Người Chăm đã để lại cho nhân loại nhiều di sản văn hóa quý giá mà tiêu biểu là những ngôi đền tháp gạch độc đáo và những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ.
Người Chăm đông nhất và sống tập trung nhất là ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (khoảng 87 ngàn người). Nhưng người Chăm ở hai tỉnh này lại được phân thành những cộng đồng tôn giáo khác nhau: cộng đồng người Chăm Ahiêr (những người Chăm theo Bàlamôn giáo), cộng đồng người Chăm Awal hay Bàni (những người Chăm theo đạo Hồi đã bản địa hóa) và một số không đông người Chăm Asalam (những người Chăm mới theo đạo Hồi trong nửa sau thế kỷ XX). Còn những người Chăm ở miền Tây Nam Bộ (khoảng 24 ngàn người) hầu hết là người Chăm Asalam và họ sống chủ yếu ở Châu Đốc - An Giang. Ngoài ra, còn khoảng 21 ngàn người Chăm H'roi (những người Chăm vẫn còn theo những tín ngưỡng nguyên thủy riêng) sống ở vùng núi phía Tây hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Chữ quốc ngữ của người Chăm là chữ Phạn từ thế kỷ II. Khi chữ Ả Rập du nhập vào vương quốc Chiêm Thành thì lâu dần chữ Phạn cổ có nhiều thay đổi. Người Chăm pha trộn và biến cải chữ Phạn cổ thành tiếng “Chăm mới” và còn áp dụng cho đến ngày nay. Chữ “Chăm mới” có nhiều trùng hợp với các loại chữ viết của các dân tộc hải đảo Đông Nam Á, nhất là với ngôn ngữ Malaysia và Indonesia. Người Chăm đã để lại cho nhân loại nhiều di sản văn hóa quý giá mà tiêu biểu là những ngôi đền tháp gạch độc đáo và những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ. Gạch là vật liệu chính để xây dựng những tháp uy nghi hùng vĩ. Tuy nhiên, chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và kỹ thuật xây dựng tháp của người Chăm vẫn còn là một điều bí ẩn. Dù được xây dựng vào nhiều thế kỷ khác nhau, có nhiều sự khác biệt về điêu khắc, chi tiết kiến trúc song tháp Chăm đều có nét chung là theo mô hình tháp Ấn Độ và thể hiện điển trưng của tôn giáo Ấn Độ. Tháp thường được xây dựng trên đồi gò cao theo biểu tượng của núi Meru trong tôn giáo Ấn Độ – biểu trưng của trung tâm vũ trụ, nơi ngự trị của các thần linh. Chi tiết khá thú vị là các tháp có bốn cửa, trong đó cửa chính mở về hướng đông, ba cửa còn lại chỉ là hình thức (cửa giả). Tháp Chăm là nơi thờ thần linh hay các vị vua. Cùng với kiến thức, điêu khắc Chămpa cũng thể hiện được vẻ đa dạng và độc đáo. Những đề tài điêu khắc là tượng thờ thần Shiva, thần Vishnu, thần Brahma... Ngoài những vị thần trên, vật thờ ở tháp Chăm phổ biến là cặp Linga - Yoni.
- Thần Brahma: thần sáng tạo trong bộ ba vị thần lớn của Ấn Độ Giáo (Brahma, Shiva, Vishnu)
- Thần Shiva: thần hủy diệt, nhưng đôi khi thần cũng tỏ ra từ bi bác ái và đam mê tình dục.
- Thần Vishnu: thần bảo vệ, người che chở những sáng tạo mới của Brahma. Mỗi khi trật tự, đạo đức, luật pháp, tôn giáo bị đe dọa thần lại từ trời cao bay xuống đất dưới dạng một trong mười hiện thân của mình.
- Linga: dương vật, một sức mạnh sản sinh của vũ trụ. Dưới dạng cột đứng nó thể hiện sự thống nhất giữa Shiva với trục chính của vũ trụ. Hình thức của nó thể hiện cái trục đứng đó: chân vuông ở giữa hình bát giác và đỉnh tròn tương ứng với đất vuông, tám hướng không gian giữa và trời tròn gợi tới ba thế giới. Cái trục đó thâm nhập vào và làm cho Yoni - Đất sinh sôi nảy nở.
- Yoni: âm vật, biểu tượng cho sức mạnh sinh sản, thường cặp đôi với Linga. Đó là phiến đá vuông, Linga dựng chính giữa, một cạnh có rãnh cho các chất lỏng thiêng chảy.
Một trong những kiệt tác điêu khắc Chăm là vũ nữ Trà Kiệu. Như truyền thống múa của Ấn Độ, người vũ nữ Trà Kiệu đang múa trong tư thế tam khúc vừa uyển chuyển vừa cân bằng (tribhanga). Trong tư thế cổ điển này, người vũ nữ như đang bung mình ra để hòa vào nhịp điệu của vũ trụ mà lại như đang cuốn cả vũ trụ bao la vào một tiểu vũ trụ là bản thân mình.
Qua những điêu khắc sống động, có thể hình dung và mô tả được trang phục của các tầng lớp người Chăm khác nhau, từ vua chúa đến các quan và từ những vị thầy tu, vũ nữ đến người hầu. Trang phục nữ giới:
- Áo (aw): áo truyền thống của người phụ nữ Chăm là áo dài bít tà, mặc chui đầu mà họ gọi là aw loah (áo có 3 lỗ). Áo có một lỗ chui đầu và hai ống tay. Áo được may bằng 4 mảnh vải cùng màu nối nhau. Những người phụ nữ Chăm trẻ thường mặc áo dài đến quá đầu gối phủ lên váy mặc, may hơi bó tay, thân hơi phình rộng, ở hai bên hông áo, mở một đường ngay eo hông, có may thêm một hàng khuy bấm hay nút dính gọi là “aw eo”. Ngày xưa phụ nữ Chăm, ngoài mặc áo dài thì bên trong còn có áo lót gọi là áo klăm giống như yếm của người Việt.
- Váy, khăn (aban, khan): váy mở (aban) là loại váy quấn bằng tấm vải, hai mép vải không may dính vào nhau, khi mặc cặp váy được xếp vào và lận vào bên trong giữ chặt eo hông. Còn váy kín (khan) thì hai mép đầu vải được may dính vào nhau hình ống. Phụ nữ lớn tuổi thường mặc váy mở còn váy kín dành cho các cô gái. Váy Chăm đa số được phủ kín hoa văn trên bề mặt. Hoa văn được kết hợp với nhiều mầu sắc khác nhau trên màu nền như đen, dỏ, xanh tạo nên nhiều kiểu dáng hoa văn phong phú như: hoa văn quả trám (bingu tamun), hoa văn hình con thằn lằn (kachak), hoa văn 4 cánh (tuk riteh), hình ô vuông (bingu caor)...Váy Chăm thường may cạp ở riềm chân theo chiều ngang hay chiều dài của váy gọi là jih hay biyon. Đàn bà bình dân thường mặc váy có hình quả trám, hoa văn hình dây leo (biyon hareh). Còn đàn bà quí tộc mặc váy có nhiều hoa văn mà phổ biến là hoa văn 4 cánh và vua chúa Chăm còn sử dụng việc dệt thêm những sợi chỉ bằng vàng, bạc vào váy của họ. Phụ nữ lớn tuổi thì mặc váy hoa văn có hình hạt lúa nổ (bingu kamang) nhưng loại váy này không được phổ biến lắm. Cùng với váy phụ nữ Chăm còn mặc một loại khan (khăn mặc). Khan có nền màu trắng, đen, xanh, vàng... Hoa văn thường dệt phủ kín bề mặt như hoa văn quả trám, hoa cà dược, hoa văn mắc lưới, hoa văn caro (hình vuông). Tuy nhiên loại khan này phụ nữ Chăm không mặc phổ biến như váy aban.
- Khăn đội đầu (tanrak): khăn thường dệt bằng vải thô trắng, xanh, đỏ, vàng... Khăn có dệt hoa văn quả trám cùng màu phủ kín lên mặt vải. Khăn đội đầu của người Chăm Hồi giáo Bà Ni thường màu trắng, có may thêm cạp vải hoa văn theo dọc đường biên của khăn gọi là “khăn mbram”. Còn phụ nữ Chăm Bàlamôn bình dân thường thích đội khăn màu trơn không may cạp vải hoa văn. Ngoài ra phụ nữ Chăm còn có các loại khăn choàng vai, và khăn cầm tay màu đỏ và hộp túi vải để đựng trầu cau. Cách đội khăn của người Chăm là quấn lên đầu, vòng từ sau ra trước, một phần chùm xuống đỉnh đầu, rồi hai mép gập lại, buông chùng xuống hai tai. Trang phục nam giới:
- Áo: aó ngắn (aw lah) được may bằng 6 mảnh vải với nhau: mặt thân sau có hai mảnh vải tách rời, rồi họ lại may dính vào nhau tạo thành một đường viền chây dọc theo sống lưng. Phía thân trước cũng gồm hai mảnh vải ghép lại. Và hai bộ phận còn lại là hai vải ống tay may dính vào hai phần nách và phần vai. Áo ngắn chỉ mặc chùng xuống đến mông, xẻ hai bên hông khoảng 20cm. Áo ở phía trước có đường xẻ, đính khuy và hai bên vạt trước có hai cái túi. Cổ áo thường là cổ con, tròn, đứng ôm sát cổ. Áo thường có nhiều màu: trắng, đỏ, xanh, vàng... nhưng không có trang trí hoa văn. Còn có một loại áo dài (aw tah). Áo được dệt bằng vải thô màu trắng, được may ghép bằng nhiều mảnh vải. Áo không xẻ thân trước, không có hàng khuy mà chỉ xẻ một đường xiên trước ngực, dùng dây để buộc thay nút. Áo mặc chui đầu và phủ dài đến đầu gối. Áo này hiện nay chỉ mặc trong các nghi lễ.
- Váy, khăn (aban, khan): váy, khăn của người đàn ông bình dân được dệt bằng vải thô màu trắng, không có hoa văn trang trí. Còn đàn ông quí tộc cũng mặc màu trắng nhưng dệt bằng tơ có hoa văn quả trám phủ kín bề mặt. Cách mặc váy, khăn của đàn ông cũng giống như người phụ nữ Chăm.
- Dây thắt lưng (taley ka-in): ngoài việc mặc váy đàn ông Chăm còn buộc dây lưng. Có 3 loại dây lưng. 1) Loại thường: dệt bằng vải thô màu trắng không có dệt hoa văn; loại dây thắt lưng này có khổ hẹp thường dùng cho người bình dân. 2) Loại dây lưng dệt bằng tơ có thêu hoa văn màu sắc sặc sỡ, có khổ rộng như hoa văn quả trám, hoa văn mắt gà, hoa văn hình neo thuyền... dùng cho giai cấp quí tộc. 3) Loại dây lưng có khổ rộng khoảng 10cm được dệt hai mặt hoa văn nổi. Hoa văn được bố trí thành một dải nhiều hình xen kẽ nhau với màu sắc sặc sỡ như hoa văn quả trám, hoa văn chân chó, hoa văn hình móc mỏ neo... Ngoài ra loại này còn có hoa văn hình rồng, hình người... Loại dây lưng này chỉ dùng cho vua chúa và chức sắc tôn giáo. Cách buộc dây thắt lưng của người Chăm là quấn một vòng qua lưng rồi buộc gút lại, thả chùn hai đầu dây có tua ra phía trước.
- Khăn đội đầu (tanrak): người bình dân thì sử dụng khăn dệt trơn bằng vải thô màu trắng; đàn ông quí tộc thì đội khăn có dệt hoa văn hình quả trám cùng màu trắng phủ kín lên mặt vải. Ngoaì khăn đội đầu, người đàn ông Chăm còn có khăn vắt vai, túi nhỏ đeo vai và túi đựng thuốc hút. Cách đôi khăn là quấn vòng lên đầu từ phía sau ra phía trước, rồi thả hai mép gập lại, buông chùn xuống ở gần hai tai. Đối với người đàn ông trẻ tuổi thì không đội khăn mà chỉ vắt chéo khăn qua vai.
Người phụ nữ Chăm thường đeo hoa tai có đính tua vải màu đỏ hình nấm, hình tròn, hình vành khăn làm bằng vàng, đồng thau. Cổ có đeo xâu chuỗi hột tròn hình bầu dục làm bằng vàng hay đồng thau. Mặt nhẫn có đính hột đen được bao quanh bằng hoa bốn cánh. Người đàn ông Chăm thì dùng trang sức đơn giản hơn; họ chỉ đeo đơn giản chiếc nhẫn tròn, mặt nhẫn có đính hột đen và được bao quanh bằng hình hoa tám cánh mà họ thường gọi là chếc nhẫn Mưta (thần Mặt Trời). Chiếc nhẫn Mưta là dấu hiệu để nhận biết đồng tộc Chăm. Vì vậy khi người Chăm chết đi, ngoại trừ y phục, họ còn mang theo chiếc nhẫn Mưta. Họ còn dùng chiếc nhẫn Mưta để thực hiện nghi lễ quan trọng trong đám tang để tiễn đưa linh hồn cho người chết về giới khác.
Trang phục trong lao động: người Chăm mặc theo trang phục truyền thống của mình. Người đàn ông Chăm khi làm ruộng nước thì hay mặc quần ngắn hai ống tới đầu gối, không mặc váy. Họ mặc vải màu, loại vải cũ trơn, không có thêu hoa văn.
Trang phục trong tang lễ: nếu người chết thuộc giai cấp quí tộc khi chết đi thì được làm đám tang “4 thầy paseh” thì quần áo được đem theo là 5 bộ hay 9 bộ. Nếu người chết thuộc tầng lớp bình dân thì chỉ được cử hành đám tang “2 thầy paseh” thì quần áo đem theo là 4 bộ. Bộ trang phục cho đàn ông khi chết là áo sah likey; váy, chăn mặc là loại chăn “khan bar jih” hoặc “khan marang”; khăn đội đầu người chết là khăn có may cạp vải đính tua đỏ hoặc loại khăn thuờng, dây thắt lưng và dây quấn người chết. Một bộ trang phục đàn bà bao gồm: khăn đắp màu âm và khăn đắp màu dương, khăn đội, áo dài Chăm và áo sah kamay; váy, khăn mặc có may cạp váy biyon, dây quấn người chết.
Trang phục trong ngày cưới: cô dâu chú rể đều mặc trang phục truyền thống trong nghi lễ. Nữ mặc áo dài, mặc váy đội khăn. Nam cũng mặc váy áo lah đàn ông, đội khăn che mặt. Áo váy cưới có dệt hoa văn đẹp và có nhiều màu khác nhau như trắng, xanh, đỏ, vàng... nhưng trong nghi lễ phải mặc áo trắng. Trong ngày cưới, cô dâu chú rể đeo nhiều đồ trang sức như nhẫn, vòng tay, xâu chuỗi.
Trang phục trong ngày hội: trang phục đa dạng và lộng lẫy hơn. Ngoài trang phục chức sắc, tu sĩ tín ngưỡng, tôn giáo với màu áo trắng khăn đỏ truyền thống không được thay đổi thì các chàng trai, cô gái Chăm lại mặc áo truyền thống với nhiều màu sặc sỡ, tinh nguyên. Trong ngày hội để tăng thêm nét đẹp cho bộ đồ truyền thống của mình, những thiếu nữ Chăm ngoài đeo hoa tai có đính tua vải màu đỏ, đeo nhiều còng tay, nhẫn vàng, họ còn choàng lên vai, vắt chéo qua ngực và lưng một dải băng ngang, trên đó có dệt hoa văn đẹp mắt góp phần tăng thêm vẻ đẹp độc đáo của áo dài Chăm.
Phong tục tập quán của người Chăm rất đậm nét của Bàlamôn giáo và Hồi giáo. Ngày nay phần lớn các phong tục tập quán của người Chăm Bàlamôn vẫn ít nhiều còn giống xưa: cưới xin có các lễ thức tôn giáo, người chết thì đem thiêu; cầu cúng các thần linh của Chămpa xưa trên các tháp... Một trong những biểu hiện mang tính mẫu hệ bản địa Chăm là lễ thức nhập Kút – đưa xương cốt của những người cùng họ mẹ về một nơi tại nghĩa trang quê mẹ.
Còn phong tục tập quán của người Chăm An Giang đã gần như hoàn toàn thấm đượm chất Hồi giáo. Mỗi người Chăm An Giang đều làm theo năm bổn phận: tuyên xưng đức tin chỉ có một Thượng Đế duy nhất; cầu nguyện mỗi ngày năm lần; bố thí cho người nghèo; nhịn ăn trong tháng Ramuwan và hành hương về Mecca. Ngoài ra các lễ như: lễ trưởng thành, lễ cưới, đám tang, cầu cúng đều ít nhiều mang sắc màu hay hình thức của Hồi giáo.
Mặc dù cũng theo đạo Hồi, nhưng người Chăm Bàni ở Nam Trung Bộ đã hòa được những truyền thống bản địa vào tôn giáo nên có những phong tục tập quán khá đặc biệt. Họ tin rằng, thực hiện năm bổn phận là việc của tu sĩ. Do vậy, vào tháng chay, chỉ các tu sĩ là phải vào thánh đường để làm bổn phận, và chỉ ăn chay trong một số ngày, còn tất cả các tín đồ chỉ thỉnh thoảng lên dâng lễ mà thôi. Dù vẫn coi Thượng Đế là duy nhất, nhưng họ vẫn tin vào thần Mưa, thần Biển, thần Núi. Các thầy của đạo Bàni cùng các tu sĩ Bàlamôn tiến hành chung một số lễ cúng của cả người Chăm Bàni và người Chăm Bàlamôn.
- Lễ cúng nhà mới: người Chăm khi dựng nhà mới phải cúng Thổ thần để đốn gỗ tại rừng, khi gỗ vận chuyển về làng phải làm lễ đón cây. Lễ phạt mộc được tổ chức để khởi công cho việc xây cất ngôi nhà. Khi khánh thành nhà, họ làm lễ cúng tạ thần linh và thổ địa.
- Lễ trưởng thành: gồm có lễ cấm phòng (Karok) và lễ cắt da quy đầu (Kilan). Karok là một lễ sửa soạn cho con gái chuẩn bị bước vào hôn nhân sau này. Khi các người con gái được 15 tuổi, người ta dựng hai căn nhà tạm đối mặt nhau: chiếc lớn ở phía Đông để làm lễ và chiếc nhỏ ở phía Tây cho các cô cấm mình. Khi làm lễ, các ông thầy đọc kinh và làm một số lễ thức cho các cô gái, như đặt hạt muối vào miệng, cắt một lọn tóc nhỏ, cho uống nước. Trong dịp này các cô sẽ được tặng tiền bạc, trâu, gạo và cả ruộng đất. Tất cả những tặng vật sẽ là của hồi môn của các cô gái khi cưới chồng. Kilan là nghi lễ chuyển tiếp sang thời kỳ hôn nhân cho các chàng trai đã đến tuổi trưởng thành và được tôn trọng đặc biệt ở người Chăm Hồi giáo. Khi làm lễ, chàng trai được giảng tại sao nên và phải cắt da quy đầu. Sau đấy, chàng trai được một số người quen làm chuyện này. Xong lễ, sau vài ngày nằm nghỉ, chàng trai quen dần và hãnh diện vì đã trưởng thành.
- Lễ cưới: vì là dân tộc còn theo mẫu hệ, nên đám cưới của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận chính là nghi lễ đón rể về nhà gái. Và ngày cưới, nhà trai phải đưa con trai của mình sang nhà gái. Tới nơi, ông mai đàng trai kéo chàng rể đến phòng cô dâu; ông mai đàng gái nhận chàng rể rồi đưa chàng vào phòng. Tại đây, cô dâu và chú rể ngồi đối diện nhau làm một loạt lễ thức: cô dâu cầm nửa lá trầu xẻ đôi rồi đưa cho chú rể một nửa, còn chú rể thì bửa quả cau làm đôi rồi đưa cô dâu một nửa, sau đấy cô dâu lấy vôi bôi vào trầu của chú rể và của mình rồi hai người cùng ăn trầu; ăn trầu xong, chú rể cởi áo ngoài đưa cho cô dâu như trao thân gởi phận của mình cho nàng... Sau lễ thức này, chú rể chính thức trở thành một thành viên của gia đình nhà gái.
- Lễ hỏa táng: theo đạo Bàlamôn thì khi cha mẹ chết, con cạo tóc rồi khóc, bỏ thây vào quan tài rồi chất củi đốt, thu lấy tro đựng vào bình vàng rồi cho xuống nước. Nhưng ngày nay, người ta chỉ lấy 9 miếng xương trán của người chết cho vào chiếc hộp bằng kim loại rồi đem cất đi, còn tất cả tro xương được đem đổ xuống nước. Chín mảnh xương trán này được gia đình cất giữ cho đến ngày đem nhập Kút.
- Lễ nhập Kút: là một tập tục mang tính bản địa chứ không phải của Ấn Độ. Vào ngày lễ nhập Kút, những hộp đựng 9 miếng xương trán của những người trong dòng họ đã chết được trang trọng đưa từ khắp các nơi, các nhà đền khu Kút của dòng họ trong nghĩa địa. Sau một loạt những nghi lễ, tất cà các mảnh xương được cho chung vào hai Kút (một Kút dành cho các tổ tiên nam, một Kút cho các tổ tiên nữ). Chỉ sau khi đưa được người thân đã chết nhập Kút thì gia đình có người chết mới hết tang. Thông thường Kút nữ giới thường được tạo kích thước lớn hơn, trang trí đẹp hơn Kút nam giới. Điều này chứng tỏ người phụ nữ được coi trọng hơn trong cộng đồng cư dân người Champa Kút nam Kút nữ
Đại bộ phận người Chăm sống ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận; còn bộ phận người Chăm ít hơn sống chủ yếu trên cù lao thuộc sông Hậu hoặc ven sông Hậu, thuộc tỉnh An Giang. Do điều kiện khí hậu khô và nóng, nên ngoài nông nghiệp ra, người Chăm ở Nam Trung Bộ còn phát triển mạnh nghề chăn nuôi, nghề gốm và nghề dệt. Ngược lại, do sống trong một vùng phù sa màu mỡ có sông lớn kề bên, nên người Chăm An Giang sống chủ yếu bằng làm ruộng và đánh bắt cá. Các làng Chăm ở Nam Trung Bộ thường tọa lạc trên một khu đất cao hoặc vùng gò đồi, bên dưới, quanh làng là các cánh đồng trồng lúa. Các làng có dạng tròn, tập trung va quy về một điểm. Ngược lại, ở An Giang, các vùng cư trú của người Chăm tập trung trên các cù lao, hoặc dọc theo hai bờ sông. Không chỉ trong cư trú, mà trong cách ăn, cách uống của hai bộ phận người Chăm cũng có những nét riêng. Người Chăm Nam Trung Bộ thích ăn các loại cá biển và các loại thịt thú rừng, thịt gia súc. Trong khi đó, do phải sống xen kẽ với nhiều dân tộc khác nhau và lại theo đạo Hồi, nên người Chăm An Giang ăn cá sông là chính và thích làm những món ăn có càri và cấm uống rượu. Nghề gốm của người Chăm đặc biệt nổi tiếng ở hai làng Bầu trúc (Ninh Thuận) và Trì Đức (Bình Thuận). Người Chăm dùng tay chứ không dùng bàn xoay để tạo dáng gốm. Người thợ uyển chuyển đi vòng tròn quanh khối đất và thao tác từ tốn bằng đôi tay để tạo ra những khối hình dày mỏng, những hoa văn cần thiết cho đồ gốm. Người Chăm không có lò nung gốm mà đốt lộ thiên ngay ngoài trời. Những sản phẩm gốm được chất theo từng lớp một cách khéo léo lên nhau trên một lớp củi trải đều bên dười; sau đấy, rơm, trấu, củi nhỏ được chất phủ kín lên. Khi đã xếp xong, người ta bắt đầu đốt. Chỉ sau hơn một tiếng là có thể dỡ lò đem gốm về nhà. Để tạo ra những vẩy “men” màu giả, khi vừa được đưa ra khỏi lò, người ta vẩy lên mặt các đồ gốm còn nóng bỏng một chất nước vỏ cây.
Nghề dệt Chăm là sự đa dạng và tính truyền thống, một nét mà không phải dân tộc nào cũng có được, điển hình là làng Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận). Người làng Mỹ Nghiệp dùng hai loại khung dệt dalah và băn để dệt ra các loại vải và khổ vải khác nhau. Hoa văn trang trí trên vải điển hình như: hình thoi lồng, hình rồng, chim thần Garuđa...đã góp phần tạo nên sắc thái đồ dệt Chăm.
Người Chăm lấy gạo, rau và cá làm thức ăn chính. Ngoài các món canh thông thường, người Chăm rất thích và hay nấu món “canh bồi” (“ia pai”), một món canh được nấu bằng nhiều loại rau băm nhỏ trộn với gạo ngâm giã nhỏ và quấy đều cho nhừ nhuyễn. Cũng lấy cá làm thức ăn có chất đạm chính, ngoài làm các món cá khác nhau để ăn ngay, người Chăm còn biết chế biến nhiều loại nước mắm và mắm cá. Người Chăm Ninh – Bình Thuận còn làm bún, làm các loại bánh tượng trưng cho âm và dương, nấu cháo cua..., còn người Chăm ở An Giang thì làm nhiều loại bánh mang các hình thù khác nhau mà tiêu biểu là bánh tổ chim. Có vài món ăn đặc sản rất độc đáo của người Chăm ở miền Tây Nam Bộ là món Ga Pội, món Pài Pa Ghênh (canh thính) và món tung lò mò
- Ga Pội: giống như càri, thành phần chế biến gồm: càri, thịt bò, dầu dừa, dừa, dầu lạc và thật nhiều ớt chín. Món này được người Chăm chề biến thành một loại cơm rang như cơm Dương Châu trong các nhà hàng hay nấu như càri rồi ăn với bánh mì, cơm hay bún. Món này không thể thiếu trong các bữa tiệc của người Chăm và được thực khách thích nhất.
- Pài Pa Ghênh: món này bình dân thường xuất hiện trong bữa ăn thường của người Chăm. Gạo rang xay cho nhuyễn thành thính, đem nấu chung với càri, cà pháo, đu đủ sống, củ cải, cà rốt... Khi chín nêm vào hành, tỏi, bột ngọt và vài trái bứa. Bứa mềm dầm ra lấy chất chua và cho thêm ít mắm bò hóc (prahoc) của người Khmer vào cho thêm đậm đà hương vị. Món này có thể ăn với bún và cơm.
- Món tung lò mò: là món lạp xưởng bò. Thịt bò nạc (thường là thịt lóc xương, muốn ngon thì dùng thịt đùi), mua về lóc bỏ hết gân, rửa sạch đem xắt mỏng, ướp muối, đường cát trắng, một ít phụ gia khác và thính (hay cơm nguội). Ruột bò rửa sạch, lột bề trong ra cạo sạch rồi nhồi thịt bò đã ướp đem phơi nắng cho đến khi căng tròn là được. Khi ăn có thể đem nướng hay chiên. Khi ăn kèm theo rau sống, chuối chát và chấm muối tiêu vắt chanh mới ngon. Tung lò mò ăn có hương vị chua chua, hăng mùi bò, béo ngọt, dai. Món này để ăn cơm hay nhâm nhi đều hấp dẫn.
Nhà ở của người Chăm phản ánh rõ tính chất mẫu hệ của gia đình người Chăm. Ngôi nhà tục (thang yơ) được làm trước tiên. Nhà gồm 2 gian 1 chái chạy dài theo hướng đông - tây, với gian phía đông được làm kho thóc, gian và chái phía tây là nơi ở đầu tiên của vợ chồng con gái nhà chủ. Khi người em gái lấy chồng, vợ chồng cô chị sẽ nhường thang yơ cho em và chuyển sang thang mưyâu, được dựng song song với thang yơ. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có nhà ngang (thang gan), nơi nghỉ ngơi của cha mẹ và các người con chưa lập gia đình; nhà bếp (thang gin) là nơi nấu nướng của gia đình. Ngoài nhà bếp nằm riêng, ba nhà kia được nối liền nhau bằng một số cửa và hệ thống máng nước giữa các mái tiếp xúc nhau. Vây quanh khuôn viên là một hàng rào cây khô ken dày với một cổng ra vào (thường lùi vào bên trong hàng rào một đoạn) quay về hướng nam hoặc tây nam.
Có thể nói, một trong những di sản văn hóa dân gian đặc sắc nhất của người Chăm ngày hôm nay là những lễ hội truyền thống. Những lễ hội truyền thống này chủ yếu phổ biến và thịnh hành ở người Chăm Nam Trung Bộ (gồm người Chăm Bàlamôn và phần nào đấy gồm cả người Chăm Bàni). Có những lễ hội mang tính định kỳ thường niên như lễ Pơh Mbăng Yang và Rija Nưgar vào tháng Giêng (lịch Chăm), lễ cầu đảo tại các tháp (Yôr Yang) và lễ cầu đảo tại các cửa biển (Plao Pasah) vào tháng 2, lễ Mbăng Kate tưởng nhớ các vị anh hùng và ông bà tổ tiên vào tháng 7, lễ chặn nguồn nước (kap hlâu krong) vào tháng 8, lễ Mbăng Chambur vào tháng 9. Ngoài các lễ hội lớn mang tính cộng đồng, người Chăm còn thực hành một loạt nghi lễ cho cây lúa, như: lễ dựng chòi cày, lễ cúng thần ruộng lúc lúa đẻ nhánh, lễ cúng lúa làm đồng và lễ mừng lúa về nhà. Mỗi khi cần giải hạn hay cầu mong điều gì đó, các gia đình vá các dòng họ còn tổ chức các lễ múa khác nhau, như: lễ múa lớn, lễ múa ngày và lễ múa đêm. Có những lễ hội lớn chỉ được tổ chức mấy năm một lần như lễ chém trâu tế thần ở núi Đá Trắng. Các lễ hội của người Chăm cũng có những nét tương đồng với các lễ hội của các dân tộc khác trên thế giới. Ví dụ, lễ hội Rija Nưgar đầu năm của người Chăm rất gần với tết năm mới của người Khmer, người Lào, người Thái, người Mianma; lễ hội Kate có hình thức và nội dung như các lễ cầu thần của những dân tộc theo đạo Hindu, còn lễ hội Ramuwan của người Chăm (đặc biệt là người Chăm ở An Giang) thì là tháng chay của cả thế giới Hồi giáo. Các lễ hội của người Chăm bao giờ cũng được tổ chức một cách rất bài bản, trật tự, hình thức và luôn có những người hành lễ riêng cho từng loại lễ hội.
Lễ hội Kate: là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm được tổ chức vào những ngày đầu tháng 7 lịch Chăm (khoảng tháng 10 Dương lịch) để tưởng nhớ các vị vua, nữ thần Po Nugar, các anh hùng dân tộc và ông bà tổ tiên. Lễ được tổ chức tại các lăng tháp và có quy mô lớn. Tối ngày cuối tháng 6, các ông thầy làm lễ tại các nơi giữ đồ lễ của vua để xin phép được đưa lễ phục và các đồ lễ khác lên lăng, tháp. Sáng hôm sau, ngày đầu của tháng 7, là ngày lễ hội tưng bừng đưa lễ phục lên lăng, tháp. Các thầy phải làm lễ xin thần Shiva cho phép mở cửa tháp với vật lễ: rượu, trầu cau và nước pha trầm tắm tượng. Sau đấy là những nghi lễ trang trọng như thay y, tắm tượng, cúng tế...trong lăng, tháp và bên ngoài. Những vật lễ bầy ra trước bàn thờ gồm rượu, trầu cau, nước ngọt, dê, cá và gà. Đặc biệt trong các loại bánh luôn có bánh tét (âm), bánh gan tay (dương), bánh gừng. Sau lễ lớn tại lăng, tháp, đồng bào còn làm lễ cúng ông bà, tổ tiên tại nhà, đi thăm viếng nhau, tổ chức các cuộc chơi, ăn uống... trong ba ngày liền. Trong lễ hội Kate thì đàn Kanhi (một loại đàn kéo dây) được dùng. Đàn Kanhi có hai dây, hình dáng giống đàn nhị của người Việt, chỉ khác bầu cộng hưởng của nó làm bằng mai con rùa vàng.
Tết Ramuwan là lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất đối với người Chăm theo đạo Hồi. Nhưng do tách khỏi cộng đồng Hồi giáo thế giới từ lâu, nên ở lễ Ramuwan của người Chăm Bàni tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, những quy định nghiêm ngặt của đạo Hồi đã giảm đáng kể. Ví dụ, trong tháng chay, chỉ những Po Acar (những người đã gia nhập vào hàng ngũ các tu sĩ) là tập trung tại thánh đường để thực hiện ăn chay cho tất cả cộng đồng; mọi người chỉ tham gia vào các lễ thức trong ba ngày đầu trước khi bước vào tháng chay. Để khởi động cho mùa chay, vào cuối tháng 8 Hồi lịch, người Chăm Bàni tổ chức đi tảo mộ. Với những lễ vật đơn giản như bánh trái, rượu trứng, ấm trà, mọi người trong tộc họ và trong làng đến nghĩa địa từng gia tộc để làm sạch cỏ, làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ cúng gia tiên. Sau khi tảo mộ về, các gia đình làm bàn thờ để dâng lễ vật cho tổ tiên. Trong ngày cúng gia tiên, mọi người trong gia đình đều ở nhà để họp mặt với tổ tiên và cầu mong được phù hộ độ trì. Chỉ sau khi cúng tổ tiên xong, mới bắt đầu ngày đầu của tháng Ramuwan. Tuy không phải ăn chay, nhưng trong tháng chay, mọi người ngày ngày vẫn mang cơm nước đến thánh đường cho các tu sĩ ăn tối hay đem lễ vật đến dâng lên thánh Allah. Các tu sĩ sẽ đọc kinh, cầu nguyện 30 ngày trong thánh đường. Sáng ngày thứ 30, các tu sĩ chuẩn bị cho lễ đổi gạo, hay còn gọi là bố thí. Gạo là do gia đình tu sĩ và các tín đồ mang tới. Hình thức chia căn cứ vào số lượng người của các gia đình, kể cả người sống và người chết. Chia xong, các gia đình cử người đến mang những thứ đuợc chia về và phân phát cho từng người như là lộc. Đến buổi chiều, các tu sĩ lại bắt đầu đọc kinh, cầu nguyện, chuẩn bị cho thủ tục quan trọng cuối cùng là đưa cây thánh ra ngoài vào sáng hôm sau. Không ai biết cây thánh có từ bao giờ. Chỉ biết được nó là vật truyền từ đời này sang đời khác. Người Chăm Bàni tin rằng lễ đưa cây thánh ra ngoài diễn ra trọn vẹn thì năm đó cả làng sẽ được phước lớn. Sáng ngày thứ 31, tại thánh đường, toàn thể chức sắc, tu sĩ và tín đồ trong cả làng làm lễ kết thúc tháng Ramuwan. Họ đọc kinh cầu an lành cho muôn người. Sau đó mọi người về lại gia đình mình mở đầu cho một năm mới sau tháng chay tịnh.
Lễ Rija Praung: là lễ múa lớn nhất, phức tạp nhất và cũng mang tính văn hóa nghệ thuật nhất của người Chăm. Lễ này chỉ diễn ra khi trong tộc họ có người bị bệnh tật. Đây là lễ trả nợ lời hứa cho bề trên (thần linh, tổ tiên) sau khi được phù hộ cho gia tộc yên vui, tai qua nạn khỏi. Lễ Rija Praung diễn ra 4 ngày 4 đêm hay 6 ngày 6 đêm gồm nhiều lễ thức khác nhau. Đầu tiên là lễ dựng nhà lễ bằng gỗ mới chặt trên rừng đem về. Tiếp theo, trong hai ngày hai đêm đầu, diễn ra lễ múa tôn chức vũ sư bên bàn tổ có những vật lễ tượng trưng cho đứa trẻ ra đời, lễ múa đón rước hai chiếc thuyền gỗ... Sang ngày thứ ba là lễ tiễn hai chiếc thuyền ra sông, có tục cúng để cống nạp (chỉ mang tính lễ nghi) hai đứa trẻ (thường là một bé trai và một bé gái khoảng 10 tuổi) cho đoàn thuyền. Trong lễ, hai nhóm đàn ông múa tranh nhau hai chiếc thuyền và hai đứa bé trong nhà lễ, bà vũ sư và thầy vỗ múa lắc lư hai chiếc thuyền. Sau đó, đoàn thuyền lễ được đem tiễn đi trên một dòng sông. Trong suốt cuộc lễ, ông chủ lễ hát từ mười đến mười hai bài tụng ca hay bài ca lịch sử khác nhau.Các nhạc công, vũ sư đệm nhạc và biểu diễn theo tinh thần nội dung bài hát. Bài tụng ca này tiếp nối bài tụng ca kia tạo nên nét phong phú đa dạng, xếp lớp lên nhau, đầy ắp nhịp cuồng vũ sôi nổi cảm xúc của các điệu nhạc, điệu múa. Trong lễ này, hai loại trống được dùng là trống Baranung và trống Ginang. Ngoài ra kèn Saranai cũng được dùng trong lễ này.
- Trống Baranung: là loại trống tròn, bịt da một mặt bằng da dê, thân trống bằng gỗ. Xung quanh thân trống có đục 12 lỗ, mỗi lỗ được giữ chặt bằng mỗi con nem và quấn dây mây xung quanh. Đây là bộ phận tăng giảm âm thanh và nốt nhạc của trống. Trống này được người Chăm xem là biểu trưng cho lồng ngực (tim, phổi, ngũ tạng), là biểu hiện cái tâm con người.
- Trống Ginang: là trống dài hình trụ. Thân trống thường làm bằng gỗ lim khoét rỗng bên trong. Hai mặt trống căng da. Mặt nhỏ căng da dê, mặt này người Chăm gọi là chang (mặt dương) vỗ bằng tay. Còn một mặt lớn căng da trâu, mặt này là mặt chính của trống mà người Chăm gọi là băm (mặt âm) và luôn đánh bằng dùi gỗ. Trống Ginang tượng trưng cho đôi chân con người.
- Kèn Saranai: đây là nhạc cụ thổi bằng hơi. Cấu trúc gồm 3 phần gắn liền nhau: phần chuôi (gali) làm bằng đồng, bên trong có gắn lưỡi gà bằng lá buông dùng để thổi; phần thân (rup) làm bằng gỗ đục rỗng 7 lỗ chính phía trên và 1 lỗ phụ ở phía dưới để điều khiển các nốt nhạc; và bộ thứ ba loa kèn làm bằng gỗ quí, sừng trâu, hoặc ngà voi, rỗng ruột và đây là phần phát âm thanh. Kèn Saranai có 5 nốt âm thanh tượng trưng cho 5 ngũ quan của con người. Theo quan niệm người Chăm về 3 loại nhạc cụ: trống Baranung, trống Ginang, kèn Saranai là tượng trưng cho con người và một vũ trụ thu nhỏ (trời, đất) hoàn chỉnh. Do vậy khi biểu diễn 3 nhạc cụ này không được tách rời nhau mà luôn hòa quyện với nhau, trong đó kèn Saranai là nhạc cụ chủ đạo. Ba nhạc cụ này đã tạo nên linh hồn cho lễ hội Chăm.