi- păng không thiêng hơn Ba Vì, Tam Đảo”.

Sau lưng có núi, trước mặt có sông là thuận, nhưng sông chạy sát chân núi là hiểm, sông quay phía lõm vào núi là phá, là tàn, đặt huyệt ở đây có thể phát nhanh nhưng chóng tàn.

Từ chân núi đến mép sông có bãi thoải tương đối bằng phẳng và xuôi, sông có địa hình Ω ôm lấy núi, lòng sông phình ra, dòng nước không xiết chảy theo hướng Thanh long sang Bạch hổ là cực đẹp, là tụ, phát và bền.

“Sau lưng có núi, trước mặt có sông, có đất ta trồng, có bãi ta chơi” là chỉ thị thân mật mà Cụ Hồ bảo với người đi chọn đất để đặt “Thủ đô gió ngàn” của những năm Kháng chiến cứu Quốc, tất nhiên không phải ai cũng hiểu được thế đất “có đất ta trồng có bãi ta chơi”, mà tưởng đó là yêu cầu rau xanh và tập thể dục.

c- Địa khí: Phạm trù này phức tạp hơn, trừu tượng hơn, nhưng không phải vì thế mà ta không biết được. Thường địa hình đẹp, địa thế đẹp thì địa khí cũng tốt. Song chính vì tốt mà nhiều con mắt tinh tường nhòm ngó đến. Mặt khác, lịch sử cuộc đất, nói cụ thể là quá khứ cuộc đất ta chưa hiểu. Địa hình, địa thế đẹp nhưng ở dưới lòng đất phạm vi ta nghiên cứu có thể có hầm hố, có dòng nước cắt ngang, có hang động, có ngôi mộ cổ, hoặc đã từng là đất đặt mộ, đền chùa, cây hương, nền tế hoặc các huyệt yểm độc, yểm âm…

Từ xưa đến nay qua thực tiễn cuộc sống, các cụ chúng ta đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong phương pháp thăm dò.

“Ngựa vó, chó nằm”: Ngắn gọn, súc tích nhưng sâu sắc. Chỗ nào mà ngựa đến tự nhiên thoải mái, chỗ nào chó chọn nơi làm ổ đẻ là địa khí lành, không độc.

Phương pháp thăm dò mạch nước để dào giếng.

Phương pháp cảm xạ học: bằng các loại quả lắc cảm xạ, các loại vật chứng cảm xạ, các loại cần cảm xạ với cảm xạ viên có năng lượng tâm linh cao thì việc xác định trở nên “đơn giản”, mau lẹ và khá chính xác.

2. Kích thước:

Kích thước công trình: chủ yếu áp dụng đối với cổng, cửa, các vòm, mái, các khám đặt cây hương và phần mộ. Nói chung đây là công trình Dương để thờ Âm cho nên lúc chọn các số đo nên thỏa mãn cả Dương và Âm trên thước Lỗ Ban.

Mặt thước Lỗ Ban

 

Trên một thước Lỗ Ban thường có 4 dòng với 4 hệ số đo khác nhau. Dòng trên cùng là số đo “in” (thước Anh), dòng thứ tư là số đo “m” (thước quốc tế), dòng thứ hai là số đo dùng cho công trình Dương, dòng thứ ba là số đo dùng cho công trình Âm. Khi sử dụng, ta chọn kích thước ở các cung hợp với nội dung và yêu cầu của công trình, tránh các cung kích thước xấu. Các công trình nề, ngõa, mộc khi thi công thường độ chính xác không cao, nên lúc chọn ta tránh lấy các chỉ số tối đa và tối thiểu dễ bị lẫn sang cung khác, có thể là cung xấu. Chẳng hạn ta chọn cung “Phú quý”, nhưng nếu lấy chỉ số tối đa của “Phú quý” sẽ dễ lẫn sang cung “Tử biệt” tiếp đó .

3. Vị trí đặt bát hương:

Bát hương trước ngai, trên bàn thờ, trong nhà nói chung phải được đặt ở vị trí tôn nghiêm. Tuy nhiên, hiện nay quan sát các các lăng, mộ chúng tôi thấy một số nơi đặt chưa chính xác, cụ thể là đặt bát hương trên đầu các cụ.

Trường hợp này, có mộ phải trèo lên mộ để thắp hương, như thế là vô lễ. Ngoài ra, đặt lên đầu có nghĩa bắt các cụ phải đội bát hương. Đây như một hình phạt!

Vì vậy, thường bát hương đặt phía dưới chân các cụ để người hành lễ khi thắp hương và khấn vái thuận tiện, đảm bảo nghiêm trang, đúng nghi thức.

Nếu đặt bát hương phía đầu mộ thì phải đặt trên khám được xây ở ngoài phần mộ.

Bát hương đặt phía chân mộ. Ảnh: Internet

 

4. Rốn trên mộ:

Nhiều phần mộ được xây bịt kín, như thế là không nên. “Thiên địa nhân nhất thế”, trên bụng mộ ta chừa một lỗ nhỏ, đường kính từ 10 đến 15 cm tùy theo kích thước mộ, gọi là rốn mộ. Rốn mộ là nơi nối thông Trời, Đất, có đất, nước và cây cỏ mọc được. Vị trí rốn cách phía cuối mộ 1/3, cách đầu mộ 2/3 (tính theo chiều dài riêng phần mộ, không tính khám, thủ trên đầu nếu có).

5. Bậc tam cấp:

Tùy theo kết cấu công trình mà mộ có thể một cấp, ba cấp hoặc năm cấp, nhưng chú ý cấp dưới cùng nên cao để đề phòng khi tôn nền, hoặc đất cát bị bồi lấp thì không có cảm giác mộ bị lún.

6. Cây trồng khu nhà thờ, chung quanh lăng mộ:

Ta nên trồng các loại: đại vàng, đại đỏ, hoàng lan, tùng, bách, vạn tuế ... là những cây mà trong các đền chùa nổi tiếng uy linh thường trồng.

Không trồng các loại cây: bàng, hòe trong khu lăng mộ, nhất là trồng cây thân gỗ chiếu thẳng chính giữa cửa. Trong chữ Hán, chữ Hòe là ghép chữ Mộc và chữ Quỷ, còn chữ Mộc (cây) ở giữa khung cửa là chữ Khốn.

7. Chọn ngày giờ:

Đây là một lĩnh vực rất phức tạp và phong phú của Đông Tây Kim Cổ và chắc trong tương lai hàng thế kỷ, thiên niên kỷ còn hao tốn nhiều công sức, trí tuệ nhân loại. Lịch pháp từ lâu đã là một môn khoa học nghiêm túc của loài người.

Hãy gạt sang một bên phần mê tín dị đoan để kiểm chứng lại những sự kiện sảy ra trên thế giới như: Trận động đất ở Iran ngày 26 tháng 12 năm 2003 (tức ngày 4 tháng chạp năm Quý Mùi – ngày Quý Dậu tháng Ất Sửu), chết hơn 3.300 người; Trận động đất 8.9 độ Richter ở Xumatra ngày 26 tháng 12 năm 2004 (tức ngày rằm tháng mười một năm Giáp Thân, ngày Kỷ Mão, tháng Bính Tý), chết hơn 312.000 người; Sự cố động đất ở Tứ Xuyên, gió lốc Myanma…và rất nhiều những sự kiện bi thảm khác trên thế giới cũng như ở trong nước, người ta thấy đều rơi vào các ngày mà lịch can chi có các sao xấu: Thụ tử, Sát chủ, Thiên cương, Thiên địa chuyển sát, các ngày hắc đạo...

Điều bí ẩn lớn nhất là không biết ngày xưa các cụ quan sát thiên văn thế như thế nào, bằng cách nào mà lập được lịch với hơn 100 sao xấu tốt có quy luật, có hệ thống và càng ngày càng chứng tỏ có “công hiệu” cho những ai yêu và biết vận dụng nó.

Vì vậy, một số công việc hệ trọng trong cuộc sống thường nhật như: làm nhà, mở cửa hàng, cưới hỏi, hội họp, xuất hành, xây lăng tẩm, mồ mả và một số việc hệ trọng khác, bà con ta nên thận trọng trong việc chọn ngày giờ khi tiến hành.

Việc chọn ngày giờ cần căn cứ 2 yếu tố:

+ Tuổi can chi của người chủ sự hoặc chủ công trình.

+ Mục đích của sự việc

Trong lịch thường có 53 sao xấu, 49 sao tốt (có lịch còn nhiều hơn, phức tập hơn và rối rắm hơn). Ngày nào cũng có sao xấu và sao tốt; các sao tốt ở mức độ nào ta cũng có thể yên tâm; còn sao xấu thì tùy vào từng việc mà có sự ảnh hưởng khác nhau: sao Thụ tử xấu với nhiều việc như khởi công, khai trương… nhưng lại tốt với việc đi săn bắn; ngày Trực Bế xấu với việc khởi công, khai trương, xuất hành… nhưng lại tốt với chuyên gia hạp long, hàn khẩu.

Riêng việc ma chay, hoặc các sự việc bất khả kháng thì cần vận dụng nguyên lý dịch học mà chọn, mong tránh được những tổn thất đáng tiếc do võ đoán hoặc máy móc.

 

Chúng ta có thể tin rằng, việc chọn hướng, chọn đất với địa hình, địa thế, địa khí tốt, thiết kế các kích thước chuẩn, chọn ngày lành, tháng đẹp, mệnh của chủ sự vững vàng, với cả tấm lòng trong sáng để xây dựng các công trình thờ cúng tiên tổ, thì sẽ được linh ứng, tránh được những rủi ro, đưa đến những kết quả tốt nhất.

 

Ngô Sỹ Phan

(Bài in trong Nội san Họ Ngô Việt Nam Xưa & nay – có sửa đổi)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập185
  • Hôm nay38,948
  • Tháng hiện tại258,072
  • Tổng lượt truy cập48,435,962
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây