Ý nghĩa lễ Vu Lan – rằm tháng Bảy

Thứ ba - 18/08/2015 18:05

Lễ Vu lan rằm tháng Bảy mang một ý nghĩa linh thiêng, nó như một cây cầu vô hình nối giữa hai bờ của thế giới cõi Âm và thế giới cõi Dương, đồng thời cũng mang ý nghĩa lớn lao là báo ân cha mẹ, và bao trùm hơn là ý nghĩa uống nước nhớ nguồn.
Cúng rằm tháng Bảy
Cúng rằm tháng Bảy

 

Theo quan niệm dân gian, ở ta từ xưa rằm tháng Bảy được gọi là ngày Xá tội vong nhân, tức là ân xá cho những vong hồn tội lỗi, khi ở Dương gian sống ác độc, làm nhiều điều thất đức, chết xuống Âm phủ bị tra tấn, giam cầm nơi Địa ngục. Đây là một ngày lễ lớn trong năm.

Bên Trung Quốc người ta gọi rằm tháng Bảy là tết Trung nguyên. Trong tết Trung nguyên người ta làm lễ Giải đảo huyền, tức là giải thoát cho các oan hồn bị tra tấn, hành hạ bằng cách treo ngược đầu xuống (đảo huyền: treo ngược). Bây giờ người ta hay gọi là lễ Vu lan. Vu lan là viết tắt từ Vu-lan-bồn, phiên âm từ tiếng Phạn: Ullambana, cũng với ý nghĩa trên.

Xuất phát từ sự tích về lòng hiếu thảo của Bồ tát Mục Kiền Liên, một vị bồ tát có lòng đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói), Vu Lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và ông bà, tổ tiên.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên vốn theo đạo khác nhưng sau ông quy y cửa Phật và đã tu luyện thành công nhiều phép  thần thông, được liệt vào hạng đệ nhất thần thông trong hàng đệ tử của Phật. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Do đói ăn lâu ngày, mẹ ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm, tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, nhưng khi thức ăn đưa lên miệng tất cả đều hóa thành lửa đỏ.

Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng cần theo cách này (gọi là Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Lễ Vu lan được tổ chức vào 15 tháng Bảy âm lịch, trùng với ngày lễ Xá tội vong nhân. Mục đích ban đầu chỉ là cúng dưỡng  thức ăn cho các quỷ đói, những  oan hồn không người thân thích, không nơi nương tựa, không ai cúng giỗ và cầu nguyện cho linh hồn họ được siêu thoát. Sau này do ảnh hưởng của đạo Phật người ta mới cầu nguyện cho cả vong linh của ông bà, cha mẹ, người thân được siêu thăng tịnh độ, và cầu cho cha mẹ hiện tiền được sống lâu, mạnh khỏe, an vui. Bởi vậy bây giờ người ta gọi Lễ Vu lan là Lễ báo hiếu phụ mẫu, hay gọi cả tháng Bẩy Âm lịch là tháng báo hiếu cha mẹ, ông bà.

Cũng xuất phát từ tích truyện về Mục Kiền Liên, người ta cho rằng, con cái hay người nhà muốn cứu cha me hay người thân của mình thoát khỏi nơi địa ngục, trước tiên phải làm lễ cầu siêu hoặc cúng tế, cầu nguyện  ở chùa rồi sau mới cúng Thần linh, Tiên Tổ và cúng chúng sinh ở nhà. Lễ cúng Thần linh, Tiên tổ thì cúng tại bàn thờ nhà mình, còn cúng chúng sinh (hay cúng thí thực, cúng cô hồn) thì ở ngoài sân, vỉa hè, ngoài chợ ..., kèm theo các của bố thí. Các lễ cúng này thường được tổ chức ban ngày, trước khi trời tối.

Mùa Vu lan - giới trẻ với bông hồng trên ngực áo. Nguồn: internet

 

Những năm gần đây, trong tháng Bảy Âm lịch người ta còn tổ chức các lễ cầu siêu cho các binh sỹ tử vong trong chiến trận, cho những người dân bị tử nạn trong chiến tranh và những người qua đời do các tai nạn khác, cũng như cầu cho quốc thái dân an cho.mọi người hạnh phúc. Bởi vậy, Lễ Vu lan rằm tháng Bảy mang đậm tính nhân văn thiêng liêng, cao cả, nó như một cây cầu vô hình nối giữa hai bờ của thế giới cõi Âm và thế giới cõi Dương, đồng thời cũng mang ý nghĩa lớn lao là báo ân cha mẹ, và bao trùm hơn là ý nghĩa uống nước nhớ nguồn.

Ở Việt Nam bây giờ Lễ Vu Lan cũng được gọi là “Ngày của mẹ”, ý nghĩa như Ngày của Mẹ của Phương Tây (Mother’s Day – ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm). Dịp này một số nơi giới trẻ đi chùa  cầu nguyện cho cha mẹ mình, những người  vinh hạnh còn mẹ thì cài trên ngực bông hoa hồng màu đỏ, người nào mẹ đã khuất núi thì cài bông hồng  màu trắng. Ai cài hoa màu trắng sẽ thẫy xót xa thương nhớ vì mẹ đã mãi mãi đi xa. Ai cài hoa màu đỏ sẽ thấy sung sướng, tự hào vì mình còn mẹ, đồng thời cũng nhắc nhớ một điều, phải luôn cố gắng làm vui lòng mẹ, đừng để mẹ phải buồn, kẻo một mai mẹ khuất bóng thì có khóc than, ân hận cũng đã muộn rồi.

 

Ngô Xuân (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập397
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm391
  • Hôm nay36,627
  • Tháng hiện tại441,577
  • Tổng lượt truy cập47,166,685
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây