Ngày 6/5/2018 (tức 21 tháng 3 năm Mậu Tuất), tại từ đường họ Ngô Vọng Nguyệt, Hội đồng Gia tộc hai họ: Vọng Nguyệt và Dục Nội đẫ làm lễ Cáo Tổ kết nối dòng họ.
Đến dự Lễ có đại diện tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, đại diện Hội đồng họ Ngô Thành phố Hà Nội, Hội đồng Họ Ngô khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, đại diện Câu Lạc bộ Tuổi trẻ họ Ngô Việt Nam, Câu Lạc bộ Tuổi trẻ Họ Ngô Hà Nội, đại diện các họ: Lý Trai (Nghệ An), Ngô Vi (Tả Thanh Oai, Hà Nội), các thành viên Hội đồng Gia tộc cùng đông đảo bà con nội ngoại hai Họ Vọng Nguyệt và Dục Nội.
Hội đồng Họ Ngô Việt Nam cử đoàn do cụ Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu cùng 4 thành viên: Ngô Tiến Quý, Ngô Quang Xuân, Ngô Xuân Bình và Ngô Văn Xuân đến dự lễ.
Sau nghi thức tế Tổ và dâng huơng tại từ đường, hai họ bắt đầu với nghi thức nhận họ.
Ông Ngô Vi Tiết, đại diện Hội đồng Gia tộc họ Ngô Vọng Nguyệt báo cáo khái quát lịch sử hình thành và truyền thống vẻ vang của dòng họ, đồng thời tóm tắt lịch sử tồn tại và công tác gìn giữ từ đường của dòng họ. Ông Ngô Vi Lợi, họ Ngô Vọng Nguyệt, báo cáo quá trình kết nối giữa hai họ, nêu những chứng cứ vững chắc và xác đáng để hai họ có cơ sở nhận chung cội nguồn. Ông Ngô Văn Doanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Gia tộc họ Dục Nội thay mặt chi họ bày tỏ sự vui mừng của bà con trong họ khi tìm được Tổ tông, nguồn cội, hai họ về lại một nhà, nguyện cùng nhau xây đắp mối tình đoàn kết ngày thêm vững mạnh. Các đại biểu 2 họ phát biểu bổ sung đều bày tổ sự phấn khởi vui mừng được dự buổi lễ hôm nay. Một số đại biểu cũng mạnh dạn nêu một vài nội dung con thắc mắc để Hội đồng Họ Ngô Việt Nam cũng như hai họ tiếp tục nghiên cứu.
Trong phần phát biểu của mình, cụ Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Họ Ngô Việt Nam chúc mừng bà con hai họ Vọng Nguyệt và Dục Nội, đồng thời chỉ ra một số điểm còn tồn tại đề nghị hai họ cố gắng làm tốt hơn nữa trong thời gian sắp tới, trong đó có việc kiểm tra lại dự thảo phả hệ của họ mình để kịp thời phục vụ cho việc tái bản cuốn Phả hệ Họ Ngô Việt Nam sắp tới.
Họ Ngô Vọng Nguyệt, thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là một họ lớn, có lịch sử lâu đời, đến nay họ đã có 18 đời, họ có 5 chi với tổng số hơn 1.500 nhân khẩu. Họ Vọng Nguyệt tự hào với truyền thống vẻ vang về đường học vấn, Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, Dòng có rất nhiều người học hành đỗ đạt, được nắm giữ các vị trí trọng trách của triều đình và của đất nước, trong đó 5 đời có người đỗ đại khoa. Từ đường họ Ngô Vọng Nguyệt cũng là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị cao. Gần đây, năm 2016 họ Ngô Vọng Nguyệt đã tổ chức đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đối với nhà thờ 5 tiến sỹ.
Thủy Tổ họ Vọng Nguyệt là cụ Ngô Nguyên, một trong sáu người con “cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế, cụ về lập nghiệp nơi đây từ giữa thế kỷ 15. Đến đời thứ 4 là cụ Ngô Phúc Thọ, do một lý do chính trị, cụ chuyển cư về Dục Nội, nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ở đó cụ lấy vợ, sinh 2 con trai là Ngô Phúc Tường và Ngô Phúc Công, sau này trở thành Thủy tổ hai họ Ngô Văn và Ngô Đăng của Dục Nội. Năm 2000, Ban Liên lạc Họ Ngô Việt Nam (nay là Hội đồng họ Ngô Việt Nam) và đại diện các họ Vọng Nguyệt, Ngô Văn và Ngô Đăng (Dục Nội) đã có cuộc hội thảo và đã thống nhất sự kết nối này.
Sau thời gian dài tiếp tục xem xét kỹ lưỡng, chắc chắn không còn cấn cá gì, nay hai họ đã chính thức làm lễ kính cáo Tổ tiên và làm thủ tục nhận họ.
Xin được chúc mừng hai họ: Dục Nội, Vọng Nguyệt, kính chúc bà con có nhiều sức khỏe, không ngừng đoàn kết gắn bó thân tộc, xây dựng cuộc sống mới ngày càng tươi vui, hạnh phúc.