Đền Gắm Hải Phòng: Một di tích quốc gia, một danh thắng đẹp

Thứ tư - 22/03/2017 18:04

Tháng 2 năm 2017, trong chuyến đi làm việc tại khu vực Hải Phòng, đoàn Hội đồng họ Ngô Việt Nam do ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu đã có dịp đến thăm và thắp hương tại đền Gắm, đền thờ Thái phó Ngô Lý Tín, một tướng tài có nhiều công lao phò vua giúp nước trong triều đại nhà Lý
Trước sân đền Gắm Hải Phòng
Trước sân đền Gắm Hải Phòng

 

Đền Gắm nằm trên bán đảo cửa sông Văn Úc, thuộc địa phận thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đoàn đên thăm đúng lúc nhân dân địa phương vừa tổ chức xong lễ hội mùa xuân, sân cổng đang cảnh bộn bề, rạp phông chưa thu dọn hết, chiếu thảm mới giặt còn phơi phóng ngổn ngang. Chúng tôi xin phép vào đặt lễ dâng hương rồi tham quan trong ngoài một lượt. Xong xuôi các vị trong Ban Quản lý Di tích mời đoàn nghỉ chân uống nước. Ba vị cán bộ, nhân viên tiếp đoàn, giới thiệu khái quát lịch sử di tích lịch sử đền Gắm và thân thế, sự nghiệp Thái phó Ngô Lý Tín. Một lát sau ông Đặng Anh Tuyết, Trưởng ban Quản lý Di tích đi họp về, trực tiếp mời đoàn tham quan lại một số công trình và giới thiệu quá trình trùng tu, tôn tạo vừa qua.

Theo bản thuyết minh di tích đền Gắm, Ngô Lý Tín sinh ngày 20 tháng 1 năm Bính Ngọ (1126) ở trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, thân phụ là Ngô Huy Hiếu, thân mẫu là Đào Thị Phúc. Thủa nhỏ, Ngô Lý Tín theo học một thầy đồ nổi tiếng ở Hải Dương, với tư chất thông minh, chăm chỉ, được thầy yêu bạn quý. Năm ông 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời. Mãn tang cha mẹ, ông tìm đến trang Cẩm Khê, huyện Bình Hà, trấn Hải Dương, nay là thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng mở trường dạy học, luyện tập võ nghệ. Bấy giờ gặp buổi nhiễu nhương, giặc cướp nổi lên khắp chốn, lại thêm hạn hán mất mùa, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, giặc ngoại xâm lại quấy phá biên thùy, vận mệnh quốc gia trứng treo đầu đẳng. Vua Lý Anh Tông ban chiếu cầu hiền, Ngô Lý Tín xin ứng mộ, đem theo 30 trai tráng trong Trang đi cùng, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Năm Nhâm Dần (1182), Ngô Lý Tín được phong chức Thượng tướng quân, mang quân thủy bộ dẹp loạn trộm cướp. Năm 1183, ông được cử làm đốc tướng chinh phạt quân Ai Lao xâm lấn biên thùy, chiến thắng trở về, ông được nhà vua phong làm Thái phó. Năm 1188, quan Phụ chính đại thần, Thái sư Đỗ An Di mất, triều đình cử Thái phó Ngô Lý Tín làm phụ chính cho Vua. Đây là chức quan đứng đầu triều, nắm giữ trọng trách đối với giang sơn đất nước.

Năm 1190  Thái  phó Ngô Lý Tín qua đời ở tuổi 64. Tương truyền, trong điều kiện đất nước thanh bình, quan Phụ chính cùng một đoàn thuyền đem theo tướng sĩ, gia nhân trở về thăm lại trang Cẩm Khê xưa, không may ngang đường đến khúc sông Quán Trang – Văn Úc gặp bão lớn, thuyền chìm, ông và mọi người đều tử nạn. Đó là ngày 9 tháng 10 năm Canh Tuất (1190). Như một phép nhiệm màu, thi hài ông được sóng đánh trôi dạt vào bãi sông trang Cẩm Khê, chính nơi từ đây ông mang gươm đi chinh phạt giặc ngoại xâm, dấy quân dẹp hải tặc. Nhân dân thương tiếc đưa ông lên bãi chôn cất và lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn một vị tướng tài, anh dũng.

 

Đoàn Hội đồng họ Ngô VN dâng hương tại đền

 

Hơn 800 năm nay đền Gắm đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, lần trùng tu gần đây nhất được thực hiện vào năm 1888 dưới triều Đồng Khánh. Trải qua những biến cố thăng trầm của thời gian, lịch sử, đến nay đền Gắm vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ xưa, phong cách thời Nguyễn, với kiểu kiến trúc “tiền nhất hậu đinh”, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Các kèo gỗ có kết cấu kiểu “thuận chồng, đốc thước”, mái lợp ngói mũi hài, các cửa theo kiểu “cửa thùng khung khách”. Năm 1992  Đền được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà nước đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng giai đoạn đầu để trùng tu, phục dựng một số hạng mục công trình, nhưng vì thời gian quá gấp nên không kịp hoàn công. Những năm sau công trình được tiếp tục triển khai, năm 2016 mới hoàn thành tổng thể, đưa vào sử dụng.

Hiện nay các hạng mục chính trong đền như nhà tiền tế, trung đường, hậu cung đã được  tu bổ, tôn tạo khang trang, vững chãi. Một số hạng mục như nghi môn, nhà bia, nhà trưng bày, nhà đón khách, tường rào bao quanh … được phục dựng, hoặc  xây mới. Tất cả trong một khuôn viên hài hòa, tạo nên một không gian sinh hoạt tâm linh, lễ hội và giới thiệu văn hóa lịch sử hoàn chỉnh. Theo lời giới thiệu của ông Nho, một cán bộ quản lý di tích đền Gắm thì năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 890 năm ngày sinh Đức Thánh đền Gắm (tức Thái phó Ngô Lý Tín), một doanh nhân Hải Phòng đã thiện tâm cúng tiến, cho mời thợ đúc Nam Định về đúc tại sân đền pho tượng Thái phó bằng đồng, dát 4 cây vàng, nặng đúng 890Kg.

Vào tham quan, chúng tôi còn phát hiện ra đền Gắm hiện vẫn bảo tồn, lưu giữ được nhiều di vật quý thời Nguyễn như cuốn thư, hoành phi, câu đối, cửa võng chạm “lưỡng long chầu nguyệt”, y môn, ngai rồng, án hương, bát bửu, chuông đồng và một số đồ thờ tự khác. Phía sau hậu cung, đoàn còn được chiêm ngưỡng cây nhãn cổ, được giới thiệu là đã 600 năm tuổi.

Tuy nhiên, trong quá trình tham quan, các thành viên trong đoàn phát hiện một chi tiết bài trí không thuận, đó là: tại hậu cung nơi tượng Thánh an vị, khám tượng đặt dưới câu đầu nhà khiến thanh câu đầu dọi thẳng xuống đầu tượng gây cảm giác nặng nề. Trong thuật phong thủy, xà ngang áp đỉnh là điều kiêng kỵ. Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với Trưởng ban quản lý Di tích, hy vọng Ban quản lý sẽ sớm có cách khắc phục hiệu quả.

 

Ông Đặng Anh Tuyết (ngồi giữa bên trái) giới thiệu với đoàn về công việc trùng tu vừa qua

 

Đền Gắm được xây dựng trên chính mảnh đất Thái phó Ngô Lý Tín từng cắm đất làm nhà, mở trường dạy học, luyện rèn võ nghệ, nghiên cứu binh thư. Điều rất đặc biệt là phần mộ của Thái phó nằm chính tại hậu cung của đền. Điều này làm cho ngôi đền càng trở nên linh thiêng và là cội nguồn của những câu chuyện uy linh, huyền diệu. Với vị trí cách xa khu dân cư trong một không gian rộng lớn, thoáng đãng, phía trước là bãi bồi, thường được cấy trồng thành những vạt rau xanh mướt, đằng xa là dòng sông Văn Úc hiền hòa, xung quanh một hệ thống cây xanh rợp bóng, đền Gắm giữ cho mình một không khí trong lành, bầu trời trong mát, môi trường ít bị ô nhiễm. 

Nhân dân địa phương lấy ngày sinh Thái phó Ngô Lý Tín làm ngày tổ chức lễ hội đền Gắm. Lễ hội được tổ chức vào 3 ngày 18, 19, 20 tháng giêng hàng năm, phần lễ với nhiều nghi thức trang nghiêm, phần hội sinh động, mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian Bắc bộ với nhiều trò chơi truyền thống như đấu vật, kéo co, chọi gà, đánh đu và một số trò chơi phong phú khác.

Không chỉ là một di tích cấp quốc gia có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, đền Gắm còn là một trong những điểm du lịch tâm linh, sinh thái độc đáo của thành phố Hải Phòng, rất đông du khách gần xa đã về tham quan dự lễ. Hội đồng họ Ngô Hải Phòng nên xây dựng chương trình tổ chức cho các thế hệ con cháu họ Ngô trong khu vực hàng năm về dự lễ cùng nhân dân địa phương. Cũng mong bà con họ Ngô trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài có nhiều dịp kết hợp về thăm, chiêm ngưỡng di tích và thắp nén hương thơm, tưởng nhớ Đức Thánh đền – một vị tướng tài, có công với dân với nước.

 

Ngô Văn Xuân

 

Dưới đây là một số hình ảnh minh họa:

 

Bảng chỉ đường trên đê Văn Úc

 

Lối vào đền

 

Trước cổng đền

 

Vườn cây cạnh trước sân đền

 

Nhà bia trước sân đền

 

 

Tượng Đức Thánh đền bằng đồng dát vàng

 

Tượng Đức Thánh đền tại hậu cung

 

Mộ Đức Thánh trong hậu cung

 

Bức cuốn thư thời Bảo Đại

 

Cây nhãn cổ 600 năm tuổi

 

Kiến trúc đền Gắm nhìn từ phía đầu hồi

 

Nhà tiếp khách (xây mới)

 

Bằng công nhận di tích

 

Đoàn họ Ngô VN làm việc với Ban Quản lý di tích

 

Đoàn họ Ngô VN chụp ảnh chung với đại diện Ban Quản lý di tích dưới gốc nhãn cổ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm90
  • Hôm nay33,785
  • Tháng hiện tại770,809
  • Tổng lượt truy cập50,134,027
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây