Cây Ngô Đồng xứ Huế

Thứ bảy - 01/04/2017 18:04

vào lúc lá trên cây rụng hết nhường chỗ cho hoa ngô đồng khoe sắc tím thì cùng lúc tất cả các cây ngô đồng sau lưng điện Thái Hòa đều đồng loạt trổ hoa tạo thành những tán màu lung linh rực rỡ, lặng lẽ nghiêng mình xuống các mái lầu duyên dáng, những cung điện nguy nga… tạo nên một khung cảnh huyền hoặc tuyệt vời.
Hoa Ngô đồng
Hoa Ngô đồng

Xưa nay, cây ngô đồng được biết đến chủ yếu qua thi ca như biểu tượng một loài cây vương giả, nó cũng thường được gắn với hình tượng chim Phượng hoàng, một loài chim cao sang, quý phái.

Theo truyền thuyết Trung Hoa, thủa xưa vua Phục Hy tình cờ trông thấy có năm sắc sao rơi xuống cụm ngô đồng và chim phượng hoàng đến đó đậu. Nhà vua biết phượng là chúa của các loài chim, do vậy cây ngô đồng này hấp thụ tinh hoa của trời đất, là loài gỗ linh có thể chế đồ nhã khí được, liền cho người hạ cây, cắt làm ba đoạn để phân tam tài (thiên - địa - nhân). Đoạn ngọn tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoạn giữa tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Nhà vua cho ngâm đoạn giữa thân cây dưới dòng nước, đúng bảy mươi hai ngày đêm, vớt lên phơi trong mát cho thật khô, chọn ngày tốt, gọi người thợ khéo Lưu Tử Kỳ chế làm nhạc khí, bắt chước nhạc Cung Dao Trì, đặt tên là Dao cầm. Đàn lên, có thể làm hổ nghe nín kêu, vượn nghe nín hót.

Trong thi ca, cả nền thi ca Trung quốc và thi ca Việt Nam, nhiều tác phẩm đã nhắc đến hình tượng cây ngô đồng, trong đó được nhắc đến nhiều nhất ở hai câu cổ thi:

Ngô đồng nhất diệp lạc 
Thiên hạ cộng tri thu.

(Một lá ngô đồng rụng/ Ai cũng biết thu sang). 

Tả cảnh mùa thu trong cung Trường Tín, Vương Xương Linh, một thi nhân đời Đường bên Trung Quốc, có những câu thơ da diết:

Kim tỉnh ngô đồng thu diệp hoàng
Châu liêm bất quyển dạ lai sương

(Bên giếng ngô đồng thu vàng lá/ Rèm châu không cuốn mặc sương vào)

Trong bài Thu cảm, nhà thơ Đỗ Phủ cũng nhắc tới cây ngô đồng qua hai câu:

Hương đạo trác dư anh vũ lạp
Bích ngô thê lão phụng hoàng chi

(Hạt thơm anh vũ ăn rồi nhả/ Cành ngô biếc đậu phượng hoàng già).

 
Ngô đồng trong Đại nội  Huế. Ảnh internet

Trong thi ca Việt Nam, cây ngô đồng rất sớm được nhắc tới trong những vần ca dao: 

Cây ngô đồng cành biếc
Cái con chim phượng hoàng nó đậu cành cao
Thương em phận gái má đào
Bởi tham đồng bạc trắng nên em phải vào cái chốn cực thân. ..

Và nữa:

Đồng Đăng có phố Kỳ lừa 
Có nàng Tô Thị , có chùa Tam Thanh 
... ... ...
Chùa này có một ông thầy
Có hòn đá tảng có cây ngô đồng
Cây ngô đồng không trồng mà mọc
Hòn đá tảng không đắp mà cao...

Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng nhiều chỗ nói tới cây ngô đồng, như những câu: 

Nửa năm hơi tiếng vừa quen 
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng 

Hay: 

Thú quê thuần hức bén mùi 
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô. 

Khi viết Văn tế Thập loại Chúng sinh, tác giả Truyện Kiều cũng nói tới lá ngô đống:

Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau dặm bạc lá ngô đồng vàng. 

Sang đến thế kỷ 20, trong bài thơ mang tựa đề Tỳ bà có 28 câu, mỗi câu bảy chữ dùng toàn vần bằng của Bích Khê, một nhà thơ trong phong trào thơ mới, cũng diễn tả tâm trạng qua hình tượng cây ngô đồng ở hai câu kết: 

Ô hay, buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! vàng rơi thu mênh mông. 

Nói chung hình ảnh cây ngô đồng trong thi ca thường là để tả cảnh sửa soạn biệt ly hoặc cảnh mùa thu sắp đến, đem theo nỗi buồn man mác của cõi lòng.

 
Ngô đồng trong Đại nội  Huế. Ảnh internet

Do xuất phát từ huyền thoại là cây vương giả, nên cây ngô đồng xưa kia chỉ được trồng ở những nơi quyền quý thiêng liêng, đó là trong Hoàng thành và ở các lăng vua nhà Nguyễn. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, gần hai trăm năm trước, khi có được hai cây ngô đồng mang từ Quảng Đông (Trung Quốc) về, vua Minh Mạng cho trồng ở hai góc của điện Cần Chánh trong Đại nội. Sau đó nhà vua lại sức cho Bộ Công chọn người thông hiểu cây cỏ mang theo lá cây làm mẫu lên vùng núi Trường Sơn tìm cây mang về trồng thêm ở các góc điện, vì lẽ ở Việt Nam các vùng ven núi đều có bóng dáng cây ngô đồng. Không những thế, khi cho đúc cửu đỉnh để “tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại”... nhằm tượng trưng cho đế nghiệp bền vững của nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho chạm khắc trên chiếc đỉnh mang thụy hiệu của mình, tức là Nhân đỉnh các họa tiết thể hiện cây ngô đồng. Theo các nhà nghiên cứu thì họa tiết đó chính là hình ảnh cây ngô đồng được trồng ở góc điện Cần Chánh vào lúc cây ngô đồng cỏn trẻ, lá cây còn ở dạng 5 thùy. Cũng vì lẽ đó, dường như không có một thành phố nào ở Việt Nam lại có nhiều cây ngô đồng được trồng hơn là ở xứ Huế; và cũng không nơi nào ở nước ta, người dân quan tâm đến cây ngô đồng hơn là người dân ở vùng đất Cố đô. Đã có nhiều bài viết nói tới cây ngô đồng, hoặc nghiên cứu về cây ngô đồng, nhưng phần lớn đều của tác giả người Huế 

 
Cây Ngô đồng được khắc trên Nhân đỉnh của Cửu Đỉnh. Ảnh internet

Các nhà nghiên cứu về thực vật học cho biết núi rừng Việt Nam có nhiều loại cây thuộc họ Trôm (tên khoa học là Sterculiaceae) vốn mang hình thái gần giống với cây ngô đồng ở Huế khiến nhiều ngưới nhầm lẫn. Giống cây ngô đồng hiện có mặt tại Huế được nhiều người thống nhất rằng chúng thuộc họ Firmiana simplex, nghĩa là cây ngô đống Trung Quốc được người Tây phương gọi là Chinese Parasol Tree. Parasot là cái lọng hay cái dù, có tác dụng che ánh mặt trời lấy bóng mát, mặc dù thực ra cây ngô đồng không có tác dụng ấy. Trong bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu Huế do Trung tâm Nghiên cứu Huế xuất bản tháng 12 năm 2003, tác giả Đỗ Xuân Cẩm cho biết giống cây ngô đồng ở Huế có hai kiểu lá: vào thời gian đầu của thời kỳ sinh trưởng thì lá trên cây hầu hết đều ở dạng 5 thùy; đến khi cây trưởng thành thì lá chỉ còn 3 thùy hoặc không phân thùy. Trong khi có tác giả nghĩ rằng họa tiết thể hiện cây ngô đồng trên thành Nhân đỉnh được mô phỏng theo hình vẽ các sách thực vật học Trung Quốc thì tác giả Đỗ Xuân Cẩm lại xác nhận rằng đó là nghệ nhân căn cứ vào thực tế cây ngô đồng trồng ở điện Cần Chánh, lúc ấy cây còn non. Phân tích sâu hơn, Đỗ Xuân Cẩm cho biết ngô đồng có hai loại, một loại mọc tự nhiên ở rừng Việt Nam thuộc chi Firmiana simplex phân bố tự nhiên từ Nghệ An trớ ra đến các tỉnh miền nam Trung Quốc, một loại khác là Firmiana colorata Roxb được gọi là ngô đồng đỏ; cả hai chi ngô đống này đều ra hoa vào khoảng tháng 7 âm lịch và trước khi ra hoa, toàn bộ lá ngô đồng lần lượt rụng hết, vì thế người ta mới bảo khi lá ngô đồng rụng thì mọi người đều biết mùa thu đang tới. Các tài liệu đều thống nhất rằng, cả hai chi này hoa ngô đồng thường tập hợp thành chùm đầy lông có màu trắng hay màu váng.

Trong khi đó, chùm hoa ngô đồng ở Huế đài hoa có lông phủ màu tím nên khi hoa nở rộ vào khoảng trung tuần tháng 2 đến trung tuần tháng 3 âm lịch, cả cây ngô đồng được bao phủ bởi một mảng màu hồng tím rất đẹp. Tác giả Đỗ Xuân Cẩm cho rằng cây ngô đồng ở Huế là một biến thể của chi Firmiana simplex và đề nghị hãy gọi chúng là “ngô đồng Huế”. Nhìn chung nhiều tác giả nghiên cứu đều chỉ ra rằng những loại cây tương tự như cây vông đồng, cây vông nem, cây vông vang, cây độc bình, cây mã đậu (mà có nơi còn gọi là bã đậu) … đều không phải là cây ngô đồng hiện chúng ta đang nói đến, mặc dù nhiều nơi vẫn còn nhầm lẫn về tên gọi.

 
Cây Ngô đồng bên đầu cầu Tràng Tiền. Ảnh internet


Danh tiếng của cây ngô đồng Huế đã kéo khá nhiều du khách đến vùng đất cố đô vào giữa mùa xuân để chiêm ngưỡng hoa đẹp rực rỡ của loài cây này. 
Vào lúc lá trên cây rụng hết nhường chỗ cho hoa ngô đồng khoe sắc tím thì cùng lúc tất cả các cây ngô đồng sau lưng điện Thái Hòa đều đồng loạt trổ hoa tạo thành những tán màu lung linh rực rỡ, lặng lẽ nghiêng mình xuống các mái lầu duyên dáng, những cung điện nguy nga… tạo nên một khung cảnh huyền hoặc tuyệt vời. Có người cho rằng chiêm ngưỡng cây ngô đồng đúng lúc nhất là khi hoa đã nở rộ trong nắng ấm buổi sáng, so sánh hình ảnh những bông ngô đống họp thành một tấm màn hoa màu hồng phấn pha tím nhạt như đuôi con chim phượng đung đưa trong nắng gió nhiệt đới rồi liên tưởng đến những nàng cung nữ đang trình diễn những điệu múa duyên dáng trước mặt đấng quân vương. Có lẽ hình ảnh lộng lẫy của hoa ngô đồng tăng thêm nét huyền hoặc chính nhờ khung cảnh u mặc của cung đình Huế. Mặt khác, trong nét trầm buồn của xứ Huế được màu sắc rực rỡ của hoa ngô đồng, làm cho cái cổ kính của cố đô càng thêm vẻ lung linh, huyền hoặc. Người ta bảo, ở đây cây ngô đồng đã có một chốn đắc địa để khoe sắc. Và cũng chính vì thế, việc người dân xứ Huế quan tâm đến cây ngô đống là điều tất nhiên.

 
Cây Ngô đồng đang ra hoa trong công viên Tứ Tượng. Ảnh internet

Từ những cây ngô đồng đầu tiên đến ngụ cư ở góc điện Cần Chánh trong Đại nội Huế, đã có nhiều cây ngô đồng được nhân ra, được trồng mới ở nhiều lăng tẩm, đền đài. Dưới thời Pháp thuộc, có một cây ngô đồng được trồng ngay lối vào công viên Tứ Tượng trước khách sạn Saigon Morin trên đường Lê Lợi nhưng đã bị cơn lốc năm 1985 quật ngã. Ngày nay cũng ở công viên Tứ Tượng , đã có thêm hai cây ngô đồng, một cây vươn cao vượt hẳn những loài cây chung quanh được trồng sát trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, một cây nữa nhỏ hơn mới được trống lại ngay cổng vào công viên. Tại công viên Thương Bạc, về phía cầu Tràng Tiền có cả một cụm ngô đồng, các cây mới trồng đến nay cũng đã hơn chục năm và đã lần lượt trổ hoa. Đã có những nghiên cứu và đề nghị việc trồng thêm cây ngô đồng trong thành phố Huế. Với bao danh lam thắng cảnh, với núi Ngự, sông Hương mơ mộng, với lăng tẩm đền đài cổ kính, với không khí u mặc của một cố đô, việc cây ngô đồng được nhân rộng, được trồng quanh vòng thành của Đại nội và dọc theo hai bờ sông Hương, Huế sẽ có thêm một nét duyên mới tạo thành một đặc trưng rất Huế, bằng công sức bão tồn và chăm sóc của con người chứ chẳng phải … không trồng mà mọc.

Tổng hợp trên mạng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập303
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm297
  • Hôm nay34,259
  • Tháng hiện tại782,148
  • Tổng lượt truy cập50,145,366
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây