Phan Liêu, Đặng Dung và Nguyễn Trãi: Ba ngả rẽ của số phận

Thứ năm - 05/10/2017 20:02

Nguyễn Trãi, Đặng Dung và Phan Liêu, giống như tuổi trẻ chúng ta ngày hôm nay, đều có tâm sự riêng trước hoàn cảnh bế tắc của dân tộc. Cả ba đều sinh ra và lớn lên cùng thời kỳ. Nguyễn Trãi và Đặng Dung đi tìm con đường cứu nước. Nguyễn Trãi đã thành công và Đặng Dung đã phải tuẫn tiết. Riêng Phan Liêu đã đầu hàng giặc để làm quan.
nguyen trai 1
nguyen trai 1


1. Vào cuối thế kỷ thứ 14 nước Đại Việt bắt đầu một giai đoạn suy vong.
Đầu thế kỷ thứ 13, chỉ 200 năm trưóc đó, đoàn quân bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư hãn và Hốt Tất Liệt đã phải bị khuất phục trưóc những chiến công hiển hách của Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải. Nhưng đến cuối thế kỷ thứ 14 nước Đại Việt bắt đầu một giai đoạn suy vong, nhà Trần đã mất đi năng lực quốc phòng để gìn giữ biên giới. Các vị vua cuối cùng nhà Trần nhu nhược, yếu hèn. Từ những chiến công hiển hách đại thắng quân Nguyên của Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải ở đầu thế kỷ thứ 13, đến giai đoạn nầy, nhà Trần đã mất đi năng lực quốc phòng để gìn giữ biên giới. Nước Chiêm Thành nhỏ bé ở phương nam, dưới sự lãnh đạo của Chế Bồng Nga, đã hơn 10 lần đem quân vượt biên giới phía nam xâm phạm lãnh thổ và ba lần đem quân tàn phá kinh đô Thăng Long.
Trong bối cảnh đó, Hồ Quí Ly xuất hiện như một cái phao cứu vãn nhà Trần. Ông đã giúp triều đình cũng cố lại triều chính và quân đội. Thủy quân Đại Việt đã giết được Chế Bồng Nga, chấm dứt được hoạ xâm lược của Chiêm Thành. Nhưng cái phao cứu sinh Hồ Quí Ly đã trở thành sợi dây thòng lọng lịch sử cho nhà Trần. Với khôn ngoan và mưu lược cùng với quyền lực trong tay, ông đã chấm dứt nhà Trần và mở ra triều đại nhà Hồ.
Hồ Quý Ly là một con người đầy tham vọng, và là một nhà chính trị tài giỏi quyền biến. Nhưng Hồ Quý Ly phải đương đầu với tham vọng to lớn hơn ở phương bắc. Đó là tham vọng của Minh Thành Tổ, một hoàng đế thông minh đảm lược vừa mới cưóp ngôi người cháu ở Kim Lăng, Trung Hoa.
Đầu thế kỷ 15 là thời gian Trung Hoa đã được bình định và bước vào giai đoạn phục hưng. Năm 1398, Minh Thái Tổ băng hà. Ông truyền ngôi lại cho cháu đích tôn, tức là Huệ Đế. Năm 1402, Huệ đế bị chú là Yên Vương Lệ (Chu Di) cứớp ngôi. Yên vương Lệ lên ngôi tức là Minh Thành Tổ.
Dưới thời Minh Thành Tổ, ông đã cho tổ chức hạm đội viễn dương với 48 chiếc tàu và 28.000 thủy binh dưói quyền chỉ huy của đô đốc Trịnh Hoà viễn du khắp nơi trên thế giới. Sử cho biết hạm đội Trịnh Hoà (Zheng He) thực hiện 7 chuyến viễn du, đã chinh phục các nuóc Nam Á, qua tận Phi châu, đem về cho Minh Thành Tổ rất nhiều vật lạ quí hiếm và sự thần phục của các vương quốc xa xôi.
Sự kiện nầy nói lên một điều là đối lực của dân quân Đại Việt bấy giờ là Minh Thành Tổ, một triều đại cực thịnh của Trung Hoa.
Minh Thành Tổ muốn mở rộng biên giới về phương nam. Nhân cơ hội một số quan lại nhà Trần chạy qua Kim Lăng dâng sớ tố cáo nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh đã phất ngọn cờ Diệt Hồ Phù Trần, để đem quân sang Đại Việt.
Năm 1406 Minh Thành Tổ phong Chu Năng làm Chinh Di Đại Tướng Quân, Trương Phụ làm Chinh Di Hữu Phó Tướng Quân cùng Mộc Thạnh làm Chinh Di Tả Phó tướng quân thống lĩnh 80 vạn quân chia làm hai cánh tràn xuống nước ta. (ĐVSKTT 307)
Thực chất của chiến dịch chinh nam với 800 ngàn quân dưới nhãn hiệu Diệt Hồ Phù Trần của nhà Minh là cuôc chiến tranh xâm lược đi liền với một cuộc di dân vĩ đại. Minh Thành Tổ muốn giải quyết vấn đề biên giới phương nam một lần đủ cả. Cái tàn dư của nòi giống Bách Việt ngoan cố luôn luôn là cái gai và thách đố văn hoá với nòi Hán. Ông muốn bình định Đại Việt để Đại Việt trở thành quận huyện của Trung Hoa như Ngô Việt, Mân Việt trước đây. Do đó, cuộc chinh nam lần nầy không phải chỉ là một cuộc viễn chinh quân sự thuần túy. Minh Thành Tổ đã phát động chiến tranh xâm lược tổng hợp quân sự, văn hoá và huyết thống. Đoàn quân 800,000 người đó có tác dụng pha loãng giòng máu của dân Việt ở phương nam, và làm thay đổi nếp sống và văn hoá Việt để đồng hoá vào Trung Hoa.
Đồng thời, mặt trận tâm lý với khẩu hiệu Diệt Hồ Phù Trần của Minh Thành Tổ đã đánh vào nhược điểm về giá trị chính thống của chính quyền Hồ Quí Ly. Đòn tâm lý nầy gây giao động mạnh mẽ trong quần chúng và chi phối mạnh mẽ ý chí chống xâm lăng của quân dân Đại Việt. Mất tính chính thống, Hồ Quí Ly mất năng lực đạo đức để lãnh đạo công cuộc kháng chiến. Hồ Quí Ly đã thất bại trên mặt trận chiến tranh chính trị trước khi mặt trận quân sự bị sụp đổ.
Sự thất bại của nhà Hồ trong việc lãnh đạo công cuộc chiến đấu chống quân Minh đã đưa Đại Việt vào vòng nô lệ bắc triều lần thứ hai.

2. Phan Liêu, Đặng Dung và Nguyễn Trãi là ba thanh niên sinh ra lớn lên thời Trần mạt. Ba người đều là dòng dõi của những đại quan làm việc vói triều đình nhà Trần. Khi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, thân sinh cả ba đều hợp tác với chế độ mới. Họ là những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thanh niên của đầu thế kỷ 15 phải chứng kiến sự phá sản của triều đại nhà Trần với những di sản lịch sử to lớn.
Nguyễn Trãi, Đặng Dung và Phan Liêu, giống như tuổi trẻ chúng ta ngày hôm nay, đều có tâm sự riêng trước hoàn cảnh bế tắc của dân tộc. Cả ba đều sinh ra và lớn lên cùng thời kỳ. Nguyễn Trãi và Đặng Dung đi tìm con đường cứu nước. Nguyễn Trãi đã thành công và Đặng Dung đã phải tuẩn tiết. Riêng Phan Liêu đã đầu hàng giặc để làm quan.
Phan Liêu là con của quan thái phó Nghệ An Phan Quí Hữu. Nghệ An là cửa ngõ vào Hoá Châu. Lúc ấy lực lượng của Giản Định Đế và Trùng Quang Đế đang nắm giữ vùng Nghệ An Thanh Hoá. Năm 1413, Trương Phụ đem quân đánh Nghệ An. Phan Quí Hữu ra hàng. Phan Liêu được Trương Phụ cho làm tri phủ Nghệ An. Quân của Trùng Quang Đế chạy về Hoá châu. Phan Liêu đem thông tin quân số của Trùng Quang Đế cho Trưong Phụ biết. Nhờ đó, Trương Phụ đã tiêu diệt được lực lượng Nghĩa Quân. Trùng Quang Đế và Đặng Dung đều bị bắt trong trận Hoá Châu nầy và sau đó tự vẫn trên đưòng giải về Kim Lăng. Do sự phản bội của Phan Liêu, chế độ nhà Trần hoàn toàn cáo chung. Đến năm 1419, Phan Liêu bất đồng quan điểm với Mã Kỳ, một tướng lãnh quân Minh, nên đem quân giết quan quân nhà Minh ở Thanh hoá và chạy qua Ai Lao.
Phan Liêu không đầu hàng ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh xâm lược. Ông đầu hàng vào năm 1413, tức là 6 năm sau khi Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân tràn vào Đại Việt. Như vậy trong thời gian đó, Phan Quì Hữu đang làm quan cho nhà Hậu Trần, đang làm công tác phù Trần.
Ở giai đoạn này động lực cho sự hợp tác với quân Minh không còn là phù Trần nữa. Sau 6 năm chiếm đóng Đại Việt quân Minh không hề quan tâm đến việc đưa con cháu nhà Trần trở lại ngai vàng. Chiến dịch Diệt Hồ Phù Trần đã hiển nhiên trở thành cuộc chiến tranh xâm lược. Ở giai đoạn này, hàng quân Minh là sự chọn lựa giữa cái chết vinh vì đất nước và cái sống nhục theo quân xâm lược, là chọn lựa giữa đi với Trùng Quang vào núi kháng chiến và theo giặc Minh làm quan. Phan Liêu chọn con đường thứ hai.
Cuộc nổi loạn của Phan Liêu năm 1419 chắc chắn đã gây giao động mạnh trong hàng ngũ quân Minh. Nhưng vì cuộc nổi loạn không có tầm vóc lớn nên không gây ảnh hưởng rộng rãi và bị tiêu diệt ngay. Sau đó ông đã trốn sang Ai Lao và mất hút vào trong lịch sử.
Ở Phan Liêu chúng ta thấy được tính chất bất định của một con người đã mất định hưóng dân tộc. Ông hành xử bởi cá nhân và vì cá nhân. Ngay cả khi ông nổi loạn chống quân Minh, cái động lực chính là mâu thuẩn quyền lợi và cá tính giữa ông và Mã Kỳ. Do đó, ông không thấy được lực lượng Lam Sơn đang lớn mạnh, đang xoay đổi vận hội của dân tộc.
Đặng Dung là con của quốc công Đặng Tất một đại quan nhà Trần. Cũng như tất cả những quan lại dứoi triều mạt Trần, Đặng Tất đã hợp tác với chính quyền Hồ Quí Ly.
Khi Trương Phụ đem quân xâm chiếm nước ta, Đặng Tất đang làm Đại Tri Châu ở hạt Hoá Châu. Lúc đầu ông theo giặc Minh được Trương Phụ cho tiếp tục giữ chức vụ cũ. Đến khi Giản Định Đế khởi nghĩa thì ông đem thành Nghệ an dâng cho Giản Định, và dâng con gái vào hậu cung. Đặc biệt Hoá Châu là vùng địa đầu ở phía nam của Đại Việt. Địa thế hiểm trở. Năm 1413 Trương Phụ đem quân đánh Hoá Châu. Mộc Thạnh trình với Trương Phụ như sau: “Hoá Châu núi cao bể rộng khó lấy lắm.” (TTK tr. 204) Với truyền thống gia đình và địa phương anh linh như thế, Đặng Dung đã được hun đúc trở thành một võ tướng của nghĩa quân nhà hậu Trần. Trong lúc gian nan chỉ huy cuộc kháng chiến, ông đã để lại cho chúng ta bài thơ Cảm Hoài được sử gia Trần Trọng Kim dịch như sau:
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay,
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt đã bao rày.
Bài thơ được danh sĩ Lý Tử Tấn, một học giả thời Lê, tác giả Chuyết Am Văn Tập, nhận xét: ”không phải người hào kiệt, không thể làm được”. Qua bài thơ, chúng ta có thể thấy được Đặng Dung không những là một võ quan, một người yêu nước, mà còn là một người nghệ sĩ tài hoa. Cho đến ngày hôm nay, không ai trong chúng ta đọc hai câu cuối của bài Cảm Hoài mà không xúc động trước lòng yêu nước tuyệt vời của ông.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt đã bao rày.
Sau khi cha ông bị Giản Định Đế Trần Ngỗi giết chết, ông thấy được viễn ảnh đen tối của cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Trần Ngỗi. Con người Trần Ngổi quá thiển cận, cục bộ và thiếu tự tin. Ông ta không thể tiếp tục lãnh đạo công cuộc chống xâm lăng. Đặng Dung thấy nhu cầu của thế hệ mới đứng ra nhận trọng trách của lịch sử. Từ suy nghĩ đó, ông đã cùng người bạn đồng cảnh ngộ là Nguyễn Cảnh Dị đón Trần Quý Khoách, là người cùng trang lứa với ông, để lập làm vua vào năm 1409. Trần Quí Khoách là con Mẫn vương Trần Ngạc. Mẫn vương là con vua Trần Nghệ Tông và là anh của Giản Định Đế. Trùng quang Đế gọi Giản Định Đế bằng chú.
Để tạo sự đoàn kết trong công cuộc kháng chiến Đặng Dung cùng Trần Quý Khoách và những ngưòi bạn đồng chí hướng đã tái phối trí lại lực lượng kháng chiến. Trong tổ chức mới, quyền hành của thế hệ lớn tuổi bị giảm thiểu và những ngừoi trẻ đứng ra nắm binh quyền. Giản Định Đế đưọc bố trí làm thái thựơng hoàng, một vị trí uy tín nhưng không có thực quyền.
Đặng Dung cố gằng tạo sinh khí mới cho công cuộc kháng chiến bằng cách tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đứng ra nắm chủ động việc lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nhưng sinh lực nhà Trần đã hết. Sau một vài chiến thằng nhỏ, quân kháng chiến đã phạm một số sơ suất chiến lược làm mất cơ hội bắt sống Trương Phụ. Từ đó, lực lượng kháng chiến yếu dần. Đồng thời quân Minh gia tăng hành quân và Giản Định Đế bị bắt đưa về Kim lăng. Sau trận chiến ở Hoá Châu, năm 1413 Đặng Dung và Trùng Quang Đế cũng bi bắt. Đến đây nhà Trần hoàn toàn cáo chung.
Trên đường bị giải về Kim Lăng vua tôi đã trầm mình tự vẫn. So với việc Giản Định Đế chiụ nhục về Kim Lăng, hành động đi tìm cái chết của Trùng Quang, Đặng Dung cũng như các tướng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy cho chúng ta thấy được dũng khí của một thế hệ trẻ yêu nước, rất lãng mạn, rất hào hùng, nhưng vô cùng bất hạnh.
Cuộc đời của Đặng Dung là tượng trưng cho lòng yêu nước trung trinh, để nợ nước lên trên thù nhà. Ông mang tâm sư “Vai mang trái đất mong phò chúa” đến hơi thở cuối cùng. Tận trung với vua, với nhà Trần cho đến tận cùng cái vận hạn của triều đại ấy.
Khi bàn đến cái thất bại của nhà Hậu Trần, Sử thần Ngô Sĩ Liên viết:
“Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy, đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không?.
Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang, vì sao vậy?. Bọn Dung vì nghĩa không thể cùng sống với giặc, phải tiêu diệt bọn chúng mới nghe, cho nên mới hết lòng, hết sức giúp đỡ Trùng Quang để mưu khôi phục. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mơí chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!”
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về nhận định của Lê Lợi về phong trào kháng chiến của Giản Định Đế và Trùng Quang Đế như sau:
“Trước đó, bọn Đặng Tất, Nguyễn Súy ở Châu Hóa cùng lập con cháu nhà Trần là Trần Ngỗi, Trần Khoáng làm vua. Nhưng vua [tức Lê Lợi] thấy họ yếu hèn, lại say đắm tửu sắc, biết là chẳng làm nên chuyện, mới ẩn náu chốn núi rừng, dụng tâm nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.”(ĐVSKTT tr. 325)
Nguyễn Trãi là con của Nguyễn Ứng Long tự là Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, là con thứ ba của Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Ông Nguyễn Phi Khanh là một học sinh nhà nghèo học giỏi. Sử sách kể rằng quan tư đồ Trần Nguyên Đán thấy Ứng Long học giỏi nên yêu mến mời làm thầy dạy cô con gái. Hai thầy trò yêu nhau bà Thái có thai ngoài vòng lễ giáo. Ứng Long bỏ trốn. Quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán cho người đi kiếm về để gã cô con gái đang mang thai cho Nguyễn Ứng Long. Lúc đó ông mới 19 tuổi. Khi lấy bà Thái xong, Nguyễn Ứng Long học tiếp thi Thái học sinh và đâu bảng nhãn. Tức là đậu thứ nhì trong kỳ thi tiến sĩ. Bà Thái là người đàn bà đã được đọc sách thánh hiền từ thuở nhỏ. Cha bà là Trần Nguyên Đán là một thần đồng, đậu tiến sĩ năm 14 tuổi và là dòng dõi Thượng tướng Trần Quang Khải, con thứ của vua Trần Thái Tông. (DVSKTT 277)
Mang trong mình truyền thống thông minh xuất chúng Nguyễn Trãi đậu tiến sĩ năm 21 tuổi dưói triều Hồ Hán Thưong. Ông làm đến chức ngự sử đài chính chưởng cho đến khi nhà Minh xâm lược nước ta.
Năm 1407, Nguyễn Phi Khanh và hai em của ông bị bắt sang Trung Hoa. Khi chia tay ở Ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi phải về lại Thăng Long để lo việc báo thù cho cha. Lúc đó Nguyễn Trãi 27 tuổi. Trở về Thăng Long, Nguyễn Trãi nhìn đất nước tan hoang, lòng người ly tán không khỏi cảm thấy đau thương. Trương Phụ, Mộc Thạnh và 800 ngàn quân Minh đã vào Thăng Long và đóng binh khắp miền đất nước. Một số lớn nhân sự của triều đình Hồ Quý Ly bị bắt về Kim Lăng. Người hàng giặc. Kẻ đi kháng chiến. Về phương diên gia tộc, Trần Thúc Dao, con trai của Trân Nguyên Đán, và là cậu ruột của Nguyễn Trãi, đã hàng quân Minh và được Trương Phụ cho giữ đất Diễn Châu. Sau này Thúc Dao bị Giản Định Đế giết chết. (DVSKTT tr. 313)
Từ khi Nguyễn Trãi chia tay với cha ở Ải Nam Quan năm 1407 đến khi ông tìm đến Lê Lợi năm 1416 là 10 năm. Đó là giai đoạn trong cuộc đời của Nguyễn Trãi không được lịch sử nói gì đến nhiều. Đó là 10 năm mà người sau nghĩ rằng Nguyễn Trãi đã nằm yên, không vọng động.
Có lẽ trong giai đoạn đó ông cũng biết công việc khởi nghĩa của Đặng Dung. Có lẽ ông đã nghe bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung lưu truyền trong đám sĩ phu yêu nước. Chắc Nguyễn Trãi cũng biết câu chuyện về khí tiết của Nguyễn Biểu khi ông mắng Trương Phụ và bị nhục hình đến chết. Nếu ông là ngưòi yêu nước tại sao ông không chia sẻ quan điểm chính trị với Đặng Dung để phù Trần diệt Minh? Tại sao ông, là con cháu của nhà Trần, không gia nhập phong trào kháng chiến của Giản Định Đế và Trùng Quang Đế để khôi phục nhà Trần, để giành lại độc lập cho Tổ quốc?
Liệu thái độ im lặng của ông có bị người đương thời “chụp mũ” là thiếu tinh thần … “phù Trần” chăng?
Người đương thời nghĩ gì khi Nguyễn Trãi cùng với người anh em con cô con cậu là Trần Nguyên Hãn tìm đến người nông dân Lê Lợi ở Lam Sơn năm 1416?
Lê Lợi sinh năm 1385 nhỏ hơn Nguyễn Trãi 5 tuổi. Ông gặp Lê Lợi năm ông 36 tuổi và Lê Lợi 31 tuổi. Phải chăng ông chọn Lê Lợi vì Lê Lợi là hình ảnh của một thế hệ mới. Nhưng nếu chọn thế hệ mới tại sao ông không chọn Trùng Quang Đế Trần Quí Khoách làm minh chủ để cùng với Đặng Dung Phù Trần Diệt Minh?
Về quan điểm thế hệ, Nguyễn Trãi rất gần với Đặng Dung. Cả hai đều quan niệm rằng cuộc chiến mới phải do thế hệ trẻ lãnh đạo. Thế hệ cũ, đại biểu là Giản Định Đế Trần Ngổi, không có đủ năng lực để lãnh đạo cuộc chiến chống nhà Minh. Giản Định Đế vừa lên ngôi trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn đã lo tuyển thê thiếp vào hậu cung. Chiến thắng Bô Cô chưa ráo máu giặc, Giản Định đã nghe lời hoạn quan trong triều đình giết hai danh tướng có công đầu là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Những sự kiện nầy cho thấy Trần Ngỗi là con người, như Lê Lợi nhận định, ham mê dục vọng. Tệ hơn nữa, ông ta là người lãnh đạo nhưng thiển cận, nghi kỵ và thiếu tự tin. Và do đó, Giản Định Đế không có khả năng tập hợp và nuôi giữ nhân tài để lãnh đạo công cuộc kháng chiến.
Đặng Dung tìm đến ngừơi hậu duệ trẻ tuổi của nhà Trần là Trần Quí Khoách để tôn lên làm vua. Còn Nguyễn Trãi tìm đến Lê Lợi, một hào trưởng vô danh ở Thanh Hoá, để tôn lên làm minh chủ.
Nhưng sự việc quan trọng hơn là Nguyễn Trãi tìm đến Lê Lợi để dâng Bình Ngô Sách. 10 năm từ khi chia tay với cha ở Ải Nam Quan, Nguyễn Trãi đã dành thời giờ suy nghĩ về một chiến lược mới để cứu nước. Bình Ngô Sách là kết tinh của những suy nghĩ của Nguyễn Trãi.
Ngày nay Bình Ngô Sách đã thất lạc. Nhưng qua tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo chúng ta có thể thấy ngay đuợc sách lược của cuộc kháng chiên của Lê Lợì.
Sách lược chính yếu của Bình Ngô Sách là Mưu Phạt và Tâm Công. Đánh bằng mưu và đánh vào lòng người. Đó là ý nghĩa của cuộc chiến tranh nhân nghĩa. Ông xây dựng quan điểm đúng đắn về chiến tranh chính nghĩa để đương đầu lại với cuộc chiến tranh giả nhân nghĩa dưới khẩu hiệu diệt Hồ phù Trần bịp bợm của Minh Thành Tổ. Ông dùng chiến tranh tâm lý chính đạo để đối phó chiến tranh tâm lý tà đạo của quân xâm lược.
Ngay ở đề tựa Bình Ngô Sách, ông đã gọi Trung Hoa là giặc Ngô. Đây là cách dùng chữ để nhấn mạnh rằng rằng thái độ ngạo mạn của Trung Hoa gọi nguời Việt là Di, là mọi rợ, (như khi Minh đế phong Chu Năng làm “Chinh Di” Đại Tưóng Quân), là một điều xúc phạm đến truyền thống văn hoá lâu đời của Đại Việt. Ông muốn nhắc lại cho mọi ngưòi biết rằng chính Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương khi còn là giặc cỏ cũng tự phong là Ngô Vương. Xuất xứ của Chu Nguyên Chương là từ Ngô Việt, một bộ phận của Bách Việt đã bị đồng hoá vào Trung Hoa. Ông gọi cuộc chiến nầy là cuộc chiến “bình Ngô” để trả lại Minh Thành Tổ chữ “chinh Di” mà ông dùng để gọi Đại Việt. “Bình Ngô” cũng xác định cuộc chiến nầy là một cuộc chiến văn hoá, để đối đầu với chiến dịch “chinh Di” của Minh Thành Tổ nhằm đồng hoá Đại Việt. Chính vì thế trong phần mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo Nguyễn Trãi khẳng định giá trị truyền thống lâu đời của văn hoá phương nam:
“Như nưóc Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu,
Sơn hà cương vực đã chia, Phong tục bắc nam cũng khác”.
Đồng thời, ông bổ xung ý niệm nhân nghĩa mông lung của Nho Giáo bằng cách đưa ý niệm nầy vào thực tế chính trị. Theo ông, đối tượng của chính trị là nhân dân, không phải là huyết thống hay dòng họ. Vai trò của nhà cầm quyền phải làm sao cho nhân dân sống an cư lạc nghiệp. Do đó, nhân nghĩa không nằm ở khẩu hiệu, ở tuyên truyền. Nó nằm ở chổ khi thực hiện cái mà ngưòi ta gọi là điều nhân nghĩa đó, có làm cho nhân dân đưọc hạnh phúc ấm no hay không. Ông đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc những người lãnh đạo ưa nói điều nhân nghĩa phải chứng minh đưọc khả năng đem lại cơm no áo ấm cho nguời dân cách cụ thể. Cái cụ thể đó ngày nay đưọc gọi là lợi tức bình quân đâu ngưòi và những chỉ số phát triển kinh tế quốc gia.
Và nữa, nếu phải phát động một cuộc chiến tranh nhân nghĩa thì mục đích của nó là để triệt tiêu bạo quyền, chứ không phải để xây dựng một chế độ cường bạo hơn, độc ác hơn. Khi một chế độ mới độc ác hơn đưọc thiết lập để thay thế chế độ cũ, lập tức, mọi khẩu hiệu nhân nghĩa trong cuộc chiến đều mất giá trị. Và cuộc chiến đó trở nên mất chính nghĩa.
Do đó, nhân danh “phù Trần” hay bất cứ một lý tuởng vĩ đại nào để thay đổi văn hoá dân tộc, để ngăn sông cấm chợ, để bóc bột nhân dân, làm đời sống nhân dân bất ổn định, làm cho nhân dân cùng khổ một điều bất nghĩa, là một tội ác. Ông gói ghém quan điểm nầy trong câu mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo.
Suốt hai trăm năm trước đó, Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư và Binh Thư Yếu Lược của Trần Hưng Đạo được coi như sách lược quốc phòng của Đại Việt và của triều đại nhà Trần. Hai bộ sách nầy biểu tượng của đỉnh cao về tư duy quốc phòng giúp nhân dân Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên Mông ở thế kỷ 13. Nhưng đến đầu thế kỷ thứ 15, sách lược quốc phòng của Trần Hưng Đạo không giúp nhà Trần gìn giữ ngai vàng và bảo vệ đất nước.
Có lẽ Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư và Binh thư Yếu Lược của Trần Hưng Đạo không còn đủ “linh nghiệm” để cứu nước và cứu nhà Trần. Hậu duệ của Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo không còn hùng khí của cha ông để giữ Thăng Long trước những đợt tấn công của Chế bồng Nga.
Không phải đến đời Hồ Quí Ly nhà Trần mới mất ngôi. Trước Hồ Quí Ly, nhà Trần đã một lần mất ngôi khi Trần Dụ Tông nhường ngôi lại cho Dương Nhật Lễ (1369-1370). Nếu Trần Nghệ Tông không diệt được Dương Nhật Lễ để giành lại ngôi thì nhà Trần đã cáo chung từ năm 1369. Nhưng Trần Nghệ Tông là một vị vua nhu nhược, yếu hèn. Ông lên ngôi để kéo dài giai đoạn hấp hối của nhà Trần. Chính Trần Nghệ Tông đã mở đường cho Hồ Quí Lý cướp ngôi nhà Trần sau nầy.
Trong mười năm yên lặng, Nguyễn Trãi đã nghiền ngẫm sách lược của tổ phụ và suy nghĩ đến vận nước và vận hạn của nhà Trần. Khi viết Bình Ngô Sách, ông đã quyết định bước ra khỏi bóng che vĩ đại của Trần Hưng Đạo. Bình Ngô Sách, do đó, là một đỉnh cao mới trong lịch sử quốc phòng của dân tộc để tiếp nối đỉnh cao của Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư và Binh Thư Yếu Lược.
Nhưng tại sao Nguyễn Trãi không dâng Bình Ngô Sách cho Trùng Quang Đế mà phải tìm đến con người vô danh Lê Lợi ở núi Lam Sơn?
Có lẽ Nguyễn Trãi thấy được nhà Trần đã suy vong. Nói theo ngôn ngữ của dân gian thì vận số của nhà Trần đã hết. Phù Trần không còn là lý tưởng và là khẩu hiệu có thể giải quyết vấn đề đất nước. Phù Trần có thể là cứu nước. Nhưng cứu nước không hẳn đồng nghĩa với phù Trần.
Quan điểm về triều đại và dân tộc của Nguyễn Trãi đã bác bỏ quan điểm phù Trần của Đặng Dung. Trong khi Đặng Dung trung trinh với nhà Trần dù cho cha ông bị Giản Định Đế giết chết. Trưóc cái thảm hoạ xảy ra cho gia đình, ông không oán hận triều đình . Ngược lại, ông vẫn quyết tâm theo đuổi con đường cần vương phục quốc mà ông đã chọn lựa. Đặng Dung tìm cho được Trùng Quang Đế để phò lên ngôi, để tiếp tục công việc cứu nước. Lòng yêu nước và trung quân của Đặng Dung sáng chói.
Nhưng Đặng Dung gắn liền dân tộc với triều đại, với những con ngưòi biểu tượng của quyền lực đã một thời rất vĩ đại, rất vinh quang, nhưng đã phá sản. Đặng Dung không sai lầm. Nhưng Đặng Dung chưa tìm được, chưa thấy được cái mới, cái xuất lộ cho dân tộc.
Nguyễn Trãi khác hẳn. Mặc dù Nguyễn Trãi là hậu duệ của nhà Trần, nhưng với ông, khẩu hiệu “yêu nước là yêu nhà Trần” không còn đúng nữa.
Quan điểm này cũng phù hợp với quan điểm của Nguyễn Phi Khanh. Là rể của quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán, nhưng Phi Khanh bị phạt không được làm quan vì tội “trèo cao”, vì ông là con thường dân nhà nghèo mà dám lấy con gái quan Đại Tư đồ. Do đó, khi Hồ Quí Ly cướp ngôi, Nguyễn Phi Khanh nhanh chóng ra phục vụ nhà Hồ. Ông chia tay với triều đình bên vợ không luyến tiếc.
Chính Nguyễn Trãi cũng có thiện cảm với nhà Hồ. Trong Bình Ngô Đại Cáo ông viết “vừa rôi nhà Hồ chính trị phiền hà”. Dùng chữ “chính trị phiền hà” để nói đến việc Hồ Quí Ly giết vua soán ngôi, Nguyễn Trãi đã coi việc việc nhà Trần mất ngôi không phải là chuyện to lớn.
Nguyễn Trãi đã giải quyết được một tâm lý cực kỳ quan trọng của một thanh niên trước cái bế tắc của đất nước. Đó là phải cắt dứt cho được cái não trạng trung quân, cần vương trong công cuộc cứu nước tồn chủng. Ông đã bước ra khỏi tâm thức chính trị trung quân của thời kỳ phong kiến để nhìn về phía tương lai của dân tộc. Một triều đại đã chết không thể làm cho nó sống dậy, và càng không thể coi nó là cứu cánh của cuộc kháng chiến. Nguyễn Trãi coi sự sống còn của dân tộc quan trọng hơn là tồn vong của một triều đại. Ông tách dân tộc ra khỏi chế độ. Ông phủ nhận quan niệm “yêu nước là yêu nhà Trần”. Chính điều nầy đã đánh dấu sự trưởng thành về ý thức dân tộc.
Từ những suy nghĩ trên, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn, lả hai hậu duệ chính thống của nhà Trần, đi tìm con đường mới. Đó là đường vào Lam Sơn. Vì chỉ có Lam Sơn mới có thể trở thành trung tâm vận động lịch sử. Và chỉ có Lam Sơn mới làm cho đất nước hồi sinh.

3. Phan Liêu, Đặng Dung và Nguyễn Trãi trở thành hình ảnh biểu tượng của ba thành phần thanh niên ở đầu thế kỷ thứ 15
Phan Liêu là đại biểu cho thành phần chọn cho mình chổ đứng trong hàng ngũ quân xâm lăng.
Thành phần nầy có những xu hướng khác nhau. Có những người nhẹ dạ tin tưởng vào khẩu hiểu Diệt Hồ Phù Trần của giặc nên ra hợp tác với giặc Minh. Xu hướng nầy đại biểu cho lòng trung quân, cần vương thiển cận, cục bộ. Họ muốn trả thù cho chúa nhưng quên cái thảm hoạ mất nước. Họ sẳn sàng rước về cho dân tộc một thảm hoạ nguy hiểm hơn cái thảm hoạ thay đổi chính trị, thay đổi triều chính.
Xu hướng khác là những người thấy cái tuyệt vọng trong việc giành độc lập nên đành đứng vào hàng ngũ giặc để tìm đường sống cho cá nhân và gia đình.
Tất cả những xu hướng này đều đứng về phía giặc làm công cụ và tay sai. Họ đã góp tay với giặc tiêu diệt sức sống văn hoá dân tộc và mọi sức đề kháng chống xâm lăng để bảo toàn lãnh thổ.
Những người này có những lúc cũng phản tỉnh, nổi loạn. Những ngưòi phản tỉnh quyết liệt như Đặng Tất đã hy sinh tất cả để theo kháng chiến. Những ngưòi phản tỉnh nửa vời, như Phan Liêu, cũng nổi loạn rồi mất định hướng. Và dĩ nhiên còn lại những ngưòi như Lương Nhữ Hốt theo giặc đến ngày giặc cuốn gói về nước.
Nhưng lịch sử cũng còn những Đặng Dung và Nguyễn Trãi.
Ngày nay chúng ta không thể không rung động trước bài thơ Cảm Hoài của Đặng Dung. Hình ảnh của một người tráng sĩ mài gươm dưới ánh trăng mong phục thù cho chúa là hình đẹp nhất trong lịch sử giành độc lập của dân tộc. Đó là cái đẹp của lòng yêu nước chất chứa nỗi u hoài, tuyệt vọng. Hình ảnh đó của Đặng Dung đã khơi dậy phong trào yêu nước lãng mạn, kích động được lòng yêu nước nồng nàn của hàng bao thế hệ cho đến ngày nay. Chính những hy sinh đó đã kết thành hồn sử linh thiêng của dân tộc và làm cho ý thức dân tộc lớn lao lên.
Nguyễn Trãi bước một bước xa hơn. Ông gắn bó cái lãng mạn của lòng yêu nước với tinh thần yêu nước thực dụng.
Yêu nước mù quáng sẽ dễ dàng trở thành tay sai cho những chiêu bài nhân nghĩa giả dối bịp bợm của ngoại bang. Lòng yêu nước loại đó có tác hại biến người yêu nước thành tay sai mà họ tưởng mình làm cách mạng dân tộc. Họ quay mặt lại với tổ quốc, với nhân dân, tiêu diệt văn hoá dân tộc mà lương tâm không bị cắn rứt.
Yêu nước lãng mạn mà thiếu tinh thần thực tế như Đặng Dung cũng không đủ liều lượng để giải quyết vấn đề đất nước.
Nguyễn Trãi quân bình giữa tình cảm yêu nước và lý trí. Ông là người biết được thời và thế. Trong những bức thư dụ hàng Vương Thông, Nguyễn Trãi đem chữ thời trong Kinh Dịch để thuyết phục. Ông viết: “tôi từng xem Kinh Dịch 384 hào, mà cốt yếu là chữ thời”.
Chữ thời cũng chính là xu thế lịch sử. Thuận xu thế lịch sử là thuận với chữ thời. Phản xu thế lịch sử là nghịch lại với chữ thời.
Khi thấy vận hạn nhà Trần đã chấm dứt, ông can đảm chia tay với quá khứ, chia tay với triều đại Lý Trần. Ông bước ra khỏi bóng che lớn của Trần Hưng Đạo để tìm đến Lê Lợi. Ông nối kết những người yêu nước mới, không nặng nợ với quá khứ, để mở ra vận hội mới cho dân tộc.
Ông quyết liệt phủ nhận và lật mặt nạ chiêu bài giả dối Diệt Hồ Phù Trần của nhà Minh. Nhưng ông cũng không dứng trên lập trường Diệt Minh Phù Trần để phò một triều đình đã bị phá sản.
Nguyễn Trãi phóng tầm nhìn vào tương lai để xác định lập trường của ông. Ông đứng trên lập trưòng của một nước Đại Việt mới, một nước Đại Việt sắp ra đời và sẽ phải ra đời.
Sách Tang Thương Ngũ Lục kể rằng Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến tìm Lê Lợi hai lần. Lần đầu gặp ngày giổ, Nguyễn Trãi thấy Lê Lợi vừa cắt thịt vừa ăn, ông thất vọng trở về. Lần thứ nhì ông thấy Lê Lợi thức khuya nghiền ngẫm binh thư ông mới vào ra mắt.
Có lẽ lần đầu Nguyễn Trãi thấy đưọc con người thật rất tầm thường của Lê Lợi, một hào trưởng đã lột bỏ hết tất cả những hào quang và huyền thoại. Khi Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi lần thứ hai, ông thấy Lê Lợi là con người của binh thư, của đất nước. Ông thấy được Lê Lợi là con người có ý chí, biết học hỏi cầu tiến và biết tự rèn luyện bản thân. Ông đem con mắt của một nhà khoa bảng yêu nước ở Thăng Long để đánh giá một hào trưởng miền núi trong công tác cứu nước. Ông nhìn được Lê Lợi xuyên qua cái bề ngoài quê mùa thô lỗ của một nông dân. Ông thấy được những đức tính và khả năng lãnh đạo trong con người của Lê Lợi. Những yếu tố nầy làm cho Lê Lợi nổi bật lên gìữa gần 30 phong trào kháng Minh thời bấy giờ.
Về sau có người trách Nguyễn Trãi không có con mắt nhìn xa để sau nầy bị hại đến bản thân và gia đình. Nhưng ở đây Nguyễn Trãi đi tìm con đường và con người cứu nước, chứ không phải đi tìm danh phận cho mình và dòng họ. Do đó, dù ông có tiên liệu được phận bạc của mình với nhà Lê, vì công cuộc cứu nước, ông vẫn dấn thân vào Lam Sơn. Đây là cái vĩ đại của con người Nguyễn Trãi.
Năm 1416, Nguyễn Trãi đã cùng 18 vị anh hùng Lam Sơn cùng nhau kết ước ăn thề ở Hội Thề Lũng Nhai. Ý niệm hôi thề là một sáng kiến cách mạng về mô hình tổ chức chính trị. Ý nghĩa của hội thề là sự ràng buộc những người làm việc nước bằng qui ước đạo đức để giảm thiểu tính chuyên chế, tham sân si, thủ cựu và đồng thời tăng cường tính lý tưởng, tính khai phóng và rộng lượng của người lãnh đạo kháng chiến, và người lãnh đạo đất nước trong tương lai. Nó là xã ước thành văn đầu tiên của Đại Việt trong thời kỳ phong kiến. Nó nối kết cuộc vận động thời đại với linh thiêng của dân tộc. Nó thiết lập giá trị đạo đức cho công cuộc cứu nước. Hội Thề Lũng Nhai, do đó, là một mô hình tập hợp dân tộc tân kỳ.
Biến cố Lũng Nhai, cũng như quan điểm về triều đại của Nguyễn Trãi như đã nói trên, một lần nữa xác định sự trưởng thành về ý thức dân tộc của thế hệ mới. Nhiệm vụ cứu quốc tồn chủng không còn là độc quyền của một dòng họ, của triều đình, của giai cấp quí tộc, mà là của mọi người, từ kẻ khoa bảng đến nông dân vô danh.
Nhờ đó, Hội Thề Lũng Nhai đã xác định được giá trị chính thống lịch sử của phong trào kháng chiến Lam Sơn, tái tạo được đạo đức của tầng lớp lãnh đạo, xây dựng lại nội lực dân tộc, để hình thành một triều đại mới và một nước Đại Việt mới.
Từ Hội Thề Lũng Nhai, Lam Sơn đã trở thành căn cứ địa hồi sinh dân tộc. Xuất phát điểm lịch sử ấy đã đẩy cuộc khởi nghĩa Lê Lợi đến thành công, đã giúp Lê Lợi giành được độc lập cho tổ quốc, khai sáng triều đại nhà Lê, hoàn thành được sứ mệnh cứu quốc tồn chủng của tiền nhân, và mở ra một thời đại phục hưng mới và lớn lao cho Đại Việt.

4. Đã gần một ngàn năm từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long để củng cố nền tự chủ sau một ngàn năm bắc thuộc và mở ra thời đại phục hưng lần thứ nhất . Từ đó, lịch sử dân tộc ta đã trãi qua bao triều hưng phế.
Từ Triệu Đinh Lý Trần xây nền độc lập
Cùng Hán ĐưòngTống Nguyên hùng cứ một phương
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau
Nhưng hào kiệt thời nào cũng có
Ở mỗi thời kỳ suy vong, trong xã hội cũ đã chứa đựng cái mầm sống của thời đại mới. Cái mầm sống đó là giấc mơ về một tổ quốc sẽ được hồi sinh và sự trông ngóng vào một xã hội mới tươi đẹp hơn, nhân bản hơn, khai phóng hơn. Cái lực của mầm sống đó là công cuộc tập hợp dân tộc, tập hợp những hào kiệt của thời đại. Cái định hướng để cho cái mới phải ra đời là tư tưởng chỉ đạo của thời đại. Cuộc vận động cứu nước đòi hỏi người làm lịch sử phải thấy được mầm sống của dân tộc trong mỗi một giai đoạn bế tắc.
Công việc khơi dòng lịch sử của thế hệ là thực hiện cho được một cuộc tập hợp dân tộc mới. Đó là công tác quy tụ, gầy dựng và vun trồng mầm sống ấy.
Nhưng tập hợp chưa đủ. Công tác lịch sử đòi hỏi ngươì lãnh đạo phải có một viễn kiến, một tầm nhìn lớn về con đường phục hưng dân tộc và công tác kiến thiết đất nước. Đó là nền tảng tư duy thời đại. Nền tảng tư duy giúp người lãnh đạo phát hiện được xu thế lịch sử của dân tộc và thế giới để làm định hướng cho mầm sống dân tộc được bật ra và phát triển.
Khi mầm sống ấy đến ngày thành thục nó sẽ bộc phát thành giòng thác thời đại, thành một bùng nổ lịch sử, nó sẽ làm vỡ những bờ đê đóng cõi, những rào cản thời đại, quét đi những tàn dư, những thối nát của xã hội cũ, để làm thành cái xuất lộ cho dân tộc. Cái bộc phát ấy là đòi hỏi của lịch sử để sửa sai những cái sai quấy của thời đại cũ, những cái bất hợp lý của xã hội cũ, những cái vô lý xuẩn động và cục bộ của tư duy cũ.
Xuất lộ là khởi điểm của công cuộc xoay đổi thời đại để mở ra thời kỳ phục hưng để làm cho dân tộc Đại Việt lớn lao lên, để công tác bảo vệ bờ cõi bền vững hơn, để xây dựng một đất nước hợp lý hơn, hợp với qui luật phát triển hơn, cho thuận xu thế lịch sử hơn, cho hợp với con người hơn.
Đó là ý nghĩa của cách mạng và cũng là thông điệp lịch sử của Nguyễn Trãi gởi đến cho thế hệ chúng ta ngày hôm nay.

Theo NTHF
(reds.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập214
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm213
  • Hôm nay40,955
  • Tháng hiện tại239,132
  • Tổng lượt truy cập48,417,022
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây