Họ Ngô Đăng là một họ lớn, định cư lâu đời ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng. Theo tộc phả, Thủy Tổ bị thất truyền, Khởi Tổ của dòng họ là hai anh em ruột Ngô Đạo Viễn, Ngô Đạo Đạt quê ở vùng huyện lỵ huyện Nghi Dương, có thể là thôn Cẩm La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thuỵ. Tính đến năm 2017 được 18 đời, có trên 240 hộ và gần 1250 nhân khẩu. Gần 400 xuất đinh, Gồm hai ngành, ngành trưởng của tổ Ngô Đạo Viễn định cư ở thôn Đắc Lộc có 2 chi. Kể cả một nhánh thuộc chi trưởng cuối đời Lê Trung Hưng (1593 - 1787) nhân thiên tai nên cụ Ngô Văn Cát đem con cháu lên thôn Triều, xã Nam Sơn, huyện Võ Giàng xứ Bắc làm ăn sinh sống nay cũng trở thành một họ to cùng các họ khác ở đây góp phần xây dựng quê hương mới. Ngành thứ của tổ Ngô Đạo Đạt định cư ở thôn Đông Xá có 3 chi, hiện có 1 nhánh định cư ở thị trấn Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Hiện nay nhánh họ Bắc Ninh và Kinh Môn vẫn giữ nếp cũ hàng năm về giỗ Tổ.
Sau kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, con cháu họ Ngô đi làm ăn sinh sống ở nhiều xã trong huyện Kiến Thuỵ, các quận, huyện của thành phố Hải Phòng, các tỉnh thành phố trong cả nước nhưng đông nhất là ở Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh... và ở một số nước như Ba Lan, Nga, Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc. Dù ở đâu con cháu đều nhớ về quê cha, đất tổ, giữ gìn nếp nhà, góp phần xây dựng dòng họ về tinh thần, vật chất. Nhà thờ Đại Tông có từ thời Khởi Tổ Ngô Đạo Viễn là nơi chạp tổ (vào ngày 21 tháng Chạp), Thanh minh, lễ Vu Lan, báo hiếu, họp họ... Đến năm Quý Tỵ (2013) Họ đã nâng cấp xây dựng mới khang trang hơn.
Tộc phả dòng họ có từ lâu (1848 - 1933) nhưng chỉ ghi tên tuổi, năm sinh, năm mất, phần mộ, nên đến đời cụ trưởng Tộc Ngô Đăng Vị đã mời một cụ cử nhân người làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định đến xem giúp mồ mả đất cát, đặc biệt là soạn thảo giúp tộc phả. Căn cứ vào phả cũ của cả họ, của các chi, căn cứ vào trí nhớ của các bậc niên trưởng cùng hà ký, hương ước cổ của làng nên đã soạn thảo một bộ tộc phả khá hoàn chỉnh, được coi là bộ tộc phả qui mô nhất xã thời ấy. Rất tiếc năm 1949 bản sao tộc phả do cụ Ngô Đăng Bào giữ phải đốt vì bị lính Tây khám nhà nghi ngờ. Còn bản gốc năm 1955 đội cải cách ruộng đất cho là sổ ruộng của địa chủ nên tịch thu đốt mất chỉ còn một số ít. Năm 1982 cháu ngành trưởng là Ngô Đăng Lợi đã cố gắng sưu tầm dựa vào cha Ngô Đăng Phương, bác Ngô Đăng Nghi, chú Ngô Đăng Phi, ông họ Ngô Đăng Bào, em họ Ngô Đăng Hỷ phục dựng tộc phả. Ngô Đăng Hỷ còn lưu giữ được một phần bản sao tộc phả cũ nên bổ sung một số chi tiết quan trọng nhưng chưa được đầy đủ. Đến năm 1987 họ thành lập ban biên soạn tộc phả do ông Ngô Đăng Cảnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Gia tộc là chủ biên. Toàn ban tiếp tục sưu tầm, chỉnh lý tộc phả, đến tháng 02 năm 2013 đã in ấn hoàn chỉnh.
Họ Ngô Đăng cũng là họ duy nhất của xã lưu giữ được tộc ước, tức quy ước của dòng họ như lệ vào họ, chạp tổ, tế tổ, thăm viếng, khi có việc họ không được rượu chè bê tha, nói năng phải đúng mực... Đặc biệt họ giữ được nề nếp qui định con trai lấy vợ, con gái đi lấy chồng, khai sinh các cháu và các thành viên trong họ qua đời, con cháu và gia đình đều có lễ về từ đường họ dâng hương cáo yết tổ tiên. khi chạp tổ, giỗ tổ thì theo thứ tự trên dới theo hàng vào dâng hương lễ tổ nên nhiều đời rồi mà vẫn rõ ràng, nhưng khi ăn uống thì theo nguyên tắc “Nhân hữu thượng hạ, phụ tử đồng bàn, trọng lão”. Tổ Ngô Đăng Vị cũng sửa lệ tảo mộ chiều 30 tết sang ngày thanh minh để con cháu có thì giờ đi dự đông đủ v.v... Tộc ước họ quy định cụ thể về nuôi dạy con trẻ, chăm sóc người già, thăm hỏi, khuyến học, khuyến tài, tang ma phù hợp với qui định của luật lệ, chính sách, hương ước mới.
Kế thừa phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên về đoàn kết giữ gìn nếp nhà, nhớ ơn tiên tổ, hoà mục với xóm làng, góp phần xây dựng bảo vệ quê hương, đất nước.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược bảo vệ Tổ quốc, dòng họ Ngô Đăng đã có hàng trăm thanh niên nam, nữ xung phong lên
đường nhập ngũ, trực tiếp cầm súng chiến đấu, công tác phục vụ trong Quân đội trên khắp các chiến trường Bắc, Trung, Nam, góp phần cùng quân, dân cả nước bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, dòng họ có 2 Mẹ Việt Nam anh hùng, 13 liệt sỹ, 6 thương binh, 4 bệnh binh, 5 người nhiễm chất độc da cam DIOXIN.
Hội nghị khuyến học - khuyến tài
Tham gia vào Quân đội, Công an, có 25 sỹ quan, trong đó có 15 sỹ quan cấp tá, nhiều người trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Có 3 người giữ chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã, 7 người giữ chức trưởng phó ban ngành đoàn thể cấp xã, 5 cấp huyện, 3 cấp thành phố. Trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học hiện có 1 tiến sỹ, 8 thạc sỹ, có gần 100 cử nhân, trên 70 cao đẳng và trung cấp.
Do những cống hiến trên họ Ngô Đăng đã được Ban Chấp hành Trung ương Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen “Dòng họ có nhiều thành tích xuất sắc trong việc nuôi dạy con cháu hiếu thảo, thành đạt”. Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng & Sở Giáo dục Đào Tạo tặng biểu trưng dòng họ khuyến học. Hội Khuyến học thành phố Hải Phòng tặng giấy khen “Dòng họ khuyến học năm 2007”. Hội đồng Họ Ngô Việt Nam tặng “Dòng họ tiêu biểu xuất sắc 5 năm 2010 - 2015”. Hội đồng Họ Ngô thành phố Hải Phòng tặng bức trướng “Dòng họ xuất sắc, lá cờ đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài của họ Ngô thành phố Hải Phòng” và tặng bằng “Dòng họ văn hóa”. UBND huyện Kiến Thuỵ tặng giấy khen “Dòng họ có nhiều đóng góp công tác khuyến học, khuyến tài”. UBND xã tặng nhiều giấy khen “Dòng họ có thành tích xuất sắc khuyến học, Khuyến tài”.
HỘI ĐỒNG HỌ NGÔ ĐĂNG
ĐOÀN XÁ – KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn