Truyền thuyết Táo quân của người Việt

Thứ ba - 26/01/2016 19:02

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam ông Táo được xem là vị thần cai quản bếp núc và ghi chép lại những điều tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ,và đến cuối năm vào ngày 23 tháng Chạp ông lại cưỡi cá chép bay lên Thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng những việc mắt thấy tai nghe trong gia đình, cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
Ông Táo lên trời
Ông Táo lên trời


Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ tích truyện “Ba ông đầu rau”, cũng tức là ba vị: Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp núc. Tích chuyện kể rằng:

Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo nhưng sống với nhau rất hoà thuận. Anh chồng tên là Trọng Cao, chị vợ tên là Thị Nhi. Hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu vẫn không có con nên cả hai đều buồn phiền. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những chuyện lục đục.

Một lần, trong khi lời qua tiếng lại vì một chuyện không đâu, Trọng Cao lỡ tay đánh vợ. Giận chồng, Thị Nhi bỏ nhà đi và trong lúc lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi đã gặp Phạm Lang. Thông cảm hoàn cảnh của nhau, hai người yêu nhau rồi thành vợ, thành chồng

Sau khi Thị Nhi bỏ đi, Trọng Cao rất hối hận, bán hết gia tư, điền sản lấy tiền làm lộ phí, đi tìm vợ. Đến nhiều nơi, hỏi nhiều người, đến khi tiền lưng đã cạn, phải lần hồi bằng nghề hành khất vẫn không thấy tăm hơi Thị Nhi đâu cả.

Đến một lần, Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, người mang cơm ra cho bất ngờ thay lại chính là Thị Nhi. Hai vợ chồng nhận nhau mừng mừng tủi tủi.

Hỏi han một hồi, đúng lúc đó thì Phạm Lang về. Nghi ngờ vợ mình có tư tình với Trọng Cao, không để vợ kịp thanh minh, Phạm Lang đã nói nặng lời. Lời qua, tiếng lại, Thị Nhị uất ức quá liền đâm đầu vào đống lửa chết. Trọng Cao thấy thế vội nhảy vào cứu, nhưng do ngọn lửa to quá không những không cứu được mà còn bị chết theo. Phạm Lang thấy vì mình mà hai người chết cháy, rất hối hận cũng nhảy vào luôn. Ngọn lửa làm cả ba người cùng chết cháy. Ba con người khi chết còn nắm chặt tay nhau. 

Cảm động trước cái chết nghĩa tình của họ, Ngọc Hoàng cho họ thành 3 ông đầu rau, gọi là Táo Quân, dân gian thường gọi là Vua Bếp, để ba người luôn được ở bên nhau, đồng thời phân công mỗi người giữ một việc riêng :

Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp núc,  Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Như vậy, Táo quân không phải là từ chỉ riêng một người, mà là một danh từ chỉ chung cho cả: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. Vị trí được sắp xếp: giữa làThổ Kỳ, dân gian gọi là Vua Bà, bên trái là Thổ công, bên phải là Thổ địa, gọi là Vua Ông. 

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, vào ngày 23 tháng Chạp người dân Việt vẫn có phong tục cúng  lễ tiễn đưa ông Táo lên trời. Đồ cùng là một ít vàng mã, trong đó thường có 3 chiếc mũ, hai chiếc có cánh chuồn dành cho Táo ông, một chiêc không có cánh chuồn dành cho Táo bà. Ngày trước, cỗ cúng ông Công, ông Táo phải có cá chép kho hay rán chín . Tục lệ này bây giờ đã được người ta "chuyển thể" từ cá chép nấu chín thành cá chép còn sống thả trong chậu nước. Tuy nhiên, việc cúng bằng cá sống xong rồi đem đổ ra  ao, hồ, sông, suối gọi là "phóng sinh" đã gây ra nhiều hệ lụy về mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường cần phải nhìn nhận lại.

Với quan niệm Táo quân là vị thần thứ nhất, quan trọng hàng đầu trong gia đình, nên nhiều địa phương có tục lệ, con gái khi mới về nhà chồng phải làm lễ ở bếp, hay ở bàn thờ Thổ công, để xin phù trợ cho công việc bếp núc, nội trợ, tề gia.

Bếp lửa mang một ý nghĩa sâu xa, đặc biệt quan trọng với mỗi gia đình người Việt. Ngoài công dụng nấu chín thực phẩm, nó còn là nơi quy tụ cả gia đình, để chia sẻ với nhau bữa ăn ấm cúng. Lễ hội của người Việt bao giờ cũng gắn bó với nghi thức thắp lửa thiêng. Không gia đình nào là không có bếp lửa. Ngày nào lửa không bén trên bếp, ngày ấy là một ngày gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình thương.

Sự tích ông Táo và tục lệ cúng đưa ông Công, ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp trong dân gian là một nét đẹp văn hóa của người Việt, cần được giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống nhân văn của nó.
 
(Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay32,329
  • Tháng hiện tại882,455
  • Tổng lượt truy cập50,245,673
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây