Các sách báo, tài liệu xưa nay, khi đề cập đến Vua Quang Trung, người ta thường viết về tài quân sự rất xuất sắc của Ông. Ngoài ra, Ông còn có các cải cách, xây dựng đất nước đáng quan tâm. Ông chỉ huy đánh dẹp loạn trong nước, đến những trận đánh lừng danh, tiêu diệt ngoại xâm, đều chiến thắng rất vẻ vang. Trăm trận trăm thắng, chưa thất bại bao giờ.
Trong bài này, tác giả viết về “Những Bà Vợ Của Vua Quang Trung” dựa theo các tài liệu, sử sách, tác gỉa đã tìm đọc, nghiên cứu, nhiều thập niên qua, từ quốc nội ra hải ngoại. Vua Quang Trung có bảy bà vợ(*).
- 1 : Bà Phạm Thị Liên: Bà Liên sinh năm1758 ( có sách viết năm 1759), tại tỉnh Bình Định. Khi bà 16 tuổi (1774), được Nguyễn Huệ chọn làm vợ. Nguyễn Huệ lớn hơn bà 6 tuổi. Bà là em ruột của các ông: Hộ giá Phạm Văn Ngạn, Giả vương Phạm Văn Trị, Thái Úy Phạm Văn Tham, Thái Úy Phạm Văn Hưng. Bà còn là cùng mẹ khác cha với Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, Hình Bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật.
Năm 30 tuổi (1788) bà được phong làm “Chánh Cung Hoàng Hậu”. Tính tình bà hiền lành, luôn luôn gắn bó rất diu hiền với Nguyễn Huệ, suốt những năm chồng khởi nghiệp, đến cuối đời. Vua Quang Trung rất thương yêu, trân quý bà. Bà sinh 5 người con : 3 trai, 2 gái. Quang Toản được lập Thái tử. Về sau, kế tục sự nghiệp Vua Quang Trung. Nhưng Quang Toản chẳng có tài gì. Con trai kế là Quang Bàn, được phong làm Tuyên Công Lãnh Đốc, trấn Thanh Hóa. Con trai sau cùng là Quang Thiệu, được cử làm Thái Tể. Một con gái là vợ Nguyễn Văn Trị, Phò Mã, giữ cửa biển Tư Hiền. Năm 1801, bị quân của Nguyễn Ánh bắt giết. Các sách không đề cập đến con gái út.
Theo thư của Giáo Sĩ Girard, đề ngày 25.11.1792, gởi Giáo Sĩ Boiret ở Nam Cao cho biết, khi Hoàng Hậu lâm bệnh, Vua Quang Trung cho mời thầy thuốc người Âu đến chữa bệnh cho bà. Lúc Hoàng Hậu mất, Vua Quang Trung vô cùng đau đớn, quằn quại, đến phát điên cuồng! Bà mất ngày 29. 03.1791. Vua Quang Trung truyền ướp thi hài của bà, để trong quan tài. Gần ba tháng sau, đến ngày 25.06.1791, mới di quan chôn cất. Bà được truy tặng là “Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Hoàng Chánh Hậu”. Mộ của bà táng tại chân núi Kim Phụng, phía Tây thành phố Huế.
- 2: Công Chúa Lê Ngọc Hân: Công Chúa Ngọc Hân sinh năm 1770, là con thứ 9 của Vua Lê Hiển Tông, tài sắc vẹn toàn. Năm 1786, Quang Trung đem quân ra đánh Thăng Long ( diệt Trịnh). Thế lực của Quang Trung lên như vũ bão. Thế của Lê Hiển Tông suy yếu. Cuộc hôn nhân chính trị “chẳng đặng đừng”, do Nguyễn Hữu Chỉnh đứng ra mai mối. Sau ba ngày, lễ cưới của Vua Quang Trung với Công Chúa Ngọc Hân được tổ chức trọng thể tại Thăng Long. Sau lễ cưới, Công Chúa xinh đẹp 16 tuổi rời cung cấm Nhà Lê, đến ở với Vua Quang Trung trong Phủ bên bờ sông Nhị.
Năm1789, Lê Ngọc Hân được phong làm ”Bắc Cung Hoàng Hậu”. Bà sinh 2 người con với Vua Quang Trung, tên là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Ngọc. Bà qua đời ngày 04.12.1799, tại Huế. Năm 1801 hai con của bà bị Nguyễn Ánh bắt, xử tử tại Huế. Sau một môn đệ cũ của Tây Sơn âm thầm đưa hài cốt ba mẹ con bà về an táng tại quê ngoại, làng Phú Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Bị phát giác, vua Thiệu Trị ra lệnh phá huỷ đền thờ, đào hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân đổ xuống sông.
Vì tài sắc vẹn tòan, giỏi thơ văn, Ngọc Hân được Vua Quang Trung yêu say đắm. Ngọc Hân xem Quang Trung là một vĩ nhân hiếm có. Vua Quang Trung trọng văn tài, giao cho Ngọc Hân coi giữ các văn thư trọng yếu. Phong cho Ngọc Hân chức Nữ Học Sĩ, dạy dỗ các con cái và các cung nữ. Ngọc Hân trở thành người cộng sự đắc lực của vủa Vua Quang Trung. Được tín cẩn về lãnh vực Văn hóa, Giáo dục, Ngọc Hân giúp, khuyên giải chồng nhiều việc quan trọng như: khuyên giải Nguyễn Huệ chấm dứt xung đột với Nguyễn Nhạc v.v…Một số biểu văn ghi công việc triều chính trong Băc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân tại Phú Xuân khi Vua Quang Trung còn sống. Xin trích vài đoạn sau đây: “ Kính nghĩ Hoàng Hậu là ánh sáng tỏa lan của lá ngọc cành vàng…Lúc gà gáy nửa đêm, Bà ân cần chăm sóc, giúp Hoàng Đế mặc thêm áo để lo việc triều chính. Đặt nền tảng đầu tiên là Bà. Bà đã động viên, nhắc nhở quân binh: mang áo giáp ra chiến trường, phải mang vê chiến thắng. Bà đã tham gia vào việc chiến chinh của Hoàng Đế. Bà khiêm nhường, hòa nhã, phát huy mãi phẩm chất trong sáng, tự nhiên…” Một biểu khác có đoạn: “Hoàng Hậu của Bệ Hạ là dòng dõi Hoàng tộc, ân đức rạng rỡ. Đọc Kinh Thi, giải Kinh Dịch, làm nền tảng cho việc tốt đẹp, dồi dào. Siêng cần, lo thành tựu nghiệp cả…”Các bài biểu trên do triều thần ghi dâng lên Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân.
- 3: Bà Bùi Thị Nhạn: Bà Nhạn được sinh tại thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn ( nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Bà là em ruột của Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Cô của Nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bà Nhạn rất giỏi võ nghệ. Sau khi bà Phạm Thị Liên qua đời, Bà Nhạn được Vua Quang Trung lấy làm vợ và àb cũng được phong Chính Cung Hoàng Hậu.
Bà Nhạn rất chăm học văn và võ. Bà được tôn tặng là: Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Quan niệm về võ nghệ của bà khác với bà Bùi Thị Xuân. Bà chủ trương: Phụ nữ học võ để phòng thân, không phải để làm nên nghiệp lớn. Sau khi kết duyên với Vua Quang Trung, Bà xuất ngũ, về chăm lo gia đình chồng.
Năm 180, Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân, Vua Cảnh Thịnh và bà Bùi Thị Xuân đem quân ra Bắc chống giặc. Những người thừa cơ hội, mang vũ khí vào cướp phá kinh thành. Bà Bùi Thị Nhạn cầm gươm, lên ngựa đánh dẹp tan được quân cướp. Bà tổ chức lại cấm vệ quân để giữ thành; sắp xếp lại quân ngũ, vì nhiều quan văn võ bỏ trốn, thiếu người chỉ huy các cấp. Bà dẫn quân ra Bắc, yểm trợ Vua Cảnh Thịnh chống quân của Nguyễn Ánh. Khi Nhà Tây Sơn hoàn toàn thất thủ, bà dùng gươm tự sát, đó là ngày 16.06.1802.
- 4: Bà Mẹ của Nguyễn Quang Thùy: Nguyễn Quang Thùy từng làm Tiết Chế, trấn nhậm cả Bắc Hà. Người ta biết Thuỳ là con của Vua Quang Trung nhưng không phải là con của bà Phạm Thị Liên, cũng không phải con của Ngọc Hân. Nhiều ngươi quan tâm đến gia thế của Vua Quang Trung, không biết Mẹ của Quang Thùy là ai đã gây ra nhiều ngộ nhận, kể cả vua Càn Long Nhà Thanh bên Tàu. Quang Thùy lớn tuổi hơn Quang Toản, có tên trong danh sách sứ bộ sang chúc thọ Vua Nhà Thanh 80 tuổi, năm 1790, khiến Vua Càn Long tưởng là con trưởng của Quang Trung nên phong cho Quang Thùy làm Thế Tử. Sau biết không phải, phong cho Quang Toản. Sau khi Vua Quang Trung thăng hà, một Giáo sĩ tiết lộ: Quang Thùy là con của một nàng hầu với Vua Quang Trung.
- 5: Bà Trần Thị Quy: Bà Quy người Quảng Nam, được Vua Quang Trung chọn làm Thứ Phi. Bà bị quân của Nguyễn Ánh bắt, đem đến bãi cát Kim Bồng chém, thả xác trôi sông. Thi hài của bà được một số dân bí mật vớt lên khâm liệm, mai táng trong cánh đồng làng Thanh Bồng, Quảng Nam.
- 6: Bà Phi Họ Lê: Bà Phi này người Quảng Ngãi, có một Hoàng Tử với Vua Quang Trung. Năm 1801, Hòang Tử con của Bà cũng bị quân của Nguyễn Ánh bắt giết.
- 7: Bà Nguyễn Thị Bích: Bà Bích được sinh tại Quảng Trị. Con thứ 16 của một viên quan nhỏ, có sắc đẹp, được Quang Trung lấy làm Thứ Phi. Bà sinh một con trai với Vua Quang Trung. Sau khi triều Tây Sơn sụp đỗ, bà trốn vô ở tại xã Cát Hanh, Phù Cát, tinh Bình Định. Sau khi chết bà được chôn tại Gò Thơ Vĩnh Ân, tỉnh Bình Định.
Tài liệu tham khảo
– Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện.
– Tây Sơn Tiềm Long Lục
– Những khám phám về Hoàng Đế Quang Trung
– Các tài liệu của Phái bộ Truyền giáo Nam Hà.
– Các thư của Giao sĩ Girard gởi Giáo sĩ Boiret
– Wikipedia.
– Các sử sách khác.
Ngô Kinh Luân
Theo nghiencuulichsu.com
(*) Theo tác giả Ngô Vui trong “Góp bàn chuyện sử cũ” thì Vua Quang Trung còn có một bà vợ nữa tên là Phạm Thị Đương, con gái danh tướng Phạm Ngô Cầu, người đã bị xử trảm khi Quang Trung đánh hạ thành Phú Xuân. Tình tiết như sau:
Phạm Ngô Cầu có người con gái Phạm Thị Đương là con bà vợ thứ 11 Nguyễn Thị Chung. Lúc Nguyễn Huệ công phá thành Phú Xuân, thị Đương cũng có mặt ở đó. Khi thành bị chiếm, thân phụ đầu hàng; vì thấy nàng có nhan sắc, Nguyễn Huệ bắt lấy muốn đưa về hầu hạ trong cung, nhưng nàng không chịu. Đến mồng 7 tháng 8 năm ấy, thân phụ bị xử trảm, thị Đương đưa yêu sách là được đưa xác cha về quê nhà mai táng, xong xuôi mới tuân mệnh. Yêu sách được chấp thuận, bà đưa xác thân phụ từ Qui Nhơn về Thanh Hóa, nhờ bà con hàng xóm cùng quân lính Tây Sơn chôn cất cha trên núi Vi Bồng thuộc bản xã Gia Cầu, thuộc xã Hà Vinh huyện Hà Trung. Sau đó bà quay vào Phú Xuân thụ mệnh. Nhờ việc này mà người anh trai khác mẹ của bà là Phạm Ngô Siêu được nhà Tây Sơn phong tước hầu. Tuy nhiên, gia phả dòng họ không cho biết bà có sinh được người con nào với vua Quang Trung không.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn