Về câu đối trang bìa Phả hệ Họ Ngô Việt Nam

Thứ tư - 06/12/2017 16:50

Việc mang câu đối này vào Phả hệ họ Ngô VN là cả một câu chuyện dài. Đây là bài viết nhằm phục vụ đề án Tổng kết hoạt động của Hội đồng họ Ngô Việt Nam.
Bìa Phả hệ Họ Ngô Việt Nam xuất bản năm 2003
Bìa Phả hệ Họ Ngô Việt Nam xuất bản năm 2003
 
trái1-Về câu đốphải

Nguyên văn chữ Hán như sau:

乾坤正氣無今古
閥閱華宗有券書

Phiên âm:

Càn khôn chính khí vô kim cổ

Phiệt duyệt hoa tông hữu khoán thư

Câu đối này được chép trong Gia phả họ Ngô Bách Tính xã Nam Hồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định.

Việc mang câu đối này vào PHẢ HỆ HỌ NGÔ VIỆT NAM là cả một quá trình dài. Bài viết này nhằm hưởng ứng đề án Tổng kết hoạt động của Hội đồng họ Ngô Việt Nam.

Những năm đầu tham gia Ban liên lạc họ Ngô Việt Nam (tiền thân của Hội đồng Họ Ngô VN hiện nay), vì là giáo viên, không phải ngồi 8 tiếng ở bộ môn, nên tôi hay xuống nhà cụ Ngô Đức Thắng, ở B5 khu tập thể Kim Liên. Cụ ở một mình, nên hai bác cháu thoải mái trao đổi nhiều về chuyện đời, chuyện người và nhất là chuyện Gia Phả.

Thấy cụ ngồi mổ cò cọc cạch vào chiếc máy chữ cổ lỗ sĩ mua ở chợ trời, con chữ mòn gần hết, nhưng mỗi táp đến 8 bản, một nửa trong số đó gần như không đọc được, tôi mới bảo cụ trao bản thảo cho tôi để tôi mang đi in.

Cụ mừng quá như sắp chết đuối vớ được cọc, chẳng ngần ngại điều gì, liền giao bản thảo cho tôi. Tôi mang bản thảo về Trường Đại học Giao thông, nhờ người bạn thân làm Trưởng xưởng in của Trường là ông Lê Văn Cư in giúp. Ông Cư biết tôi quan tâm đến việc dòng họ một cách trong sáng, nên sẵn lòng nhận in giúp. Đó có thể nói là bản Gia phả của họ Ngô Việt Nam được in typo đầu tiên với tên LỊCH SỬ HỌ NGÔ TỔNG HỢP. Bản Phả in xong tháng 6 năm 1991.

Khi được tôi báo là bản Lịch sử họ Ngô Tổng hợp bắt đầu lên khuôn, cụ Thắng vô cùng phấn kích, mấy hôm sau cụ gọi tôi đến nhà và giao cho Lời bạt, bảo mang về cho in vào cuối sách.

Tôi xin trích một đoạn cụ Ngô Đức Thắng viết trong Lời bạt để chúng ta hiểu tâm sự của cụ lúc bấy giờ:
“Để có bản thảo Lịch sử họ Ngô, tôi đã bỏ nhiều công sưu tầm tư liệu, các chi họ cũng đã cung cấp cho rất nhiều, thời gian cũng đã khá lâu. Nếu hỏi đã xong chưa, xin trả lời là vẫn chưa, tập phả vẫn còn chưa hoàn chỉnh. Nếu lại hỏi năm nào thì xong, thì hoàn chỉnh? Tôi không thể trả lời được. Vì sao vậy?

Đâu có phải vì lười biếng, đánh trống bỏ dùi, vì rằng càng thêm năm tháng, càng thêm số liệu, biết thêm nhiều chi họ càng phát hiện ra thêm thiếu sót. Viết đi thảo lại bao lần vẫn bứt rứt trong tâm, không thỏa mãn. Vậy làm sao bây giờ? Đành bỏ cuộc hay sao?

Nghĩ đến cách cứ nhân bản phóng ra, mọi người trong họ đọc, phát hiện thêm, góp ý thêm, dần sau mới có cơ hoàn chỉnh.

Nhưng khốn thay, làm sao có nhiều mà phóng ra cho đủ!

May mắn thay trong họ có người có tâm huyết, đứng ra đảm nhiệm in tập phả để các họ xa gần đều có, theo như yêu cầu của các họ đã đề ra trong buổi gặp mặt thân mật Giỗ Tổ Ngô Quyền đầu xuân Canh Ngọ vừa qua.

Anh Ngô Vui thấy tôi mổ cò máy chữ, nói bao giờ cho xong mới đứng ra vay mượn tạm anh em bạn bè được vài triệu đồng, lại nhờ bạn bè khác giúp việc in ấn, thiếu ít nhiều tạm nợ nhà in, chờ khi in ấn xong, các họ lấy phả thu tiền về hoàn trả bạn bè, không vụ lợi…

Hôm nay bản phả đã bắt đầu lên khuôn, đã in được mấy chục trang đầu, tôi viết mấy lời vắn tắt, với tấm lòng thành thật nhất gửi đến các cô các chú bác và tất cả anh chị em trong Họ để được rõ.

Ngày 5 tháng 4 năm 1991

(21 tháng 2 năm Tân Mùi)

Người biên soạn NGÔ ĐỨC THẮNG"


Lịch sử Họ Ngô tổng hợp vì lý do tài chính nên chỉ in có 300 cuốn và chỉ trong vòng hai năm đã phát hành hết. Cụ Thắng phấn chấn gọi tôi đến và bàn là cụ đã có thêm nhiều tư liệu, cụ sẽ gấp rút biên tập bổ sung và bảo tôi lo in tái bản. Tôi vui vẻ nhận lời. Cụ cảm động nhưng thân mật bảo tôi: “tao mà không có mày thì khác nào không có tay”. Tôi cũng xúc động và nói: “xin bác đừng nói quá, bác cháu ta cùng đều lo việc Họ cả thôi, cháu vui lòng giúp bác in tái bản”.

Sau khi bác cháu thỏa thuận xong, ai lo việc nấy: cụ Thắng lo bản thảo, tôi lo tiền. Lần này cụ giao tôi từng phần bản thảo, tôi gia công biên tập một chút, rồi cũng nhờ chính xưởng in của Trường Đại học Giao thông in giúp với số lượng 500 bản, khoảng 450 trang với số tiền ứng trước 4.000.000đ.

Nhưng lần này vị Giám đốc Xưởng in là người khác, ông Vũ Văn Dần. Ông Dần cũng quý tôi vì cho rằng việc làm của tôi rất đáng trân trọng, nên không nề hà việc tiền nong. Tôi cũng như mọi người thôi, sống ở cơ quan cũng có người yêu kẻ ghét. Tôi lại là người trực tính, hay nói thẳng, nên cũng dễ gây va chạm. Khi bản phả vào bìa gần xong, thì có ai đó báo cho sở Văn hóa Hà Nội là xưởng in trường ĐHGT in lậu sách. Lập tức các cơ quan chức năng thành phố và huyện xuống đình chỉ, niêm phong toàn bộ số phả, lấy mấy chục quyển mang về để thẩm định và mời ông Giám đốc Xưởng in Vũ Văn Dần lên giải trình. Ông Dần đã phải tiêu tốn tiền của Xưởng in một khoảng khá lớn, lớn hơn số tiền tôi đã ứng cho ông, ông yêu cầu tôi xin cụ Thắng hỗ trợ, nhưng cụ Thắng chỉ đưa được cho tôi 1.000.000đ. Ông Dần cũng không tỏ vẻ gì bực bội.

Lúc bấy giờ, tôi là Thư ký Công đoàn Trường, còn ông Cư là Trưởng phòng Tài vụ, tôi phải nói nhỏ với ông Cư là bằng cánh nào đó hỗ trợ cho Xưởng in, là nơi trước đây ông là Xưởng trưởng và cũng từng in lậu sách cho tôi, ông cười không nói gì!

Chừng 3 tháng sau, các cơ quan ban ngành chức năng của huyện và thành phố mời ông Dần lên để nghe phán quyết về số phận mấy trăm bản phả. Sau cuộc họp, ông Dần về bảo tôi “thoát rồi ông Vui ơi!”, rồi ông kể có một vị lãnh đạo cao nhất cuộc họp, sau khi đọc lướt quyển phả, vỗ hai tay vào nhau và nói: “Họ của tôi đây rồi!”. Thế là rắc rối được hóa giải, ông ‘lãnh đạo cấp cao ấy’ còn bắt tay và cảm ơn ông Dần!

Bản phả được in xong vào giữa năm 1994.

Cả hai lần in typo quyển Lịch sử họ Ngô tổng hợp, cụ Ngô Đức Thắng cũng không đưa câu đối trên vào sách, vì e cụ Ngô Đình Uyển, họ của Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu chạnh lòng vì mấy chữ 閥閱華宗 (vốn dòng quyền quý).

Trước đó hơn một năm, Đại hội họ Ngô toàn quốc lần thứ III trong 2 ngày 13 - 14/2 /1993 tại Hội trường 16 Lê Thái Tổ Hà Nội đã bầu Ban liên lạc (BLL) gồm 22 người do bác Ngô Văn Trưng làm Trưởng ban. Khi biết bác Trưng là con cả của nhà văn Trúc khê Ngô Văn Triện thì mọi người vô cùng phấn khởi, lập tức tiếp cận và trao đổi về gia phả. Thú thật, bác Trưng không có một chút tích lũy nào về vấn đề đó, nên cứ ậm à cho qua chuyện. Sau đó, nhiều họ đến tận nhà bác để trao đổi, đều chỉ nhận được một số lời chỉ đạo chung chung. Nhiều người chán nản, than phiền với cụ Thắng; còn bản thân bác Trưng thì ‘lánh’ vào Sài Gòn với con gái. Tình trạng ấy kéo dài cho đến ngày 11 - 9 - 1994, cụ Thắng triệu tập Ban liên lạc họp bất thường tại nhà cụ để bầu Trưởng ban liên lạc mới thay bác Ngô Văn Trưng. Tại cuộc họp này, bác Trưng có đơn xin rút khỏi BLL, cụ Ngô Đức Rự và Ngô Vi Kha là Phó BLL, vì già yếu cũng xin nghỉ. Hội nghị thấy tôi hai lần in phả cho cụ Thắng, có am hiểu ít nhiều về Phả nên nhất trí bầu tôi thay bác Trưng làm trưởng BLL và bác Ngô Vi Thiện làm Phó, phụ trách biên tập Phả. Bốn năm sau, cụ Ngô Đức Thắng mất (1912 - 1998). Khi ấy, bác Thiện đã 70 tuổi (bác sinh 1927) nhưng chưa được ‘nghỉ hưu’ vì còn các công trình ‘Tổng kết chiến tranh’ chưa xong. Bác Thiện lại ở gần nhà tôi, nên tôi cũng thường xuyên đến trao đổi công việc với bác như trước đây xuống Kim Liên với cụ Thắng vậy. Kết quả của sự hợp tác giữa tôi và bác Thiện là bản Phả hệ họ Ngô Việt Nam (PHHNVN) xuất bản năm 2003, có lời giới thiệu của GS Vũ Khiêu, như mọi người đều đã biết. Trong công trình đó, bác Thiện lo tập hợp tư liệu về hai vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền và Ngô Tuấn Lý Thường Kiệt; còn tôi là về kết nối phả, trừ họ Ngô Vi do bác Thiện biên tập. Khi chuẩn bị bản thảo cho lần in này, tôi có bàn nhiều lần với bác Thiện là muốn đưa câu đối kia vào Phả hệ. Bác Thiện suy nghĩ rất lâu và thuyết phục tôi là chưa nên cũng chỉ vì ngại 4 chữ 閥閱華宗 (vốn dòng quyền quý) kia. Lần này có lẽ bác Thiện đúng!

Có thể chính vì thế mà lấy được lời khen của học giả Vũ Khiêu, khi GS viết rằng: “Các tác giả của công trình đã tỏ ra hết sức thận trọng và khiêm tốn khi tránh đưa vào đây những đánh giá chủ quan của con cháu mà chỉ sưu tầm và trích dẫn của các học giả từ xưa đến nay rút ra từ kho tàng di sản văn hóa còn lưu lại. Tính nghiêm khắc trong khoa học này đã nâng cao giá trị của công trình”...

PHHNVN nói trên được xuất bản vào đầu năm 2003 để phục vụ bà con trong dịp lễ Dâng hương. Bản Phả còn chưa in xong thì bác Ngô Vi Thiện đã về theo tiên tổ. Bác Thiện mất ngày 18 tháng Chạp năm Mậu Ngọ, tức 20 - 01 - 2003, hưởng thọ 77 tuổi.

Đến lúc này câu đối kia vẫn ‘lỗi hẹn’ với PHHNVN.

PHHNVN năm 2003 in 1000 cuốn nên phát hành trong vòng 8 năm mới hết. Đến năm 2010, BLL quyết định giao cho tôi biên tập để tái bản. Lúc này, tôi một mình một sân, nên quyết định đưa câu đối kia ra ‘trình làng’, nhưng cũng chỉ ‘dám’ đặt vào bìa giả ở bên trong.

Lần tái bản Phả hệ thứ hai này, tôi có ý định đưa hẳn câu đối đó ‘ngự’ ở bìa ngoài với vai trò như một dạng hoa văn trang trí; dĩ nhiên bìa giả bên trong vẫn giữ nguyên như bản in lần trước.

Khi đọc được câu đối này trong Gia Phả họ Ngô Bách Tính, tôi không hiểu mấy, có hỏi cụ Thắng nhưng cụ chỉ giải thích qua loa vì cụ đang bận chép lại các bản phả gốc bằng chữ Hán của Ngô Trần Thực, Ngô Thế Vinh, Phả Đồng Phang... Thấy vậy, cứ mỗi lần họp Họ, tôi đều kêu gọi các cụ và bà con ai có thể dịch được thì dịch giúp. Rất nhiều cụ hào hứng hưởng ứng, nhưng tôi cảm thấy không đạt vì người dịch sát nghĩa thì không hay; người dịch hay một chút thì lại không sát nghĩa. Tôi đành phải đem câu đối đó về Nam Định nhờ một vị ‘thâm nho’ làm ở Thư viện tỉnh là Dương Văn Vượng dịch giúp.

Câu đối đó được ông Dương Văn Vượng dịch như sau:

Trong khoảng đất trời, chính trực không chia kim cổ

Vốn dòng quyền quý, tông đường còn có khoán thư

Sau khi tôi công bố bản dịch của Dương Văn Vượng, nhiều bà con đặc biệt là ở vùng Nam Đinh, Thái Bình do biết danh ông, nên không ai còn có ý thử sức dịch nữa; còn có hoàn toàn ‘tâm phục, khẩu phục’ hay chưa thì tôi không rõ.  

2-Về tác giả câu đối

Tại Bìa giả ở trang 5 PHHNVN Tập 1 đã nêu rõ, tác giả câu đối đó là Ngô Trần Thực, thuộc họ Ngô thôn Bách Tính xã Nam Hồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Ông là con út của quan Hữu tham chính Kinh Bắc Ngô Trọng Diệu; anh cả ông là Ngô Bá Tiệp. Cụ Ngô Bá Tiệp, năm 1779 được chúa Trịnh Sâm sai cùng với đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thời Sĩ đi đánh dẹp Hoàng Văn Đồng ở Tuyên  Quang. Ngô Bá Tiệp  có 3 con trai, 3 con gái, trong  đó con gái út là Quí Anh (1750 - 1807) gả cho Ngô Thời  Nhậm, sinh Ngô Thời Điển, Ngô Thời Nghi (1776 - 1793). Như vậy, Ngô Trần Thực là chú ruột của vợ Ngô Thời Nhậm.

Vì cha ông làm Hữu tham chính Kinh Bắc, nên mang ông đến nơi nhiệm sở để kèm cặp. Đến đó, Ngô Trần Thực được theo học vị hưu quan là Binh bộ Thượng thư Kế Thiện hầu Nguyễn tướng công, tức Nguyễn Đức Vĩ, Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727), người Phật Tích, huyện Tiên Du.

Được thầy giỏi lại yêu mến như con rèn cặp, thi hương Ngô Trần Thực đỗ giải nguyên, rồi đỗ tiếp khoa hoành từ, nhưng mãi đến năm 1760, khi ấy ông đã 37 tuổi mới đỗ Tiến sĩ làm quan đến Đông các đại học sĩ, thiêm đô ngự sử.
Có một giai thoại thú vị về ông như sau: Khi được cha dẫn đến nhà Nguyễn tướng công xin học; trong phòng khách có treo bức họa hai con chim khổng tước (chim công). Để thử tài cậu học trò, cụ Thượng chỉ bức họa nói: “Hữu nhị khổng tước” - Có 2 con chim công. Ngô Trần Thực ứng khẩu luôn: “Hóa ngũ hoàng long” - Hóa thành 5 rồng vàng.

Cụ Thượng thấy cậu học trò có chí dụng tâm học tập thành tài chứ không chịu bận bịu chuyện nữ nhi nên rất hài lòng nhận cho học và về sau còn gả con gái cho làm vợ.

Không biết có phải vì vế đối ứng khẩu ‘hóa ngũ hoàng long’ kia là định mệnh không, mà về sau, Ngô Trần Thực và bà Nguyễn thị..., con gái quan Binh bộ Thượng thư Kế Thiện hầu có với nhau đúng 5 cậu con trai! Trong 5 người con trai ấy thì người con trưởng là Ngô Đình Trà lập nghiệp ở thôn Luật Ngoại xã Quang Lịch huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, đến nay đã có 12 thế hệ. Hai người con thứ là Ngô Hàn Hồng, Ngô Ngọc Sảng cùng đỗ Hương cống một khoa; trong đó người anh Hàn Hồng di cư lên Sơn Tây, đến nay không rõ; người em Ngô Ngọc Sảng có cháu nội là Ngô Ngọc Tú, đỗ Cử nhân 1850, có chắt Ngô Ngọc Trinh đỗ Cử nhân 1868 và còn con cháu hiện tại vẫn ở quê hương Bách Tinh. Hai người con út của Ngô Trần Thực cũng còn hậu duệ đến ngày nay ở Bách Tính.

Chúng tôi đã về Phật Tích để tìm hiểu xem liệu câu chuyện giai thoại kia có ‘dị bản’ nào khác không, thì thật lạ là nhiều người dân tiếp chuyện tôi đều ‘nói y như sách’. Quả thực giai thoại này đã ăn sâu, cắm rễ trong lòng người nơi đây, duy có điều chẳng ai biết Ngô Trần Thực là người Bách Tính, Nam Định.

Tại sao lại có chuyện có vẻ kì lạ như vậy?.

Sở dĩ như vậy, là bởi lệ khai lý lịch 3 đời, tức lệ khai ‘tam đại’.

Thuở xưa, khi dự thị Hội, thí sinh phải khai ‘tam đại’ cùng quê hương bản quán lại phải được lý trưởng xác nhận và đóng mọc. Các bản khai ‘tam đại’ này về sau được tập hợp lại thành sách Đăng khoa lục. Nhờ sách đăng khoa lục này mà các nhà khoa học biên soạn ra Các nhà khoa bảng Việt Nam mới biết được quê hương bản quán của từng vị.

Vì cha làm quan trong địa hạt, nên Ngô Trần Thực đã dễ dàng ‘man khai’ mình là người Phật Tích huyện Tiên Du để khỏi phải về quê xin ‘xác nhận lí lịch’ cho vất vả và tốn kém. Chính vì vậy mà cho mãi đến nay, trong thư tịch đều ghi ông quê Phật Tích, Tiên Du.

Chúng tôi đã kiến nghị đính chính, nhưng chưa có kết quả.

(Lê Cao Lãng cũng ‘biến thành’ Ngô Cao Lãng theo kiểu ấy).


NGÔ VUI

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Ngô Nhật Anh
    Kính đề nghị quý vị trong Hội đồng gia tộc của Tộc Ngô Việt Nam vào trang web của TỘC NGÔ BẢO AN trên goolgle, sẽ cho kết quả và hiển thị tất cả thông tin của TỘC NGÔ BẢO AN ( Quảng Nam) đồng thời từ đó đề nghị quý vị bổ sung thông tin của Tộc Ngô Bảo An vào trang web của Tộc Ngô Việt Nam. Xin chân thành cám ơn quý vị đã quan tâm.
      Ngô Nhật Anh   ngonhatanh56@gmail.com   19/02/2021 21:38
  • Ngô Nhật Anh
    Tộc Ngô tại Quảng Nam từ số 324 đến 364 không có Tộc Ngô Bảo An
      Ngô Nhật Anh   ngonhatanh56@gmail.com   19/02/2021 09:06
  • Ngô Bằng Linh
    Thưa các cụ, các ông, các bác
    Ở Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh hiện nay còn có 2 dòng tộc họ Ngô. Cháu xin hỏi, cháu muốn tìm 1 cuốn "phả hệ họ Ngô VN" để biết toàn thể dòng họ hơn thì tìm sách ở đâu ạ. Nếu có thông tin, xin bác hãy vui lòng liên lạc với cháu theo sdt 0978928538. Cháu cảm ơn
      Ngô Bằng Linh   Linhnb0209@gmail.com   05/01/2020 22:47
    • @Ngô Bằng Linh, Ngày 18 tháng Giêng năm Canh Tý (11/2/2020) tại lễ giỗ Đức Vương Ngô Quyền ở khu di tích đền thờ Ngô Vương, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Hội đồng Họ Ngô VN phát hành cuốn Phả hệ mới được tái bản lần 2, bạn đến dự Lễ và mua sách nhé.
        Ngô Xuân   ngoxuan45@gmail.com   07/01/2020 21:51
Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập206
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm205
  • Hôm nay99,250
  • Tháng hiện tại1,315,636
  • Tổng lượt truy cập52,810,027
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây