"Ngũ phúc lâm môn" hiểu đơn giản là năm loại phúc đến cửa (nhà mình). Nghĩa rộng hơn là mang ý niềm mong ước phước lộc đến với gia đình.
Ngũ phúc lâm môn là năm điều phúc đến cửa, nhưng cụ thể năm điều phúc nào thì đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Dân gian cho rằng ngũ phúc gồm: phúc, lộc, thọ, hỷ, tài. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng rằng ngũ phúc là năm thứ hạnh phúc gồm: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an).
Một bài viết về phong thủy trên trang phongthuyquan.vn dẫn sách “Thượng thư” giải thích có khác hơn. Theo đó, phúc có 5 loại: thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang (khỏe mạnh), đức (làm nhiều điều nhân nghĩa), khảo chung mệnh (sống đến già).
Tuy nhiên với người Trung Hoa thì quan niệm có khác. Theo tác giả An Chi trong Chuyện Đông chuyện Tây đăng trên Kiến thức Ngày nay số 102 (Xuân Nhâm Thân - 1992) thì người Trung Hoa lại dựa vào thiên “Hồng Phạm” trong Kinh thư mà quan niệm rằng ngũ phúc là: thọ (sống lâu), phú (giàu), khang ninh (mạnh khỏe bình an), du hảo đức (đức tốt lâu dài), khảo chung mệnh (chết vì già, chứ không chết vì tai nạn hoặc chết non).
Tác giả An Chi bình luận: “Vì xuất xứ của câu ngũ phúc lâm môn là ở Trung Hoa cho nên cách hiểu của người Trung Hoa mới là cách hiểu đúng đắn nguyên thủy. Còn lối hiểu của người Việt Nam chỉ là ta làm theo cách của ta mà thôi”.
Người phương Tây cho rằng con dơi báo điềm gở; sách báo, tranh truyện, phim ảnh,… thường mô tả trước khi ma quỷ hiện ra hút máu người làm cho thây chết cứng đờ, có hàng đàn dơi bay ra. Thế nhưng, người Trung Hoa lại quan niệm con dơi là loài thú tốt lành, họ còn gọi con dơi là phúc thử (tức là chuột phúc) vì hình dáng của nó giống y hệt con chuột.
Trong tranh vẽ, người Trung Hoa thường tượng trưng ngũ phúc bằng hình năm con dơi. Vì lẽ, trong chữ Hán, bức 蝠 (con dơi) và phúc 福 (hạnh phúc) đều phát âm như nhau. Vẽ 5 con dơi tức là ngũ bức 五蝠, phát âm [wũ fú] giống như ngũ phúc 五福. Con dơi vẽ lộn ngược tức là đảo bức 倒 蝠, phát âm [dào fú] giống như đáo phúc 到福, nghĩa là phúc đến.
Tục dán hoặc treo chữ Phúc ngược có xuất xứ từ một truyền thuyết Trung Hoa. Chuyện kể rằng, có một ông vua vi hành vào đêm cuối năm để xem xét cảnh dân tình ăn tết ra sao. Thấy nhà nọ treo cái đèn kéo quân, trên đó có vẽ cảnh tượng chế nhạo ngay chính Hoàng hậu, vua giận lắm, bèn với tay treo ngược chữ Phúc trước nhà người ấy để đánh dấu.
Vua về cung, vẻ mặt chưa hả giận. Hoàng hậu gạn hỏi, vua không giấu được liền kể lại sự việc. Hoàng hậu là người nhân từ nên sau đó ngầm sai đám thái giám đi khắp kinh thành lệnh cho mọi nhà đều treo chữ Phúc ngược. Vì thế, sáng ra, quân cấm vệ không tìm được ai là người chơi đèn kéo quân dám mạo phạm nhạo báng Hoàng hậu.
Đồng tiền cổ người Trung Hoa thường chạm hình một con dơi, ở giữa có đục một ô vuông biểu tượng cho con mắt của đồng tiền, gộp hai hình này lại sẽ thành câu chúc “phúc đáo nhãn tiền” (phúc đến ngay trước mắt). Một loại tranh chữ có tên là Bách phúc đồ, trên đó viết đủ 100 chữ phúc theo các kiểu tự dạng khác nhau, gọi nôm na là “bức tranh trăm phúc”. Một loại tranh vẽ khác mang ý nghĩa dẫn phúc vào nhà, gọi là “Dẫn phúc quy đường”, trên đó vẽ Chung Ly Quyền (một trong Bát tiên trong Thần thoại Trung Hoa) tay cầm quạt giấy, trên đầu quạt giấy có con dơi đang đậu.
Theo triết lý phương Đông, ba vì sao Phúc tinh, Lộc tinh, Thọ tinh đều là phúc thần, chuyên chăm lo việc phúc phận, quan tước bổng lộc và tuổi thọ cho con người. Người ta thường bày Phúc, Lộc, Thọ vào một chỗ gọi là “Tam tinh tại hộ” để cầu mong điềm tốt lành.