Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu

Chủ nhật - 21/02/2016 04:45

Tối ngày 20/2, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Can Lộc đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi hào Xuân Diệu (2/2/1916 - 2/2/2016).
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu

 

 

Tham dự lễ kỷ niệm về phía Trung ương có ông Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thượng tướng Võ Trọng Việt - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng tham dự buổi lễ.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, Bí thư Huyện ủy Can Lộc Võ Hồng Hải và đại diện các sở ban ngành, đại diên gia tộc họ Ngô làng Trảo Nha (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), các nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa cùng đông đảo bà con nhân dân. địa phương

Diễn văn khai mạc buổi lễ do Bí thư Huyện ủy Can Lộc Võ Hồng Hải trình bày ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của thi hào Xuân Diệu đối với nền thơ ca dân tộc, đặc biệt là đối với phong trào thơ mới. Những tác phẩm của ông đã thể hiện rõ tình yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên và tình yêu đôi lứa mãnh liệt. Ông để lại cho hậu thế một di sản văn chương đồ sộ với gần 50 đầu sách đủ các thể loại từ thơ, bút ký, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình văn học...

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ, mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp. Ông thuộc chi thứ 5 họ Ngô Trảo Nha.

Xuân Diệu lớn lên ở Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938–1940). Ông tốt nghiệp cử nhân Luật 1943 và làm Tham tá thương chánh ở Mỹ Tho một thời gian trước khi chuyển về ở Hà Nội.

Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiên Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" , "ông hoàng của thơ tình".

Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào "Thơ Mới". Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).

Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh. (Huy Cận, tháng 4 năm 2000)

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, đảng viên Việt Nam Dân chủ Đảng, sau tham gia Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.

Xuân Diệu tham gia ban chấp hành, nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một "dòng thơ công dân". Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn quốc kỳ(1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983).

Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.

Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.

Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).

Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội, và cũng được đặt cho một trường trung học phổ thông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và một trường THCS tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình có con đường mang tên Xuân Diệu ở phường Nam Lý. Nhà tưởng niệm và nhà thờ ông ở làng Trảo Nha, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ( Bên cạnh đường lên Ngã Ba Đồng Lộc).

 

Về tham dự lễ kỷ niệm các đại biểu và đông đảo bà con nhân dân đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, lắng đọng, với những ca khúc được phổ từ các tác phẩm thơ của thi sĩ, những ca khúc ca ngợi truyền thống lịch sử, văn hóa và đổi thay của quê hương Can Lộc, Hà Tĩnh và quê ngoại Tuy Phước - Bình Định.

 

 

(Tin tổng hợp)

 Từ khóa: Xuân Diệu, kỷ niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập199
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm198
  • Hôm nay40,955
  • Tháng hiện tại238,665
  • Tổng lượt truy cập48,416,555
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây