Ý nghĩa Cổng Tam Quan trong văn hóa Việt

Thứ tư - 13/07/2022 18:04

Cổng tam quan là một hình ảnh quen thuộc tại các công trình như đình chùa, đền miếu, lăng mộ… Nhưng ý nghĩa kiến trúc Cổng Tam Quan trong văn hóa người Việt là gì, hình thái kiến trúc ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét.
Cổng Tam quan chùa Cổ Pháp

1- Kiến trúc của cổng Tam Quan
Tam quan có nghĩa là ba cửa. Cổng Tam Quan là cổng được thiết kế với ba lối đi. Đây là một dạng kiến trúc đặc trưng có kết cấu gồm ba cửa ra vào, trong đó lối đi chính lớn nhất ở giữa và hai lối đi phụ nhỏ hơn ở hai bên. Giữa các lối đi của cổng Tam Quan được chia cách bởi các cây cột hoặc vách ngăn. Vách cổng thường được xây bằng gạch, đá hoặc có thể được làm bằng gỗ. Hai vách phía trên lối đi hay bộ phận nối hai cột gọi là trán cửa. Trên trán cửa thường được ghi tên công trình như tên đình, chùa hoặc cũng có khi ghi tên riêng của cửa. 
Thông thường có hai loại kiến trúc cổng Tam Quan với những đặc điểm riêng biệt, đó là: loại cổng có gác và loại cổng kiểu tứ trụ.
- Loại cổng có gác: Đặc điểm của loại cổng này là phía trên có gác, thường thiết kế cho các cổng tương đối nhỏ, kiến trúc có thể có một, hai hoặc ba tầng. Gác cổng được sử dụng để treo các loại chuông, khánh hoặc trống cỡ lớn nhằm phục vụ các nghi lễ trong đền, chùa.
- Loại cổng kiểu tứ trụ: Khác với loại có gác, cổng kiểu tứ trụ gồm có bốn cây cột, trong đó hai cây ở giữa cao hơn hai cây bên cạnh. Những cây cột này chia không gian thành ba lối đi, phía trên nối liền các trụ với nhau bằng các thanh xà chạm trổ tinh xảo dùng làm trán cổng. Một số công trình trán cổng được thiết kế thêm phần mái cong tạo nên nét đẹp riêng biệt, mang sắc thái của một dạng kiến trúc tâm linh truyền thống.
Cổng Tam quan kiểu tứ trụ

2- Ý nghĩa của cổng Tam Quan
Cổng Tam quan đại biểu cho nghệ thuật kiến trúc cổ truyền và mang sắc thái lịch sử của dân tộc Vệt Nam, nó hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, nhưng ý nghĩa phổ quát nhất thường được nhìn nhận đến trong Phật học và trong chế độ vua chúa xưa kia.
a- Ý nghĩa trong Phật học:
Trong kinh điển Phật Giáo, bất cứ một con số nào đều có ý nghĩa riêng của nó, thường gọi là pháp số. Đối với nhà chùa, ba lối đi của cổng Tam Quan biểu tượng cho Tam Giải Thoát Môn để vào cõi Niết bàn, đó là: Cửa Không, Cửa Vô Tướng, và Cửa Vô Nguyện, gọi chung là Tam môn. Do đó, hầu hết các cổng chùa đều xây 3 cửa, một số chùa cho dù chỉ xây một cửa người ta vẫn gọi là Cổng Tam Quan.
– Cửa Không (Không môn, Không Giải Thoát môn): Phải quan sát tất cả các pháp đều không có tự tính, do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra, nếu thông đạt được như thế thì tự tại đối với các pháp.
– Cửa Vô tướng (Vô Tướng Môn, Vô Tưởng Môn): Đã hiểu biết được tất cả các pháp đều không, liên quan đến các tướng như nam nữ, nhất nhị… thì chắc chắn là không có thật tướng như vậy. Nếu thông đạt được các pháp đều vô tướng như thế thì xa lìa tướng sai biệt và được tự tại.
– Cửa Vô Nguyện (Vô Nguyện Môn, Vô Tác Môn, Vô Dục Môn): Cửa Không Mong Cầu, khi biết rõ tất cả các pháp đều vô tướng thì không mong cầu điều gì trong 3 cõi nữa, nếu không mong cầu thì không tạo tác các nghiệp sinh tử, nếu không có nghiệp sinh tử thì không có khổ quả báo và được tự tại.
Nói một cách khác, Cổng Tam Quan là ý niệm về Tam Giải Thoát Môn bao gồm các cửa Vô Tác, Vô Tướng và Vô Không để có thể bước vào cõi Niết Bàn. Chỉ khi con người hiểu được ý nghĩa của ba cửa này thì mới có thể thoát khỏi được những sân si, oán hận, đau khổ để tìm được sự bình yên, an lạc trong tâm hồn.
Cũng có một thuyết khác lý giải rằng, kiến trúc Cổng Tam Quan của nhà chùa là tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo bao gồm “Hữu quan”, “Không quan” và “Trung quan”. Trong đó, “Hữu quan” là thể hiện cái sắc (giả), “Không quan” là tượng trưng cho cái không (vô thường) và “Trung quan” là thể hiện sự trung dung của cả hai yếu tố sắc và không.
Ngoài ra, còn có một quan niệm khác nữa cho rằng Cổng Tam Quan mang ý nghĩa Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.
Dựa vào thuật phong thủy, người ta chia ra, gọi cửa nhỏ bên trái là Thanh Long, cửa nhỏ bên phải là Bạch Hổ (theo hướng từ trong nhìn ra). Khách hành hương thường vào và ra chùa qua cửa bên tay phải mình, tức đi theo hướng “Nhập Thanh Long xuất Bạch Hổ”, mang hàm ý rước phước đức của chùa về nhà.

b - Ý nghĩa thời Quân chủ:
Xưa kia triều đình qui định cổng kinh thành được thiết kế 3 lối đi, theo đó lối giữa dành cho vua, bên tả dành cho văn quan, bên hữu dành cho võ quan. Về sau các cổng làng cũng đều được xây dựng theo kiến trúc Tam Quan với mục đích phòng khi đón vua về ngự. Rồi sau đền miếu lăng tẫm cũng theo đó mà làm. Vì vậy ngày nay ta thấy các công trình cổ như cổng làng, đình đền, lăng tẩm, miếu mạo… đều có cổng được xây theo kiến trúc Tam Quan.
Cổng Ngọ môn Kinh thành Huế

Hình thái Tam Quan sau được mở rộng ra thành Ngũ Quan (năm cửa). Công trình tiêu biểu cho hình thái kiến trúc này là cửa Ngọ Môn ở Cố đô Huế. 
Xưa nay còn lưu hành câu ca dao về cửa Ngọ Môn Cố đô Huế như sau:
Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng tám lầu xanh
Ba cửa thẳng hai cửa quanh…
Ở cổng Kinh thành Huế có 5 lối đi, theo đó cửa chính giữa gọi là Ngọ Môn (cửa hướng Ngọ, hướng chính Nam) dành cho vua; hai cửa kế liền gọi là Giáp Môn dành cho quan lại còn hai cửa quanh ngoài rìa gọi là Dịch Môn dành cho binh mã. 
Còn chín lầu là chỉ lầu Ngũ Phụng gồm 2 tầng: tầng cao nhất nằm ở giữa lợp ngói hoàng lưu ly (nên gọi lầu vàng) hai bên có 8 mái khác thấp hơn (chia làm 4 gian) lợp ngói lưu ly xanh (nên gọi lầu xanh). Những con số trên đều mang ý nghĩa riêng nhất định, đặc trưng của triết lý Phương Đông: số 2 tượng trưng cho Âm – Dương, số 5 tượng trưng cho Ngũ hành, số 8 tượng trưng cho Bát quái và con số 9 tượng trưng cho Cửu trùng.
Theo thuyết này, người ta cho rằng kiến trúc chùa chiền cũng theo khuôn phép trên lập cửa Tam Quan để tiếp vua khi có dịp đến thăm viếng chùa, lễ Phật. Vì vậy Cổng Tam Quan của chùa ít khi mở cổng lớn trừ những dịp đón tiếp vua chúa hoặc tổ chức lễ lớn.

(Bài tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập108
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm103
  • Hôm nay21,465
  • Tháng hiện tại758,489
  • Tổng lượt truy cập50,121,707
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây