Việc họ và vai trò Trưởng họ thời nay 

Chủ nhật - 24/07/2022 18:04

Dù vật đổi sao dời, thế giới luôn biến động nhưng tới bây giờ, vấn đề huyết thống, dòng họ vẫn là một điều thiêng liêng trong đó có vai trò quan trọng của Tộc trưởng.
Họ Ngô - La Phù, Hoài Đức, Hà Nội giỗ tổ năm 2021

Dòng tộc là cộng đồng những người có chung một ông tổ, cùng mang một họ về phía người cha. Dưới góc nhìn di truyền học thì điều này là vô lý, không bình đẳng nam nữ nhưng đó là truyền thống, là quan niệm dân gian cổ truyền tích tụ bao đời, sao mà thay được!
Đứng đầu một họ có Trưởng họ (長族) tức là người con trai thứ nhất của chi thứ nhất hay còn gọi là chi trưởng, ngành trưởng. Những gia tộc ở miền Bắc Việt Nam, trưởng họ do cha truyền con nối. Trường hợp trưởng họ không có con trai thì truyền lại trong nội bộ chi trưởng, không truyền lại cho các chi dưới. Họ lớn có tộc trưởng họ lớn; các chi có trưởng chi. 
Người làm trưởng họ phải có phẩm chất, có tư cách đạo đức, được mọi người trong dòng họ tin tưởng, tín nhiệm. Nếu người đó hội đủ các yếu tố: Tâm (心: Hiếu đễ, Hòa kính, trách nhiệm…), Tài (財: khả năng tài chính đủ ăn, đủ chi), Trí (智: hiểu biết về xã hội, về lệ tục, có trình độ, có vị thế trong xã hội, biết sắp xếp công việc), Thể (體: có sức khỏe, xốc vác, minh mẫn) thì gia đình đó hay Chi, Phái đó hoặc toàn Gia tộc sẽ vững vàng đi vào hưng thịnh. Đây là người Thiên định, không phải do bầu, do cử hay tranh mà được. Nhưng khó ai hội đủ 4T (心財智體) đó nên căn bản nhất vẫn là cái Tâm. Tâm sáng, lòng trong thì có thể vượt qua được, xứng là ngọn cờ tập hợp toàn gia, dù có nhiều khó khăn trắc trở. Kéo theo đó, vai trò của Dâu trưởng lại càng quan trọng ở tính Nhẫn, Hiếu, Đễ. Nếu gặp bậc gia trưởng chưa được như ý mà người nào trong họ, trong nhà tỏ ý khinh nhờn thì người đó, nhà đó sớm muộn gì cũng không có hậu vận hanh thông. Ngược lại, có người tuy thuộc Chi thứ, ngành thứ, là con thứ nhưng nếu hội đủ hay đáp ứng phần nào 4T mà thực sự có Tâm thì rất có vai trò, ảnh hưởng trong dòng họ và khi đó gia trưởng mà biết lắng nghe, tận dụng thì gia tộc sẽ hưng thịnh. Đó là do Nhân định! Nếu Thiên định và Nhân định hài hòa thì thật là toàn vẹn!.
Có họ khi Trưởng họ mất, người con cả thay thế được quan viên họ tổ chức Lễ suy tôn. Lễ này tuy đơn giản nhưng mang đậm nét truyền thống. Ngày đó các cụ già, anh em, họ hàng đến dự. Người được suy tôn làm trưởng họ phải cúng bái tổ tiên và ra mắt anh em họ hàng trước khi gánh vác những công việc quan trọng được giao. Người được suy tôn phải hứa trước bàn thờ tổ tiên là: Hoàn thành tốt trọng trách của người trưởng họ, là người đứng ra giải quyết tất cả những việc trọng đại của dòng họ như cưới xin, ma chay, giải quyết các mối quan hệ trong dòng họ và giữ gìn sự đoàn kết trong dòng họ.
Tộc trưởng có quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng. Trưởng họ có trách nhiệm trông nom nhà thờ họ, tổ chức các kì cúng lễ, chủ trì các nghi lễ lớn trong dòng họ. Ngày trước, họ nào cũng có ruộng hương hoả và tự điền. Nếu sung túc thì thì lễ to, nhà thờ họ lớn, tế khí đầy đủ và ngược lại. Khi vào tế lễ, tộc trưởng đầu còn trẻ tuổi vẫn là chủ tế, các ông chú dẫu cao tuổi vẫn là bồi tế. Nếu nhỏ quá thì một ông chú kế trưởng thay thế, cũng như ông vua trẻ chưa thành niên có phụ chính đại thần.
Người ta có thể thực hiện việc ly khai, tách, hợp một vùng đất, chia phái trong một tôn giáo nhưng không ai bỏ được họ (trừ những trường hợp phải thay, cải họ như đã viết ở điểm 1 phần Mở đầu). Việc thờ cúng Thần (神), Thánh (聖), Phật (佛), Chúa (教主)... là đi theo cái tưởng tượng, nó sẽ biến đổi theo thời cuộc và sự nhận thức của mỗi người, của xã hội. Còn việc thờ cúng Tổ tiên là tâm linh tưởng niệm về cái có thực, ghi nhớ đấng sinh thành. Đồng thời suy cho cùng thì các bậc được tôn xưng là Thánh, Thần, Phật, Chúa đều được gắn với những gương Hiếu thảo. Do đó việc “Họ” sẽ trường tồn, tất nhiên mỗi thời sẽ mỗi khác. Trong việc này vai trò của Gia trưởng rất quan trọng, quan viên họ phải theo.
Việc họ thời nào cũng quan trọng, nó bao gồm nhiều phần việc khác nhau mà quan trọng là: Giỗ Tổ, xây Từ đường, soạn, ghi chép Gia phả, chắp nối họ mạc …Nhưng do nhiều nguyên nhân, qua bao thăng trầm của lịch sử, của dòng tộc, từng Chi và mỗi cá nhân, do “Thuỷ, Hoả, Đạo, Tặc” làm cho việc họ bị sao nhãng, vai trò của tộc trưởng có thời mờ nhạt.
Sau những năm tháng cam go, Việt Nam vào thời bình trị, ổn định. Do đó việc khôi phục truyền thống văn hoá lâu đời đã bị xâm hóa nghiêm trọng sau những thời thăng trầm của đất nước là cần thiết. Giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc là giữ lấy cho con cháu đời sau một mảng văn hóa độc đáo gắn liền với đạo hiếu.
Trong tiến trình Đổi mới và khi mà UNESCO lấy ngày 15/5/1994 làm Ngày Quốc tế gia đình và Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định Số 72/2001/QĐ -TTg lấy ngày 28/6/2001 là Ngày Gia đình Việt Nam thì vấn đề khơi lại việc họ; tìm lại, soạn Gia phả ở Việt Nam được quan tâm, chú ý rộng rãi hơn.Theo trào lưu chung, đối với mọi người, nhất là với những người xa quê việc tìm về cội nguồn là cần thiết và bức xúc nhằm biết được gốc tích, quan hệ trên dưới, thân sơ... biết ngày giỗ, nơi đặt mồ mả và công tích của tiền nhân.
Nhưng vì "Duy ý chí", nên phong trào loé lên một thời gian ngắn rồi lụi dần. Trước mắt, họ nào mạnh hay yếu, thành đạt hay suy vi, tình cảm họ hàng gắn bó hay không, tác động tốt xấu tới phong trào chung, còn tuỳ thuộc vào nhiệt tình, khả năng tổ chức lãnh đạo của một số cá nhân, đóng vai trò chủ chốt, chứ chưa có một cơ chế nào bảo đảm sự bền vững lâu dài.
Thời nay ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân, không còn ruộng hương hoả, không còn chế độ thu tô, quyền lợi của tộc trưởng hoặc người thay tộc trưởng, đối với tổ tiên và họ hàng cũng tuỳ thuộc vào nhận thức; tâm tư, trình độ hiểu biết, hoàn cảnh sinh sống của từng người, không có một chế độ quy định nào ràng buộc. Có nhiều họ, tộc trưởng ngụ cư hoặc không thoát ly công tác ở phương xa cũng không giao (hoặc không giao được) việc họ cho ai họ chỉ rảnh tay dốc lực khi đã về hưu, nhưng lúc đó sức đã hết cũng chỉ hô không thôi, người ứng cũng khó!. Lại nữa. vì mưu sinh các chi phái, gia đình đâu còn quần cư tại quê gốc mà tản mát nhiều nơi. Ở đâu mà có người còn anh em ruột tại quê thì sự gắn bó còn chặt chẽ, ngược lại thì sẽ mau nhạt phai. Càng mau phai hơn nếu những gia đình đó kinh tế eo hẹp, học hành ít, giao lưu hạn chế!
Không còn ruộng hương hoả của tổ tiên để lại thì con cháu đóng góp tiền gửi vào quỹ tích kiệm để lấy lai hàng năm mà lo hương khói. Song nền kinh tế Việt Nam chưa ổn định, do trượt giá, một vài yếu tố khách quan nữa tác động nên việc họ có lúc lại rơi vào quên lãng. Đa phần, mọi thế hệ đều có những người, tuy khó khăn về nhiều mặt nhưng rất tâm huyết với việc họ. Đặc biệt là trong việc tạo dựng Từ đường, duy trì cúng giỗ, tưởng niệm Tổ tiên, soạn thảo Gia phả, chắp nối nhận họ. Nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề lực bất tòng tâm và có thành viên còn tỏ ra miễn cưỡng, tự ti, tự ái lẫn nhau đứng ngoài nên việc họ dễ bị đứt quãng.
Đó là nỗi lòng trăn trở của những người tâm huyết muốn khuyếch trương việc họ, muốn làm cho anh linh tổ tiên, cha ông được “mỉm cười nơi chín suối”. Nhưng tất cả còn ở phía trước!.
Trong bối cảnh đó, cần xác định việc Họ là việc làm tự nguyện, công tâm hướng về cội nguồn và là trách nhiệm chung. Mọi quyết định cần bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc Trưởng lão, cần có những quy ước mới về cúng giỗ cho thích hợp. Khi đó, người Trưởng tộc chỉ cần giữ vai trò cố vấn và quyết định những vấn đề thuộc về Việc họ còn mọi việc khác nên tôn trọng tự do của các thành viên,
Cùng với việc đó là việc thường xuyên, liên tục duy trì việc lập Gia phả. Ngày sinh, ngày mất, mộ phần, những công tích của các thành viên trong Họ phải được chép, bổ xung thường xuyên. Việc chắp nối nhận họ, nhận chi trong tông tộc cũng cần được chú trọng. Những điều hay, lẽ phải, việc tốt phải ghi lại, lưu truyền làm gương cho đời sau. Đồng thời việc dở, điều xấu cũng phải chép ra để đời sau thấy thế mà sợ, mà tránh và mỗi thành viên, mỗi đời trong họ đều được hưởng Phúc Mãn Đường (福滿堂), góp phần để cho Đức Lưu Quang (德流光).
Trưởng họ biết tận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn họ, biết khơi dậy những Mạnh Thường Quân chắc mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ.

(Theo truongtoc.com.vn)
 Từ khóa: Trưởng tộc, việc họ

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Nguyễn Đình Thọ
    Cho tôi xin phép hỏi Chánh Quản Tộc có nghĩa là gì ạ
      Nguyễn Đình Thọ   nguyendinhtho20031985@gmail.com   03/01/2023 08:04
  • Mai Hoàn
    Tính gia tộc cần phải tự hào,kế thừa,phát huy trên cơ sở khoa học,phù hợp với hiến pháp.Theo lệ cũ là hủ tục:trọng nam khinh nữ dẫn đến kết quả chỉ quản lý huyết thống được dòng nam mà không quản lý được huyết thống của dòng nữ .Dẫn đến hậu quả nhiều trường hợp loạn luân dòng mẹ.Con cái trong dòng họ cần lấy cả họ mẹ và họ cha .Nam , nữ bình đẳng là đúng cơ sở khoa học di truyền và phù hợp hiến pháp.Con cái lấy tên họ được lựa chon các phương án do bố, mẹ thoả thuận cũng phù hợp với hiến pháp (luật hộ tịch).
      Mai Hoàn   hoanmaiconghoan@gmail.com   19/10/2022 06:59
  • Mai Hoàn
    Bản chất của cương vị trường tộc là di truyền theo huyết thống trực hệ là cha, mẹ truyền cho con và không phụ thuộc giới tính cho nên chỉ cần điều kiện người con của trưởng tộc truyền được họ là đủ đâu cần phân biệt giới tính mới đúng nghĩa là thiên định.Nếu trưởng tộc có cả con vừa trai vừa gái thì có thể ưu tiên trai kế vị trưởng tộc .Nếu trưởng tộc mà chỉ có con gái thì đương nhiên con gái trưởng tộc sau này thừa kế vị mới đúng bản chất.Còn vấn đề truyền họ thì luật pháp hiện hành đang thực thi bình đẳng.con câi có thể mang họ tuỳ thoả thuận hoặc mang hai họ.theo tôi lên để họ bố trước,họ mẹ sau .
      Mai Hoàn   hoanmaiconghoan@gmail.com   19/10/2022 02:42
Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay29,147
  • Tháng hiện tại751,568
  • Tổng lượt truy cập40,588,730
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây