Ngày nay trong phục hồi và phát triển lễ hội do chưa nắm được ý nghĩa thiêng liêng, đặc biệt là cách diễn đạt theo cách biểu trưng của người xưa, nên lễ hội đang bị trần tục hoá tức là nó không còn giữ được tính thiêng tính thăng hoa và ngôn ngữ biểu tượng của lễ hội và như vậy lễ hội không còn là lễ hội đích thực nữa.
Trong những năm gần đây lễ hội ở nước ta phát triển nhanh chóng về số lượng, quy mô cũng như tính phức tạp. Ước tính một năm ở Việt Nam có trên 8.500 lễ hội được tổ chức góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhưng ở nhiều lễ hội vẫn còn tồn tại những hiện tượng phản cảm, phản văn hóa, đồng thời cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh cách nhìn nhận vai trò, vị trí và cách quản lý lễ hội. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải tìm hiểu, nghiên cứu một cách có hệ thống về nguồn gốc, bản chất của lễ hội và quá trình vận động, phát triển của nó trong thời kỳ toàn cầu hóa với những mối quan hệ đa chiều phức tạp. Từ đó có thể góp phần định hướng cho lễ hội phát triển theo hướng nhân văn, khoa học để phù hợp với thời đại ngày nay.
Khái niệm lễ hội
Lễ hội là hoạt động mang tính xã hội cao hội tụ tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể của con người. Chủ thể quản lý lễ hội là nhà nước kết hợp với sự điều hành trực tiếp của chính quyền sở tại. Thông qua hoạt động lễ hội mà tinh thần yêu nước, tinh thần thượng võ cũng như tính cố kết cộng đồng được đề cao. Lễ hội nào cũng hướng tới sự giáo dục con người về đạo đức, lối sống và cách ứng xử nhân văn. Trong không gian lễ hội luôn có sự song song tồn tại và đan xen giữa những định chế của làng, xã với luật pháp của triều đình trung ương đồng thời chúng ta cũng có thể nhận thấy mối liên hệ và sự tương phản của những quan niệm, thiết chế khắt khe ở trung tâm linh thiêng với sự tự do, phóng khoáng của cá nhân ở khu vực xung quanh đến mức có thể vượt qua mọi lễ giáo của chế độ phong kiến để vươn tới những khát vọng của mình ở những trò vui chơi trong lễ hội mà ngày thường họ không thể vượt qua.
Giá trị của lễ hội
Lễ hội thể hiện ước nguyện thâm sâu trong con người
Sự tiến bộ của văn minh kỹ thuật không hề loại trừ sự mê tín mà ngược lại. Ngay cả các quốc gia phương Tây thì những điều mê tín dị đoan vẫn tràn ngập chứ không phải không có.Văn minh vật chất chỉ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của con người muốn được sống tốt hơn, tiện nghi hơn, nhanh hơn chứ không giải quyết được các nhu cầu thâm sâu khác liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Lễ hội được sinh ra để tạo sự gắn kết trong cộng đồng, gắn kết với con người với thần linh và các lực lượng siêu nhiên trên đời này. Cho nên lễ hội là dịp rất quan trọng trong xã hội truyền thống vì nó cung cấp cho con người một thế giới quan, nhân sinh quan, điều giúp họ cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa. Thậm chí có những lễ hội đảo ngược tầng lớp, người nghèo có quyền la hét chế giễu người giàu. Như lễ hội nõ nường ở Phú Thọ nhấn mạnh vai trò quan trọng của quan hệ tình dục vì đó là nguồn gốc tạo ra sự sống. Lễ hội thể hiện ước nguyện thâm sâu nhất trong con người mình. Trong khi đó văn minh vật chất thì đàn áp điều đó và cho đó là điều vô lý.
Lễ hội phản ánh trăn trở trong xã hội
Những lời kết án mang tính đạo đức chưa chắc đã đúng. Xã hội như thế nào thì sẽ phản ánh trong lễ hội như thế đó. Một số người giàu lên bất thường thì người khác sẽ bắt đầu tin rằng với sự trợ giúp của thần linh họ cũng sẽ trở thành giàu có giống như vậy. Người dân sẽ nghĩ những kẻ đó có sự trợ giúp của thần linh và cho rằng họ chỉ may mắn thôi. Vậy thì hãy cầu mong sự may mắn chứ đừng cầu mong tài năng. Còn nếu trong xã hội mà cơ hội phát triển được dành cho những người có năng lực thì chuyện đó sẽ giảm xuống. Ném tiền vào Phật bắt Phật phải phù hộ cho mình thể hiện mong muốn rằng mình sẽ thành công bất chấp mình là ai, bất chấp việc mình thực hiện hành vi như thế nào. Lễ hội phản ánh những trăn trở đang diễn ra trong xã hội cũng như phản ánh quan điểm của người dân với xã hội rằng họ không thể thành đạt chỉ với tài năng mà phải nhờ vào một sức mạnh siêu nhiên nào đó. Người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung không tin rằng có tài là sẽ thành công. Quan điểm chung là âm phù dương trợ thần linh hay thần tài sẽ phù hộ cho mình.
Giá trị cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng
Lễ hội luôn thuộc về một cộng đồng người nhất định, đó có thể là cộng đồng làng xã hay cộng đồng nghề nghiệp hoặc cộng đồng tôn giáo, có thể thấy chính lễ hội là dịp biểu dương sức mạnh của cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự liên kết cộng đồng. Mỗi cộng đồng hình thành và tồn tại trên cơ sở của những nền tảng gắn kết như gắn kết do cùng cư trú trên một lãnh thổ hay gắn kết bởi nhu cầu sự đồng cảm trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá … Lễ hội là môi trường góp phần quan trọng tạo nên niềm cộng mệnh và cộng cảm của sức mạnh cộng đồng. Ngày nay trong điều kiện xã hội hiện đại con người càng ngày càng khẳng định cái cá nhân, cá tính của mình nhưng không vì thế mà cộng đồng bị phá vỡ mà nó chỉ biến đổi các sắc thái phạm vi và con người vẫn phải nương tựa vào cộng đồng. Trong điều kiện như vậy lễ hội vẫn giữ nguyên giá trị biểu tượng của sức mạnh cộng đồng và tạo nên sự cố kêt cộng đồng ấy.
Giá trị cân bằng đời sống tâm linh
Bên cạnh đời sống vật chất, đời sống tinh thần thì tư tưởng còn hiện hữu đời sống tâm linh. Đó là đời sống của con người hướng về cái cao cả thiêng liêng chân thiện mỹ cái mà con người ngưỡng mộ, ước vọng, tôn thờ, trong đó có niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Như vậy tôn giáo tín ngưỡng thuộc về đời sống tâm linh tuy nhiên không phải tất cả đời sống tâm linh đều là tôn giáo tín ngưỡng. Có thể thấy chính các nghi lễ, lễ hội đã góp phần làm thoả mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người.
Giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá cộng đồng của nhân dân ở nông thôn cũng như ở đô thị. Trong các lễ hội đó nhân dân tự đứng ra tổ chức, chi phí, sáng tạo và tái hiện các sinh hoạt văn hoá cộng đồng và hưởng thụ các giá trị văn hoá và tâm linh do vậy mà lễ hội bao giờ cũng thấm đượm tinh thần dân chủ và nhân bản sâu sắc. Đặc biệt trong thời điểm mạnh của lễ hội khi mà tất cả mọi người chan hoà trong không khí thiêng liêng hứng khởi thì các cách biệt xã hội giữa cá nhân ngày thường dường như được xoá nhoà, con người cùng sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá của mình. Điều này có phần nào đối lập với đời sống thường nhật của những xã hội phát triển khi mà phân công lao động xã hội đã được chuyên môn hoá, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của con người đã phần nào tách biệt.
Lễ hội xưa có phù hợp với xã hội ngày nay?
Trải qua nhiều thăng trầm của quá trình dựng nước và giữ nước dù có những thời kỳ bị đô hộ, nô dịch thậm chí là cưỡng bức văn hóa thì dân tộc Việt Nam vẫn giữ vững được khí tiết bản lĩnh văn hóa quan trọng để khẳng định bản sắc riêng, trong đó có phong tục tập quán, lễ nghi riêng của dân tộc. Những phong tục nghi lễ Việt Nam đã góp phần tạo nên cốt cách con người Việt Nam tinh thần tương thân, tương ái, gắn kết cộng đồng, tinh thần nhân văn, trượng nghĩa, uống nước nhớ nguồn… Tuy nhiên bên cạnh những nét đẹp truyền thống thì những giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa cũng có những tính cách đặc trưng nhưng những nghi thức, nghi lễ cho đến nay đã lỗi thời không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển và đã trở thành những hủ tục, những hành vi mông muội phi văn hóa làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước, hình ảnh con người Việt Nam trong thế giới hội nhập hiện nay. Không phải trong thế giới hiện nay vấn đề này mới xuất hiện mà nó đã có cách đây hơn nửa thế kỷ. Phong tục Việt Nam không bao giờ như thời kỳ gần đây đã chịu rất nhiều biến đổi cùng với những đổi thay của thời cuộc. Có nhiều thuần phong mỹ tục không còn nữa hay có nhiều tục quá phiền phức rườm rà đã được giản dị hóa nhưng cũng vẫn còn nhiều tục mà mọi tầng lớp đều cố duy trì trước mọi sự thay đổi của đất nước lẽ tất nhiên đấy không phải là những tục dở.
Vẫn còn những tồn tại làm mất đi nét đẹp lễ hội
Đến với không gian văn hóa lễ hội không phải tất cả đều có chung một tâm thế tham gia lễ hội nghiêm túc, giữ gìn chuẩn mực tất cả những giá trị tốt đẹp của lễ hội để tìm kiếm sự thư thái, bình yên, thanh thản trong tâm hồn hoặc chí ít là làm cho vơi đi phiền muộn, những trăn trở, lo toan trong cuộc sống… để sau lễ hội sẽ có những nguồn cảm xúc mới tích cực, những cảm hứng mới để bắt đầu một giai đoạn chuyển tiếp với những niềm hy vọng và thành công mới. Trong các lễ hội có thể thấy với số lượng người tham gia rất đông các tầng lớp, các đối tượng khác nhau. Bên cạnh những người là doanh nhân, công nhân, nông dân, du khách… thì vẫn còn có khá nhiều các đối tượng khác tham gia lễ hội với mục đích nhằm tìm kiếm những cơ hội trục lợi cho bản thân như buôn bán vật phẩm, lừa đảo, trộm cắp, cướp giật… Những nhân tố này đã phần nào làm mất đi nét đẹp truyền thống của lễ hội.
Cần phục hồi và phát huy lễ hội để phù hợp với xã hội ngày nay
Xã hội hiện đại với nhịp sống công nghiệp thì các hoạt động của con người dường như được chương trình hoá theo nhịp hoạt động của máy móc, căng thẳng và đơn điệu, ồn ào nhưng vẫn cảm thấy cô đơn. Một đời sống như vậy tuy có đầy đủ về vật chất nhưng vẫn khô cứng về đời sống tinh thần và tâm linh, một đời sống chỉ có dồn nén, trật tự mà thiếu sự cởi mở, xô bồ… Tất cả những cái đó đã làm hạn chế khả năng hoà đồng của con người, làm mất đi những khả năng sáng tạo văn hoá mang tính đại chúng. Văn hoá nói chung cũng như lễ hội nói riêng bản chất của nó là đa dạng. Cùng là lễ hội nhưng mỗi vùng miền, thậm chí mỗi làng có nét riêng. Như vậy mỗi lễ hội đều có cốt cách, sắc thái riêng, cuốn hút khách thập phương đến với lễ hội làng mình. Tuy nhiên ngày nay lễ hội đang đứng trước nguy cơ nhất thể hoá, đơn điệu hoá, hội làng nào vùng nào cũng na ná như nhau làm mai một đi tính đa dạng của lễ hội, làm cho du khách sau một vài lần dự hội thì cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa. Ngày nay trong phục hồi và phát triển lễ hội do chưa nắm được ý nghĩa thiêng liêng, đặc biệt là cách diễn đạt theo cách biểu trưng của người xưa, nên lễ hội đang bị trần tục hoá tức là nó không còn giữ được tính thiêng tính thăng hoa và ngôn ngữ biểu tượng của lễ hội và như vậy lễ hội không còn là lễ hội đích thực nữa. Trong việc phục hồi và phát huy lễ hội hiện nay dưới danh nghĩa là đổi mới lễ hội gắn lễ hội với giáo dục truyền thống và ở những mức độ khác nhau đang diễn ra xu hướng quan phương hoá, áp đặt một số mô hình định sẵn đã phần nào làm cho tính chủ động, sáng tạo của người dân bị suy giảm thậm chí họ còn bị gạt ra ngoài sinh hoạt văn hoá mà vốn xưa là của họ. Chính xu hướng này khiến cho lễ hội mang nặng tính hình thức, phô trương, giả tạo mà hệ quả là vừa tác động tiêu cực tới chủ thể văn hoá vừa khiến cho du khách hiểu sai lệch về nền văn hoá dân tộc.
Tâm linh, tín ngưỡng là một nhu cầu không thể thiếu của nhân dân và lễ hội là môi trường văn hóa để con người có thể thỏa mãn những khát vọng của mình. Trong không gian lễ hội luôn có sự đan xen giữa quá khứ với hiện tại, thực với ảo, tiến bộ với lạc hậu do đó chúng ta cần ứng xử với lễ hội một cách thận trọng. Ứng xử dựa trên sự hiểu biết khoa học sâu sắc và không nên có tâm lý nóng vội rồi triển khai nhiệm vụ một cách qua loa đối phó với dư luận trong một thời gian ngắn. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn lễ hội nước ta sẽ phát triển theo hướng tích cực và nhanh chóng loại bỏ được tất cả những gì là phản cảm, phản văn hóa.