Từng được đọc và nghe những câu chuyện về Sứ thần Giang Văn Minh, kính phục sự thông minh, tài trí và lòng quả cảm của ông trước vua quan triều đình phong kiến phương Bắc, chúng tôi đặt chương trình khi có điều kiện sẽ trực tiếp về quê hương ông tìm hiểu rõ hơn về vị Danh nhân Văn hóa này.
Ngày 4/3/2018 (tức ngày 17 tháng Giêng năm Mậu Tuất), để chuẩn bị cho công tác tổ chức Lễ giỗ Tổ - Đức vua Ngô Quyền, các thành viên Ban Tổ chức phải lên Đường Lâm trước 1 ngày. Công tác chuẩn bị xong xuôi, tối đó chúng tôi phải nghỉ lại để ngày hôm sau kịp cho công việc. Và đây là dịp thuận lợi để chúng tôi thực hiện chủ định của mình, bởi quê Thám hoa Giang Văn Minh chính là Làng cổ Đường Lâm.
Sáng 5/3/2018 (tức 18 tháng Giêng) mọi người dậy sớm chuẩn bị, Ban Tổ chức Lễ giỗ bố trí cho chúng tôi một chiếc xe với tài xế là người chính gốc Thị xã Sơn Tây. Xe lăn bánh đi về phía cổng làng Mông Phụ, với chủ ý vào tham quan đền thờ danh nhân Giang Văn Minh trước. Đến đầu làng gặp hỏi thăm một người phụ nữ tuổi trung niên, chị tận tình hướng dẫn đường đi vào đền. Thì ra đền Danh nhân Giang Văn Minh ở gần đình làng Mông Phụ, cách sân đình chừng 20 mét. Theo bảng chỉ dẫn, chúng tôi tìm vào đền nhưng thật không may hôm đó cụ thủ đền có việc lại đi vắng. Không vào tham quan được đành đứng ngoài cổng chụp vài kiểu ảnh rồi gặp mấy cụ cao niên hỏi thêm ít thông tin và hỏi đường ra mộ Danh nhân. Mấy cụ đứng nói chuyện rất vui vẻ, căn kẽ chỉ dẫn chúng tôi đường ra mộ cụ Thám Hoa. Từ trung tâm làng Mông Phụ tới khu mộ Thám hoa Giang Văn Minh chừng 2 Km, đường thẳng, trải bê tông tương đối dễ đi. Đến gần khu mộ, dừng lại hỏi tiếp mấy bác nông dân đang làm ruộng ven đường. Các bác dừng tay rồi chỉ gian nhà nhỏ gần đó bảo: kia là Quán Giang, còn ngôi mộ 4 mái đằng kia là mộ cụ.
Chúng tôi đến gần Quán Giang. Đây là ngôi nhà nhỏ 3 gian 2 dĩ kiểu nhà cấp 4 đã cũ đứng giữa đồng, sát bên đường, cửa không cánh, nhìn thẳng ra đường. Chính giữa sát tường trong xây một bệ gạch. bên trên để một bát hương. Ngôi nhà này trước đây là nơi quàn linh cữu Thám hoa Giang Văn Minh trước khi triều đình tổ chức lễ an táng, nhân dân gọi là Quán Giang hay Quán Quàn.
Cách Quán Giang chừng hơn 100 mét là khu mộ Thám hoa. Mộ được xây 4 mái uốn cong, tọa lạc trên khu đất gò đồi với diện tích khoảng 200m2. Đầu mộ gắn tấm bia lớn, ghi: MỘ THÁM HOA GIANG VĂN MINH 1573 – 1638 DANH NHÂN VĂN HÓA. Sát mái đắp 4 chữ lớn: Thiên cổ anh hùng (Anh hùng thiên cổ); Đỡ mái có 4 trụ hình vuông. 2 trụ trước, mặt ngoài đắp đôi câu đối bằng chữ Hán: Khôi khoa sự nghiệp tồn Khuê các/ Tinh sứ huân danh trọng đẩu Nam (tạm dịch: Thanh danh khoa cử lưu Khuê Các/ Công trạng sứ thần rạng nước Nam); cạnh trong đắp 2 câu: Thanh tĩnh đồng thùy nam bắc sử/ Tinh thần trường tại tử tôn thân (tạm dịch: Sử xanh Nam Bắc lưu danh tiếng/ Sự nghiệp cháu con đọng tinh thần). Trước mộ để bát hương to. Minh đường trước mộ trồng 2 cây đại, hiện 2 cây đã lớn, cành lá che kín phía trước, tạo thành một không gian linh thiêng, cổ kính.
Giang Văn Minh tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung tiên sinh, sinh ngày 6 tháng 9 năm Qúy Dậu (1573) tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, nay là Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi. Sau khi đỗ đạt, ông được Triều đình tấn phong nhiều chức quan và được cử đi trấn giữ, cai quản vùng đất Nghệ An. Năm 1637, vua Lê Thần Tông sai Giang Văn Minh làm chánh sứ sang tuế cống nhà Minh.
Giai thoại kể rằng: Khi vào triều đình nhà Minh, vua Minh Sùng Trinh Đế đã ngạo mạn ra một vế đối bắt sứ thần Đại Việt đối lại. Vế đối ra là: “Đồng Trụ chí kim đài dĩ lục”, nghĩa là: Cột đồng đến nay rêu đã xanh.
Câu đối này có ý nhắc lại việc xưa, khi tướng nhà Hán là Mã Viện sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã dựng một chiếc cột đồng rồi khắc lên đó mấy chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nghĩa là khi nào chiếc cột đồng này gãy thì xứ Giao Chỉ sẽ bị diệt vong. Vế đối của Sùng Trinh Đế mang hàm ý chẳng bao lâu nữa An Nam sẽ bị quân phương Bắc kéo sang tiêu diệt.
Không để cho kẻ khác làm nhục quốc thể, ông đã dùng sự tích quân Nam Hán bị Ngô Quyền dìm chết trên sông Bạch Đằng năm 938 để đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”, nghĩa là: Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ đó.
Vế đối là một lời cảnh cáo, khi đó được xem như cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan và sứ bộ các nước. Vua Minh giận tím mặt, quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng "xem bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu". Đó là ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Hợi 1639. Năm đó ông 66 tuổi.
Giết Giang Văn Minh rồi, nhưng nể phục ông là người tài giỏi, tiết tháo, vua Minh sai người lấy thủy ngân hãm vết mổ, cho ông ngậm nhân sâm rồi đưa vào quan tài đóng kín có hai lớp gỗ dày theo lối trong quan ngoài quách, rồi trao trả sứ bộ nước ta mang thi hài ông về quê an táng. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công Bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công, ban tặng câu "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Sau đó thi hài ông được đưa về an táng tại Đồng Dưa, xứ Gò Đông, thuộc thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm quê ông.
Giai thoại cũng kể lại rằng, trong thời gian ở Yên Kinh, kinh đô nhà Minh, sừ bộ ta bị bọn quần thần nhà Minh khinh thường, chế giễu, ngăn cản không cho vào yết kiến vua Minh nhưng nhờ sự thông minh, tài trí, Giang Văn Minh đã được vào yiết kiến, đồng thời có những lời lẽ mềm mỏng nhưng đanh thép và đúng đắn, thuyết phục được vua Minh bãi bỏ tục cống người vàng, "món nợ Liễu Thăng” mà vua tôi nhà Mạc phải thực hiện lâu nay. (Tướng giặc Liễu Thăng bị quân tướng nhà Lê chém chết trong trận đánh Chi Lăng – Xương Giang năm 1427, nhà Minh đã vịn vào cớ đó để bắt ép nhân dân ta phải cống nộp hàng năm tượng đúc bằng vàng hình thể tướng Liễu Thăng).
Còn vua Minh Sùng Trinh Đế, kẻ muốn hạ nhục người khác không ngờ bị người ấy hạ nhục, cay cú mà sát hại sứ thần Giang Văn Minh nhưng 7 năm sau ông ta phải treo cổ tự tử về tay Lý Tự Thành.
Nguyên Lý Tự Thành là một người lính ở Thiểm Tây. Năm 1628 vùng này bị nạn đói hoành hành, quan lại địa phương thúc thuế, bức hiếp dân chúng nghèo kiệt, Lý Tự Thành nổi lên chống lại. Năm 1643 Lý Tự Thành đánh phá Đông Quan, giết chết viên tướng thống soái nhà Minh, thừa thắng tiến đánh Tây An (Trường An xưa). Năm 1644, Lý Tự Thành lên ngôi, lấy quốc hiệu Đại Thuận. Quân Khởi nghĩa công phá thành Bắc Kinh, Sùng Trinh Đế phải thắt cổ tự tử.
Ngô Vui – Ngô Văn Xuân
Dưới đây là một số hình ảnh bổ sung:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn