Tìm hiểu tục lệ cúng giỗ xưa nay của người Việt

Thứ ba - 04/07/2017 20:02

Cúng giỗ là một truyền thống văn hóa đẹp của người Việt, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tấm lòng kính trọng, tiếc thương của người đang sống với người đã khuất.
Lễ giỗ Tổ họ Phan Ngô Minh Giám, Vũ Thư, Thái Bình
Lễ giỗ Tổ họ Phan Ngô Minh Giám, Vũ Thư, Thái Bình

 

Ngày giỗ còn gọi là húy nhật hay kỵ nhật, là ngày mất của một người tính theo âm lịch, là dịp để con cháu và người thân hàng năm tổ chức cúng cơm tưởng nhớ đến người đã khuất, đồng thời cùng nhau gặp mặt nhận họ nhận hàng và bàn bạc những công việc chung của gia đình, dòng họ.

Cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, được coi là việc báo hiếu, là ngày con cháu tưởng nhớ đến công lao sinh thành, xây nền đắp móng của các bậc tổ tiên, và để cầu xin vong linh các bậc tiền bối phù hộ độ trì cho con cháu, cho gia đình, dòng họ.

Giỗ Đầu, Giỗ Hết và Giỗ Thường

Trong tục lệ cúng giỗ, căn cứ thời gian qua đời của người quá cố người ta lưu ý đến 3 ngày giỗ với những nghi thức khác nhau, đó là: Giỗ Đầu, Giỗ Hết và Giỗ Thường.

Giỗ Đầu còn gọi là lễ Tiểu Tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây là thời gian còn nằm trong kỳ tang chế, nên ngày giỗ vẫn còn mang không khí buồn thảm, bi ai.

Trong ngày Giỗ Đầu, người ta thường tổ chức rất trang nghiêm. Con cháu vẫn mặc đồ tang phục (ngày nay đa số chỉ đeo băng tang trên ngực), một số gia đình lúc tế lễ và khấn gia tiên, thân nhân của người quá cố vẫn khóc than, tạo không khí nhớ thương buồn thảm. Khách đến ăn giỗ luôn ăn mặc chỉnh tề, giữ thái độ trang nghiêm, không cười đùa hoặc có những cử chỉ thiếu sự nghiêm túc.

Giỗ Hết còn gọi là lễ Đại Tường, là ngày giỗ sau ngày người mất hai năm. Theo tục lệ thì thời gian này cũng vẫn nằm trong kỳ tang chế nên người ta vẫn tổ chức lễ giỗ với nghi thức trang nghiêm.

Ngày giỗ hết được cho là ngày giỗ quan trọng nhất trong tất cả những ngày giỗ đối với người qua đời, bởi nó đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của người còn sống cũng như đối với vong linh của người đã khuất. Chính vì vậy Giỗ hết thường được tổ chức long trọng, con cháu, người thân thường có mặt đông đủ, khách mời dự cũng được mở rộng.

Sau lễ Giỗ Hết ba tháng (tức sau 27 tháng để tang người mất), người nhà sẽ chọn một ngày tốt để làm lễ Đoạn tang (hết tang). Lễ Đoạn tang còn gọi là lễ Đàm tế hay lễ Trừ phục (bỏ hết mọi đồ tang phục). Trong lễ này người ta làm ba việc chính sau đây:

- Sửa sang, đắp điếm cho mộ phần to đẹp thêm.

- Đốt hủy các thứ thuộc phần tang lễ như: khăn áo, băng tang, gậy chống, rèm sô, câu đối, trướng điếu..., bỏ bàn thờ vong để rước linh vị vào bàn thờ gia tiên.

- Cáo yết tổ tiên để xin cho rước bát hương vào bàn thờ gia tiên.

Sau khi làm lễ, người nhà đưa linh vị, di ảnh và bát hương thờ vong linh người quá cố vào thờ chung ở bàn thờ gia tiên theo thế thứ sắp đặt. Người ta cũng có thể lấy 3 chân nhang ở bát hương người quá cố cắm chung vào bát hương hội đồng ở bàn thờ gia tiên thay cho việc chuyển cả bát hương lên.

Sau lễ này người đang sống sẽ trở lại cuộc sống thường nhật, có thể tham gia các tổ chức hội hè, đình đám, vui chơi; người vợ có chồng chết có thể đi bước nữa.

Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người đã có những nhận thức mới, đa số đều thực hiện sau Giỗ Hết là bỏ tang chế. Đặc biệt, đối với những người chết được hỏa táng thì người ta cho rằng họ đã sớm được "sạch sẽ" nên lễ Đoạn tang sẽ tiến hành ngay sau Giỗ Hết chứ không phải chờ thêm 3 tháng nữa, thậm chí có gia đình ngay sau lễ Tốt Khốc (100 ngày) đã đưa di ảnh và chân hương lên thờ chung ở bàn thờ gia tiên.

Giỗ Thường còn gọi là ngày Cát kỵ, là ngày giỗ sau ngày người mất từ ba năm trở đi. Cát kỵ nghĩa là Giỗ lành. Trong lễ giỗ này, con cháu mặc đồ thường phục, không còn mặc tang phục nữa. Đây là dịp để con cháu sum họp vừa để tưởng nhớ người đã khuất, vừa vui vẻ nhận biết người thân, giới thiệu họ hàng, bàn những chuyện về gia đình, dòng họ. Thường thì ngày Cát kỵ được tổ chức nhỏ gọn hơn, chủ yếu trong phạm vi gia đình chứ không mời khách khứa rộng rãi như hai kỳ Giỗ Đầu và Giỗ Hết.

Lễ Tiên thường và ngày Chính kỵ

Trong một kỳ giỗ, người ta thường tiến hành 2 lễ quan trọng là lễ Tiên thường và lễ Chính kỵ.

Lễ Tiên thường còn được gọi là ngày cúng Cáo giỗ, cúng trước ngày người quá cố qua đời. Trong ngày này, con cháu cáo giỗ để mời người đã khuất hôm sau về hưởng giỗ, xin phép Thổ công cho vong hồn người quá cố và Gia tiên nội ngoại về hưởng giỗ cùng cháu con. Ngày này con cháu, người thân cũng thường sắp lễ ra mộ, vừa là thăm viếng, sửa sang phần mộ, vừa trực tiếp mời vong linh người thân, đồng thời cáo thỉnh thần linh, thổ địa cai quản nghĩa trang cho phép vong linh thân nhân được về hưởng giỗ.

Tiên thường có nghĩa là nếm trước. Ý nghĩa ban đầu của lễ Tiên thường là con cháu sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Lễ Tiên thường thường được cúng vào buổi chiều ngày hôm trước. Ngày này, từ sáng sớm bàn thờ được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ để bày mâm biện lễ, chuẩn bị cho việc cúng bái buổi chiều. Trong lễ Tiên thường, khi khấn, chủ lễ phải kính cáo Linh Thần Thổ Địa trước, rồi mới khấn mời Gia tiên sau. Bắt đầu từ lúc đó bàn thờ luôn phải duy trì đèn nhang, hương khói cho đến hết lễ Chính kỵ vào ngày hôm sau.

Có một điều chú ý là, lễ  Tiên thường chỉ được áp dụng đối với Giỗ Trọng, tức giỗ những người hàng trên hoặc ngang hàng trưởng gia như kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, chồng, vợ, anh, chị, em... Còn đối với Giỗ Mọn, tức giỗ những người hàng dưới trưởng gia như con, cháu, chắt, chít... thì không cần cúng Tiên thường mà chỉ cúng ngày Chính giỗ.

Trước đây Lễ Tiên thường được tổ chức rất long trọng. Những gia đình có điều kiện còn làm cỗ mời bà con thân thích, thông gia, xóm giềng đến ăn giỗ vào ngày này. Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại, lễ Tiên thường được tổ chức đơn giản đi nhiều. Trên bàn thờ chủ yếu bày hương hoa, trầu cau, trái cây , rượu nước và một số vật phẩm chay tịnh như phẩm oản, xôi chè để kính cáo Gia thần và khấn mời vong linh Gia tiên, mang đúng ý nghĩa là cúng Cáo giỗ. Bây giờ không nhiều người làm cỗ cúng và mời khách trong Lễ Tiên thường mà tập trung vào ngày Chính kỵ.

Ngày Chính kỵ  còn được gọi là Chính giỗ, là ngày mất của người quá cố. Tùy theo điều kiện từng gia đình, lễ Chính kỵ có thể được tổ chức quy mô to nhỏ khác nhau. Nhà giàu thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh em bằng hữu về dự giỗ. Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, tuần nhang và vài món ăn giản dị cúng người đã mất. Lòng kính trọng, tiếc thương đối với người đã khuất phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày mất để làm giỗ, không phụ thuộc vào việc giỗ lớn hay nhỏ. Thân bằng, cố hữu của người quá cố nếu có tình nghĩa, thấy lưu luyến thì nhớ ngày giỗ chủ động đến thắp nén hương, không cần phải đợi có lời mời.

Một điều quan trọng trong Lễ Chính kỵ là trên bàn thờ phải có bát cơm úp và một quả trứng luộc kèm gia vị. Ý nghĩa của việc này được chi phối bởi thuyết Âm Dương, thể hiện sợi dây tình cảm giữa người đang sống và người quá cố. Theo luận thuyết, sự vật có Âm Dương hài hòa thì mới phát triển sinh sôi. Ở bát cơm úp, phần chìm dưới bát thuộc Âm, phần nổi trên thuộc Dương. Quả trứng luộc cũng vậy, lòng đỏ bên trong thuộc Âm, lòng trắng bên ngoài thuộc Dương. Trong quả trứng còn mang mầm sống, thể hiện ý nguyện của con cháu là các bậc tiền bối qua đi sẽ luôn nảy sinh ra thế hệ mới kế tục.

Sau khi cỗ cúng và đồ lễ bày biện xong xuôi, gia chủ khăn áo chỉnh tề, bước vào thắp hương, khấn bái. Khác với lễ Tiên thường, trong lễ Chính kỵ gia chủ cần phải khấn mời vong linh người được hưởng giỗ trước, tiếp theo mời Gia tiên nội ngoại, từ bậc cao nhất đến thấp nhất, sau đó mới cáo thỉnh Gia thần cùng về hâm hưởng.

Khách đến dự giỗ thì đặt đồ lễ lên bàn thờ, thắp nén hương vái 3 vái rồi đọc lời khấn. Khấn xong vái thêm 4 vái nữa.

Đợi hết ba tuần hương, gia chủ đứng trước bàn thờ để lễ tạ bằng ba vái ngắn rồi lấy đồ vàng mã đem đi hóa. Sau đó hạ lễ, mời khách khứa và mọi người thụ lễ (ăn giỗ). Sau khi ăn giỗ xong, gia chủ hạ lễ vật trên bàn thờ xuống, chia thành từng túi cho từng gia đình - thân khách gọi là lộc của Tổ tiên.

Theo đúng phong tục cổ truyền thì lễ Tiên thường phải cúng vào buổi chiều ngày hôm trước, lễ Chính kỵ phải cúng vào buổi sáng ngày chết (kể cả việc người đó chết vào buổi chiều hay tối). Tuy nhiên, ngày nay  nhiều gia đình không câu nệ, có khi chuyển cúng Chính giỗ vào buổi chiều, thậm chí cúng trước một, hai ngày nếu đó là ngày nghỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho con cháu được dự giỗ đông đủ. Vào sáng ngày Chính giỗ chỉ thắp hương tưởng nhớ người đã khuất và yết cáo Tổ tiên, Thần Phật.

Thủ tục góp giỗ

Theo tục lệ thì con trai trưởng là người chịu trách nhiệm lo cúng giỗ bố mẹ. Đến ngày giỗ, con cháu sẽ tập trung ở nhà ông trưởng để làm giỗ. Trường hợp con trai trưởng mất thì tổ chức tại nhà cháu đích tôn. Nếu người được giỗ là hàng cao thì con cái, cháu chắt đến nhà trưởng tộc làm giỗ. Con gái và con trai thứ chịu trách nhiệm góp giỗ cho con trai trưởng. Các cháu, chắt cũng là những người đóng góp thêm để giảm bớt gánh nặng chi phí cho trưởng chi hay trưởng tộc. Lễ gửi góp giỗ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào hoàn cảnh và mối quan hệ với người chết của từng gia đình. Trước đây, gần đến ngày giỗ, những người đóng giỗ thường đem tiền, gạo đến góp cho trưởng chi để chuẩn bị tổ chức giỗ. Một số gia đình, dòng họ còn có ruộng hương hỏa, cày cấy lấy phần lợi nhuận cho người làm giỗ.

Ngày nay có nhiều đổi khác, con cháu thường góp giỗ bằng tiền và các đồ lễ vật khác như: vàng hương, trái cây, bánh kẹo... Cũng có người gửi giỗ là những vật phẩm thuộc sở thích của người quá cố. Một số gia đình tổ chức giỗ trong phạm vi hẹp lại phân công mỗi  anh chị em trong nhà chuẩn bị một vài món theo sở trường từng người rồi đem đến tập trung lại bày cỗ... Những người sống ở xa không có khả năng về dự giỗ thì gửi đồ lễ cho trưởng họ và cúng vọng mời vong linh người quá cố về hưởng giỗ tại nhà mình. Bây giờ có nhiều người góp giỗ không đưa trực tiếp cho trưởng họ mà để phong bì thắp hương trên bàn thờ, điều này không đúng với tục lệ, mặt khác khi gia chủ thu dọn đồ lễ dễ rơi vãi, thất lạc.

Cúng giỗ mấy đời?

Theo sách Thọ Mai Gia Lễ thì ông bà ta có tục lệ "Ngũ đại mai thần chủ", tức việc cúng giỗ chỉ thực hiện trong 5 đời theo phép "Ngũ đại đồng đường". 5 đời là tính cả đời người chịu trách nhiệm cúng giỗ, nên thực tế thì chỉ cúng có 4 đời là: Cao, Tằng, Tổ, Phụ, tức 4 đời tính từ dưới lên là: cha mẹ, ông bà, cụ (hay cố) và kỵ (hay can). Các đời trên Cao tổ khảo (tức kỵ/can) gọi chung là Tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của Thuỷ tổ. Người chịu trách nhiệm cúng giỗ sẽ mang thần chủ của cụ đời thứ 6 đem đi chôn và sửa lại thần chủ của các đời bên dưới bằng cách nâng lên một bậc, cụ đời 6 được rước vào nhà thờ họ để khấn chung với cộng đồng Gia tiên trong các dịp giỗ chạp, tết lễ.

Những người theo thuyết Luân hồi thì cho rằng, sau năm đời vong linh người quá cố được siêu thoát, đầu thai hóa kiếp trở lại nên không cần thiết phải cúng giỗ nữa mà nạp chung vào kỳ xuân tế.

Thừa tự và tục cúng Hậu

Những người đã đến tuổi thành thân, thành nhân nhưng khi chết chưa có vợ hoặc mới có con gái, chưa có con trai hoặc có con trai nhưng con trai cũng chết, trở thành phạp tự (không có con trai nối giòng) thì vẫn được cúng giỗ. Người lo việc giỗ chạp là người cháu (con trai anh hoặc em ruột) được lập làm thừa tự. Người cháu thừa tự được hưởng một phần hay toàn bộ gia tài của người đã khuất. Sau khi người thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự.

Cũng có trường hợp nhà không có con trai, khi mất, tất cả gia tài thuộc về con gái. Khi đó con rể là người thừa tự. Việc cúng giỗ do con rể đảm nhiệm và sau này là cháu, chắt ngoại kế tục. Chúng ta được biết, trước đây không ít trường hợp do thừa tự nhà vợ mà một số người đã cải họ, mang họ ngoại, đến nhiều đời sau cháu chắt mới lấy lại họ gốc.

Xưa kia làng xã Việt Nam còn có tục lệ cúng Hậu. Cúng Hậu là hình thức cúng ruộng, tiền, vàng bạc, đồ thờ …. cho làng hoặc cho đình, chùa… để được cúng giỗ lâu dài sau khi “trăm tuổi về già”. Thông thường, người nào có tiền, có của mà không có con trai nối dõi, phụng thờ, để khỏi phải chịu cảnh “cướp cháo lá đa” thì ngoài việc lập người kế tự giữ gìn hương hoả, người ta còn cúng Hậu. Có người cúng Hậu để nhờ làng, đình, chùa, đền, miếu … cúng giỗ không chỉ cho bản thân mà còn cho cả những người thân trong gia đình. Cũng có người cúng Hậu để nâng cao uy tín, địa vị của bản thân, của dòng họ hoặc chỉ để nương bóng Thần Phật mong cả làng cúng giỗ mình thì hương hoả càng được lâu dài.

Ngày nay tục cúng hậu từ lâu đã không còn tồn tại nữa. Việc thừa tự cũng đã khác xưa. Những người được thừa hưởng tài sản của người mất theo luật thừa kế, không phân biệt con trai hay con gái đều có trách nhiệm chăm lo hương khói, giỗ chạp cho cha mẹ, ông bà.

Việc thờ cúng những người chết yểu

Những người chết khi chưa đến tuổi thành thân (nam dưới 16, nữ dưới 13), sau khi hết lễ tang, người nhà làm lễ yết cáo tổ tiên, xin được phụ thờ, khấn chung là Thương Vong Tòng Tự (dân gian gọi là Bà cô, Ông mãnh). Những người này không có lễ giỗ riêng, ai cúng giỗ chỉ là ngoại lệ. Có những gia đình bữa nào cũng xới thêm một bát cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mâm, coi như người thân còn sống trong gia đình. Ðiều này thuộc về tâm linh, niềm tưởng vọng đối với thân nhân đã khuất chứ không có trong gia lễ.

Cúng giỗ là một trong những phong tục truyền thống lâu đời của nhân dân ta. Mặc dù ngày nay có một số thay đổi về nghi thức cho phù hợp với cuộc sống thực tại, song nó vẫn luôn giữ được bản sắc văn hóa riêng của người Việt. Nghiên cứu để hiểu rõ thêm về tập tục của từng địa phương, trong từng thời kỳ sẽ giúp ta gạn đục khơi trong, tiếp thu được những tinh hoa của cha ông ta để lại, đồng thời vận dụng tốt hơn, phù hợp với cuộc sông hiện đại ngày nay. Chắc rằng đây cũng là một trong những việc làm bổ ích và cần thiết đối với mỗi người chúng ta.

Ngô Văn Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 89 trong 22 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 22 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • THAI XUAN HAI
    Ở quê tôi thấy họ cúng giỗ vào ngày sống, tức cúng trước ngày chết (ví dụ mất ngày 02, thì cúng ngày 01 âm lịch)
      THAI XUAN HAI   Thaixuanhai1961@gmai.com   21/02/2024 01:55
  • Hằng Nguyễn
    Vui lòng cho mình hỏi , người thân mất vào 1h sáng ngày 6/4 aâm lịch, Gia đình làm giỗ hết vào ngày 4/4 âm lịch có được không ak. Mình chân thành cảm ơn ( m hỏi giùm người thân a)
      Hằng Nguyễn   hangnt5687@gmail.com   18/04/2023 04:39
    • @Hằng Nguyễn Để phù hợp với nhịp sống hiện đại, hiện nay nhiều gia đình thường cúng giỗ thường vào các ngày nghỉ, có thể trước chính kỵ một, hai ngày cho con cháu có điều kiên dự đông đủ. Tuy nhiên Giỗ hết là một ngày quan trọng, mang nhiều ý nghĩa nên cần cúng vào đúng ngày giỗ.
        Ngô Xuân   ngoxuan45@gmail.com   23/04/2023 20:50
  • Mai
    Xin hỏi quý vị là người mẹ mình k có thờ cúng xưa giờ và bây giờ mình tự ý làm giỗ cúng có đc k vậy.xin các bậc thâm niên giải thích với ạ
      Mai   lemai3047@gmail.com   16/08/2022 10:14
    • @Mai: Điều này thuộc tình cảm và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, rất đáng hoan nghênh và cần thiết phải làm bạn nhé.
        Ngô Xuân   ngoxuan45@gmail.com   19/08/2022 03:26
  • lương chiến
    bố e mất 23 h10tối ngày mồng 7 thì nên làm giỗ đầu vào mông 6 hay mông 7 ạ. rất mong được sự giúp đỡ
      lương chiến   ckboomhanh@gmail.com   05/11/2021 21:31
    • @lương chiến: Theo lịch ÂM, 23h10 ngày mồng 7 đã là giờ Tý của ngày mồng 8 rồi. Vậy gia đình cần cúng giỗ vào ngày mồng 8 bạn nhé.
        Ngô Xuân   ngoxuan45@gmail.com   19/08/2022 03:22
  • Phan Thị dung
    Bà tôi mất toi 19h ngày 27.9 làm giiổ ngày 27.9 có được ko
      Phan Thị dung   phanthidungvt22@gmail.com   27/10/2021 12:07
Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập151
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm145
  • Hôm nay68,270
  • Tháng hiện tại866,493
  • Tổng lượt truy cập47,591,601
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây