Tìm hiểu bộ bát bửu trong các cơ sở thờ tự

Thứ năm - 13/08/2015 20:05

Để giúp bạn đọc hiểu thêm về đặc điểm và ý nghĩa của từng loại bát bửu, chúng tôi xin trình bày tình hình trưng bày bộ bát bửu hiện có ở một số cơ sở thờ tự hiện nay(*)
Bộ bát bửu tại đình Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Bộ bát bửu tại đình Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Vào các ngôi đình, đền, miếu, nghè, chùa, chúng ta thấy ở gian giữa, trước hậu cung, có hai giàn đồ thờ bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, gồm 8 cặp vũ khí thời cổ (kích, mâu, long đao, truỳ,...) hoặc cuốn thư, cái quạt, biển,... Bộ đồ thờ đó, các cụ gọi là Bát bửu (hoặc bát bảo), tức là tám đồ thờ quí.

Bát bửu là một trong những mô típ trang trí trong các cơ sở thờ tự của người Trung Hoa, và được truyền vào Việt Nam từ khoảng giữa thế kỷ XVII. Nơi thể hiện đầu tiên của hình tượng bát bửu ở Việt Nam là chùa Bút Tháp (tên chữ là Ninh Phúc tự), huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Nhưng phải đến thời Nguyễn, hình tượng bát bửu mới được thể hiện nhiều ở các cơ sở thờ tự trong dân gian (đặc biệt là ở các ngôi đình làng) và ở các kiến trúc cung đình. Từ kết quả tìm hiểu các bộ bát bửu, chúng tôi xin tạm chia ra có ba loại trưng bày bát bửu trong ba loại cơ sở thờ tự. Đó là loại bát bửu trong các ngôi chùa của Phật giáo, loại bát bửu trong các văn miếu của Nho giáo và các ngôi đạo quán của Đạo giáo, loại bát bửu trong các ngôi đình của tín ngưỡng thờ Thành hoàng.

1. Loại bát bửu trong các ngôi chùa của Phật giáo

 Tại các ngôi chùa, bộ bát bửu được mô tả dưới các hình thức: lá đề, tù và, tàn lọng, cờ, hoa sen, nậm nước cam lộ, cá và dây kết nút; hoặc: bánh xe pháp, tù và ốc, tàn lọng, hoa sen, chữ “vạn”, độc lư bốn chân, dây kết nút.

Tìm hiểu những hình tượng có trong bộ bát bửu trong chùa trên đây, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa mà chúng muốn biểu đạt là: hình lá đề tượng trưng cho sự giác ngộ; hình tượng hoa sen thể hiện ước muốn về miền cực lạc; bánh xe pháp tượng trưng cho sự nghiệp chuyển pháp luân của đức Phật (hình thức này, đầu tiên nằm trong tay các tượng Phật, sau, được chuyển sang nhiều mô típ trang trí khác, trong đó có hình thức bát bửu); hình chữ “vạn” biểu thị cho sự tốt lành, cũng có nghĩa là công đức viên mãn, cũng có nghĩa là hải vân cát tường, (hình tượng này đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ, sau này mới truyền sang Trung Quốc, Việt Nam,...); hình tượng nút dây có bố cục chặt chẽ, hoạ tiết mềm mại, có ý nghĩa cuộc đời có nhiều phiền não, cần được cởi bỏ. Hình tượng bình nước cam lộ biểu thị cho sự cứu độ chúng sinh của đức Phật Như Lai. Còn các hình tượng khác, như: tù và ốc, tàn lọng, cá, độc lư bốn chân,... không phải chỉ có ở chùa mà có thể có mặt ở những cơ sở thờ tự khác nữa.

2. Bộ bát bửu có ở một số văn miếu của Nho giáo và đạo quán của Đạo giáo

Văn miếu là cơ sở thờ tự của đạo Nho, đạo quán là cơ sở thờ tự của Đạo giáo. Tại đó, bộ bát bửu cũng được trưng bày một cách trang trọng, ở vị trí trạng trọng. So với bộ bát bửu được trưng bày ở chùa, bộ bát bửu ở đó có một số điểm khác. Tại các văn miếu của đạo Nho và đạo quán của Đạo giáo, bộ bát bửu có những đồ vật sau đây:

- Quyển sách: là vật dụng quan trọng nhất của nhà Nho, vì ở đó nó chứa đựng và chuyển tải tư tưởng của các bậc Thánh hiền, vì vậy, sách là biểu tượng cho sức mạnh của nhà Nho. Biểu tượng quyển sách bao giờ cũng được đi kèm với cuốn thư, bút lông.

- Đàn: là vật biểu thị cho thú vui tao nhã của nhà Nho. Nó thường được đi kèm với bầu rượu, túi thơ.

- Quạt lông: biểu tượng của thú tiêu dao, nhàn tản của nhà Nho, của bậc vương giả. Cũng như cây đàn, quạt lông có nguồn gốc từ bộ bát bửu của cơ sở thờ tự của đạo Lão.

- Khánh: biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng.

Ngoài ra, bộ bát bửu của một số văn miếu còn có lẵng hoa, ô trám, sáo, tù và, bầu rượu,... vốn có nguồn gốc từ tập quán thờ tự, trưng bày của đạo Lão, đạo Phật và tín ngưỡng dân gian.

Bộ bát bửu tại đền Thượng Tiết thờ Ngô Quyền ở Mỹ Đức, Hà Nội

3. Bộ bát bửu tại cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian.

Cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian là các ngôi đình, đền, miếu. Bộ bát bửu ở những nơi thờ tự này thường có: mâu, đao, thương, kích, chấp, chùy, trượng, mác. Vì bộ bát bửu này phần nhiều là những loại vũ khí biểu tượng cho sức mạnh vũ lực, nên đôi khi người ta còn gọi là bộ chấp kích hay lỗ bộ. (Thực ra, gọi là bộ chấp kích hay lỗ bộ, chỉ khi nào những loại binh khí này được bày trong phủ đường của các viên quan đứng đầu phủ, đầu tỉnh, và bày trên một giá gỗ hình giẻ quạt, với mục đích là để thể hiện quyền uy, còn khi chúng được bày ở gian giữa, trước hậu cung trong ngôi đình, đền, miếu theo thế thẳng đứng và cắm trên hai giá thì phải gọi là bộ bát bửu). Hình dáng của mỗi loại binh khí này có nét tạo hình riêng, được thể hiện như sau:

- Đao (còn gọi là long đao) là loại binh khí mà phần đầu có chức năng sát thương được gia công bằng kim loại, có độ dày thích hợp, sắc, cong về một phía, bản rộng, mũi nhọn.

- Mác là loại binh khí có phần đầu được gia công bằng sắt, hình thoi, có cạnh, đầu nhọn, dùng để sát thương đối phương.

- Chấp là loại binh khí mà ở phần đầu có tiết diện nhỏ, hình vuông, hai bên có hai mũi phụ nhọn hai đầu.

- Kích có hình dáng giống như chấp, nhưng chỉ có một mũi phụ ngắn.

- Chùy là loại binh khí mà phần sát thương là một quả cầu bằng kim loại và có gắn thêm một mũi nhọn ở phía trên.

- Mâu (còn gọi là bát xà mâu) là loại binh khí mà phần sát thương được gia công bằng sắt, có hình dáng ngoằn ngoèo như con rắn đang bò, đầu nhọn.

Các loại binh khí trên đây khi trở thành đồ thờ, chúng đều được gia công bằng gỗ và có kích thước lớn bằng hoặc gần bằng vật thật.

Tìm hiểu chủng loại và cách trưng bày bộ bát bửu trong các cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo ở Bắc Ninh và một vài địa phương xung quanh Hà Nội, chúng ta có dịp hiểu thêm về năng lực tư duy và sự khéo léo của người Việt. Đó là sự biểu hiện ý chí, sức mạnh của cộng đồng làng xã; là cảm quan nghệ thuật và năng lực thể hiện cảm quan nghệ thuật đó, và vì thế, đó cũng là sự tự khẳng định mình một cách mạnh mẽ.

Nguyễn Quang Khải

(Theo baobacninh)

(*) HNVN đăng bổ sung các ảnh minh họa và biên tập lại một số chi tiết cho phù hợp.

 Từ khóa: thờ tự, bát bửu

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm86
  • Hôm nay32,006
  • Tháng hiện tại769,030
  • Tổng lượt truy cập50,132,248
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây