Câu chuyện tâm linh: Cha đi tìm con - con tìm cha

Thứ sáu - 24/07/2015 15:40

Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, ngotoc.vn xin giới thiệu bài viết của tác giả Ngô Minh Chiến, kể về hành trình một người cha đi tìm đưa hài cốt liệt sỹ - con mình về quê. Câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng khi đọc vẫn đọng lại trong ta những tâm trạng sâu lắng, nhiều xúc cảm khó quên.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: baoquangninh
Ảnh minh hoạ. Nguồn: baoquangninh

 

 

Năm 1978 -1979 mặt trận Tây Nam diễn ra những trận chiến ác liệt giữa Quân tình nguyện Việt nam với tàn quân Khơ me đỏ của Pôn Pốt. Trong một trận truy quét tàn quân địch gần biên giới Thái Lan - Căm pu chia, chiến sĩ Ngô Quang Tuyên đã anh dũng hi sinh. Thi hài anh được chuyển về mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Dưới đây là câu chuyện kể về những gì đã xảy ra sau 13 năm của liệt sĩ, một người con hi sinh đã tìm về quê mẹ.

Năm 1992 ông Ngô Phùng, một cán bộ mặt trận của xã Cộng Hòa, thị xã Cẩm Phả, cha của liệt sĩ Ngô Quang Tuyên, cùng đoàn cán bộ Thị xã đi tham quan một số tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ. Nhân dịp đi thăm quan, ông Phùng tâm niệm vào trong ấy sẽ tìm đến  thắp cho con nén hương, đồng thời tìm hiểu để sau này cùng gia đình đón con về với quê hương.

Vì hoàn cảnh nhà đông con, khi đó thời bao cấp đồng lương hạn hẹp, biết con hi sinh nằm ở đất Tây Ninh đã hơn chục năm trời, nhưng ông và gia đình không có cách nào vào thăm con được. Nỗi nhớ thương con canh cánh trong lòng khiến ông không mấy khi được vui, nhiều đêm mất ngủ. Đây là dịp để ông có điều kiện tìm vào với con.

Chiếc xe ca hiệu Ba đình sau nhiều ngày rong ruổi qua các tỉnh miền Bắc, miền Trung, đưa đoàn cán bộ tham quam đến nghỉ tại khách sạn Bến Thành – Thành phố Hồ Chí Minh. Kế hoạch của đoàn, sáng đi tham quan các  danh lam, di tích lịch sử một số địa phương quanh khu vực Thành phố, tối trở về nghỉ tại khách sạn.

Đêm đầu tiên vào nghỉ tại Sài gòn, nằm trên đệm êm, gối mềm, phòng ngủ có máy điều hòa mát mẻ nhưng ông Phùng trằn trọc không sao ngủ được. Mãi gần sáng mệt quá ông thiếp đi, trong giấc mơ ông thấy con trai hiện lên trách:

- Xa cách đã 13 năm bố vào đến đây mà không đến thăm con.

Lúc tỉnh giấc ông thấy bên ngoài trời đã sáng, nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ 30. Ông trở dậy rửa mặt mũi, vệ sinh cá nhân, đợi đoàn dậy để báo cáo và xin phép trưởng đoàn cho được đi Gò Dầu thăm con ở nghĩa trang liệt sĩ. Ăn sáng xong, mọi người lên xe rời khách sạn bắt đầu hành trình tham quan Thành phố. Ông Phùng cũng lên chiếc xe khách từ chợ Bến Thành đi Tây Ninh. Xe chạy tới thị trấn huyện Gò Dầu ông xuống, hỏi đường vào nghĩa trang liệt sĩ huyện. Anh lái xe ôm vui vẻ nhận lời chở ông đi. Sau nửa giờ lăn bánh, chiếc xe máy dừng lại trước cổng nghĩa trang. Ông định rút tiền trả, người lái xe ôm ngăn lại bảo:

- Bác đừng vội, cháu chờ ở đây nếu cần đi đâu cháu chở bác đi. Bác đi làm việc tâm linh cháu sẽ giúp bác với giá cả phải chăng để lấy phước, bác đừng lo.

Anh lái xe ôm cùng ông đi vào nghĩa trang. Căn nhà hai gian của người quản trang trống vắng. Hai bác cháu phải chờ gần nửa giờ mới thấy người quản trang về. Ông pha trà mời hai người khách. Uống xong chén trà ông Phùng trình bày  việc của mình. Ông quản trang nghe kể rồi chậm rãi Nói:

- Việc này tôi có thể giúp ông. Ở đây có một ngôi mộ liệt sỹ là người miền Bắc, đã nhiều năm qua chưa thấy người thân qua lại hương khói chăm sóc, rất có thể là ngôi mộ ông cần tìm.

Ba người đi ra ngôi mộ, ông Phùng thắp một thẻ hương và khấn gọi con trai. Xong việc quay lại căn nhà của quản trang trao đổi tiếp. Ông quản trang khuyên ông Phùng nên vào Phòng Thương binh Xã hội huyện hỏi lại cho kỹ, nếu cần giúp gì thì quay lại đây.

Ông Phùng cám ơn ông quản trang, lên xe cùng anh lái xe ôm đi về phố huyện.

Hôm đó là ngày nghỉ cuối tuần, các cơ quan nhà nước không làm việc, hai người phải hỏi đường tìm vào nhà riêng anh Phó phòng Thương binh Xã hội, người quản lý hồ sơ liệt sĩ. Mặc dù là ngày nghỉ nhưng anh Phó phòng vui vẻ dẫn ông Phùng trở lại cơ quan, tra hồ sơ và xác nhận ngôi mộ đúng là của liệt sĩ Ngô Quang Tuyên, hi sinh năm 1979 tại mặt trận Căm-pu-chia, quê ở Đầm Hà - Quảng Ninh. Anh nói thêm nếu bác Phùng có đủ giấy tờ giới thiệu để chuyển hài cốt liệt sỹ về quê thì cơ quan sẽ giúp đỡ.

Ông Phùng vô cùng mừng rỡ, không còn nghi ngờ gì đây chính là con trai cả của ông, đã nằm đây 13 năm xa quê hương, ruột thịt.

Cám ơn anh Phó phòng Thương binh – Xã hội , hai người lên xe trở lại nghĩa trang. Đến nghĩa trang, ông Phùng chỉ định gửi lại người quản trang ít tiền, nhờ ông mua giùm ít hương hoa, thắp nhang cho con mình những khi ông không thể đến với con. Vào đến nơi vừa đúng lúc cha con ông quản trang chuẩn bị ăn cơm, hai cha con mời mãi ông đành ngồi vào mâm. Mâm cơm có rau cải xanh xào, thịt gà rang muối, toàn những thứ do hai cha con ông quản trang tăng gia tự túc. Cơm với thức ăn đơn giản nhưng ông rất thấy ngon miệng vì vui mừng đã đến được với con trai, mặt khác từ sáng vội đi ông cũng chưa kịp ăn gì. Ăn xong, anh con trai dọn mâm bát, ông quản trang pha ấm trà mới, hai người rót nước uống. Ông Phùng kể cho ông quản trang nghe chuyện ông vào Phòng Thương binh – Xã hội. Khi biết ông Phùng là cha liệt sĩ Ngô Quang Tuyên, ông quản trang cười lớn bảo ông Phùng:

- Tôi và ông là người cùng họ, tên tôi là Ngô văn Cộ, ông cần giúp gì tôi sẽ giúp cho đừng ngại.

Rồi ông kể chuyện năm ngoái cũng có người nhà của một ông cấp tướng đến nhờ tôi để đưa hài cốt của con em mình về. Ông nói thêm, nếu ông Phùng có nguyện vọng thì ông sẽ giúp. Chỉ cần sắm một cái lễ thần linh, thổ địa và lễ chia tay những đồng đội của liệt sỹ Ngô Quang Tuyên, ông sẽ nhờ người đào và bốc hài cốt liệt sỹ, xong việc thù lao cho họ ít tiền là được. Nghe xong ông Phùng có vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Nhìn dáng vẻ mỏi mệt của ông Phùng ông quản trang bảo:  

- Ông vào giường của tôi nằm nghỉ một chút, chắc đêm qua ít ngủ phải không.   

Ông Phùng cám ơn xong vào giường nằm, ít phút sau đã chìm vào giấc ngủ say. Trong giấc ngủ, ông thấy Tuyên hiện lên với vẻ mặt tha thiết, bảo ông:

- Bố hãy đưa con về đừng ngại gì cả. Bố cứ quyết mọi việc sẽ thuận lợi. 

Một lúc sau ông tỉnh giấc, mặt trời đã xuống sau rặng cây phía xa. Ông trở dậy kể lại chuyện giấc mơ cho ông quản trang nghe. Nghe xong ông quản trang bảo:

- Ở đây thi thoảng tôi cũng mơ thấy các chú hiện lên kể cho nghe chuyện những trận đánh ác liệt ngày xưa. Những chuyện ấy linh thiêng lắm đấy, chớ coi thường.

Sau một hồi suy nghĩ, ông Phùng bảo ông quản trang giúp đỡ để cha con ông được cùng nhau về quê lần này chứ sau đợt đi này không biết đến bao giờ ông mới có thể trở lại thăm con. Ông quản trang bảo:

-  Ông nghĩ thế là phải, chứ thời buổi này kinh phí thì eo hẹp, thủ tục phép tắc lại phiền hà, đi lại vô cùng khó khăn, tốn kém, biết bao giờ ông mới có thể đưa hài cốt con mình về. Tôi nói thật, bác nên nghe kẻo sau này ân hận.

Ông Phùng nghe xong bảo:

- Để hôm nay tôi về thu xếp, mai lên nhờ ông giúp cho.

Ông ra xe trở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Về đến khách sạn cũng vừa lúc đoàn tham quan vừa về. Mọi người hối hả tắm rửa để cơm nước xong còn đi xem hát cải lương. Ông và ông bạn già cùng phòng cáo mệt không đi xem.

Khi mọi người đi khỏi, hai ông xuống cửa, ra ngồi nhâm nhi tách cà phê ở một chiếc quán gần khách sạn. Ông tâm sự thật với ông bạn già về ý định muốn đưa con về cùng  với mình.Ông bạn già tỏ vẻ cảm thông và khuyên ông nên làm, nếu có khó khăn về tiền bạc ông sẽ giúp đỡ. Nói xong ông rút ra tập tiền đưa cho ông Phùng. Ông Phùng bảo nhiều quá, ông bạn già bảo cứ cầm đi đề phòng có việc đột xuất cần chi tiêu nhỡ thiếu.

Sáng hôm sau ông lại xin phép đoàn trưởng để lên với con. Ông đi xe đến phố Huyện, vào chợ sắm đủ đồ lễ và thực phẩm để vào nghĩa trang làm cơm cúng.

Vào đến nghĩa trang đã thấy ông quản trang và hai người nữa đang ngồi đợi. Họ cùng nhau nấu nướng làm lễ rồi ra mộ thắp hương. Ông khấn các thần linh và hương hồn con có linh thiêng phù hộ cho ông để mọi chuyện thông đồng bén giọt. Sau bữa cơm, hai người chia tay hẹn nửa đêm sẽ quay lại giúp ông.

Đến quá nửa đêm được giờ mọi người mới ra khu mộ và bắt tay vào công việc. Sau hơn nửa giờ đào đã thấy hài cốt. Khi giở ra, bên trong có chôn theo một số kỉ vật của người đã chết, đặc biệt, còn có một chiếc chai con bên trong đựng giấy tờ, xác nhận tên tuổi, đơn vị, quê quán, ngày hi sinh của liệt sĩ. Ông Phùng không còn nghi ngờ gì, đây chính là con trai ông. Quá xúc động, hai hàng nước mắt bỗng dưng tuôn chảy. Ông quản trang bảo:

-  Thôi, bác hãy cầm lòng, mau chóng làm xong để cha con bác còn kịp về chuyến xe sớm.

Khi mọi thứ đã được gói bọc kĩ lưỡng trong vải và áo ny-lon, ông còn cho thêm hai cân chè khô bọc xung quanh, cùng mấy bộ quần áo của ông để lên trên. Ông cám ơn hai người dân và ông quản trang họ Ngô đã giúp đỡ. Ông đưa biếu mỗi người mấy chục đồng. Riêng cha con ông quản trang không nhận, bảo ông:

- Tôi ở đây để làm việc nghĩa nên không bao giờ nhận tiền của ai. Được giúp ông, lại là người trong Họ, đưa con trai mười mấy năm trời xa cách gia đình về là tôi vui rồi, ông không phải bận tâm suy nghĩ. Có dịp trở lại đây thăm bố con tôi nhé!

Ông Phùng rơm rớm nước mắt nói lời cảm ơn. Ông có chút ân hận tự nghĩ: giá biết trước thì sẽ mua tặng cha con ông quản trang ít vải vóc, đồ đạc làm quà kỉ niệm. Con trai ông quản trang giúp ông xách chiếc sắc du lịch trong đựng hài cốt ra cửa nghĩa trang rồi tiện đường đưa ông ra Thị trấn Gò Dầu.

Khi đến Thị trấn, vừa đúng lúc chuyến xe sớm nhất về Sài gòn tới. Ông Phùng lên xe ,chào con ông quản trang. Anh thanh niên chúc ông đi đường thuận tiện, gặp nhiều may mắn.

Chiếc xe chạy được khoảng ba mươi phút thì dừng lại trước cổng một trạm gác liên nghành. Một anh bộ đội khoác súng, theo sau có hai nhân viên kiểm lâm, thuế vụ, vẫy xe dừng lại để kiểm soát hành lý. Xe dừng ông Phùng vội xách chiếc túi sắc để xuống vệ cỏ ven đường. Sau khi kiểm soát trên xe xong, anh bộ đội xuống bảo ông mở sắc ra cho kiểm tra. Ông bảo anh đi lui ra phía sau xe và ghé sát tai anh nói nhỏ: 

-Trong sắc có hài cốt liệt sĩ, con tôi chiến đấu ở Căm-pu-chia, anh thông cảm.

Sau khi xem giấy tờ tùy thân của ông và ảnh chân dung một người chiến sỹ mặc quân phục, anh lính gác bất chợt nhận ra đồng đội của mình đã cùng chiến đấu ở mặt trận Căm-pu-chia năm nào. Anh đứng lặng, nghiêm trang chào người đồng đội, rồi xách chiếc sắc mời ông lên xe và ra dấu cho xe chạy. Lúc trước vì sốt ruột sợ trễ giờ, bác tài xế mấy lần định nổ máy nhưng không sao nổ được. Chỉ đến khi cha con ông Phùng đã an tọa trong xe, chiếc xe mới nổ máy giòn giã. Xe chuyển bánh trong cái vẫy chào thân ái của anh lính gác trạm liên ngành, ông thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ: giấc mơ và lời nói của con ông đã linh ứng; linh hồn của những người đồng đội con ông đã luôn theo sát phù trợ cho cha con ông được thuận lợi và may mắn trên con đường thiên lý trở về quê hương.

Ông trở về khách sạn báo cáo sự việc với ông trưởng đoàn, Trưởng đoàn đưa mọi người đi tham quan là ông Hân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng của Thị ủy Cẩm Phả. Nghe xong ông cũng rất xúc động và bảo ông Phùng nói cho lái xe biết. Thế là mọi việc êm xuôi. Tất cả mọi người trong khách sạn không ai hay biết, chỉ riêng có cha con ông, trưởng đoàn, anh lái xe và ông bạn già được biết.

Qua mấy ngày còn lại tham quan đây đó, cha con ông đi đâu cũng ở bên nhau. Đến bữa ông luôn xới thêm bát cơm cho con như dành cho một thành viên mới của đoàn. Thực sự con ông đã trở thành một thành viên của đoàn. Đoàn cán bộ Thị xã đi tham quan nay mặc nhiên trở thành đoàn rước hài cốt liệt sĩ trên đường trở về quê.

Chú lái xe mỗi sáng lại thắp một tuần nhang khấn nguyện linh hồn người liệt sĩ linh thiêng phù hộ cho mọi người đi đường được an toàn và may mắn. Sau một tuần lễ rong ruổi trên đường, xe chở mọi người về tới Thị xã an toàn trọn vẹn.

Lãnh đạo thị xã Cẩm Phả khi được biết trên xe có hài cốt liệt sĩ đã bố trí một chuyến xe con ra đón và chở hai cha con ông Phùng về tận trụ sở Ủy ban Nhân dân Xã. Hôm sau lãnh đạo Thị xã cùng UBND xã Cộng hòa và nhân dân địa phương, thân bằng quyến thuộc của gia đình long trọng cử hành Lễ đón nhận và an táng liệt sĩ với đầy đủ nghi thức trang trọng nhất.

Mặc dù chuyến đi không theo con đường chính thống, nhưng hành trình “hồi hương” của liệt sỹ Ngô Quang Tuyên vô cùng thuận lợi, có nhiều tình tiết trên đường dường như sự trùng hợp khó tin. Người thân trong gia tộc, anh em bè bạn, nhân dân địa phương vô cùng xúc động và tự hào đã đón nhận về một người con ưu tú của quê hương, một liệt sĩ đã hy sinh thân mình vì hạnh phúc của mọi người, vì sự bình yên của tổ quốc.

 

Ngô Minh Chiến

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập252
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm249
  • Hôm nay36,296
  • Tháng hiện tại441,246
  • Tổng lượt truy cập47,166,354
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây