Ngày 20/5/2018 đoàn công tác của Hội đồng Họ Ngô Việt Nam đã về làm việc với Hội đồng họ Ngô thành phố Hải Phòng, thăm một số cơ sở ở quận Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy.
Đoàn do ông Ngô Hữu Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu, cùng các thành viên: Ngô Xuân Bình, Ủy viên Thường trực, HS Nguyễn Văn Chiến, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử cổ vật và Đỗ Huy Chuyên, nhà nghiên cứu tâm linh.
Sau buổi làm việc với ông Ngô Đăng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Ngô thành phố Hải Phòng, đoàn về thăm và làm việc với một số dòng họ Ngô của quận Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy, đến thắp hương tại Văn miếu Xuân la.
Đây là một chuyến đi thành công tốt đẹp, cả về nghiên cứu tâm linh, giúp các dòng họ kết nối và lập gia phả để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về quê hương Đồ Sơn, Kiến Thụy và những dòng họ mà chúng tôi đã làm việc . Cũng nơi đây gần 40 năm về trước, thời sinh viên tôi đã có dịp về Đồ Sơn, Kiến Thụy đi thực tập được biết một phần về miền quê có truyền thống hiếu học và truyền thống về văn hoá, học vấn - trí thức nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu sâu. Chúng ta tự hào về Hải Phòng, nơi có nhiều dấu ấn lịch sử - văn hoá, đặc biệt năm 938 Ngô Quyền đã đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt thời kỳ đen tối hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Hôm nay về Đồ Sơn và Kiến Thụy được biết thêm về dòng họ Ngô Đăng, Ngô Đình, Ngô Xuân..., nơi đã sinh ra Tiến sỹ Ngô Thái Cẩn, một trong 14 Tiến sỹ của huyện Nghi Dương, Phủ Kinh Môn, thuộc trấn Hải Dương xưa, nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, thời vua Lê được dựng bia và thờ phụng tại Văn Miếu Xuân La này.
Về thôn Xuân La, xã Thanh Sơn chúng tôi làm việc với Trưởng họ, hội đồng gia tộc họ Ngô Đình, Ngô Ích, Ngô Văn và được giới thiệu đến thăm Văn Miếu Xuân La. Văn Miếu Xuân La toạ lạc phía Tây Nam núi Đối, thuộc thôn Xuân La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy. Theo giới thiệu, Văn miếu xưa có quy mô rộng lớn, đẹp và khang trang, sầm uất nhất vùng. Toà điện Thánh cột xà bằng đá, tượng thánh Khổng Tử và tứ phối (Nhan Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử và Tử Tư) được tạc bằng đá xanh cao to như người thật. Toà tiền tế 5 gian làm bằng hỗ lim, chạm khắc cầu kỳ. Bên tả là nhà hội tư văn, bên hữu là nhà bia tiến sỹ. Mỗi vị tiến sỹ được thờ phụng trong miếu được tạc một bài vị ghi niên hiệu khoa thi, cấp đệ và chức tước vua ban, cùng tính danh và quê quán được đặt trên lưng rùa. Trước cửa Văn miếu có hồ nước hình bán nguyệt, xung quanh Văn miếu trồng nhiều cây lâu niên cổ thụ.
Văn miếu đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa . Lần trùng tu, sửa chữa lớn nhất vào năm Gia Long thứ 7 (1808), đã dựng cây “Thạch trụ” bằng đá xanh ghi lại ngày tháng Hội Tư văn ba tổng nam sông Đa Độ lên Văn miếu Thăng Long chép danh sách 14 vị tiến sỹ Nho học của huyện Nghi Dương về khắc vào bia Văn Miếu trùng thuật bia ký đặt tại Văn Miếu xuân La để phúng tế.
Lần trùng tu vào năm Minh Mạng Nguyên niên năm (1820), dựng thêm bia “Hà nam tam tổng văn hội bi ký (Hội Tư văn ba tổng nam sông) có ghi danh sách các hương chủ cung tiến tiền và ruộng làm hương hoả cho Văn miếu.
Năm 1947, toàn quốc kháng chiến, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến làng đã dỡ bỏ toà tiền tế, chặt hạ các cây to, chỉ để lại điện thánh. Năm 1951 Thực dân Pháp đã bắn pháo vào Văn miếu làm sập miếu, nhưng 05 pho tượng và 02 bia lớn vẫn đứng uy nghiêm . Năm 1955 Cải cách ruộng đất, chính quyền thu ruộng thánh chia cho dân nghèo, đập phá các tượng đá ...
Năm 1997 dân làng làm ruộng, trồng rau, khoét ao, hồ lấy nước tưới cây đã đào được khối đá xanh hình trụ có bốn mặt rộng 25 cm, cao 1,2 mét . Được biết đây chính là khối đá trùng tu vào năm 1820, thời vua Minh Mạng, ghi nội dung nhân trùng tu Văn miếu Xuân La, Hội Tư văn ba tổng nam sông lên Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long chép danh sách 14 vị tiến sỹ đưa về phụng tế tại miếu. Đây chính là di vật quý còn lưu giữ lại trong miếu. Riêng 02 bia: “Văn miếu trùng thuật” và bia: “Hà nam tam tổng” đang được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Hải Phòng.
Năm 2017 chính quyền và nhân dân địa phương khởi công trùng tu, sửa chữa Văn miếu. Khi chúng tôi về đây thấy tiến độ thi công sửa chữa đang được triển khai rất khẩn trương. Ông Ngô Quang Khoát, một cán bộ văn hoá đã nghỉ hưu, hiện làm trong Ban quản lý Văn Miếu ra tiếp chúng tôi. Mặc dù công việc đang rất bận rộn và khẩn trương, nhưng ông vẫn tiếp đốn chúng tôi thật nhiệt tình, mến khách như anh em ruột mới đi xa trở về. Ông cho biết, trong 14 vị tiến sỹ được ghi danh tại Văn miếu Xuân La có 2 vị là những người con của thôn Xuân La; trong 2 người ấy thì 1 người là con cháu họ Ngô ở Xuân La, đó là Tiến sỹ Ngô Thái Cẩn. Ông đỗ đệ nhị Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Tuất năm 1550 đời vua Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Cảnh lịch 3, chức Ngự sử.
Theo truyền thuyết, Tiến sỹ Ngô Thái Cẩn bố mất sớm, phải đi ở đợ để lấy tiền nuôi mẹ già, khi mẹ mất không có tiền làm tang lễ phải cầm cố đất ở, do không biết chữ ông phải nhờ nho sinh viết văn tự. Ông bị cai dịch, chức điền của làng miệt thị, coi khinh. Lo việc tang cho mẹ xong, không chịu nổi cảnh nghèo đói và bị coi thường ông đã bỏ làng đi biệt xứ để làm và học.
Sau bao nhiêu năm người dân không thấy ông trở về làng. Rồi một ngày, Triều đình tổng kết khoa thi, ban sắc về làng để dân làng nghênh đón vị tân Hoàng giáp. Cai dịch và chức điền của làng không tin, lại sẵn lòng ghen ghét nên không tổ chức nghênh đón . Ông về đến núi Trà Phương nhận đất vua ban, cắm đất khai hoang, ông chiêu dân từ Đồng Bùi Gôi Nái bên Vĩnh Nại về lập làng Hương La, người dân gốc Đồng Bùi Gôi Nái gọi làng với tên thân mật làng Nái. Dân làng làm ăn ngày càng ổn định, đến thời Nhà Nguyễn tên làng kỵ với bà hoàng tên Hương nên ông cho đổi thành tên Cẩm La. Khi ông mất dân làng Cẩm La tôn ông là Thần hoàng làng, cùng góp công, góp tiền xây đình Cẩm La. Vua Gia Long đã có sắc phong cho ông là Thần hoàng làng. Sắc phong được lưu giữ trong đình Cẩm La này. Hàng năm cứ đến ngày giỗ ông mồng 6 tháng 2 âm lịch dân làng tổ chức lễ hội, cúng tế uy nghi, duy trì cho đến ngày nay.
Tương truyền ông làm quan trong Triều đình Nhà Mạc, có công khai hoang, mở đất, được vua tặng bài thơ, sau được hậu thế trạm khắc vào gỗ thành bức cuốn thư sơn son thiếp vàng thờ tại đình làng Cẩm La, xã Thanh Sơn.
Làm việc với Hội đồng họ Ngô huyện Kiến Thụy và các dòng họ Ngô thôn Xuân La, xã Thanh Sơn, chúng tôi được biết Xuân La hiện có 6 dòng họ Ngô cùng sinh sống: Ngô Đình, Ngô Xuân, Ngô Ích và 3 họ Ngô Văn. Đến nay cũng chưa xác định được Tiến sỹ Ngô Thái Cẩn là con cháu của dòng họ Ngô nào vì khi đi thi cụ chỉ khai quê làng Xuân La, huyện Nghi Dương, thuộc phủ Kinh Môn. Đây là vấn đề mà con cháu các dòng họ Ngô Xuân La đã và đang phải làm rõ. Tuy vậy, trên đất Xuân Là này, các dòng họ vẫn luôn đoàn kết hàng năm vẫn giao lưu kết nối, các công việc họ vẫn được trao đổi, việc hiếu nghĩa của các dòng họ vẫn được tổ chức thăm hỏi... Ông Ngô Văn Khải, dòng họ Ngô Văn đã tổ chức cùng anh em góp công sức xây được Nhà tưởng niệm Tiến sỹ Ngô Thái Cẩn ngay tại Xuân La để con cháu, khách thập phương về Văn miếu đến thăm và thắp hương tại Nhà tưởng niệm. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hoá, kết nối các dòng họ Ngô thôn Xuân La.
Với tấm lòng người con của họ Ngô, vì tổ tiên và dòng họ mỗi chúng ta phải có trách nhiệm trước lịch sử đi tìm những góc khuất của lịch sử để lại, tiếp tục tôn vinh và học tập truyền thống của ông cha ta.