Điện Quốc tế Linh từ (thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) thờ Phó soái - Đại tướng Ngô Tôn Tư linh thiêng, tôn vinh Uy vũ Tôn Thần.
Trước cửa điện là bình phong đắp nổi bốn chữ Quốc tế Linh từ (Đền thiêng được cử hành Quốc lễ). Qua khoảng sân rộng đến chính điện. Mặt tiền Điện QuốcTế hai bên trụ tường (đắp nề) câu đối:
Vũ Dũng tiền triều ban Quốc tế
Văn minh tư thế hộ dân an.
(Vũ dũng triều xưa ban Quốc lễ
Văn minh đương đại giúp muôn dân)
Gian Tiền tế hiện được bố trí ở giữa Điện, trên là bức hoành phi: “Kinh Thiên Vĩ Địa” (hàm ý công lao ân huệ bao la cao rộng của Trời - đất). Hai bên có 2 đôi câu đối (trên 4 cột). Chính giữa đặt hương án, đồ thờ.
Hậu cung thờ Thần vị và Thần tượng Đại tướng Ngô Tôn Tư.
Nội dung Thần vị: cột chữ giữa ghi “Cung duy, quảng uyên ứng tế, hiển linh vũ, tán hóa điều nguyên bản triều sắc phong đại tướng Ngô Tôn Tư quang uy vũ tôn thần”.
Điện Quốc Tế hiện còn ba sắc phong Triều Nguyễn cho Ngô Tôn Tư: là thời Tự Đức (năm 1853), Đồng Khánh (năm 1888), và Khải Định (năm 1925).
Ngôi Điện xưa được xây dựng trên một khu đất rộng tới ba mẫu Bắc Bộ, có tường xây, cây cối vây quanh Sân đền lát gạch, đủ cho hàng ngàn người vào tế lễ. Phía trước có đường rộng đi vào cửa điện để vua quan về hành lễ. Trước sân điện là dòng nước trong mát chảy qua. Đôi câu đối trước cửa điện:
Thủy diễu tiền đình tài tự chí
Sơn cao hậu điện thọ vô cương.
Tạm dịch là:
Nước mát trước sân tài lộc đến
Non cao sau điện vững muôn đời.
Bên cạnh Điện có đường Quan, bãi thả ngựa ngựa, và bia cấm chỉ. Phía sau Điện rộng gần 100 thước vuông là lăng mộ của Đại Tướng Ngô Tôn Tư trên khu đất cao, có nhiều cây đại thụ, dân quen gọi là Miễu (rừng đồng bằng). Nơi đây thâm u, chỉ có chim trời về trú ngụ, tiếng chim hót véo von suốt ngày. Ngày nay khuôn viên bị thu hẹp hơn, nhưng vẫn giữ những vị trí quan trọng như: Ngôi điện có sân rộng làm lễ hội và khu đất nơi đặt miếu mộ vẫn còn để trống.
Ngô Tôn Tư được phong Phó soái - Đại tướng, đã tham gia trận chiến, đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng lịch sử. Trong chiến dịch này, ông được giao đóng quân ở Hải Triều để coi giữ tuyến cửa sông Luộc. Trong thời gian đóng quân ở đây, ông đã hết lòng thương dân. Trong trận chiến Bạch Đằng Ngài đã hy sinh anh dũng. Ngô Quyền thương xót, đưa thi hài Ngài về Hải Triều làm lễ Quốc táng, lập miếu mộ, rồi giao cho một tướng người họ Nguyễn trông nom. Tháng Giêng năm 939 Ngô Quyền xưng Vương, lập triều chính ở Cổ Loa. Vua ban cho điện thờ Ngô Tôn Tư là Quốc Tế Linh Từ. Hàng năm vua và các quan trong triều đều về tế lễ tôn vinh công đức Ngô Tôn Tư với nghi thức Quốc lễ. Ghi ơn công lao với dân, với nước của Ngô Tôn Tư, nhân dân Hải Triều tôn Ngài làm Thần, thờ cúng đã hơn một ngàn năm qua. Hàng năm dân làng vẫn theo sự lệ, tổ chức lễ hội để tế lễ. Các vua triều Nguyễn sắc phong cho Ngô Tôn Tư, ghi nhận công lao “Khử bạo, trừ tà, cứu dân, hộ quốc”.
Đức Ngô Tôn Tư là một vị Phó soái, Đại tướng tài đức, “anh minh thao lược”, công lao của Ngô Tôn Tư được ca ngơi trong Văn khấn, đọc trong ngày giỗ hàng năm ở Điện Quốc Tế Linh Từ:
“Muôn tâu Đại Vương Tướng quân, Ngài là người thông minh, mưu lược, sáng suốt, Văn /Võ tài cao, tái thế anh hào, Đức cao vọng trọng. Ngài thương dân như nắng hạn gặp mưa rào, ngài đem tâm trí cứu dân hộ quốc, trừ diệt bạo tàn, giành hòa bình, nền văn hiến danh thơm mãi mãi. Nhân dân xưa nay đời đời tôn bái. Xin xét soi tấm lòng thành”
Tại điện Quốc tế Linh từ, ngày 31/8/2017 (Tức ngày 10 tháng 7 năm Đinh Dậu), đã thành kính, long trọng tổ chức Lễ khao quân và Lễ cầu siêu cho Phó soái - Đại tướng Ngô Tôn Tư và các tướng sỹ tử vong trong trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Nơi đây là mảnh đất Địa linh - Nhân kiệt, có Đình thờ Ngô Vương Quyền, Điện Quốc Tế Linh Từ, thờ vị Phó soái - Đại tướng Ngô Tôn Tư, Đền thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ và Đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, anh hùng dân tộc – Danh nhân Văn hoá Thế giới).
Những giá trị từ những cổ tự, cổ vật, đồ thờ của điện Quốc Tế Linh Từ và những lời truyền tụng của nhân dân có ý nghĩa lớn lao. Những cổ vật nghệ thuật quý giá như: Thần vị, Ngai thờ và Tượng Ngô Tôn Tư mang phong cách thời Hậu Lê. Cùng một số Hoành phi, Câu đối thời Nguyễn và bổ sung mới. Tất cả nhằm tôn vinh Phó soái - đại tướng Ngô Tôn Tư thời Tiền Ngô. Ngài đã tham gia chiến trận Bạch Đằng, lập công oanh liệt, anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Quốc tế Linh từ đã làm sống lại nhân vật lịch sử, của một thời kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt, góp phần mở ra thời kỳ mới độc lập của đất nước. Đây cũng là bổ sung vào lịch sử những gì chưa thấy ghi trong sách sử.
Tháng 3 năm 1976, Ty Văn hóa Thông tin tinh Thái Bình và Viện Khảo cổ học đã khai quật ngôi mộ Phó soái - Đại tướng Ngô Tôn Tư. Đó là bị "Khai quật khẩn cấp" (theo cách gọi lúc bấy giờ) rồi đưa di cốt Ngài mang về để ở kho Bảo tàng Thái Bình. Một sự việc chẳng rõ vì sao lại như vậy? Đã 41 năm qua (1976 - 2017) Ngài bị di rời khỏi nơi lăng mộ linh thiêng, nơi Hải Triều vua Ngô Quyền ban Điện Quốc tế và xây lăng mộ cho ngài. Hiện đang có kế hoạch đưa di cốt Ngài trở về hoàn táng chính nơi yên nghỉ khi xưa của Ngài tại Hải Triều. Đây là việc làm hợp đạo trời, đúng với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những người có công với nước, có ân với dân.
Bài và ảnh của Họa sỹ, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Chiến
(Hội Mỹ Thuật Việt Nam)
Dưới đây là một số hình ảnh liên quan:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn