Ở Hà Nội, phía Tây hồ Hoàn Kiếm, dọc theo trục Bắc Nam, có 1 đường phố ngắn (chỉ 300m) phía Bắc tiếp nối với phố Lý Quốc Sư, phía Nam đụng với phố Trường Thi, nằm gọn trog phường Hàng Trống thuộc quận Hoàn Kiếm, mang tên Phố Nhà Chung, thời Pháp thuộc gọi là Rue de la Mission (phố Hội Truyền Giáo hoặc phố Hội Thừa Sai).
Trên đường phố này xúm xít những cơ sở Công giáo như Nhà Thờ Lớn, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội , trụ sở của Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo Việt Nam và mấy cơ sở bên “lương” như Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Hoàn Kiếm, Trung tâm ngoại ngữ Đại học Sư phạm… tiếp giáp với ngôi chùa cổ danh tiếng trong sử sách vẫn ghi là “Đền” Lý Quốc Sư.
Thời tôi còn công tác ở Ban Tôn giáo Chính phủ, tôi đã nhiều lần đến thăm chùa và nghe vị sư trụ trì chùa Lý Quốc Sư kể chuyện, đưa cho đọc những tư liệu quí giá mà nhà chùa vẫn còn lưu giữ được về khu đất bên cạnh chùa. Thật bất ngờ cho tôi khi đọc thấy những chứng tích rằng toàn bộ khu đất ấy, ngày nay gọi là Phố Nhà Chung (Công giáo), ngày xưa là khuôn viên 1 ngôi chùa (Phật giáo) cổ kính, tráng lệ, đồ sộ vào bậc nhất nước ta.
Chùa đó có tên gọi tắt là Báo Thiên Tự, gọi đầy đủ là Sùng Khánh Báo Thiên Tự; trong sân chùa có một ngôi bảo tháp cao vòi vọi (12 tầng), cao đến mức bóng tháp soi xuống mặt nước hồ Hoàn Kiếm. Tháp này có tên gọi là Đại Thắng Tư Thiên Tháp, gọi tắt là Báo Thiên Tháp.
Báo Thiên Tự được khởi công xây dựng từ năm 1056 (đời vua Lý Thánh Tông), đúc 1 quả đại hồng chung nặng đến 1 vạn 2 ngàn cân (7260 kg). Báo Thiên Tháp có chóp làm bằng đồng, được xây dựng 1 năm sau khi xây dựng xong chùa.
Trong chùa và tháp có rất nhiều vật hạng bằng đồng như tượng Phật, thiền trượng, giới đao hộ pháp nhà Phật…cho nên năm 1427, khi quân Minh xâm lược bị vây khốn trong thành Đông Quan (tức Hà Nội), chúng cố thủ để chờ quân tiếp viện, đã đến chùa cướp phá tàn bạo: tốc chóp tháp đồng, nấu chảy đại hồng chung và tất cả những gì bằng đồng, bằng kim loại để làm vũ khí (đúc súng) chống lại quân Việt Nam của Lê Lợi - Nguyễn Trãi mãi cho đến khi biết rõ là các đạo quân tiếp viện (Liễu Thăng, Mộc Thạnh) đều đã bị đánh tan cả, mới chịu đầu hàng.
Tuy nhiên, nhà Lê không để chùa bị bỏ hoang, cho trùng tu và đại trùng tu nhiều lần ngôi chùa vẫn giữ vị thế bậc nhất nước ta.
Trong chùa Lý Quốc Sư ngày nay vẫn còn lưu giữ bản gấm thêu sắc tự của đời Cảnh Hưng (tức vua Lê Hiển Tông 1740-1786) về chùa Sùng Khánh Báo Thiên Tự. Trên nền tháp bị phá, đã được tôn cao bằng 1 đàn tràng cũng gần nơi bây giờ là nhà thờ lớn.
Khu vực chùa và tháp Báo Thiên cũ được ước đoán theo các tư liệu lịch sử. Có thể chính điện của Chùa nằm trên nền đất nay là Nhà thờ Lớn và Tòa Tổng giám mục Hà Nội; Tháp Báo Thiên tọa lạc trên khoảng đất thuộc khu vực Tòa khâm sứ cũ. Khuôn viên vườn chùa (Thời Lý - Trần - Lê) kéo dài đến qua khu Chủng viện, Dòng mến Thánh giá ra sát Hồ Gươm
Về lý do diễn biến đổi thay từ chùa và tháp Báo Thiên, 1 trong “Tứ đại khí” hay “Tứ bảo khí” của Việt Nam cổ (tạm dịch là 4 công trình to lớn và quí báu của nước Nam ta) thành ra Nhà Thờ Lớn, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo Việt Nam và các tu viện Công giáo xung quanh đó ngày nay, thì dò theo các quyển sách lịch sử đáng tin cậy như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Hà Thành thất thủ chính khí ca (khuyết danh) - bản trường ca về việc Hà Nội bị Pháp đánh chiếm lần thứ 2 (Nguyễn Hoàng Viên: Hoàng Diệu 1829-1882, NXB Đà Nẵng 2001, trang 54-66),Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim; Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam của Nguyễn văn Tân, NXB Văn hóa Thông tin , Hà Nội 1998; Từ điển đường phố Hà Nội - NXB Đại học quốc gia Hà Nội 2000; Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm -Công giáo và Dân tộc, xuân 1996, Thành phố Hồ Chí Minh ; Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long -NXB văn hóa thông tin, Thời báo kinh tế Việt Nam, tập I, 2007… tôi suy ra những kết luận chuẩn xác như sau:
Số là sau khi được triều đình Huế chính thức nhượng 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) theo hòa ước 1862 (Nhâm Tuất), đến 1867 (Đinh Mão) quân Pháp lại chiếm luôn 1 cách dễ dàng cả 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên) nữa, soái phủ Sài-gòn có ý định chiếm nốt xứ Bắc Kỳ, để thiết lập vững chắc nền đô hộ của Pháp ở Viễn Đông.
Đô đốc Dupré viết thư sang Pháp:
Pháp sử dụng hòa ước 1862 như 1 công cụ “tàm thực” (tằm ăn dâu) thần hiệu: “… Đạo Thiên Chúa được tự do truyền giáo … Người Pháp và người Tây Ban Nha được quyền mở 3 hải cảng Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên và tự do đi lại buôn bán trong nước ta…” (Phan Trần Chúc: Nguyễn Tri Phương, NXB Chính Ký, Sài-gòn 1944, trang 87)“Xứ Bắc Kỳ rất giàu và nối liền với nước Tàu. Đó là nơi để các tỉnh phì nhiêu Tây Nam xứ Trung Hoa tải sản vật sang cho ta. Việc chiếm cứ xứ này là vấn đề sinh tồn cho tương lai cuộc đô hộ của ta ở Viễn Đông”. (Phan Trần Chúc: Nguyễn Tri Phương . NXB Chính Ký, Sài-gòn 1944, trang 117)
Năm 1871, có 1 thương gia người Pháp tên là Jean Dupuis đi tìm 1 con đường sông ở Bắc Kỳ giao thông với tỉnh Vân Nam của Tàu. J.Dupuis mộ lính Tàu và tập họp 1 băng đầu trộm đuôi cướp về đóng tại Hà Nội .
Quan ta không có quyền đuổi họ đi, bèn tâu về triều, xin phản kháng với đô đốc thống lĩnh xứ Nam Kỳ. Nhưng đô đốc Dupré chỉ 1 mực bênh vực Dupuis.
Tháng 5-1873, quan ta bắt giam đồ đảng người Nam và người người Tàu của Dupuis, thì Dupuis bảo sẽ dùng vũ lực phá nhà ngục, đánh tháo cho những kẻ bị bắt giam. Dupuis lại đòi mua muối, củi để tàu của mình dùng, nhưng quan ta không chịu, khiến tình hình càng hết sức căng thẳng.
Thuở ấy, Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức bổ nhiệm chức Bắc Kỳ Khâm mạng tuyền sát đổng sức đại thần (kinh lược sứ Bắc Kỳ), điều quân từ Sơn Tây về giữ thành Hà Nội.
Đáp lại thư phản kháng của triều đình Huế, soái phủ Sài-gòn còn giúp thêm cho J.Dupuis 3 vạn quan tiền.
Ngày 27-7-1873, Dupré đánh điện tín về bộ Hải quân:
“Xứ Bắc Kỳ đã mở cửa thông thương nhờ công của Dupuis. Việc này có ảnh hưởng lớn đến thương mại của Anh, Đức, Mỹ. Ta cần phải chiếm xứ này trước, đừng để bọn giặc Tàu hay người Tây phương khác chiếm. Như thế ta sẽ đem lại cho nước Pháp 1 con đường buôn bán độc quyền. Tôi không xin thêm viện binh. Tôi sẽ đem quân lực sẵn có đi đánh. Sự thành công rất chắc chắn”. (Phan Trần Chúc: Nguyễn Tri Phương, NXB Chính Ký, Sài-gòn 1944, trang 119).
Soái phủ Sài-gòn truyền lệnh cho trung tá Francis Garnier mang 1 tiểu đội chiến thuyền ra Bắc Hà trước để điều tra vụ Dupuis, sau buộc triều đình Huế mở rộng xứ Bắc Kỳ cho người Pháp buôn bán. Ngày 17-9-1873, F.Garnier rời bến Sài-gòn và đến ngày 5-11, đem quân đến Hà Nội .
F.Garnier vừa mới gặp Nguyễn Tri Phương đã khiêu khích rất hách dịch, đòi đóng quân ngay trong hoàng thành, bắt buộc các địa phương phải để cho người Pháp thông thương trên toàn cõi Bắc Kỳ, nhưng Nguyễn Tri Phương cự tuyệt, lý do là vì chưa có lệnh triều đình. Thực sự Francis Garnier khiêu khích để châm ngòi cuộc chiến tranh:
“Tôi nhất định đánh. Tôi sẽ đem 180 quân bản bộ hạ thành Hà Nội và bắt Nguyễn Tri Phương giải về Nam, làm tù binh” (Thư của Francis Garnier gởi về Soái phủ Sài-gòn cho Đô đốc Dupré ngày 10-11-1873).
Ngày 20-11-1873, đúng 6h sáng, Francis Garnier truyền lệnh hạ thành Hà Nội. Đại bác ta trên thành bắn ra không có tác dụng gì cả, đạn lướt qua đầu quân Pháp và rớt xuống cả mặt đất phía sau. Quân ta trong lúc hoảng hốt, quăng xuống vô số đá to, đá nhỏ mà chẳng trúng tên quân Pháp nào. Một đại bác của Pháp bắn vỡ cửa Đông, quân Pháp ào tới, ập vào thành. Đến 7h, cờ Pháp bay trên vọng lâu trung ương thành Hà Nội. Phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Nguyễn Tri Phương trúng đạn bị thương nặng ở đùi, bị Francis Garnier bắt được. Francis Garnier phái các bác sĩ đến băng bó vết thương, đổ cháo và thuốc vào miệng ông để ông mau phục sức. Nhưng Nguyễn Tri Phương dứt cả băng bó, phun cháo và thuốc ra, nhất quyết tuyệt thực cho đến chết. Francis Garnier đem thông ngôn đến ngồi bên giường ôn tồn an ủi. Nguyễn Tri Phương thản nhiên đáp:
“Làm tướng phải chết và chết ở trận tiền không phải là cái chết nhục nhã” (Phan Trần Chúc: Nguyễn Tri Phương, NXB Chính Ký, Sài-gòn 1944, trang123)
Ngày 20-12-1873, Nguyễn Tri Phương trút hơi thở cuối cùng, thọ 74 tuổi (1799-1873).
Francis Garnier lúc ấy đóng quân ở Trường Thi đem toàn bộ ngôi chùa Sùng Khánh Báo Thiên Tự ở gần đó giao cho người thông ngôn của mình là Giám Mục Puginier làm nhà ở và nơi làm việc tạm thời. Giám Mục cho cất thêm mấy gian nhà gỗ trong khuôn viên chùa, còn Tòa Giám Mục thì vẫn đặt tại Sở Kiện. Trong mấy năm sau đó, tình trạng này vẫn không thay đổi vì chỉ đến ngày 21-12-1873 thì Francis Garnier bị quân Cờ Đen phục kích giết chết, quân Pháp rút về Nam, giao Hà Nội lại cho triều đình Huế cai quản theo hòa ước 1874 (Giáp Tuất).
Mãi cho đến 9 năm sau, Soái phủ Sài-gòn mới cử Henri Riviere ra đánh chiếm Hà Nội lần thứ 2 (1882-Nhâm Ngọ). Lần này thì Tổng đốc Hà Ninh là Hoàng Diệu (trọng trấn từ 1879) quá phẩn uất trước cảnh vua và triều đình bạc nhược chủ hòa, không quyết tâm phòng bị, còn các quan chức kế cận mình thì hèn nhát bỏ trốn trước giờ lâm trận, thậm chí phản bội đầu hàng, cho nên sau khi viết xong tờ di biểu, ông đã treo cổ tự tử trên cây ổi ở miếu Công Thần trg Hành Cung Kính Thiên.
Sau khi chiếm được Hà Nội, Henri Riviere sai phá hủy các cổng thành và nhiều đoạn tường thành, vần hết đại bác trên thành ném xuống hào. Các chùa miếu quanh thành đều bị phá phách, xô sập tất cả, 1 mặt để lấy gỗ gạch làm công sự, mặt khác là để thực hiện chủ trương triệt hạ nền văn hóa cổ truyền bản địa và độc tôn Thiên Chúa giáo mà thực dân Pháp vẫn được Vatican tuyên dương là Trưởng Nữ của Giáo hội. Cũng chính trong thời điểm này, Báo Thiên Tự bị phá hủy hoàn toàn và biến mất trên bản đồ Hà Nội.
Năm 1884, hàng ước Patenotre được ký kết, triều đình Nguyễn chấp nhận Pháp bảo hộ và chia Việt Nam thành 3 kỳ: Nam Kỳ là xứ thuộc địa (colonie) của Pháp, Bắc Kỳ là xứ bảo hộ (protectorat) của Pháp, Trung Kỳ được gọi là Đế chế An Nam (Empire d'An Nam) – sự thật thì cả ba kỳ đều chung 1 chế độ lệ thuộc, ngay trong đế chế An Nam thì vua mặc dù có những vị vua yêu nước muốn khôi phục độc lập chủ quyền cho Dân tộc, nhưng cuối cùng phải bị bắt bị đày, bởi “vua thì còn đó, nước thì không “, triều đình quan lại thì mặc dù cũng có những ông quan tận trung báo quốc nhưng cuối cùng phải bị giết bị tù bởi triều đình quan lại rút cuộc chỉ là con rối trong tay thực dân Pháp mà thôi, Giám Mục Puginier mới cho xây dựng lại bằng những vật liệu kiên cố Nhà Thờ Lớn và các tòa nhà khác của Nhà Chung rồi dời Tòa Giám mục về đây.
Năm 1925, Tòa Thánh Vatican lập Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Việt Nam (Delegue’ Apostolique16 F, Apostolic Delegate E) và trụ sở ban đầu đặt tại Huế, đến năm 1951 mới dời ra Hà Nội và Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh được xây dựng ngay trên khu đất Phố Nhà Chung này. Đến năm 1957, sau khi hiệp định Geneve được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời chia thành 2 miền tập kết quân đội, đợi ngày hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng chính quyền miền Nam nhất định không chịu hiệp thương tổng tuyển cử, Tòa Thánh Vatican thì nhất quyết không thừa nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên chuyển Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh vào Nam (Sài-gòn) là nơi mà Tòa Thánh công nhận là “đại diện duy nhất” (!) cho nước Việt Nam…
* * *
Tái bút: Noel 2007, hàng trăm thanh niên Công giáo Hà Nội đã xông vào địa chỉ 42 phố Nhà Chung đang là trụ sở của Phòng Văn hóa Thông tin, Nhà Văn hóa & Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Hoàn Kiếm, phát hàng vạn tờ truyền đơn đòi Nhà nước phải trả lại cho Tòa Tổng Giám Mục khu đất ở địa chỉ này mà họ cho là của Tòa Khâm sứ (cũ).
Họ trưng ra 1 bức thư của người đại diện Tòa Thánh Vatican khi rời Hà Nội vào Sài-gòn năm 1959 cám ơn Tòa Giám Mục Hà Nội đã cho mượn đất để xây dựng Tòa Khâm sứ (cũ).
Tôi không tham gia vào cuộc tranh chấp phức tạp này. Tuy nhiên tôi không thể không ghi lại lịch sử cụ thể của khu đất bao gồm cả địa chỉ 42 và 40 và toàn bộ phố Nhà Chung (hiện nay) trên đó tọa lạc Tòa Khâm sứ (cũ) và Tòa Tổng Giám Mục, Nhà Thờ Lớn Hà Nội và các tu viện, đan viện và các cơ sở Nhà chung khác nữa ở đây, đều nằm trong khuôn viên của ngôi chùa cổ gần 1000 năm và đồ sộ, nguy nga vào bậc nhất nước Nam xưa.
Ngôi chùa ấy đã là nạn nhân cực kỳ đau khổ của quân xâm lược nước ngoài: năm 1426, quân xâm lược Tàu (Vương Thông nhà Minh) đã phá đổ Đại Thắng Tư Thiên Tháp cao 12 tầng và cướp phá nghiêm trọng những vật hạng bằng đồng, bằng kim loại trong chùa để đúc súng, tuy nhiên sau đó nhà Lê đã cho trùng tu, đại trùng tu nhiều lần ngôi chùa sắc tứ này; năm 1873, quân xâm lược Pháp (F.Garnier) lấy ngôi chùa này giao cho Giám Mục Puginier dùng làm nhà ở và chỗ làm việc tạm khi Giám Mục về Hà Nội làm thông ngôn cho F.Garnier, tư lệnh cuộc đánh chiếm Hà Nội lần thứ I; năm 1882, sau khi đánh chiếm Hà Nội lần thứ II, quân xâm lược Pháp (H.Riviere) đã xô sập tất cả đền chùa xung quanh Hà Nội để lấy gạch gỗ đá xây dựng công sự; năm 1884, trên khu đất khuôn viên chùa cũ, Giám Mục Puginier cho xây dựng nên Nhà Thờ Lớn và dời Tòa Giám Mục về đây (1887)...
Chùa Sùng Khánh Báo Thiên Tự và Đại Thắng Tư Thiên Tháp (tức Báo Thiên Tháp 12 tầng cao) ngày nay không còn nữa, nhưng chứng tích của nó thì vẫn rành rành ra đó, không có gì để nghi ngờ bàn cãi. Chuyện xảy ra chỉ mới hơn 120 năm, đối với đời người thì có thể nói là dài, nhưng đối với lịch sử thì chẳng là bao năm cả.
Chùa và tháp Báo Thiên gắn liền với truyền thống chống xâm lược của dân tộc ta, với thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, với máu lệ của “những kẻ tôi trung tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương” Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
(Bài viết của Tác giả Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ)
Theo GIAO ĐIỂM ONLINE
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn