Từ năm 2017 đến nay, Hội đồng Họ Ngô Việt Nam đã chủ trương tổ chức lễ giỗ vào đúng ngày chính kỵ của của Đức Vua (18 tháng Giêng). Năm nay ngày giỗ rơi vào ngày thứ hai, không phải ngày nghỉ, song với tấm lòng thành kính Tổ tiên, con cháu từ khắp các nơi về dự vẫn rất đông vui.
Ngay từ sáng chủ nhật (4/3) các thành viên Ban tổ chức và bộ phận phục vụ đã về Đường Lâm làm công tác chuẩn bị. Khoảng 9 giờ lên đến nơi, anh em bắt tay ngay vào công việc. Bộ phận khánh tiết thì lo căng phông, dựng bạt, dựng cờ, chuẩn bị ban thờ, chiêng trống, chúc văn, chiếu lễ... Bộ phận phục vụ biểu diễn nghệ thuật thì lắp ráp sân khấu, chuẩn bị hệ thống ánh sáng, âm thanh, màn hình led và các thiết bị phụ trợ khác. Bộ phận hậu cần thì kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị thực phẩm, tổng vệ sinh khu vực lễ hội, thuê người tẩy rửa khu nhà vệ sinh... Mọi người làm việc miệt mài, trong cái nắng đầu xuân ai nấy đều mồ hôi thấm áo nhưng không biết mệt mỏi, trái lại thấy rất vui vì được trực tiếp phục vụ cho ngày đại lễ. Đến 15 giờ mọi công việc cơ bản được hoàn tất, bộ phận biểu diễn nghệ thuật bắt đầu khớp nhạc, lắp ráp chương trình và thống nhất điều chỉnh một số chi tiết trong kịch bản cho phù hợp. Đến 17 giờ mọi việc đã xong xuôi, mọi người phấn khởi nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi lễ chính thức ngày mới.
Năm nay nhiều đoàn về dự lễ giỗ với số lượng đông. Đoàn họ Ngô Cẩm Phả (Quảng Ninh) với hơn 60 bà con do ông Ngô Quốc Chung dẫn đầu đã đến ngay từ chiều hôm trước. Như mọi năm, đoàn đem theo đội tế nữ. Tối 17 tháng Giêng đoàn đã tổ chức nghi thức tế lễ trong đền.
Cùng trong ngày 18 tháng Giêng, năm nay thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm 1080 năm ngày chiến thắng Bạch Đằng lịch sử tại Từ Lương Xâm nên đại bộ phận bà con họ Ngô Hải Phòng dự tại lễ hội quê nhà, chỉ cử một đoàn đại diện do ông Ngô Đăng Hải, Phó Chủ tịch dẫn đầu lên dự tại Đường Lâm. Họ Ngô Thanh Hóa cũng cử đoàn lớn do ông Ngô Văn Bình, Phó Chủ tịch dẫn đầu về dự. Các đoàn Hội đồng họ Ngô cũng như các chi họ từ các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Nội, Thái Nguyên... cũng đều về dự đông vui. Từ Hà Tĩnh xa xôi, một số chi họ cũng rất nhiệt tình tổ chức cho bà con về dự. Một số nơi, như họ Ngô Tri chỉ, Phú Xuyên, Hà Nội, bà con lần đầu tiên được về dự lễ thấy rất phấn khởi và tự hào với sự đoàn kết, vững mạnh của cả dòng họ. Trong không khí phấn khởi, mọi người hân hoan, rộn rã tiếng nói, tiếng cười, tay bắt mặt mừng như lâu ngày gặp lại. Các đoàn lần lượt vào bàn đón tiếp đăng ký danh sách và số lượng người dự với Ban Tổ chức.
Đội ngũ tiếp tân do Câu lạc bộ Tuổi trẻ họ Ngô VN cử đến với mười mấy bạn trẻ tuổi trong trang phục đẹp đẽ, chỉnh tề: sơ mi, áo dài, đảm nhiệm công tác đăng ký tiếp đón, ghi phiếu công đức, cung cấp lịch thẻ, logo... tạo nên ấn tượng tốt đẹp ngay từ đầu.
7 giờ 30, Thường trực Hội đồng họ Ngô VN do cụ Ngô Vui, Chủ tịch dẫn đầu dâng lễ vào yết bái tại đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và dâng lễ tại lăng Tiền Ngô Vương.
Đúng 08 giờ 30', ba hồi ba tiếng trống chiêng vang lên, nghi lễ dâng hương tế Tổ bắt đầu. Đội hình hành lễ chính năm nay với vị trí Chủ tế do cụ Ngô Vui – Chủ tịch Hội đồng Họ Ngô Việt Nam đảm nhiệm; Tuyên đọc Chúc văn do ông Ngô Tiến Quý – Phó Chủ tịch đảm nhiệm; các thành viên khác của Thường trực Hội đồng họ Ngô Việt Nam khăn áo lễ phục chỉnh tề, đảm nhiệm các vị trí: xướng tế, bồi tế chấp sự hoặc trong đội hình nghi lễ, cùng với đội tế của họ Cẩm Phả (Quảng Ninh), đứng trong khu vực hành lễ làm tôn thêm vẻ uy nghiêm, long trọng.
Trong không khí trang nghiêm, qua áng văn hào hùng của bản Chúc văn, các vị đại biểu, các tầng lớp cháu con và du khách thập phương một lần nữa được ôn lại truyền thống vẻ vang của Tổ tiên, người đã giành lại nền độc lập, tự chủ cho non sông, đất nước, đồng thời sản sinh, giáo dưỡng, hun đúc nên những thế hệ cháu con có đủ phẩm chất tiếp bước cha ông.
Tiếp đó, con cháu xếp hàng trang nghiêm, lần lượt vào Chính điện dâng hương lên Đức Tổ.
Kết thúc nghi lễ dâng hương, cụ Ngô Vui trình bày tóm tắt báo cáo của Thường trực Hội đồng Họ Ngô Việt Nam, Nội dung Báo cáo được chia làm 2 phần chính: Phần đầu, kỷ niệm 1080 năm chiến thắng Bạch Đằng, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, đồng thời khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, giành lại nền độc lập tự chủ cho non sông đất nước. Phần thứ hai khái quát lại những công việc chính trong Họ đã làm được trong năm 2017 trên các lĩnh vực: nghiên cứu kết nối gia phả; nghiên cứu phát sáng các công trình tâm linh thờ cúng của dòng họ; và các hoạt động thường xuyên khác. Báo cáo cũng nêu ra một số nội dung trọng tâm cần triển khai trong năm 2018, nhất là công việc của những tháng đầu năm.
(Nội dung chi tiết báo cáo sẽ được giới thiệu sau).
Chương trình biểu diễn nghệ thuật mở đầu với màn trình chiếu hoạt cảnh cuộc chiến Bạch Đằng năm 938 trên màn hình rộng, thuật lại một số chi tiết trận đánh cho đến khi quân ta giành thắng lợi hoàn toàn. Hoạt cảnh giúp bà con ôn lại lịch sử, khái quát lại chiến thắng vẻ vang và nhận biết được tài ba thao lược của đức Tổ. Chương trình văn nghệ năm nay có sự đổi mới, với các tiết mục nòng cốt do anh chị em thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ họ Ngô đảm nhiệm. Ngoài ra có sự góp sức của đội nghệ thuật họ Ngô Cẩm Phả, của các cô giáo, học sinh Trường THCS Ngô Quyền – Thị xã Sơn Tây, Hà Nội và một số nghệ sỹ đến từ các đoàn nghệ thuật. Mặc dù là nghệ thuật không chuyên nhưng các tiết mục biểu diễn vẫn rất ấn tượng, đạt chất lượng cao, được bà con khen ngợi.
Cuối cùng là phần thụ lộc. Các thế hệ con cháu nội ngoại cùng nhau làm quen, hỏi han, giao lưu, trò chuyện bên chén rượu đầu xuân chứa chan tình cảm như không bao giờ muốn dứt.
Với số lượng con cháu về dự rất đông, năm nay vào khoảng gần 2.000 người, mặc dù Ban Tổ chức đã rất cố gắng nhưng vẫn không tránh khỏi còn những sai sót, có việc chưa được chu đáo. Rất mong các vị khách mời, bà con trong họ và du khách gần xa thông cảm bỏ qua.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù mới được thành lập, năm nay Hội đồng họ Ngô khu vực phía Nam cũng đã tổ chức bàn thờ vọng để bà con đến thắp hương tưởng nhớ đến công đức vị Tổ trung hưng đất nước. Buổi lễ cũng thu hút rất đông con cháu họ Ngô đến tham dự.
Vậy là Lễ giỗ Tổ năm 2018 cũng được tổ chức thành công với nhiều nét mới, giúp bà con họ Ngô cả nước có điều kiện cùng nhau kỷ niệm, tưởng nhớ đến công đức của bậc tiền nhân, chung một cội nguồn, cùng nhau đoàn kết hướng tới tương lai, xây dựng cuộc sống tươi đẹp.
Ngô Văn Xuân
Dưới đây là một số hình ảnh buổi lễ:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn