Chuyến hành hương về nguồn với nhiều ý nghĩa

Chủ nhật - 26/11/2017 04:41

Trong 3 ngày từ 22 đến 24/11/2017, Hội đồng Họ Ngô Việt Nam đã tổ chức chuyến hành hương về miền Trung với nhiều mục đích: Về thăm và tổ chức lễ giỗ Thanh Quốc công Ngô Khế tại đất tổ Đồng Phang; dâng hương tại đền thờ Hậu Vương Ngô Xương Xí ở Nghệ An; thăm và thắp hương tại đền thờ các danh nhân Ngô Trí Hòa, Ngô Sỹ Vinh; lam việc, giao lưu với Hội đồng họ Ngô tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng gia tộc và bà con họ Ngô Lý Trai – Nghệ An và giải quyết một số công việc liên quan khác.
Chuyến hành hương về nguồn với nhiều ý nghĩa

 

Tham gia đoàn có các thành viên Thường trực Hội đồng họ Ngô VN: Chủ tịch Ngô Vui, Phó Chủ tịch - Đại sứ Ngô Quang Xuân, Các Ủy viên Thường trực: Ngô Sỹ Phan, Ngô Nhật Dân, Ngô Xuân Trường, Ngô Văn Xuân, Ngô Văn Hùng, Ngô Hữu Minh, Ngô Xuân Bình, Ngô Vi Tiết, Ngô Đăng Tri.  Đại diện Câu lạc bộ Doanh nhân họ Ngô VN; Câu lạc bộ Tuổi trẻ Họ Ngô VN và CLB Tuổi trẻ Họ Ngô Hà Nội gồm các anh: Ngô Minh Dương, Ngô Xuân Tùng và Ngô Văn Chương đại diện; Đại diện Hội đồng họ Ngô thành phố Hà Nội do ông Ngô Vi Tiết, Chủ tịch làm trưởng đoàn, ông Ngô Văn Hiến, PCT cùng tham gia; Hội đồng họ Ngô TP Hải Phòng do ông Ngô Đăng Hải, PCT trưởng đoàn; HĐHN tỉnh Bắc Ninh do ông Ngô Vi Tiết trưởng đoàn; HĐHN tỉnh Bắc Giang do ông Dương Ngô Quảng, CT trưởng đoàn; HĐHN tỉnh Hưng Yên do ông Ngô Xuân Bình, PCT trưởng đoàn, HĐHN Thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) do ông Ngô Quốc Chung, CT trưởng đoàn. Ngoài ra còn có đại diện một số chi họ Ngô khu vực miền Bắc. Họa sỹ Nguyễn Văn Chiến, nhà nghiên cứu lịch sử cổ vật nghệ thuật cùng tham gia.

Ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Họ Ngô Việt Nam dẫn đầu đoàn.

Đúng 13 giờ 30 xe bắt đầu xuất phát từ trụ sở Hội đồng Họ Ngô VN. Đoàn họ Ngô tỉnh Quảng Ninh đi trên chuyến xe khác, xuất phát từ Quảng Ninh theo hành trình riêng, cùng hẹn gặp nhau tại thành phố Thanh Hóa. Chuyến đi được thực hiện vào đúng dịp giá rét, gió mùa đông bắc tràn về nên mọi người đều chuẩn bị hết sức chu đáo.

Suốt dọc đường đi, trên xe là một không khí phấn khởi, hồ hởi nên chẳng bao lâu chúng tôi đã đến nơi. Trước 6 giờ chiều đoàn đã đến thành phố Thanh Hóa, sau đó khoảng 30 phút thì đoàn Quảng Ninh cũng đến nơi. Đoàn về khách sạn, tạm nghỉ ngơi sau một chặng đường dài di chuyển.

Giao lưu với họ Ngô Thanh Hóa

Đúng 19 giờ diễn ra buổi giao lưu gặp gỡ toàn đoàn với Hội đồng Họ Ngô tỉnh Thanh Hóa. Đến dự có ông Ngô Văn Bình, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng họ Ngô tỉnh Thanh Hóa. Đại diện một số chi họ và một số anh chị em họ Ngô hiện đang công tác tại thành phố Thanh Hóa cùng đến tham dự.
 

Chụp ảnh chung với đoàn Thanh Hóa

Chụp ảnh chung với đoàn Thanh Hóa tại khách sạn


Trong không khí đầm ấm vui vẻ, mọi người tay bắt mặt mừng như đón chào người thân đi xa lâu ngày trở lại. Chúng tôi được thưởng thức một chương trình văn nghệ đặc sắc do các nghệ sỹ của quê hương Thanh Hóa biểu diễn. Xen kẽ vào đấy là các tiết mục song diễn giữa các thành viên trong đoàn với các nghệ sỹ, càng tạo không khí vui tươi. Mọi người nâng cao ly rượu, chúc cho sự gắn kêt vững bền giữa các thành viên họ Ngô Việt Nam, cho họ Ngô mãi mãi trường tồn, phát triển. Sau gần 2 tiếng đồng hồ buổi giao lưu kêt thúc. Mặc dù vậy, mọi người còn nán lại, cùng nhau tiếp tục chuyện trò, chụp ảnh kỷ niệm, trao đổi điện thoại liên lạc..., hồi lâu mới chịu tạm biệt chia tay.

Lễ giỗ kỷ niệm 503 năm ngày mất của Thanh Quốc công Ngô Khế

Sáng ngày 23/11 chúng tôi dậy sớm. Sau khi ăn sáng xong, đoàn lai tiếp tục lên đường, hướng về nơi đất tổ Đồng Phang, tổ chức lễ giỗ Thanh Quốc công Ngô Khế.

Đồng Phang là địa danh cũ thường gọi, nay là xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa chừng 30Km về phía Tây. Đường xá không thật sự dễ đi nên khoảng một tiếng sau đoàn mới tới nơi. Đông đảo bà con họ Ngô Đồng Phang ra đón đoàn. Sau ít phút làm công tác chuẩn bị và trao đổi công việc với đại diện Hội đồng Gia tộc họ Ngô Đồng Phang, lần lượt từng đoàn vào thắp hương tại Phúc quang Từ đường, yết cáo Tổ tiên, rồi cả đoàn ra thắp hương lễ tạ tại khu lăng mộ Thanh Quốc công.
 

Đoàn dâng hương tại lăng Thanh Quốc công
Đoàn dâng hương tại lăng Thanh Quốc công



Ngô Khế là con thứ Dụ Vương Ngô Từ, em Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, sinh tháng 9 năm Bính Ngọ (1426), mất ngày 6 tháng 10 năm Giáp Tuất (1514), mộ táng ở xứ Phủ Liễn, thôn Thung Thượng xã Động Bàng, nay là xã Định Hòa huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa. Phần mộ được xây dựng và tôn tạo 2 lần vào các năm 1994 và 2003. Ông được vinh phong : Hiệp mưu Thuần tín Tá lý Đồng đức hoàng tôn công thần, Đặc tiến Khai phủ Kim tử Vinh lộc đại phu, Cố mệnh đại thần, đồng bình chương quân quốc trọng sự,Tư đồ thượng trụ quốc, Thái úy Thanh Quốc công kiêm tri điện đường thân thuộc nội ngoại các quán gia thượng trí tự. Khi mất được ban thụy Sùng Tĩnh thượng sĩ.

Sau khi hành lễ tại khu vực lăng mộ Thanh Quốc công, đoàn đến thăm và thắp hương tại lăng các vị Tiên tổ: Ngô Rô, Dụ Vương Ngô Từ và Hán Quốc công Ngô Lan. Kết thúc các nghi thức thắp hương tế lễ ngoài mộ đã quá 12 giờ trưa. Mặc dù đi bộ nhiều, thời gian đã muộn nhưng mọi người đều vô cùng phấn chấn, quên hết mệt nhọc. Cuối cùng là phần thụ lộc, mọi người quây quần trước sân dùng bữa cơm trưa trong không khí đầm ấm gia đình.

Tham dự lễ giỗ cùng bà con họ Ngô còn có đại diện chính quyền địa phương. Thay mặt Hội đồng họ Ngô Việt Nam và toàn thể bà con trong Họ, ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng cảm ơn chính quyền và nhân dân xã Định Hòa đã có công lưu giữ, bảo quản khu từ đường và phần mộ các bậc tiên tổ họ Ngô tại đây, đồng thời duy trì việc khói hương mỗi kỳ sóc vọng. Trong nội dung phát biểu của mình, ông Lê Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Định Hòa, thay mặt chính quyền và nhân dân địa phương hoan nghênh Hội đồng họ Ngô VN và bà con họ Ngô các tỉnh thành đã về tổ chức lễ giỗ Thanh Quốc công Ngô Khế, đồng thời mong muốn Hội đồng họ Ngô VN tiếp tục hợp tác chặt chẽ với địa phương để thúc đẩy Dự án Quy hoạch nâng cấp khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đồng Phang sớm được triển khai. Lễ giỗ Thanh Quốc công kết thúc trong không khí trang nghiêm và ấm cúng.

Nhân dịp về Đồng Phang, Ban tổ chức còn chuẩn bị hơn 100 phần quà để tặng cho bà con trong Họ nơi đây. Mặc dù giá trị mỗi gói quà không cao nhưng đã thể hiện tình cảm chân thành với lời thăm hỏi, động viên bà con trong lúc khó khăn.

Thắp hương nhà thờ họ Ngô Lý Trai

Xong xuôi công việc ở Đồng Phang chúng tôi lại lập tức lên đường. Theo lịch trình, đoàn vào thăm và thắp hương tại nhà thờ họ Ngô Lý Trai; giao lưu với bà con họ Ngô nơi đây. Trên đường đi, ngồi trên xe chúng tôi đã được Đại sứ Ngô Quang Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Ngô VN, cũng là thành viên con cháu họ Lý Trai giới thiệu khái quát về chi họ và đặc điểm chính của nhà thờ.

Khi xe chở đoàn tới nơi, Trưởng tộc Ngô Sỹ Công và đông đảo các thành viên Hội đồng Gia tộc ra cổng đón, mời đoàn vào tham quan khu nhà thờ họ. Chúng tôi chuẩn bị mâm lễ vật, vào thắp hương và theo hướng dẫn của chủ nhà, đi tham quan, chụp ảnh một lượt.

Nhà thờ họ Lý Trai thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Theo giới thiệu của các cụ trong họ thì đây là khu nhà thờ có niên đại từ thời nhà Nguyễn. Trong khuôn viên rộng trên 10.000 m2 tọa lạc 2 ngôi nhà thờ cổ, thờ 2 vị Tiến sỹ, đồng thời là 2 cha con: Ngô Trí Hòa và Ngô Sỹ Vinh.
 

Nhà thờ Tiến sỹ Ngô Sỹ Vinh
Nhà thờ Tiến sỹ Ngô Sỹ Vinh



Ngô Trí Hòa là con trai Tiến sỹ Ngô Trí Tri. Tại khoa thi năm Nhâm Thìn - 1592, do nhà Lê tổ chức ở Thanh Hóa, Ngô Trí Tri cùng với con trai mình là Ngô Trí Hòa và học trò của mình là Trịnh Cảnh Thụy đỗ Tiến sĩ trong một khoa thi chỉ lấy đỗ 3 người.

Sau khi đăng khoa, hai cha con được vua Lê Thế Tông thưởng bảng vàng “Phụ tử đồng khoa” (hai cha con đỗ cùng khoa) và ban 10 chữ vào cờ vinh quy: “Khoa danh thiên hạ hữu. Phụ tử thế gian vô”. Hiện tượng phụ tử đồng khoa Ngô Trí Tri - Ngô Trí Hòa là có một không hai trong lịch sử khoa bảng dưới thời phong kiến ở nước ta. Năm 2013 Tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam đã cấp bằng xác nhận kỷ lục cho họ Ngô Lý Trai.

Ngô Sỹ Vinh là con trai thứ 2 của Hoàng giáp Ngô Trí Hòa và là cháu nội của Tiến sỹ Ngô Trí Tri. Ông thi đỗ đại khoa vào năm Bính Tuất (1646), khi đã 56 tuổi. Sau khi Ngô Sĩ Vinh đỗ Tiến sĩ, vua Lê Chân Tông tặng thưởng bảng vàng “Tam đại Tiến sĩ”. Bảng vàng hiện còn lưu giữ ở nhà thờ Ngô Trí Hòa. Ngô Sỹ Vinh còn có công giúp nhà Thanh đánh bại quân đội nhà Minh, chiếm lại được thành Quế Lâm nên ông được Triều đình nhà Thanh phong tặng 4 chữ: "Lưỡng quốc Công thần".

Nhà thờ họ Ngô Lý Trai đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Theo lời kể của Đại sứ Ngô Quang Xuân và một số vị trong Hội đồng Gia tộc họ Lý Trai, có một điều kỳ lạ là, trải qua bao cuộc chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ, xung quanh khu vực nhà thờ đầy vết bom đạn, các công trình phụ cận đều bị san phẳng nhưng hai nhà thờ và cây thị cổ thụ 500 năm tuổi vẫn còn nguyên vẹn.

Trong chương trình về Diễn Kỷ, Nghệ An, đoàn còn ra tham quan và thắp hương tại khu mộ Ngô Định, vị Thủy tổ họ Lý Trai.

Buổi giao lưu sau đó giữa bà con họ Ngô Lý Trai với đoàn diễn ra trong không khí ấm cúng, cởi mở và hết sức chân tình. Mọi người đều thán phục kỳ tích của dòng họ trong việc giữ gìn, bảo quản và phát huy giá trị văn hóa, tâm linh của các di tích thờ tự tại đây.

Thăm viếng đền Khai Long tại Đô Lương, Nghệ An

Sáng 24/11/2017 chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến xã Tân Sơn, huyện Đô Lương viếng đền Khai Long, nơi thờ Sứ quân Ngô Xương Xí. Khi đến nơi, đại diện chính quyền xã và nhiều bà con ra tận xe chào đón, mời đoàn vào hội trường UBND xã nghỉ ngơi và dự buổi họp mặt, làm việc với xã.

Dự buổi đón tiếp và làm việc với đoàn có các vị đại diện lãnh đạo huyện Đô Lương và xã Tân Sơn, gồm:

- Ông Đoàn Văn Lợi, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận huyện Đô Lương;

- Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Đô Lương;

- Ông Đào Công Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Sơn.

- Ông Nguyễn Bá Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn.

Cùng đại diện các cơ quan ban nghành và đông đảo nhân dân địa phương có mặt trong hội trường.

Xã Tân Sơn có diện tích 651 ha, dân số toàn xã 1.724 hộ với 6.560 nhân khẩu, sản xuất nông nghiệp là chính với cây lúa giữ vai trò chủ lực. Toàn xã có 148 liệt sỹ, 13 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là một trong những xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đợt đầu tiên. Xã có nhiều di tích nhưng do quá khứ lịch sử, hầu hết đã trở thành phế tích. Hiện nay đã khôi phục được một số, trong đó có đền Khai Long.
 

Đền Khai Long
Đền Khai Long xã Tân Sơn - Đô Lương - Nghệ An



Theo giới thiệu của xã, đền Khai Long đã có từ lâu nhưng được xây lại vào năm 1926. Đền thờ Sứ quân Ngô Xương Xí, người từng trấn giữ thành Bình Kiều ở vùng Triệu Sơn – Thanh Hóa. Ngô Xương Xí là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Ngô. Ngài là con trai Thiên sách Vương Ngô Xương Ngập và là cháu nội Ngô Vương Quyền. Theo một số tài liệu cho biết, trong thời gian trấn giữ Bình Kiều, Ngài thường xuyên qua vùng Châu Hoan (Nghệ An) tuyển mộ quân sỹ. Ngài đã có công bảo vệ cuộc sống cho nhân dân, được nhân dân kính phục. Sau khi Ngài mất, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã lập đền thờ Ngài. Trong kháng chiến chống Pháp đền Khai Long được sử dụng làm nơi hội họp của chi bộ Đảng, bàn việc cơ mật quốc gia, sau là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ và một số công việc khác. Đền được xây theo quy mô 3 tòa: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện; hai bên có tả, hữu vu, tất cả đều được trạm trổ tinh vi. Diện tích đền trước đây là 2.000m2. Năm 1976, theo chủ trương dồn mồ mả, đình chùa, miếu mạo để lấy đất sản xuất nông nghiệp, ngôi đền bị bán đi, trong đó ngôi Thượng điện bán cho họ Hoàng làm nhà thờ họ, ngôi Trung điện bán cho họ Nguyễn Tất, ngôi Hạ điện bán cho họ Đào Công. Bài vị trong đền bị dân lấy đi, nay đã thu hồi lại được để trong đền mới.

Năm 2010 ông Nguyễn Bá Đạo, người xã Tân Sơn, làm việc tại một cơ quan nhà nước, có lần về quê đã đề xuất việc khôi phục lại đền Khai Long. Ông trực tiếp viết thư cho Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc đó là ông Phan Đình Trạc đề xuất vấn đề. Được sự đồng tình và ủng hộ của lãnh đạo các cấp chính quyền từ Tỉnh, Huyện đến Xã và sự đồng tình của nhân dân, các thủ tục về đất đai nhanh chóng được hoàn thiện. Các hộ có đất tại khu vực này đều tự nguyện hiến đất cho địa phương để xây dựng đền. Chỉ trong thời gian một năm, năm 2014, ba ngôi: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện đã được xây xong. Kinh phí xây dựng 2 tỷ đồng hoàn toàn do nguồn xã hội hóa, chủ yếu do người dân địa phương đóng góp. Rất nhiều người ở địa phương có tâm huyết, trách nhiệm, điển hình là cụ Đào Công Thận, sinh năm 1927, đại tá quân đội nghỉ hưu, người có công lao rất lớn trong việc xây dựng đền.

Trao đổi thêm với cụ Đào Công Thận và ông Nguyễn Tất Dứ, nguyên Chủ tịch xã Tân Sơn, nguyên Chủ tịch huyện Đô Lương, được biết: tên Khai Long là lấy theo Vị hiệu của Ngô Xương Xí. Đây là một chi tiết mới, rất cần được nghiên cứu tìm hiểu thêm. Ông Nguyễn Tất Dứ cũng cho biết, vị trí xây ngôi đền hiện nay rất thiêng, dân trồng gì cũng không được, vì vậy khi có chủ trương xây đền mọi người đều ủng hộ hiến đất làm đền.

Đền Khai Long hiện có diện tích quy hoạch trên 10.000m2. Năm 2016 đền đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tại buổi làm việc với địa phương, ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng họ Ngô VN thay mặt Hội đồng và toàn thể bà con họ Ngô cám ơn chính quyền và nhân dân xã Tân Sơn, huyện Đô Lương đã có công phục dựng ngôi đền thờ tự Ngô Xương Xí, một vị Tổ họ Ngô, đồng thời mong muốn sẽ được tiếp tục hợp tác trong việc sưu tầm tư liệu, hiện vật trưng bày để làm rõ thêm về nhân vật lịch sử và hoàn thiện hơn về đền Khai Long.

Các thành viên trong đoàn cùng các vị đại diện lãnh đạo địa phương đã long trọng làm lễ dâng hương tại đền Khai Long trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Cuối buổi đoàn được dự bữa cơm thân mật với bà con địa phương, tuy giản dị nhưng ấm cúng tình người của quê hương xứ Nghệ.

Chương trình của cuộc hành hương về nguồn đã được hoàn thành với kết quả tôt đẹp. Suốt chặng đường đi và về, trên xe lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, tiếng hát vui tươi. Qua lời kể, lời giới thiệu của cụ Ngô Vui và các vị đại diện cho các họ cũng như lời chia sẻ chân tình của các bạn trẻ, mỗi thành viên trong đoàn còn tích lũy được nhiều kiến thức quý giá về lịch sử Dòng họ, về kinh nghiệm hoạt động chung và nhiều lĩnh vực liên quan khác.

Toàn bộ chi phí cho chuyến đi do doanh nhân Ngô Xuân Trường, Ủy viên Thường trực Hội đồng họ Ngô VN tài trợ, giúp đỡ. Cám ơn anh Ngô Xuân Trường và Ban tổ chức đã tạo điều kiện và tổ chức chuyến đi thành công, hiệu quả.

Chuyến đi còn có sự hiện diện của các bà, các chị, những người dâu, người con của họ Ngô. Sự chung tay góp sức của các bà, các chị trong công tác hậu cần, chỉnh trang lễ lạt tạo rất nhiều thuận lợi cho đoàn.

Cảm ơn chính quyền, nhân dân địa phương và bà con các chi họ nơi đoàn đến đã ân cần đón tiếp, tận tình giúp đỡ để đoàn tổ chức thành công các sự kiện.

Hy vọng chúng ta còn những chuyến đi thành công hơn, quy mô rộng lớn hơn, tạo thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên trong Họ, góp phần thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa các chi họ, dòng họ làm nền tảng cho sự phát triển vững chắc của Họ Ngô Việt Nam.

Ngô Văn Xuân

Dưới đây là một số hình ảnh bổ sung:
 

Trao đổi với đại diện họ Đồng Phang trước khi là lê

Trao đổi với đại diện họ Đồng Phang trước khi làm lê
 

Đoàn HĐHN Việt Nam làm lễ tại Phúc quang Từ đường

Đoàn HĐHN Việt Nam làm lễ tại Phúc quang Từ đường

 
Đoàn rước lễ ra lăng Thanh Quốc công Ngô Khế

Đoàn rước lễ ra lăng Thanh Quốc công Ngô Khế

 
Các thành viên dâng hương tại lăng mộ Thanh Quốc công

Các thành viên dâng hương tại lăng mộ Thanh Quốc công
 
Ông Ngô Vui trao đổi sau khi dâng hương tại lăng Dụ Vương Ngô Từ
 
Mọi người nghe ông Ngô Vui trao đổi sau khi dâng hương tại lăng Dụ Vương Ngô Từ

 
Ông Lê Văn Huynh - Chủ tịch UBND xã Định Hòa phát biểu tại lễ giỗ TQC Ngô Khế

Ông Lê Văn Huynh - Chủ tịch UBND xã Định Hòa phát biểu tại lễ giỗ TQC Ngô Khế

 
Ông Ngô Vui trao quà
 
Ông Ngô Quang Xuân trao quà
 
Ông Ngô Xuân Trường trao quà

Các ông Ngô Vui, Ngô Quang Xuân, Ngô Xuân Trường trao quà cho bà con họ Ngô Đồng Phang

 
Bảng nhà thờ Ngô Trí Hòa

Nhà thờ Tiến sỹ Ngô Trí Hòa họ Lý Trai

Đoàn dâng hương tại nhà thờ TS Ngô Trí Hòa - Lý Trai

Đoàn dâng hương tại nhà thờ Hoàng giáp Ngô Trí Hòa - Lý Trai

 
Bằng xác lập kỷ lục họ Lý Trai

 Bằng xác lập kỷ lục họ Lý Trai
 
Bảng Lưỡng quốc Công thần treo tại nhà thờ TS Ngô Sỹ Vinh

Bảng Lưỡng quốc Công thần treo tại nhà thờ TS Ngô Sỹ Vinh
 
Khu mộ Thủy tổ Ngô Định

Khu mộ Thủy tổ Ngô Định - họ Lý Trai, Nghệ An


 
Lễ dâng hương tại đền Khai Long - Đô Lương, Nghệ An

Lễ dâng hương tại đền Khai Long - Đô Lương, Nghệ An
 
Lễ dâng hương tại đền Khai Long - Đô Lương, Nghệ An
 
Lễ dâng hương tại đền Khai Long - Đô Lương, Nghệ An

Ông Ngô Vui báo cáo trong buổi làm việc với chính quyền và nhân dân xã Tân Sơn, Đô Lương

Ông Ngô Vui báo cáo trong buổi làm việc với chính quyền và nhân dân xã Tân Sơn, Đô Lương
 
Cụ Đào Công Thận trao đổi quá trình xây dựng đền Khai Long

Cụ Đào Công Thận trao đổi quá trình xây dựng đền Khai Long

 
Giao lưu văn nghệ với họ Ngô Thanh Hóa

Giao lưu văn nghệ với họ Ngô Thanh Hóa
 
Giao lưu


 
Giao lưu tại Thanh Hóa

Giao lưu tại Thanh Hóa

Toàn đoàn chụp ảnh kỷ niệm chung

Toàn đoàn chụp ảnh kỷ niệm chung

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập129
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm125
  • Hôm nay45,585
  • Tháng hiện tại148,752
  • Tổng lượt truy cập48,326,642
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây