Dưới đây xin giới thiệu tùy bút của Ngô Xuân Bình, viết về chuyến thăm đất nước Lào tươi đẹp từ 27/4 đến 4/5/2019 của đoàn con cháu họ Ngô và anh chị em thân hữu
Mỗi chuyến đi đến miền đất mới đều để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc không thể nào quên về cảnh đẹp, đất nước và con người nơi ta đến. Đặc biệt chuyến đi du lịch thăm nước bạn Lào – Chăm pa, đất nước Triệu voi xinh đẹp cùng anh em dòng họ Ngô tộc Viêt Nam chia sẻ, có thêm những người bạn mới, người anh, người chị, các em những tình cảm sâu lặng.
Bác Trần Thành Ngữ nhiều tuổi nhất đoàn, cảm động nói với chúng tôi, trời se duyên cho chúng ta được gắn bó anh em như ruột thịt, yêu thương nhau và vui vẻ quên hết cả mệt mỏi và nhớ nhà. Bác đã đọc 4 câu thơ tâm đắc vừa sáng tác, tôi đã ghi lại: “Trời cho ta gặp nhau/ Chúc cho tình cảm trước sau mãi tròn/ Lịch sử còn có mốc son/ Anh em đoàn kết cháu con huy hoàng". Bác Ngô Gia Linh, con cháu dòng dõi họ Ngô sinh ra Ngô Tuấn – Thái úy Lý Thường Kiệt, công tác tại Trung đoàn 134 Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc làm nhiệm vu quốc tế tại Lào, nói với anh em họ Ngô chúng tôi: Năm ngoái đã tổ chức cho anh chị em họ Ngô và gia đình, bạn hữu đi thăm Lào, nay muốn tổ chức chuyến thăm Bắc Lào cho anh em trong dòng họ và bạn bè thân thiết đi du lịch. Nơi ấy anh đã gắn bó tuổi thanh xuân của mình chiến đấu vì tình anh em Việt – Lào và phong cảnh tuyệt đẹp, con người thân thiện. Tôi và anh Ngô Vi Tiết, Chủ tịch Hội đồng họ Ngô Hà Nội rất vui và ủng hộ bác Ngô Gia Linh. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người đã đăng ký đi như mệnh lệnh của người lính và trái tim mách bảo.
Ngày 27 tháng 4 năm 2019 đoàn tập trung lên đường, nhộn nhịp và háo hức chờ đón giờ xuất quân. Đúng 6 giờ xe đón tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, Anh chị em tay bắt mặt mừng gặp nhau như những người thân lâu ngày mới gặp lai. Đoàn có 39 anh chị em khi lên xe xuất phát, mọi người tự giới thiệu, chia sẻ và giao lưu kể cho nhau nghe những câu chuyện tâm tình, trong đoàn có 9 đôi vợ chồng, con cháu họ Ngô có 15 người. Bác Trần Thành Ngữ, người anh cả “được bầu làm Trưởng ban Văn nghệ”, chuyên lo phần tinh thần cho anh em, chị Ngô Loan “được bầu Trưởng ban Tổ chức” sắp xếp nhân sự tại các phòng, buồng nghỉ”, tôi và Họa sĩ Trương Công Tiến “được phân công phụ trách công tác tuyên truyền”. Xe cứ chạy bon bon, trên xe không khí văn nghệ, ca hát, đọc thơ và sáng tác những bài thơ mới, chia sẻ những thông tin về sức khỏe, về pháp luật của những chuyên gia như bác sĩ Ngô Vi Tiết, Luật sư Nguyễn Văn Nghi… thật vui tươi và bổ ích quên cả mệt mỏi và đường dài. Không khí vui vẻ, văn nghệ sôi nổi, tôi cảm giác đường như ngắn lại, chẳng mấy chốc đã đến huyện Tân Kỳ, buổi chiều tối nghỉ lại thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, Nghệ An bên bờ sông Lam trong xanh và thơ mộng. Các “phóng viên” không bỏ qua cơ hội hiếm hoi này, vì tận mắt được đắm mình với con sông ấy, con sông đã đi vào những áng thơ của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và những bài hát đi cùng năm tháng. Sông Lam thơ mộng bắt nguồn từ cao nguyên Xiêng Khoảng nước bạn Lào, phần sông nằm trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Chiều dài chính của con sông chảy qua Nghệ An, phần cuối sông Lam uốn lượn quanh co dưới chân núi Hồng Lĩnh tạo thành bức tranh thủy mặc hùng vĩ mà nên thơ, nó hợp lưu với sông La đổ ra biển tại Cửa Hội. “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ…” Câu ca ấy thay lời muốn nói tới vùng đất “Đia linh nhân kiệt” của dải đất miền Trung đầy nắng và gió.
Sáng 28 tháng 4 năm 2019 Đoàn tạm biệt Tương Dương đi Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, sau khi làm thủ tục xuất - nhập cảnh đoàn đi Phon Xa Vẳn tỉnh lỵ của tỉnh Xiêng Khoảng, người Lào thường gọi nơi đây là “Thành phố phía chân trời”. Xiêng Khoảng có địa thế đất đai bằng phẳng trên cao nguyên Xiêng Khoảng lớn nhất trong cả nước. Tỉnh Xiêng Khoảng có nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có 32 danh thắng tự nhiên và 13 di tích lịch sử. Trước khi đoàn đến Cánh đồng Chum, điểm du lịch nổi tiếng của Lào và thế giới, chúng tôi được bác Ngô Gia Linh mời ghé thăm gia đinh cụ Văn Khăm, cụ ông cụ bà năm nay đã trên 90 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng còn rất nhanh nhẹn. Đây là gia đình cơ sở thời kỳ chống Mỹ, bác Ngô Gia Linh đã được các cụ giúp đỡ trong công tác và chiến đấu tại nước bạn Lào. Lần đầu tiên được đến thăm các cụ, tuy tuổi đã cao và không còn minh mẫn nhưng các cụ đón tiếp chúng tôi như con cháu trong nhà và như những người con của mình mới đi xa về. Chia tay gia đình cụ Văn Khăm, chúng tôi đến thăm điểm du lịch nổi tiếng: Cánh đồng Chum đia danh nổi bật nhất, trên ô tô đoàn được vợ chồng bác Ngô Thế Phong – Phạm Thị Ninh, hai chuyên gia khảo cổ học đã nhiều năm nghiên cứu về Cánh đồng Chum, kể vắn tắt về địa danh kỳ bí có một không hai này trên thế giới. Những lời kể của các bác làm anh em chúng tôi nóng ruột, muốn xe đi thật nhanh để được chiêm ngưỡng cảnh đẹp và huyền bí này. Xe vừa đến nơi, anh em trong đoàn nhao xuống xe như những “phóng viên chuyên nghiệp”, tay trong tay máy ảnh, máy điện thoại hiện đại nhất cho đến những chiếc điện thoại tuy rất cổ nhưng cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ để đưa những tin nóng hổi nhất, nhanh nhất lên trang Facebook của mình và giới thiệu với bạn bè, anh em. Tôi quan sát các bác nhiều tuổi hơn thì rất điềm tĩnh như những chuyên gia khảo cổ học, chuẩn bị mũ nón, ô và những túi, ba lô, những dụng cụ đã chuẩn bị rất kỹ từ khi ở Hà Nội để phục vụ tốt nhất cho công tác của mình. Các thành viên trong đoàn còn nhớ kỹ những lời bác Ngô Gia Linh đã căn dặn: Khi mọi người đi thăm quan Cánh đồng Chum một địa danh kỳ bí nhưng cũng đầy nguy hiểm vì còn rất nhiều bom, mìn. Anh em phải chấp hành đúng nội quy và tránh đi quá xa vì nơi đây còn rất nhiều bom, mìn thời chiến tranh Mỹ đã gài và thả xuống nơi này. Cánh đồng Chum tọa lạc trên cao nguyên Mương Phuôn, của tỉnh Xiêng Khoảng, được phát hiện từ những năm đầu của thế kỷ 20, đây là địa điểm thu hút sự quan tâm của giới khoa học. Các nhà Khảo cổ cho rằng Cánh đồng Chum xuất hiện từ thời kỳ đồ sắt (500 năm trước Công nguyên – 500 năm sau Công nguyên), có khoảng 3000 chiếc chum, có chiều cao và to nhỏ khác nhau làm bằng đá, hầu hết các chum được làm bằng đá Sa thạch, nhưng cũng có chiếc được tạo nên từ đá hoa cương rất cứng và có chiếc làm bằng đá vôi. Một số chum được chạm khắc các hình người hay động vật hoặc những biểu tượng kỳ vĩ khác. Các nhà khảo cổ học kể rằng, người ta tìm thấy các tảng đá gần những chiếc chum và giả thuyết chúng là những chiếc nắp đậy chum, nhưng không biết lý do gì mà chúng bị bỏ đi, hiện chỉ còn một cái chum duy nhất có nắp đậy. Nghiên cứu của các nhà khảo cổ học cho thấy chum có ở nhiều địa điểm khác nhau, với niên đại từ 2000 năm đến 2500 năm. Chúng được tìm thấy ở nhiều nơi trong tỉnh, mỗi nơi có khoảng 300 chiếc. Cánh đồng Chum gần Phôn Xa Vẳn nhất là khu vực Đồng Chum 1, với diện tích 25 ha. Chiếc lớn nhất được tìm thấy nơi đây có kích thước 2,5 mét x 2,5 mét. Bác Phạm Thị Ninh, nhà khảo cổ học, chuyên gia nghiên cứu về Cánh đồng Chum cho chúng tôi biết: Đến nay chúng ta chưa có nhiều thông tin về những người đã tạc ra những chiếc chum khổng lồ này, mà bản thân chúng cũng không cung cấp nhiều hơn, gợi ý cho chúng ta về nguồn gốc và mục đích của chúng.
Về Truyền thuyết của người khổng lồ: Theo truyền thuyết của địa phương nơi đây, những chiếc chum được tạo ra bởi một cuộc đua tài của những người khổng lồ năm ấy, Vua của họ cần chúng để chứa rượu gạo, loại rượu này để khao quân trong bữa tiệc ăn mừng chiến thắng trong chiến tranh hàng nghìn năm về trước (chúng tôi nói vui với nhau vì thời kỳ ấy chưa có can, chai, dụng cụ mang nhiều loại rượu như đoàn chúng ta đi trên xe ô tô). Nếu bây giờ chúng ta “gặp được những người khổng lồ” này thì chẳng cần đến những nhà khảo cổ học như bác Ngô Thế Phong và bác Phạm Thị Ninh, vì chúng ta “được thấy họ đục đẽo và mang vác những chiếc chum to, lớn ấy ra cao nguyên này như hiện nay ta đục, ta tạc ra cái chum, vại thời nay”.
Các nhà khoa học cho rằng những chiếc chum khổng lồ được sử dụng để dự trữ nước mưa vào mùa mưa thì các nhà khảo cổ học lại có ý kiến khác cho rằng, những chiếc chum được sử dụng để đựng hài cốt của những người đã về thế giới bên kia, họ đặt xác người chết vào chum, chờ cho thời gian phân hủy mới mang xương đi hỏa tang chôn ở dưới đất. Đây cũng trùng hợp với tục lệ phổ biến tại hai nước Thái Lan và Lào.
Chính nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá, nhiều điều kỳ bí nên các nhà khảo cổ đã tính toán rằng cần phải qua nhiều thời gian, nhiều thế kỷ mới có thể tạo ra được hàng nghìn chiếc chum như ở Cánh đồng Chum này. Thật là huyền bí và chứa biết bao điều bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Đoàn chúng tôi gác lại công việc “nghiên cứu khảo cổ” những chiếc chum to, lớn của người khổng lồ để tiếp tục cuộc hành trình khám phá đất nước triệu voi – Chăm pa tươi đẹp.
Ngày 29 tháng 4 năm 2019 đoàn từ Phôn xa vẳn đi Luông Pha Băng cố đô xinh đẹp của Lào, Di sản văn hóa thế giới năm 1995. Luông Pha Băng cách thủ đô Viên Chăn 390 km về phía Bắc, nằm bên cạnh sông Mê Công. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Luông Pha Băng vẫn giữ nguyên vẹn nét cổ kính và yên bình. Đoàn đi chặng đường dài khi đặt chân đến cố đô xinh đẹp, được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ kính, những góc phố xinh đẹp, những mái nhà uốn cong nhấp nhô bên bờ sông Mê Công hiền hòa và êm ả làm chúng tôi quên đi mệt mỏi. Quy định của chính quyền thành phố Luông Pha Băng - cố đô xinh đẹp du khách không được đi xe lớn, nên chúng tôi được Ban tổ chức bố trí ba xe 16 chỗ đi thăm quan, đoàn đến thăm chùa Xiêng Thoong, là ngôi chùa với nét kiến trúc độc đáo và đẹp lung linh mang nét riêng có của kiến trúc Lào với mái cong lượn buông xuống gần mặt đất, xung quanh ngôi chùa là những miếu nhỏ. Bên trong chùa là những bức phù điêu được dát vàng đẹp và lộng lẫy, tôn nghiêm, sau đó đoàn thăm Bảo tàng Hoàng cung, viếng thăm động Pạc Ou bên bờ sông Mê Công. Buổi chiều bác Ngô Gia Linh thông báo anh em được đi thăm, tắm và chiêm ngưỡng thác Kuang Si ngọn thác đẹp nhất và lẵng mạn ở Luông Pha Băng. Anh em được đắm mình dưới làn nước trong xanh và mát rượi, các “phóng viên” thi nhau chụp ảnh cho anh em, thật hạnh phúc cho những đôi vợ chồng, người chồng luôn kề kề bên người mẫu của mình để chụp ảnh. Còn các “nhà sinh vật học cô đơn” thì tranh thủ đi chụp, đi tìm những nét đẹp của thiên nhiên, khám phá hệ động thực vật phong phú và muôn vẻ, đồng thời cũng không quên săn lùng những mẫu nam thanh nữ tú của nhiều quốc gia đến đắm mình bên dòng suối. Buổi tối bác Ngô Gia Linh, Trưởng đoàn tổ chức cho anh em dự giao lưu văn hóa văn nghệ tại điểm giao lưu văn hóa của cố đô Luông Pha Băng. Chị Phạm Thị Chiên, cây văn nghệ của đoàn cùng ca sĩ người Lào cất lên những bài ca đi cùng năm tháng, hát về tình yêu đôi lứa và đất nước Lào tươi đẹp. Cả khán phòng như bừng tỉnh, không ai bảo ai các bác, các anh chị lên múa điệu Lăm vông và hát Lăm tơi… các “phóng viên” thi nhau chụp ảnh ghi lại những khoảng khắc, những điệu nhảy của anh em trong đoàn như những nghệ sĩ thực thụ… Một đêm giao lưu, thưởng thức văn hóa, văn nghệ đặc sắc với các bạn người Lào tại cố đô Luông Pha Băng đã khép lại. Anh em không quên thưởng thức văn hóa ẩm thực của Lào, là tín đồ ăn uống chúng tôi vào thăm Chợ đêm thật choáng ngợp trước hàng trăm quầy ăn uống đủ các món… Một điều làm chúng tôi ngỡ ngàng là chợ đêm của nước bạn Lào nhưng ở đâu cũng rất sạch sẽ, ý thức tự giác của mọi người rất cao, bỏ rác đúng nơi quy định.
Ngày 01 tháng 5 năm 2019 đoàn rời Luông Pha Băng về thủ đô Viên Chăn, chặng đường dài 390 km, đi từ 6 giờ sáng đến chiều đoàn mới đến Viên Chăn và nghỉ tại khách sạn Chaleunxay giữa trung tâm thủ đô Viên Chăn xinh đẹp. Viên Chăn có lịch sử lâu dài, dân cư tập trung vì sự sinh sôi, mầu mỡ của vùng đồng bằng phù sa trù phú. Vào khoảng giữa thế kỷ 16 Viên Chăn trở thành thủ đô xinh đẹp, là nơi có tượng đài That Luẩng, hay còn gọi là Tháp lớn, là biểu tượng của Lào đồng thời cũng chính là biểu tượng của Phật giáo Lào. Buổi sáng đoàn làm thủ tục sang thăm quan tỉnh Nong Khai của Thái Lan, thăm vườn Phật Sala Keo ku, đi Siêu thị Big C của Thái Lan. Khi đoàn về đến thủ đô Viên Chăn, thời tiết quá nắng nóng nên anh em không có điều kiện đi thăm quan nhiều nơi, chỉ lướt qua các phố và danh lam thắng cảnh. Buổi chiều khi hoàng hôn xuống, các “phóng viên” lại tất bật chuẩn bị máy ảnh, điện thoại và các phương tiện hiện đại nhất hiện mang theo để tác nghiệp cho “người mẫu”, cho “đối tác” của mình, chụp những cảnh đẹp của thành phố, thăm quan, chụp ảnh tượng đài chiến thắng Patuxay (ví như Khải hoàn môn của thủ đô Paris của nước Pháp), Thạt Luông, vườn Phật, chùa Sỉ Mương…
Ngày 3 tháng 5 năm 2019 đoàn lên đường về nước qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nơi đây có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là một trong những khu kinh tế cửa khẩu được Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển. Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trên quốc lộ 8, thuộc địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây thông thương sang cửa khẩu quốc tế Nam Phao, huyện Khamkheuth, tỉnh Bolikhamxai. Sau khi về đến Việt Nam, đoàn về khách sạn Media thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An nghỉ.
Ngày 4 tháng 5 năm 2019 sau khi ăn sáng đoàn lên xe về Hà Nội, buổi trưa anh em nghỉ ăn trưa tại Ninh Bình sau đó lên đường về Hà Nội. kết thúc chuyến thăm quan du lịch trên đất nước Chăm Pa – đất nước Triệu voi xinh đẹp. Bác Ngô Gia Linh, trưởng đoàn thay mặt anh chị em cảm ơn Công ty vận tải du lịch Đông Dương, các đơn vị phối thuộc tạo điều kiện giúp đoàn có chuyến du lịch vui khỏe, thu nhiều thành công, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Sau chuyến đi anh em tiếp tục thông tin và chia sẻ gặp gỡ nhau, mong rằng “Nhóm Lào” của chúng ta sẽ còn tiếp tục sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ để lại có những chuyến đi du lịch mới gắn bó, đoàn kết./.