Đến làng Dương Phạm xã Yên Nhân, hỏi thăm đường đến Đền Hoàng Cô, chẳng mấy khó khăn chúng tôi đã tìm được đến nơi. Đền Hoàng Cô còn gọi là Miếu Thánh Bà, một ngôi đền trông vẻ nhỏ bé, đơn sơ, nép mình dưới gốc cây Dã hương cổ thụ bên phía rìa làng. Cây cổ thụ tán lá tỏa rộng, bóng mát trùm kín cả một vùng rông lớn dưới chân.
Vào Đền chúng tôi làm thủ tục đặt lễ dâng hương. Ngôi đền được xây cách đây không lâu, vẫn theo kiến trúc một gian hai dĩ. Phía trên ban thờ gian ngoài treo bức hoành phi đề 3 chữ đại tự: Đức Hoàng Cô. Khu hậu cung xây theo vòm cuốn, tượng Hoàng Cô đặt ngự trên khám gỗ sơn son thếp vàng, hai bên cửa treo đôi câu đối:
Nhất phiến băng tâm huyền nhật nguyệt
Thiên thu trinh tiết đối giang sơn.
(Hồn trong trắng soi vầng nhật nguyệt/ Đức tiết trinh trọn nghĩa non sông).
Làm lễ trong đền xong chúng tôi ra thắp hương ngoài mộ ở phía sau đền. Mộ Hoàng cô nằm trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng. Phía đầu mộ xây khám với bia uốn hình cung, trên đề hàng chữ: Đức Chúa Hoằng cô, Đô ty Phán sứ hậu chi mộ. Ngôi mộ nằm dưới bóng dâm, được che phủ bởi tán lá sum suê của cây Dã hương cổ thụ và hệ thống cây xanh, hoa cảnh xung quanh tạo nên cảnh u tịch, trang nghiêm.
Sau khi làm xong thủ tục dâng hương, chúng tôi được ông Nguyễn Công Thâu, thủ nhang mời ngồi uống nước. Khi biết chúng tôi là đoàn Hội đồng họ Ngô Việt Nam, con cháu của Đức Hoàng cô, ông nhờ người đi mời ông Vũ Đình Tuấn, Trưởng ban Quản lý di tích đến cùng tiếp khách. Ông Tuấn và ông Thâu đã kể cho chúng tôi nghe nhiều điều về làng Dương Phạm và vùng đất miền quê Yên Nhân cũng như vế sự tích Miếu Hoàng Cô và cây Dã hương cổ thụ.
Yên Nhân là một xã cuối của huyện Ý Yên, Nam Định, nơi ngã ba sông, chỗ gặp gỡ giữa sông Đào và sông Đáy. Đây là một vùng đất trũng, vốn được phù sa bồi đắp bên cửa biển Đại Nha. Trước đây Đại Nha là một cứa biển nổi tiếng với nhiều sóng giữ, đã từng nhấn chìm nhiều tàu bè qua lại nên nó được mang tên là cửa Đại Ác. Năm 1312, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cầm quân đi đánh Chiêm Thành qua đây, thuyền bè gặp sóng lớn, Đại vương đã cho lập đàn tế lễ, tế xong quả nhiên biển lặng sóng im, từ đó cửa Đại Ác được đổi tên thành cửa Đại An. Tên Đại An sau được dùng làm tên huyện, rồi được đọc chệch thành Đại Yên và sau này là Ý Yên.
Truyền thuyết trong vùng kể rằng, xưa kia làng Dương Phạm có đôi vợ chồng nông dân, ông tên là Ngô Công Tước, bà là Nguyễn Thị Hằng, gia đình rất nghèo, phải kiếm sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Một ngày kia, bà thấy trong người thay đổi khác thường, đêm ngủ nằm mơ thấy ánh hào quang rực rỡ ở đầu giường, từ đó bà mang thai. Đến ngày sinh nở, bà sinh ra một bé gái khỏe mạnh, mặt mũi trông rất khôi ngô. Đó là một ngày Xuân năm 1449. Ông bà rất đỗi vui mừng, đật tên cho con là bé Hoằng. Lớn lên bé Hoằng càng xinh xắn, trắng trẻo, đẹp người, đẹp nết và đã lấy tên là Ngô Thị Nữ Hoằng.
Do nhà nghèo khó nên người con gái họ Ngô xinh đẹp hàng ngày vẫn chăm chỉ ra đồng cắt cỏ, bắt ốc, mò cua phụ giúp gia đình. Không những có tính siêng năng, cô còn được trời phú cho bản tính thông minh, giỏi thêu thùa và ca hát.
Năm 1468 Nữ Hoằng tròn 19 tuổi. Vào một buổi sáng mùa xuân, trong lúc cô đang cùng mấy bạn trong làng vừa cắt cỏ vừa ca hát bên cửa sông Đại An thì trên sông xuất hiện một chiếc thuyền rồng. Lúc thuyền rồng đi qua, một anh lính trên thuyền cất lời trêu rằng:
Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Có ngại thuyền rồng anh đón đi chơi.
Trong khi các cô gái khác chưa hiểu chuyện gì thì Nữ Hoằng đã cất lời:
Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Lòng em cũng muốn mở mang cơ đồ.
Đang ngự trong thuyền, nghe lời đối của cô gái, vua Lê Thánh Tông lấy làm ngạc nhiên, vén tấm rèm nhìn về phía cô gái. Vua khẽ thốt lên khi thấy vẻ đẹp tuyệt trần của cô, đặc biệt khi cô bước đi, trên đầu luôn có đám mây đi theo che nắng. Vua hỏi chuyện thì thấy thiếu nữ đối đáp thông minh, lanh lợi và có khí phách nên đem lòng yêu mến.
Ít lâu sau, Vua cho người về đón Ngô Nữ Thị Hoằng vào cung, phong cho làm Nhị phi cung tần. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại lai lịch gia đình, nhà vua mới hay biết Nữ Hoằng vốn có gốc tích chung huyết thống với mình, không được phép chung đụng gối chăn. Vua Lê Thánh Tông đã phong cho Nữ Hoằng làm Đức Chúa Hoằng Cô, Đô ty Phán sứ hậu, chuyên dạy dỗ các công chúa trong cung. Tiếc rằng chỉ mấy năm sau khi vào cung, Nhị phi cung tần đổ bệnh, đến năm 1471 thì qua đời.
Thể theo ước nguyện của Nhị phi, sau khi mất, thi hài bà được đưa về quê an táng.Triều đình cho làm quan tài bằng đồng, dùng chín thuyền chở thi hài, đồ tùy táng và cát, đá ngũ sắc về xây mộ.
Hôm đưa di hài Hoàng Cô về quê không may đúng ngày mưa to gió lớn, Triều đình phải cho dựng mấy gian nhà quàn tạm quan tài để khói hương, đợi trời tạnh mưa sẽ làm lễ an táng. Sáng hôm sau khi trời tạnh mây quang, quân tướng và nhân dân ra thì phát hiện mối đùn lấp gần kín quan tài. Cho rằng đây chính là nơi huyệt tốt, Nhà vua cho quân lính xây mộ an táng bà ngay tại chỗ. Sau đó cho dựng một đền thờ, lấy tên là Đền Hoàng Cô. Cạnh đền trồng một cây xanh, loài cây thân gỗ luôn tỏa ra một mùi thơm ngát. Dân làng không biết tên cây gì nên gọi là cây Xoan dã. Cây Xoan dã và khu vực thờ Nhị cung phi tần được dân làng vô cùng sùng bái, đến nay đã tồn tại hơn 500 năm.
Cách đây chục năm, năm 2007 cây Xoan dã bị mối mọt sâu bệnh xâm hại nghiêm trọng, đe dọa sự sống còn của cây. Trước sự kêu cứu của nhân dân và chính quyền địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho một cơ quan chuyên môn về khảo sát, kiểm tra thực địa. Kết quả kiểm tra, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, cây Xoan dã bên cạnh Đền Hoàng cô chính là cây Dã hương, một loại cây thuộc họ long não đã được ghi trong sách đỏ thế giới. Sau đó Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định và Ủy ban Nhân dân huyện Ý Yên lập đề án chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ cây Dã hương như một di sản quý giá của quê hương và của đất nước.
Ông Nguyễn Công Thâu cho biết, từ trước đến nay nhân dân địa phương rất tôn kính và trân quý khu di tích đền thờ, lăng mộ Đức Hoàng Cô và cây cổ thụ. Dân làng gọi cây Dã hương với từ tôn kính là “Lão thụ Dã hương” (cụ Dã hương). Một điều đáng tiếc là, trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, trong phong trào chống Phong kiến, bài trừ mê tín dị đoan, mộ phần và đền thờ Đức Hoàng cô đã bị phá dỡ, san phẳng; mãi sau này mới được dựng lại và đến năm 2009 theo đề nghị của nhân dân trong làng, chính quyền địa phương mới cho trùng tu, phục dựng như ngày nay. Ông cho biết thêm, ngày 9 tháng 6 Âm lịch là ngày giỗ Đức Hoàng Cô. Hàng năm dân làng tổ chức lễ giỗ trong 3 ngày, từ mồng 7 đến hết mồng 9/6, lễ hội rất vui.
Ngồi hỏi chuyện sâu thêm, ông Thâu còn nói rằng: cụ Ngô Công Tước, thân phụ Hoàng Cô Ngô Thị Nữ Hoằng là em trai Thái Bảo Ngô Từ. Có lẽ đây chỉ là lời truyền tụng, bởi theo Phả hệ Họ Ngô Việt Nam thì 4 anh em Dụ Vương Ngô Từ không người nào có tên là Ngô Công Tước cả, cho dù Công Tước là tên hiệu, tên tự… thì cũng không ai có vợ là Nguyễn Thị Hằng. Hoặc giả hai người là anh em họ hàng xa chăng?
Nếu đúng vậy thì giữa Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, thân mẫu Vua Lê Thánh Tông và Hoàng cô Ngô Thị Nữ Hoằng là quan hệ chị em. Thế thì, Thánh Tông đã lập nhầm dì mình làm Hoàng phi. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến Nhị phi cung tần suốt thời gian trong cung không một lần được hưởng ân sủng của Đức vua?
Xung quanh di tích đền, mộ Đức Hoàng cô và cây Dã hương cổ thụ, ở địa phương đã lưu truyền rất nhiều những câu chuyện lạ kỳ, huyền bí.
Người ta kể những câu chuyện như: "Năm 1960, một người thợ xây tên Uẩn nhà ở ngay sát Đền Hoàng Cô, khi làm nhà đã chiếm vào đất miếu, nhiều người khuyên can không nghe, Uẩn vẫn cứ làm. Sau đó ít lâu, từ một người khỏe mạnh, anh ta bỗng trở nên ngớ ngẩn, chẳng còn biết gì”.
“Năm 1971, ở làng có người tên Nguyễn Văn Thành, đi kéo lúa ngoài đồng, lúc về thấy có con chim sâu trên cây Dã hương mới cầm hòn đất ném, hòn đất bay thẳng vào Đền Hoàng Cô, tức thì cánh tay Thành đang nhiên gẫy gập; mang đi bệnh viện băng bó không những không khỏi mà còn sưng phù lên. Sau người nhà đưa đến Đến làm lễ, vái tạ, mấy ngày sau thì cánh tay Thành trở lại lành lặn"!
Rồi câu chuyện “Có người làng Dương Phạm to gan vác dao trèo lên cây Dã hương chặt ba cành to đem đi bán. Một thời gian sau, trong một lần đi xe máy, người này đâm vào chính gốc Dã hương và thiệt mạng”.
Lại nữa, “Năm 1984, có ông chủ tịch xã cầm súng đứng trước cửa Đền Hoàng Cô bắn hai phát súng, hai năm sau đang ngồi làm việc bỗng hộc máu mồm mà chết”.
“Trẻ con quanh làng nhiều đứa ngổ ngáo đi vào đền trèo cây, bẻ cành, hái lá thì trở nên ngớ ngẩn, phải đến khi thắp hương khấn vái ở Đền Hoàng Cô mới trở lại bình thường. Trâu bò không trông để vào đền phá phách thì tức khắc mấy hôm sau tự nhiên con thì ốm, con thì chết “ v.v…
Đây có thể do sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc do đồn đoán, suy diễn mà ra. Tuy nhiên, cũng một phần do những câu chuyện kỳ bí này mà khu Di tích tăng thêm tính linh thiêng, huyền ảo, giúp hạn chế được sự xâm hại, phá phách của bàn tay con người. Cũng chính vì thế, hơn 500 năm qua, trải biết bao thăng trầm biến cố của lịch sử và sự đổi thay, khắc nghiệt của gió mưa, thời tiết, cây Dã hương vẫn hiên ngang đứng đó, “trơ gan cùng tuế nguyệt”, bất chấp dâu bể cuộc đời, chuyển tải những câu chuyện gắn liền với huyền thoại về người con gái họ Ngô của quê hương Dương Phạm bên bờ sông Đáy.
Nhưng dẫu sao, đối với những công trình, cơ sở tâm linh ta cũng tuyệt đối không nên phỉ báng, xúc phạm. Có một thời chúng ta từng có thái độ sai lệch, dẫn đến hành động đập phá, đối xử thô bạo đối với các cơ sở tâm linh, các công trình thờ tự. Việc làm đó làm tổn thất nặng nề đến các giá tri văn hóa, hậu quả gây ra còn ảnh hưởng lâu dài đến tận sau này.
Chia tay khu di tích, vị thủ nhang tặng chúng tôi mỗi người một khoanh gỗ thơm làm kỷ niệm. Khoanh gỗ được cắt từ những cành Dã hương khô bị gẫy hoặc được cắt tỉa trên cây. Bước lên xe, nhìn lại ngôi Đền tâm hồn cũng thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Tuy nhiên, các công trình đền, mộ Đức Hoàng cô thế này vẫn còn khiêm tốn quá. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay góp sức của mọi người, đặc biệt là các nhà doanh nghiệp họ Ngô, khu Di tích đền mộ Hoàng Cô sẽ tiếp tục được gìn giữ và sớm được trùng tu, nâng cấp khang trang hơn, đẹp đẽ hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương và nhu cầu tham quan, chiêm bái của thập phương du khách .
Ngô Văn Xuân
Dưới đây là một số hình ảnh bổ sung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn