Chuyện người vợ 1 đêm cua "ông Hoàng thơ tình" Xuân Diệu

Chủ nhật - 17/09/2017 20:02

Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê gốc ở Trảo Nha - Thạch Hà (nay là thị trấn Can Lộc), Hà Tĩnh. Thân sinh ông là Ngô Xuân Thọ, vào Bình Định dạy học, lấy thêm một người vợ nữa ở Gò Bồi nay thuộc xã Phước Hòa huyện Tuy Phước rồi sinh ra nhà thơ tại đó. Ngô Xuân Diệu thuộc đời thứ 40 Họ Ngô Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Xuân Anh về người vợ 6 tháng trong đời ông.
Nhà thơ Xuân Diệu (2/2/1916  - 18/12/1985)
Nhà thơ Xuân Diệu (2/2/1916 - 18/12/1985)



“Anh có nhà có cửa/ Nhưng không có vợ con”. Ấy là lời tự bạch của Xuân Diệu về tình trạng cô đơn của mình trong bài “Khung cửa sổ”. Đúng là không có con, nhưng Xuân Diệu đã từng có vợ. Người phụ nữ đó chính là Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp. Cuộc hôn nhân nhanh chóng kết thúc sau sáu tháng. Sáu tháng đó đêm nào thi sĩ cũng làm thơ, đêm nào đôi mắt người vợ trẻ cũng ngấn lệ.
Những ngày cuối đông năm 1957, trời Hà Nội rét căm căm. Ngày hôm đó, Tổng biên tập báo Nhân Dân - ông Hoàng Tùng gọi Bạch Diệp ở lại, giọng nửa đùa nửa thật: “Bạch Diệp ế đến nơi rồi, có muốn anh giới thiệu chồng không?”. Bạch Diệp dãy nảy: “Gớm, có già cũng không cần anh giới thiệu đâu. Em quen đầy người việc gì phải nhờ anh”. Nói rồi Bạch Diệp nhét tập tài liệu dày cộp vào túi xách, toan về. “Nhưng… nếu đó là một ông hoàng?”. “Em không cần tiền!”. Bạch Diệp ngúng nguẩy, tự ái ra mặt. Hoàng Tùng xua tay cười “Em bình tĩnh nghe anh nói đã… Người này anh ngắm kỹ cho em rồi, không ai xứng đáng hơn đâu. Không phải ông hoàng dầu lửa, mà là ông hoàng thi ca… Xuân Diệu đấy!”. Hóa ra, người mà Tổng biên tập muốn giới thiệu cho cô phóng viên trẻ chính là nhà thơ Xuân Diệu. Bạch Diệp lúc này đã 27 tuổi, không đẹp nhưng cá tính, sắc sảo. Biết bao chàng trai ngưỡng mộ sự thông minh của nàng, nhưng không giám tiến đến gần. Người chồng của nàng phải là người đàn ông tài hoa, lãng mạn. Người đó phải khiến nàng kính phục, nếu không, thà ở vậy còn hơn… Mấy ngày sau, Bạch Diệp nhận lời “mai mối” của Hoàng Tùng. Xuân Diệu tuy đã 41 tuổi, nhưng trông “rất thơ”. Vầng trán anh nở nang, cao vời vợi, che phủ một phần bởi mái tóc loăn xoăn, dấu ấn của con người Bình Định.
Bạch Diệp vốn là người mạnh mẽ, nhưng bị “đắm chìm” ngay bởi cặp mắt nhìn đời và thiên nhiên sâu thẳm, tựa như một nhà hiền triết. Thế nhưng, buổi nói chuyện đầu tiên tẻ nhạt hơn Bạch Diệp tưởng. Những câu làm quen rời rạc, những mạch chuyện chệch hướng. Xuân Diệu không phải là người đàn ông biết đưa đẩy, rào đón, lúng liếng như thơ. Người thơ và người thực chẳng phải là một. Bạch Diệp thoáng thất vọng. Những buổi hẹn hò sau có vẻ khả quan hơn. Hai người thường đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng ra ngoại thành chơi. Trên những triền đê rải đầy nắng và gió đông, Xuân Diệu khẽ khàng đọc thơ. Bạch Diệp ngồi phía sau, lòng lâng lâng. Có lần trời đổ cơn giông, Bạch Diệp nằng nặc đòi đội mưa về nhà, bất kể dang ốm. Xuân Diệu liền kéo nàng trú dưới hàng hiên nhà cổ. Anh rút khăn mùi xoa, lau từng giọt mưa lấm tấm trên mặt nàng. Sau khi đưa nàng về, Xuân Diệu tặng nàng bài thơ: “Tôi cầm mùi dạ lan hương/ Trong tay đi đến người thương cách trùng/ Dạ lan thơm nức lạ lùng/ Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương”. Dần rồi, Bạch Diệp cũng mủi lòng. Đến gần ngày cưới, Xuân Diệu có qua nhà Bạch Diệp ăn cơm tối. Ba mẹ Bạch Diệp chào “chàng rể tương lai” rất nồng hậu. Xuân Diệu đáp lại, đứng dậy đọc thơ tình. Bạch Diệp nhìn anh say đắm, nhưng anh lại đưa mắt ra ngoài khung cửa sổ, lảnh tránh. Dường như bài thơ đó không giành cho nàng. Bỗng dưng, một khoảng trống le lói hình thành. Có lần cô bạn  đồng nghiệp kéo Bạch Diệp lại hỏi: “Tao nghe người ta nói anh Xuân Diệu có vấn đề đấy! Mày phải xem lại đi, không nhỡ dở đời con gái”. Bạch Diệp gắt lên: “Vớ vẩn! Người ta ghen ghét nói xấu anh Diệu thôi. Tao không hiểu anh Diệu thì ai hiểu đây?”. Nói thế nhưng Bạch Diệp không khỏi nghi hồ. Hai người sắp nên vợ nên chồng mà vẫn chẳng thể là một. Xuân Diệu lúc nào cũng “buâng khuâng”, “lãng đãng”. Hay vì nhà thơ thường như thế?. Đám cưới diễn ra vào cuối tháng 4 năm 1958, do báo Nhân Dân đúng ra tổ chức. Có rất nhiều bạn bè của Xuân Diệu đến chúc mừng. Họ toàn là những nhà thơ, nghệ sĩ tên tuổi. Bạch Diệp trong bộ áo dài đội voan trắng muốt, hạnh phúc vô cùng. Trước sự chứng kiến của mọi người, chàng và nàng “nguyện kề vai sát cánh đến suốt cuộc đời”. Đêm tân hôn của … thi ca, đôi vợ chồng trẻ được thu xếp trong một căn phòng nhỏ, nhưng ấm cúng. Phía đầu giường là chữ “Hỉ” đỏ chót dán lên tường. Chú rể vẫn chu đáo vậy, đun nước sôi, trút xuống chậu men, nhúng tay thử độ ấm và bảo nàng đi tắm. Rũ sạch mệt mỏi, mùi xà phòng hương lài cuộn quanh người khiến nàng thêm khoan khoái.. Nàng đã tưởng tượng ra khung cảnh như thế này, từ lâu lắm rồi: một căn phòng nhỏ leo lắt nến và hoa hồng. Cô dâu mới phải e lệ, ngượng ngùng ngồi đợi chồng bên mép giường. Chú rể vén rèm, bước vào. Hai người uống chung một ly rượu, cho men tình thêm say! Hai người yêu nhau như tự nhiên nó thế … Một bàn tay mềm mại đặt lên vai. Tim nàng đập thịch. Má đỏ bừng. “Em này có thấy bút đâu không?”. Giật mình nàng ngơ ngác “Để làm chi hả anh?”. Xuân Diệu không trả lời, lục tung bàn, cúi xuống gầm giường tìm bút. Rồi anh thắp thêm nến. Ánh sáng khiến căn phòng như rộng ra, rộng mãi. Xuân Diệu ngồi bên bàn, cầm bút, giấy loay hoay, hì hụi. Đầu anh gục xuống, mái tóc bồng bềnh rối tung. Bạch Diệp ngỡ ngàng: “Chẳng lẽ anh ấy muốn làm thơ trong lúc này?”. Sau một hồi, Xuân Diệu hí hửng đọc thơ cho nàng nghe. Bạch Diệp cố nhẫn nhịn. Đọc xong, chàng lại hì hụi viết tiếp, mắt nhìn ra cửa sổ buâng khuâng. Nàng bàng hoàng: chẳng lẽ đêm tân hôn là như vậy? Đêm đó Bạch Diệp thêm một lần mất ngủ. Vị ngọt rượu vang nơi đầu lưỡi hồi chiều đã nhanh chóng biến thành vị đắng. Đến sáng hai người rẽ sang hai ngả đường. Đêm đêm chàng vẫn miệt mài làm thơ. Nàng thở dài, kéo chăn đi ngủ trước. Mọi người tò mò hỏi chuyện đôi vợ chồng trẻ, nàng chỉ mỉn cười, mắt biêng biếc buồn. Nàng đang phải cắn-quả-xấu-của đời mình. Ba tháng sau ngày cưới, Bạch Diệp mới dám trò chuyện cùng mẹ. Bà tái mặt, cứ ngỡ, con gái lấy chồng sẽ nhanh chóng sinh đứa cháu kháu khỉnh. Ngờ đâu… Tức giận bố Bạch Diệp gọi chàng rể đến. Lúc đó mọi người mới té ngửa: Xuân Diệu bị bệnh “tiên thiên”, không thể chữa trị. Mẹ Bạch Diệp thương co gái, khóc cạn nước mắt. Bà bắt hai người phải chia tay ngay, khỏi để lâu ngày Bạch Diệp mang tiếng xấu. Bố Bạch Diệp canh ngăn: “Khuyết tật này chẳng ai muốn có. Hơn nữa con mình là người tri thức có tiếng, nên giữ thể diện cho nó. Bây giờ tìm mọi cách chữa trị trong ba tháng. Sau ba tháng nếu Xuân Diệu không tròn nghĩa vụ làm chồng, hai đứa chia tay”. Bạch Diệp biết chuyện của chồng, thương xót vô cùng. Suốt ba tháng đó, ngày ngày nàng đun thuốc nam cho chồng uống, tuyệt nhiên không một lời than phiền, trách móc. Mẹ Bạch Diệp đôn đáo xuống Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng xem bói. Nào là, “thằng chồng bị ma ám, phải đem lá bùa này về đốt, lấy tro pha nước lã, bắt uống. Rồi “xoay giường ra hướng khác, hướng này khí độc”… Xuân Diệu thương vợ nhiều, nhưng không thể làm cho vợ hạnh phúc. Hơn nữa, Xuân Diệu càng biết lòng mình, qua cuộc hôn nhân với Bạch Diệp. Thời gian này, những bài thơ tình vẫn được tuôn dào dạt. Vẫn cuồng nhiệt vô bờ: “Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt/ Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng/ Trong say sưa anh sẽ bảo anh rằng/ Gần hơn nữa thế vẫn còn xa lắm” (Xa cách). Một đêm nọ, Xuân Diệu không làm thơ, Chàng ôm vợ vào lòng, siết chặt, nhẹ nhàng hôn lên môi, mắt và trán nàng. Rồi những nụ hôn cuống quýt, nồng ấm. Nàng lâng nâng. Dòng máu nóng chạy dọc suốt cơ thể. Nàng không còn bẽn lẽn rụt rè. Nàng sẵn sàng đón nhận sự khát khao bị dồn nén bấy lâu. Nàng sắp bùng nổ… Nhưng chàng dừng lại. Bỏ ra ngoài phòng. Để lại sau lưng giọt nước mắt mặn chát của người vợ trẻ… 
Năm mươi năm sau… Không một lời oán trách, Bạch Diệp khẽ khàng: “Có lẽ ông ấy chưa hiểu hết mình nên mới lấy tôi. Đừng viết gì về ông ấy, có viết, viết về những bộ phim của tôi đây này”. Dù không nói ra, nhưng những tiếng thở dài đau đáu đã nói lên tất cả. Không muốn chạm sâu vào nỗi đau đó, tôi từ bỏ ý định muốn xem tấm ảnh cưới của bà và Xuân Diệu. Bởi với bà: “Xuân Diệu là những gì hư ảo trong cuộc đời, nhũng kỷ niệm vô cùng đẹp, nhưng không có thật. Ngày 18 tháng 12 năm 1985 Xuân Diệu qua đời, sau một cơn đau tim đột ngột tại Hà Nội. Bạch Diệp đến, đặt một bó hoa trắng lớn (chứ không phải vòng hoa) lên nắp quan tài. Lần này bà “tặng” ông bó hoa cuối cùng. Trong tiết trời đông lạnh cóng, bà đã đứng “bên ông”, đưa ông về nghĩa trang. Một cách trọn vẹn, Bạch Diệp là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời Xuân Diệu.

 

XUÂN ANH

Bài đăng trên nội san Họ Ngô Việt Nam Xưa & Nay

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập203
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm202
  • Hôm nay40,955
  • Tháng hiện tại239,081
  • Tổng lượt truy cập48,416,971
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây