Cho đến nay, các cơ sở thờ tự danh tướng Ngô Văn Sở còn rất ít ỏi, mặc dù công đức và tên tuổi ông được nhiều người biết đến, tên ông cũng được đặt cho rất nhiều đường phố, trường học của các địa phương, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Gần đây chị Vũ Thị Vy, Giám đốc một doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở hoạt động tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, sau khi phát hiện ra một gian đền cũ nát, ẩm mốc thờ Đại tư mã Ngô Văn Sở gần khu nhà ở Công ty, chị đã cất công tra tìm các thông tin liên quan đến vị danh tướng, đồng thời quyết định đứng ra hưng công xây dựng lại ngôi đền khang trang, đẹp đẽ. HNVN xin giới thiệu một số thông tin liên quan đến ngôi đền để bà con và bạn đọc tham khảo.
Từ một bức thư lạ
Ngày 19 tháng 2 năm 2018, khi mở hộp thư điện tử, tôi thấy có 1 bức thư gửi đến từ địa chỉ hanggiang.vu20... Tôi đắn đo không dám mở thư ngay. Do đặc điểm công việc biên tập trang web ngotoc.vn, tôi được nhiều người, nhất là bà con trong họ thường xuyên gửi thư đến liên hệ, trao đổi công việc. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều thư rác (spam) gửi đến làm phiền, lại đề phòng có thư gửi kèm mã độc nên trước khi mở thư tôi phải thận trọng xem xét, nhất là những thư có địa chỉ lạ, địa chỉ khả nghi, không phải người quen hoặc trong dòng họ.
Sau khi cân nhắc tôi vẫn quyết định mở thư. Mở đọc mới biết đây là thư gửi cho bác Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng họ Ngô VN, đồng gửi cho tôi. Thế là yên tâm. Người gửi giới thiệu mình là một phụ nữ họ Vũ, tên Vy, một doanh nhân có địa chỉ công ty tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Chị cho biết cơ sở của chị ở cạnh ngôi đền thờ Đại tư mã Ngô Văn Sở, một ngôi đền đã xập xệ, dột nát; năm 2017 vừa qua chị đã đứng ra chủ hưng công, cùng nhân dân địa phương trùng tu xây lại ngôi đền. Sau khi xem thông tin trên trang ngotoc.vn chị ngạc nhiên khi thấy họ Ngô Việt Nam bề thế và có hệ thống thông tin quy củ như vậy nên đã quyết định liên lạc và gửi thông tin cho chúng tôi. Kèm theo thư là các bức ảnh chụp các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công tu sửa. Đây thật sự là một thông tin quan trọng đối với chúng tôi.
Góc hành trang còn khuyết thiếu
Năm 2015, khi chuẩn bị viết bài đăng lên trang Web giới thiệu danh tướng Ngô Văn Sở, tôi đã tìm đọc khá nhiều tài liệu viết về ông. Các tài liệu có những điểm giống nhau nhưng cũng nhiều điểm khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Bởi vậy tôi phải dựa vào mấy tài liệu chủ chốt sau đây để tổng hợp thông tin: 1/ Lịch sử họ Ngô Việt Nam của tác giả Ngô Đức Thắng; 2/ Báo Bình Định, địa phương nơi quê hương ông và là nơi đặt bảo tàng Quang Trung, trong đó có tượng thờ Đại tư mã Ngô Văn Sở; 3/ Wikipedia tiếng Việt; 4/ Các thông tin trên nội san Họ Ngô Việt Nam Xưa và nay.
Bài tổng hợp của tôi được lấy tiêu đề: "Đại tư mã Ngô Văn Sở - Danh tướng nhà Tây Sơn". Qua nghiên cứu và thu thập thông tin trên các tài liệu, bài tổng hợp khái quát tương đối đày đủ nội dung về cuộc đời, công đức và sự nghiệp của danh tướng Ngô Văn Sở. Duy có một chi tiết mà khi giới thiệu về một nhân vật lịch sử thường được đề cập tới, đó là những nơi thờ tự, thì không thấy tài liệu nào nhắc tới, bởi vậy trong bài tổng hợp cũng không có.
Tháng 10/2015, nhà báo Thu Hà của Đài Tiếng nói Việt Nam đến làm việc với Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, chuẩn bị bài phát trên sóng VOV2 giới thiệu một số nhân vật lịch sử họ Ngô, khi nói về Đại tư mã Ngô Văn Sở, tôi cũng trình bày theo nội dung bài tổng hợp mà không nhắc gì đến cơ sở thờ tự của ông. Sau đó tôi cứ canh cánh trong lòng, thấy như còn khuyết thiếu một điều gì với các bậc tiền nhân.
Từ đó đến nay tôi vẫn trăn trở, để ý, kiếm tìm các thông tin, nhất là trong thời gian từ khi ông Ngô Nhật Dân thực hiện đề án đưa hình ảnh và địa chỉ các di tích, cơ sở thờ tự họ Ngô lên hệ thống Google maps. Do đặc điểm công việc, ông Dân có điều kiện đi nhiều nơi, đặc biệt vào tận mọi hang cùng ngõ hẻm để tìm kiếm nên tôi có lưu ý ông cố gắng tìm tòi được các cơ sở thờ tự của một số vị hiện chưa có hoặc có rất ít như: Hậu Ngô Vương Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn và Đại tư mã Ngô Văn Sở. Hậu Ngô Vương Ngô Xương Ngập ngoài cơ sở Miếu Thượng và khu di tích đình Tam Canh tại thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, mới đây xác định thêm được đình An Trì thuộc phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Còn danh tướng Ngô Văn Sở ngoài bức tượng thờ trong Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt tại khu bảo tàng Quang Trung ở Bình Định thì chưa phát hiện thêm nơi nào khác.
Vì vậy, khi được biết tại đây có ngôi đền thờ Đại Tư mã thì chúng tôi rất mừng, đặt kế hoạch sớm tổ chức vào thăm, thắp hương và tìm hiểu thêm.
Chuyến viếng thăm và dâng hương đầu năm
Sáng 25/2/2018, trong phiên họp đầu xuân Mậu Tuất bàn triển khai công việc đầu năm, nội dung này đã được Chủ tịch Hội đồng đưa ra bàn bạc. Thường trực Hội đồng thống nhất tổ chức đoàn 5 thành viên ngày 27/2 sẽ xuất phát. Đoàn do cụ Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu; tham gia có các ông: Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng; Ngô Hữu Minh, Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học; Ngô Đăng Sinh, nhà ngoại cảm, Ủy viên Thường trực; và Ngô Văn Xuân, Ủy viên Thường trực.
Sáng 27/2, chờ cho hết tắc đường đầu giờ sáng nên mãi 8 giờ chúng tôi mới xuất phát. Tuy nhiên cũng phải len lỏi mãi hơn 30 phút sau xe mới ra khỏi thành phố. Khi bắt đầu vào đường cao tốc, đường thoáng người thưa, xe chạy tốc độ tối đa cho phép nên hơn một tiếng rưỡi sau chúng tôi đã tới nơi. Hôm trước anh Ngô Văn Tuấn đã gọi điện thoại liên lạc trước, hỏi rõ địa chỉ, đường đi nên chẳng mấy khó khăn đoàn tìm được đến. 10h15 xe đứng trước cổng công ty. Sau khi lái xe xuống trao đổi, nhân viên bảo vệ điện thoại báo cho lãnh đạo đồng thời mở cổng cho xe vào cơ quan. Khi xe qua cổng anh bảo vệ đứng giơ tay chào theo kiểu nhà binh, điều này khiến chúng tôi thấy thật ấn tượng.
Đón chúng tôi tại sân Công ty là một người phụ nữ chừng 40 tuổi, dáng hình mảnh mai nhưng tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát và thân thiện. Chị mời đoàn vào phòng khách ở tầng 2, bảo nhân viên pha trà tiếp khách rồi giới thiệu với đoàn. Chị là Vũ Thị Vy, Giám đốc Công ty Vaude Việt Nam, một công ty của một doanh nhân người Đức, chuyên sản xuất dụng cụ thể thao leo núi và trượt tuyết. Công ty đặt cơ sở và hoạt động tại Bỉm Sơn cuối năm 2008. Năm 2011 Công ty mua khu đất ven sườn Đồi Ông làm nhà ở cho cán bộ nhân viên. Khi đến xem đất, đi kiểm tra vòng quanh khu đất, chị thấy ngay cạnh khu đất có một đền thờ nhỏ, phía trước đền có ghi: Đại tư mã Ngô Văn Sở. Đây là một ngôi đền đã rất cũ, dột nát và ẩm mốc nằm ở nơi hoang vu, lạnh lẽo. Sau khi về đây sống và những dịp tuần rằm sang lễ đền, chị luôn cảm thấy rất áy náy như đang mắc nợ, bởi cơ ngơi của mình bên cạnh thì khang trang, sạch sẽ, trong khi ngôi đền tâm linh của bậc tiền nhân thì xập xệ như thế.
Chị đã xin phép lãnh đạo thị xã Bỉm Sơn và Phường, đề nghị cho phép nhân dân khu phố đứng ra trùng tu, sửa chữa lại ngôi đền, chị đứng sau lo toan mọi công việc.
Sau khi được chấp thuận, chị thuê người thiết kế và bắt đầu cho xây dựng lại ngôi đền. Chỉ trong thời gian ngắn, từ đầu tháng 3 đến cuối năm 2017, các hạng mục công trình đã cơ bản được hoàn thiện, kể cả các đồ phụ trợ và đồ thờ cúng cũng được mua sắm đầy đủ.
Giới thiệu sơ bộ một số vấn đề, xong chị mời đoàn ra thăm thực tế hiện trường. Đây là ngôi đền được xây theo kiến trúc hình chữ Đinh với 3 gian tiền tế và 1 hậu cung, cấu trúc bê tông giả gỗ. Đền nằm ngang triền Đồi Ông, lưng dựa núi, cửa nhìn xuống thung lũng, nay là khu dân cư và nhà máy gốm sứ Bỉm Sơn. Đường lên đền nối từ đường dân sinh đến trước sân đền dài khoảng chừng 50 mét được mở rộng, giữa lát đá, hai bên trồng cỏ và hoa.Trước sân đền trồng mấy loại cây thường có ở các đền chùa hay nơi thờ tự như: Vạn tuế, Bách, Đại, Ngọc Lan...
Bên trong đền, chính giữa là ban thờ Thần, phía trên treo bức hoành phi 4 chữ đại tư: HỘ QUỐC TÝ DÂN (Báo vệ đất nước, che chở dân lành), hai bên treo đôi câu đối: Sinh vi lương tướng, vi trung thần, lẫm liệt/ Hóa tác tôn Thần, tác hiển Thánh, đại vương (Tạm dịch: Sống là tướng giỏi, là tôi trung, lẫm liệt/ Thác hóa Thần thiêng, hóa Thánh sáng, đại vương). Trong hậu cung, sát tường đặt tượng Đại tư mã với dáng vẻ cương nghị, nghiêm trang; phía trên treo bức hoành phi: VẠN CỔ ANH LINH (Linh thiêng muôn thủa), hai bên treo đôi câu đối: Huân nghiệp trường tồn lưu trúc bạch/ Thanh linh bất dẫn hiển Thần uy (Tạm dịch: Nghiệp lớn mãi còn lưu sử sách/ Danh thiêng bất hủ rạng uy Thần).
Bên phải đền có một chiếc giếng khơi, mặc dù đứng treo leo sườn núi nhưng quanh năm nước đầy trong vắt. Cạnh giếng, dịch phía trên là ngôi nhà ngang dùng làm nơi chuẩn bị đồ lễ trước khi dâng lên đền. Vạt đồi phía sau đền được kè đá cao hàng chục mét đề phòng sụt lở.
Đồi Ông hay còn gọi là đồi Ông Đùng nằm trong quần thể di tích lịch sử và thắng cảnh Bỉm Sơn đã được cấp bằng di tích Lịch sử cấp nhà nước năm 1993. Nơi đây thuộc vùng ven chân dãy núi Tam Điệp, nơi quân đội Tây Sơn từng tập luyện binh mã trước khi kéo ra đánh chiếm thành Thăng Long, tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược tết Kỷ Dậu (1789).
Năm Mậu Thân (1788) , 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta. Trước thế lực rất mạnh của giặc, với tầm nhìn chiến lược, danh sỹ Ngô Thì Nhậm đã hiến kế, được Đại tư mã Ngô Văn Sở và các tướng lĩnh chấp thuận nghe theo, rút toàn bộ quân sỹ về vùng núi Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, chờ đại quân của Quang Trung Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra hợp binh, kéo ra đánh chiếm Thăng Long giành thắng lợi cuối cùng. Khu vực này chính là nơi quân đội Tây Sơn chuẩn bị lương thảo, củng cố hậu cần, luyện tập binh mã, thương nghị quân cơ... Nơi đây sau đã hình thành những địa danh tên tuổi gắn với các sự kiện khi đại quân Tây Sơn ở đây như: Đồi Ông Tập, Đập chắn Voi, Đồng Càn Chuối, Đồng Cắm cờ, Đồi Ông Đùng, Đền Cây vải…
Sửa soạn xong lễ vật, chúng tôi vào đền thắp hương, bái lạy nguyện cầu Thần linh và anh linh các bậc tiền nhân phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, cho dòng họ được hưng thịnh, trường tồn, cho cháu con được bình an, hạnh phúc. Nhà ngoại cảm Ngô Đăng Sinh giúp đi kiểm tra lại một lượt việc bài trí, kê đặt trong đền, cho ý kiến khắc phục một số điểm còn khiếm khuyết chưa phù hợp.
Công việc xong xuôi đã đến 12 giờ trưa. Đoàn trở lại công ty trao đổi thêm một số thông tin. Theo chị Vy, chi phí cho việc xây đền và mua sắm đồng bộ đến thời điểm này là gần 3 tỷ đồng. Việc đứng ra hưng công xây lại ngôi đền thờ Đại tư mã Ngô Văn Sở thực sự là một việc làm cao cả, thể hiện cái tâm sáng, không vụ lợi của một nhà doanh nghiệp đối với các bậc tiền nhân, những người có công với dân, với nước. Đây là việc làm đáng được trân trọng, ghi công.
Những chuyện kỳ ảo quanh việc xây dựng lại đền
Làm việc với chị Vũ Thị Vy chúng tôi được nghe chị kể nhiều câu chuyện ly kỳ, huyền diệu xung quanh việc xây dựng ngôi đền.
Chị kể rằng, trong thời gian tìm mua đất xây dựng nhà ở cho cán bộ Công ty, như có sự run rủi, có người mách bảo chị tìm đến khu đất ven sườn đồi, nơi có người đang muốn bán. Rồi khi biết đến ngôi đền thờ Đại tư mã Ngô Văn Sở bên cạnh, đứng trước sân đền chị thầm khấn niệm, xin Thần cho được mua mảnh đất, và hứa sẽ cải tạo cảnh quan nơi đây, thì công việc mua bán trở nên rất thuận tiện. Chỉ trong một tuần lễ các thủ tục mua bán đã xong xuôi.
Và từ khi khởi công xây dựng Đền cho tới cuối năm 2017, chị đã được Ngài về chỉ dẫn các việc cụ thể: hướng Đền, vị trí chính điện, đồ thờ, khai giếng, phong Thần, thượng cờ, hội tụ linh khí… cũng như cho chị cơ duyên gặp những người có năng lực tâm linh về hỗ trợ chị để ngôi Đền được hoàn thiện theo đúng nghĩa tâm linh.
Không rõ sự thật ra sao, nhưng hiện tượng áp vong, nhập hồn hiện vẫn tồn tại trong thực tế như một hiện tượng khách quan. Cho đến nay khoa học vẫn chưa có sự lý giải thỏa đáng nào về những hiện tượng siêu nhiên trong thế giới tâm linh. Bởi vậy chúng tôi lược thuật lại những chuyện này để bà con tham khảo thêm. Dẫu sao, bằng sự nhiệt tình, với tâm trong sáng, đây cũng là một việc làm ý nghĩa, xứng đáng được trân trọng, tôn vinh.
Ngô Văn Xuân
Dưới đây là một số hình ảnh bổ sung:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn