Một câu chuyện tình cờ, đầy cảm động: mới đây, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 238 ( Quân khu Việt Bắc) có tổ chức buổi gặp mặt các thân nhân liệt sĩ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). 81 gia đình liệt sĩ ở khắp mọi nơi được mời về để nhận ghi tên con mình vào 81 ngôi mộ chiến sĩ vô danh đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ chống Pháp tại khu vực Núi Đôi, thuộc xã Phù Linh (Sóc Sơn). Sau khi làm xong thủ tục phần lễ, có một cụ già gần 90 tuổi, râu tóc bạc phơ, nắm chặt tay một ông lão hơn 70 tuổi, giơ lên cao, dõng dạc tuyên bố: “Đây là đồng chí Trịnh Khanh, chồng của nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc, và cũng là chàng trai nguyên mẫu trong bài thơ “Núi Đôi” đã khiến cho mọi người thật bất ngờ, xúc động vì, người con gái Núi Đôi năm xưa trong thơ của Vũ Cao đã có chồng. Một sự thật còn đẹp hơn huyền thoại:
“ CHÚNG TÔI CƯỚI NHAU ĐƯỢC HAI NGÀY ...”
Lần theo địa chỉ, ngày 22/9/2006 tôi tìm đến nhà ông Trịnh Khanh hiện trú quán tại đội 8, xóm Đông, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong căn nhà cấp bốn khiêm nhường, ông Khanh tính tình cởi mở, nhưng lại rất ít nói về mình. Dường như những kỉ niệm của một thời trai trẻ, ông chỉ muốn để cho riêng mình và cho người đã khuất.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, Trịnh Khanh luôn luôn tự hào về quê hương mình có ngọn núi Sóc, nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời. Nhất là mỗi khi có bộ đội hành quân qua làng, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong cậu bé Khanh. Năm 1947 (tròn 17 tuổi), Trịnh Khanh xung phong tình nguyện tham gia quân đội, và đầu quân ở đại đội Trần Quốc Tuấn (Trung đoàn 121), đơn vị chủ lực chuyên làm nhiệm vụ chiến đấu ở vùng đồng bằng Trung du Bắc Bộ. Mặc dù nay đây mai đó, sống chết luôn cận kề nhưng đời lính lúc nào cũng hồn nhiên, vô tư và vui như tết.
Năm ấy, đơn vị ông đóng quân ở gần khu sơ tán thuộc xã Bắc Sơn (Sóc Sơn). Một hôm, cậu Trần Nhu (biệt danh là Nhu bẻm mép), quê ở Hà Tây, nét mặt hớn hở đến gặp Trịnh Khanh và bảo:
- Cậu có một cô gái đồng hương rất xinh, hiện đang theo học tại lớp y tá. Nếu muốn “cưa” thì bọn mình sẽ giúp.
Không ngờ câu tán vui đó lại trở thành sự thật. Mối tình giữa anh bộ đội Trịnh Khanh (thôn Vệ Linh) với cô nữ du kích Trần Thị Bắc, người cùng xã (ở thôn Xuân Đoài) đã trở thành biểu tượng cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước của lớp trẻ trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta.
Ông Khanh bồi hồi, xúc động nhớ lại: Từ lúc quen biết cho đến gần hai năm sau (1952), tôi mới gặp lại Bắc khi cô ấy tiếp tục theo học lớp y tá của tỉnh Vĩnh Phúc. Chúng tôi đã ngỏ lời hẹn ước với nhau khi nào thắng trận ở Bắc Hồng (Đông Anh) sẽ về tổ chức đám cưới. Thời gian đó, Bắc thường sang chơi, nấu cơm cho cả mấy anh em trong đơn vị và được mọi người quý mến gọi là “nàng dâu” của Tiểu đoàn. Nhất là chính trị viên đại đội Nguyễn Viết Bát, là người luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để chúng tôi thường xuyên được gặp nhau. Đó là những khoảnh khắc thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng mang đầy ý nghĩa đối với cả tôi và Bắc vì đã hiểu được thế nào là niềm hạnh phúc của những người yêu nhau. Rồi Trần Thị Bắc quay về Phù Linh để tiếp tục hoạt động du kích trong vùng địch hậu, còn tôi thì say sưa lao vào những trận đánh mới. Cuối năm 1953, trước lúc bước vào trận đánh tiêu diệt quân địch càn quét ở xã Bắc Hồng (Đông Anh), chính trị viên đại đội Nguyễn Viết Bát ghé sát tai tôi nói: “Đánh xong trận này, tớ sẽ giải quyết cho cậu ba ngày ra vùng tự do để cưới vợ”. Vốn đã từng làm công tác văn phòng ở đại đội chuyên “nói có sách, mách có chứng”, tôi liền rút giấy bút ở trong túi ra và tự tay thảo vội bức “công văn” ngắn gọn: “... Đại đội Trần Quốc Tuấn đồng ý giải quyết cho đồng chí Trịnh Khanh về quê tổ chức lễ cưới với cô Trần Thị Bắc, đề nghị gia đình và chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ để đồng chí Khanh hoàn thành nhiệm vụ. Ký tên....” thảo xong bức thư, tôi đưa ngay cho chính trị viên duyệt và anh Bát cầm bút ký liền. Không ngờ, sau trận đánh ấy, anh Bát đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Phần vì tiếc thương người chính trị viên đại đội và cũng là để thực hiện ý nguyện của anh mong muốn cho tôi và Bắc sớm được nên vợ, nên chồng, tôi quyết định xin phép đơn vị ba ngày về thăm gia đình. Khi đưa cho Bắc xem lá thư có chữ ký của chính trị viên Nguyễn Viết Bát, em im lặng không nói điều gì, mà hai hàng nước mắt cứ trào ra.... Tôi hiểu tâm trạng của Bắc lúc đó vừa thương xót anh Bát, vừa kính phục tấm lòng đức độ của người chỉ huy luôn quan tâm vun đắp hạnh phúc cho mọi người. Tôi và Bắc đã quyết định xin phép gia đình hai bên để tổ chức đám cưới. Nhưng đến khi bàn công việc cụ thể thì cả hai đứa đều khóc, vì hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, chúng tôi lại chẳng có tiền để mua thuốc, nước mời bạn bè. Bắc trở lại vùng địch hậu gặp mẹ và thật bất ngờ, ngay hôm sau mẹ Bắc đã quẩy đôi quang gánh nặng, một bên là cậu em út Trần Văn Nhuận, một bên đầy bánh kẹo lên vùng tự do Hồng Kỳ để làm lễ cưới. Đêm tân hôn hôm đó, vợ chồng tôi được mọi người quan tâm, chuẩn bị cho một ổ rơm lót đệm lá chuối khô trong một túp lều nhỏ trên sườn đồi. Hai ngày sau, chúng tôi lại phải chia tay nhau. Ngờ đâu đó là cuộc chia ly vĩnh viễn...
“ EM SỐNG TRUNG THÀNH, CHẾT THUỶ CHUNG”
Ba tháng sau ngày cưới, cùng một lúc ông Khanh nhận được 3 lá thư, một lá của đồng đội, một của vợ nhắn là đã gửi cho ông chiếc đồng hồ và chiếc áo len, một lá của gia đình báo tin Trần Thị Bắc đã anh dũng hy sinh trong lúc cô đang làm nhiệm vụ. Đọc đến đây, ông Khanh lặng người đau đớn, hai dòng lệ cứ tuôn trào, rơi xuống những dòng chữ trong bức thư. Thế rồi cũng phải đến ngày hoà bình lập lại, ông mới có dịp trở về làng tìm mộ vợ.
Một chiều đông năm 1955, dân làng thấy một anh bộ đội quanh quẩn thơ thẩn bên gò cầu Cồn. Người em họ của liệt sĩ Trần Thị Bắc nhận ra anh rể của mình đã oà lên khóc: “Chị Bắc nát ngực, máu đọng khô, nhiều viên đạn còn nằm trong đó” . Mặc dù chưa gặp và cũng chưa được chứng kiến tình yêu đôi lứa của anh lính Cụ Hồ năm nào với liệt nữ Núi Đôi, nhưng nhà thơ Vũ Cao đã cảm nhận được những thổn thức từ trái tim của người chiến sĩ lúc ấy: “ Mới đến đầu ao tim sét đánh / Giặc giết em rồi dưới gốc thông/ Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa/ Em sống trung thành, chết thuỷ chung”.
HỎI VỢ CHO CHỒNG LIỆT SỸ
Sự đau buồn dần dần rồi cũng nguôi ngoai. Cuối năm 1957, cả ba người mẹ, mẹ đẻ của nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc, cùng mẹ đẻ và mẹ nuôi của Trịnh Khanh đã thân chinh đến thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (Đông Anh) để hỏi vợ cho ông. Bà Phan Thị Khuyến (vợ ông bây giờ) là người hiểu lẽ đời, sống có tình, có nghĩa... Hàng năm, cứ đến ngày giỗ, tết, bà Khuyến lại cùng các con về quê Núi Đôi để thắp hương tổ tiên, gặp gỡ họ hàng, người thân của người đã khuất.
Tình yêu cao đẹp của nữ liệt sĩ Núi Đôi và niềm hạnh phúc của gia đình luôn là động lực giúp ông vượt qua được mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 19 năm tham gia quân đội với quân hàm Thượng uý, sau đó chuyển ngành công tác tại Ban lịch sử Đảng tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 1975, ông về làm chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Mác-Lênin cho đến khi nghỉ hưu. Với những công lao cống hiến, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 5 Huân chương các loại và tấm huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Giờ đây, mặc dù tuổi đã cao, sức đã giảm, nhưng ông Khanh vẫn luôn tâm niệm một điều, đó là: Phải sống sao cho xứng đáng đối với những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của tổ quốc .
Khi chúng tôi đăng bài này lên trang fb thì được tin ông Trịnh Khanh - “Anh đi bộ đội sao trên mũ” đã qua đời. Và bài viết như một nén tâm nhang để tưởng nhớ tới hai vợ chồng (Trịnh Khanh - Trần Thị Bắc), những con người đã đi vào lịch sử của dân tộc.
Bài, ảnh: Ngô Văn Học
(Bài đăng trên fb Ngô Văn Học)
Dưới đây xin được giới thiệu lại bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao:
Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục Đoài, Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi
Em vẫn đùa anh: sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi!
Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹn
Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau.
Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mấy bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục, Núi Đôi chăng?
Anh nghĩ, quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vành đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.
Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông?
Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn, anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh ghé thăm nhà, thăm Núi Đôi.
Mới tới đầu ao, tin sét đánh
Giặt giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành, chết thuỷ chung!
Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ có con đường quen.
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!
Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo:
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong;
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?
Từ núi qua thôn, dường nghẽn lối
Xuân Dục Đoài, Đông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao, nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay
Cha mẹ đưa nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau.
Anh nghe có tiếng người qua chợ:
Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!
Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ.
Oán thù còn đó, anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này!
Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
(Vũ Cao - 1956)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn